Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết học tuổi trẻ] Tuổi Trẻ Này Đáng Giá Bao Nhiêu?

Ai rồi cũng phải trải qua sinh – lão – bệnh – tử và người ta gọi đó là quy luật của cuộc sống. Và người ta có nói rằng sau khi đã trải qua những thăng trầm và ngồi nghĩ lại thì thấy quang thời gian tuổi trẻ là quãng thời gian cho ta nhiều thứ nhất: Về những lần vấp ngã, về những lần khóc trong bóng tối nhưng phải cố để người bên cạnh không nghe thấy, để rồi sau tất cả là những điều mà sau khoảng thời gian đó nghĩ lại thấy mình là người may mắn vì đã được tuổi trẻ ban tặng như món quà giúp bản thân trưởng thành hơn.

Nhà là nơi duy nhất để trở về

Tôi năm nay 20 tuổi, đang là sinh viên năm ba của trường đại học ở Hà Nội và tôi tự cho mình cho là người may mắn trong những người may mắn trong chủ đề gia đình. May mắn của tôi có nghĩa là được sinh ra và lớn lên trong vòng tay của bố mẹ, và hơn hết tôi là đứa con đầu tiên nên có phần nào đó tôi đã được bố mẹ chăm sóc, nhận được ưu ái nhiều hơn so với em trai kém tối 6 tuổi.

Năm 15 tuổi được xem là bước ngoặc lớn nhất của cuộc đời, nếu như năm đó tôi đỗ vào trường chuyên của tỉnh thì có lẽ việc xa gia đình sẽ sớm hơn nhưng nó đã được hoãn lại cho đến năm tôi 18 bởi năm đó tôi thi trượt trường chuyên. Năm 18 tuổi là bước chuyển mình, cũng được xem là quãng thời gian mà tôi luôn háo hức chờ đời được bước ra khỏi vòng tay của bố mẹ, thoái mái vùng vẫy ngoài đại dương rộng lớn kia.

Bắt đầu những ngày đầu tiên tại môi trường mới với bao điều mới lạ và trong tâm trí của tuổi 18 biết bao nhiêu sắc màu được vẽ ra, và màu được vẽ nhiều nhất có lẽ chính là sắc hồng. Nhưng đấy chỉ là tưởng tưởng của đêm trước khi xa rời bố mẹ, xa rời cái nơi mà 18 năm qua tôi vẫn đi về sớm tối. Ngay trong đêm đầu tiên ở thủ đô cổ kính ấy, nỗi nhớ nhà dần ập đến. Nhiều người không tin bởi trước đó tôi vẫn luôn háo hức, vẫn luôn chờ đợi cái ngày này cơ mà, tôi vẫn còn nhớ lời mà mẹ tôi nhắc đi nhắc lại trong những ngày tôi chuẩn bị nhập trường đó là: “Sắp được đi Hà Nội rồi nhá, tha hồ mà chơi, nhưng mà để mà xem có mà suốt ngày nhớ mẹ”. Lúc ấy tôi chỉ chẹp miệng cho qua và nghĩ sẽ không bao giờ có chuyện đó đâu, là ai chứ chắc không phải tôi vì lúc ấy tôi còn đang rong ruổi trong những mơ tưởng về thế giới rộng lớn ngoài kia.

Để rồi những điều mà mẹ nói với tôi những ngày hôm đó bỗng dưng ùa về trong cái đêm đầu tiên ấy. Có lẽ cũng bởi một phần đây là lần đầu tiên tôi ở một nơi xa lạ không có một người thân, và có lẽ tại không gian gần như trống trải của căn phòng ký túc của trường khiến tôi cảm thấy lòng như nặng trĩu hơn. Bỗng nhiên chuông điện thoại reo lên, điện thoại bật sáng, dòng chữ “Mẹ yêu đang gọi”, tôi liền nhấn nút trả lời và giọng mẹ vang lên trong điện thoại ấy. Lúc ấy tôi chỉ muốn khóc thật to, thật to và nói với mẹ rằng: “Con nhớ mẹ lắm! Con chỉ muốn về nhà ngay thôi”. Nhưng cổ họng như nghẹn lại không thể cất lên được những điều đó, những lời dặn dò của mẹ chỉ khiến mắt tôi chỉ muốn nhòe đi, giọng phải cố tỏ ra bình thường để mẹ không lo lắng nhưng sao cổ họng cứ đắng lại, đắng lại khiến tôi cảm thấy bất lực vô cùng. Tiếp tục những ngày sau đó là nỗi nhớ nhà hiển hiện rõ nét trong đầu của một cô bé 18 tuổi, nhớ những lúc này ở nhà tôi đang làm gì và gia đình đang làm gì. Chưa bao giờ thời gian một tuần lại khiến tôi cảm thấy dài đằng đẵng như vậy, nó giống như cả thập kỷ trôi qua chỉ mong sao cuối tuần nhanh thật nhanh đến để tôi được trở về nhà với nới mà tôi đã gắn bó 18 năm qua.

Đã sau 3 năm sống tại nơi này để nói là quen thì đã quen nhưng trong sâu thẳm vẫn là sự trống vắng của những điều đã quen thuộc với mình 18 năm qua. Mỗi lần về nhà bạn bè hay những người hàng xóm thường bông đùa với tôi rằng: Ơ lại về à? Tôi chỉ cười trừ bởi trong sâu thẳm về nhà với tôi giờ đây như một thói quen khó bỏ vậy, về nhà đôi khi chỉ la cùng nhau ăn bữa cơm, để nghe mẹ cằn nhằn mỗi khi tôi làm sai gì đó, về để được ngắm nhìn cảnh vật và về để được trông thấy bố mẹ vẫn luôn như vậy. 3 năm qua tôi cố gắng đi thật nhiều nơi đáp ứng ước mơ được đi đây đi đó của chính mình nhưng rồi sau mỗi chuyến đi tôi vẫn muốn trở về nhà, về nơi mà tôi đã quen, về nơi mà ở đó: có bố, có mẹ, có cả những người tôi yêu quý nhất luôn sẵn sàng chờ đợi tôi, luôn dang rộng vòng tay để chờ tôi về nhà.

Sự bạc bẽo của tình người, cách cư xử con người với con người

Tiêu đề có phần hơi tiêu cực nhưng đối với chính tôi đó là món quà mà tuổi trẻ này đã mang lại cho tôi và tôi xem nó là điều may mắn, may mắn để tôi được chứng kiến để hiểu mình phải thay đổi, chỉ khi mình thay đổi mới làm mọi thứ đổi khác.

Bạn đã bao giờ phải chứng kiến cảnh chính những người thân trong cùng một gia đình chỉ vì khoản tiền bồi thường mà tranh giành nhau để rồi mất đi tình cảm anh em ruột thịt mấy chục năm từ xưa đến nay. Nhiều người cho rằng đó chỉ là chuyện xảy ra trên phim, đặc biệt là những phim dài tập của Hàn Quốc mà thôi. Nhưng tôi lại được chứng kiến nó từ đầu đến cuối ngay trong chính gia đình của chính mình trước những người được xem là họ hàng gần gũi.

Tôi không muốn kể lại bởi với cái tâm hồn mười mấy lúc đó của tôi, tôi không nghĩ tôi có thể ngồi đây bây giờ nhớ lại và viết lại những điều tôi cho là khủng khiếp ấy. Với tôi ở thời điểm đó tôi chỉ nghĩ đời thật bất công sao lại để tôi phải chứng kiến những cảnh của anh em ruột thịt giành nhau chút tiền bồi thường để rồi sau này khi nhìn thấy nhau chỉ dám cúi đầu, lẳng lặng bước qua nhau không dám cất tiếng hỏi han nhau như xưa nữa. Sau này khi tôi đã 19, 20 tuổi, ngồi ngẫm lại tôi thấy tình cảm sao giờ đây lại dễ thay đổi vì vật chất rẻ tiền kia đến thế, nhưng có lẽ đây là món quà mà tuổi trẻ thử thách chính bản thân tôi, giúp tôi phải luôn tự nhủ bản thân phải luôn trân trọng những tình cảm xung quanh, đặc biệt là tình thân.

Tình thân đã vậy thì những người xa lạ sẽ như thế nào. Tôi lớn lên trong thời đại của sự bùng nổ thông tin truyền thông, mọi thứ được kết nối với nhau, người ta quen nhau, yêu nhau qua cái gọi là Internet một cách nhanh chóng và mau lẹ. Tôi cho đó là sự phát triển tất yếu của tạo hóa nhưng tôi – một người có thiên hướng hoài niệm, hướng nội nên dù tôi có cập nhật đầy đủ những công nghệ đó thì tôi vẫn muốn lưu lại những thứ được gọi là xưa cũ, ví như những câu nói yêu thương được nói trực tiếp, những bó hoa không cần quá cầu kỳ nhưng chứa đầy yêu thương hay chỉ cần câu nói: “Anh yêu em” được thì thầm khe khẽ vào bên tai.

Nhưng rồi sự phát triển ấy khiến tôi phải chứng kiến những cách cư xử bạc bẽo giữa người với người với nhau. Tôi được đọc câu chuyện mà một người anh tôi quen viết lên trên facebook nói về sự thờ ơ của những người qua đường, họ thấy người bị tai nạn đang nằm trên nền đường lạnh lẽo đó, việc đầu tiên là phải chụp hình up lên facebook cái đã, tiếp đến vít ga và phóng vụt đi như chẳng có chuyện gì. Tôi thấy trong dòng trạng thái đó được up lên cùng với sự phẫn nộ từ chính người nhà của người bị nạn, họ thấy cuộc đời sao bất công đến thế khi người bị tai nạn nằm kia đã sống cuộc đời tóm gọn bằng hai tử tế vậy mà khi chẳng may gặp nạn, cái họ nhận được chỉ là những hành động vô tình của những người cùng tổ tiên với chính mình.

Đây không phải câu chuyện duy nhất mà tôi được chứng kiến vì hình như giờ đây nó đang lây lan và trở thành “căn bệnh” mà thuốc chữa duy nhất chính là bản thân của mỗi con người. Tôi tự giật mình bởi hình như đã có lúc mình đã có sự vô cảm và bạc bẽo đó để rồi giờ đây tôi luôn dặn lòng mình cần phải tự điều chỉnh bản thân, chỉ có chính mình làm được mới có quyền được phán xét người khác. Làm những điều nhỏ mới mong làm thay đổi những điều xung quanh với phạm vi rộng lớn.

Bạc bẽo hay không, vô tình hay không có lẽ phải do chính bản thân mình tự suy nghĩ. Tôi phả cảm ơn tuổi trẻ vì đã cho tôi được chứng kiến những góc khuất trong thứ gọi bền chặt nhất trên thế gian này chính là tình cảm. Nhưng rồi chính tuổi trẻ lại cho tôi cơ hội được chứng kiến những điều tuyệt vời nhất của tình cảm giúp tôi nhận ra xã hội này đâu đó vẫn còn những điều giúp ta sống lương thiện hơn và xã hội là một thứ hỗn tạp, một vấn đề không thể chỉ có một mặt, hãy làm sao để mặt tốt được phát huy và chiếm đa số, đừng bao giờ mong rằng có thể bài trừ hết những điều xấu, điều không tốt đó. Vì sao ư? Vì nếu làm như vậy đã không hình thành nên xã hội này!

Tuổi trẻ là sự trải nghiệm

Tôi đang 20, đã và đang tiếp tục hành trình của tuổi trẻ. Hành trình ấy không quá dài nhưng luôn chứa đựng những điều bất ngờ giúp ta trưởng thành hơn, để sau này khi đã “chín” ngắm nhìn lại mọi thứ đã qua sẽ thấy tuổi trẻ này của chính mình đáng giá.

Trở lại một chút về con đường học tập của chính mình ở tuổi 20. Tôi tự cho mình là người may mắn khi lựa chọn con đường này, đương nhiên những con đường khác vẫn sẽ đem lại cho chúng ta những trải nghiệm khác nhau. Mỗi lần ra ngoài để làm bài tập mà chúng tôi vẫn thường gọi đó là đi tác nghiệp, mỗi lần như vậy là mỗi lần được trải nghiệm cuộc sống, được tiếp xúc với những con người khác nhau với những câu chuyện của riêng mình. Mỗi lần như vậy, tôi như hiểu hơn về những điều đang diễn ra trong cuộc sống, chính những thứ như vậy khiến suy nghĩ của tôi cũng ngày một trưởng thành hơn, không còn sốc nổi, bồng bột nữa thay vào đó là sự “chín” hơn trong suy nghĩ và hành động của mình, và mỗi lần như vậy tôi luôn nói với bản thân: “Mỗi lần đi làm như vậy giống như đời đang “tự vả” vào chính bản thân mình vậy, một cái tát đau mới giúp ta tỉnh ngộ được nhiều điều ngu muội”. Sau mỗi lần như thế khi nhìn sự việc nào đó tôi không còn qua viển vông bởi về những màu hồng luôn có sức hút nữa mà thay vào đó là nhiều gam màu khác của cuộc sống, đan xen lẫn lộn nhưng dù có là như thế thì vẫn có phần nhiều của hy vọng của sự thành công và tươi sáng.

Tháng ngày tuổi trẻ tiếp theo sẽ là những tháng ngày của học tập bởi có người nói với tôi rằng khi còn trẻ hãy học thật nhiều thứ, học những điều mà mình cho là thích, mình cho là cần thiết. Học với tuổi trẻ là điều cần thiết, nếu như bạn bỏ ra công sức ở tuổi trẻ này bao nhiêu thì khi về nhà bạn sẽ nhận được những những quả ngọt tương ứng. Đọc những cuốn sách xung quanh là một trong những điều cần thiết và không bao giờ là quá muộn bởi sách là kho tàng tri thức khổng lồ, tôi đã từng có suy nghĩ lười đọc sách và thay vào đó là đọc những cuốn sách được đăng tải trên mạng cho nhanh chóng và thuận tiện nhưng rồi chỉ được một lúc thay vào đó là hàng giờ online mạng xã hội và để lại một khoảng trống về kiến thức, để đến khi ai hỏi về lĩnh vực mà vốn dĩ bạn quan tâm lại chẳng thể trả lời được bởi nó đã bị sự ham vui, xa đà vào thế giới ảo kia chiếm mất.

Những năm tháng ấy là những năm tháng của sự trải nghiệm công việc part time hay full time liên quan đến công việc sau này. Bởi vì sao ư? Điều đầu tiên khi làm những công việc này sẽ cho bản thân cơ hội được trải nghiệm với môi trường làm việc trong tương lai, quen với những áp lực và deadline luôn dồn dập và cả những thiếu sót của bản thân. Tôi bắt đầu việc làm thêm khi ở năm thứ hai đại học, không quá sớm nhưng cũng không muộn màng nhưng chỉ ngay với tuần làm việc đầu tiên tôi đã nềm mùi của deadline, mùi vị uất ức khi bị sếp chê bài viết là không có chất xám và cả những số tiền kiếm được từ bài viết mà mình mất cả hàng tiếng đồng hồ để tra mạng tìm hiểu. Thật sự lúc ấy tôi mới có khái niệm hình như những đồng tiền mà tôi xin từ bố mẹ hình như quá dễ dàng. Ngoài viết lách ra tôi còn tìm kiếm công việc liên quan đến vẽ vời đòi hỏi sáng tạo đôi chút, đây là lúc mà tôi nhận ra khi cầm trên tay số tiền từ người khác vất vả đến thế nào. Nếu như mình thấy là đẹp là hợp lý nhưng với người ta thì không, rồi lại liên tiếp sửa đi sửa lại hết cái này cái khác, uất ức không thể nói ra mà vẫn phải cố giữ nụ cười thân thiện và lời nói mềm mỏng nhất. Chính sự trải nghiệm của công việc khiến tôi trưởng thành rất nhiều, đặc biệt trong suy nghĩ nên tiêu gì với số tiền đã vất vả làm ra.

 

Tuổi trẻ chỉ có một, sẽ không có một lần nào nữa thắm lại, hãy trân trọng, trải nghiệm và hưởng thụ nó nhất khi có thể. Tuổi trẻ là sự vấp ngã, là sự trưởng thành, là sự lớn lên từ thể xác lẫn tâm hồn của chính bản thân. Tuổi trẻ tôi đang có, và sẽ có, tiếp tục trên con đường kia vẫn sẽ là những trang viết dài về bài học, kinh nghiệm có cả niềm vui, nỗi buồn, cả nụ cười và nước mắt.

Tác giả: Vũ Ngọc Lệ - Sinh Viên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/le.vungoc.3 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,247 lượt xem, 1,239 người xem - 1239 điểm