Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Chúng Ta Đang Ngày Ngày Uống Thuốc Độc Vào Đầu

Hết hạn

 "Thinking is difficult, that's why most people judge" - Carl Jung [Tạm dịch: Suy nghĩ thì rất khó, vì vây hầu hết người ta phán xét]

Một trích dẫn khá chất lượng từ một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất lịch sử, các bạn có đồng ý với tôi điều này hay không? Bạn đồng ý cũng được mà không đồng ý cũng chẳng sao, vì đây là ý kiến cá nhân của riêng tôi, nó hoàn toàn vô thưởng vô phạt. Nó chỉ trở nên có ích khi tôi khám phá ra được những huyền cơ sâu xa hay những câu chuyện đằng sau câu nói đó của Carl Jung, còn ngoài ra, chỉ một phát biểu bình thường: Ồ, tuyệt hay! Ồ có ý nghĩa quá! Thật là một ý tưởng xuất sắc. Bất kể ai cũng có thể đưa ra nhận định như vậy.

Vậy, tại sao lại có "Về lối suy nghĩ độc hại"? Lấy hệ quy chiếu là bản thân một con người, độc hại là điều có thể gây hại cho người đó. Cái giá phải trả là sức khỏe ngày càng tệ, cuối cùng là cái chết, là sự thiếu lành mạnh về tinh thần, là thứ virus vừa gây hại cho bản thân mà con lây lan cho người khác. Những cái độc hại có thể đến từ thực phẩm ta ăn hằng ngày, thói quen, lối sống, thứ không khí phải thở mỗi giây mỗi phút và tôi muốn nhấn mạnh điều độc hại có thể đến từ suy nghĩ. Phải khẳng định rằng, kiểu suy nghĩ mà vốn bản chất đó là độc hại. 

Bây giờ bằng sự quan sát của chính mình, ta có thể thấy cuộc sống này đâu phải chỉ có những thứ hiển hiện mới tấn công và hủy hoại con người, những thứ vô hình cũng có sức mạnh tương đương hoặc mạnh hơn. "The unseen blade is the deadliest". - Zed (tạm dịch: lưỡi gươm vô hình là thứ chết người nhất). Zed là một nhân vật trong trò chơi Liên Minh Huyền Thoại, một trong những tựa game được giới trẻ ưa thích nhất hiện nay. Cũng như bao nhân vật khác trong game, những câu thoại chính là điều tạo nên sự đặc trưng cho nhân vật đó và không thể phủ nhận một điều rằng những câu thoại này đều hàm chứa những triết lý, vừa là bản sắc và căn tính của nhân vật, đồng thời cũng là những điều ta có thể nghiệm thấy trong hành trình sống của mình. Cũng có thể nhận thấy những phát biểu rất "chất" của những nhân vật khác như Master Yi với "Doubt is the greatest enemy" (Nghi ngờ là kẻ thù lớn nhất) hay như của Lee Sin với "Master yourself, master the enemy" (Làm chủ bản thân, làm chủ kẻ thù). Hãng phát hành của trò chơi này, Riot Games, thông qua những nhân vật của họ đã phát đi những thông điệp hết sức thiết thực, và tôi cho rằng đó là một trong những yếu tố tạo nên sức ảnh hưởng toàn cầu của trò chơi Liên Minh Huyền Thoại. Ngoài ý tưởng về những điều vô hình có thể gây ảnh hưởng lớn thì việc tôi dẫn ra ví dụ này cũng để minh chứng một điều rằng: một khi lối suy nghĩ khỏe mạnh đã được hình thành thì nó có thể được xuất hiện ở bất cứ đâu và có thể tạo ảnh hưởng tốt bằng bất cứ cách nào, kể cả đó là trò chơi đi chăng nữa - điều không được con người với nền văn hóa Việt Nam xem trọng, chí ít là trong 20 năm gần đây. Những cách nhìn khác về trò chơi điện tử với thiên hướng tích cực hơn cũng đang dần được nhìn nhận. 

Khởi nguyên của lối suy nghĩ độc hại theo tôi không thể khác được chính là sự đánh giá sai về bản thân. Và đương nhiên nếu cứ đi theo một lối mòn tuyến tính ta sẽ suy ra được vô số những điều tai hại từ sự sai lầm đó. Dẫu có thể sẽ cho ra nhiều kết quả hay ví dụ như: sẽ nhìn nhận lầm về cuộc đời, sẽ lựa chọn sai hướng, sẽ gặp phải vô số rắc rối và sẽ không làm được công việc như ý muốn. Nhưng hãy khoan, có một điều rất thú vị xoay quay sự lựa chọn, đó là nghịch lý về sự lựa chọn (the paradox of choice), ý tưởng chủ đạo của nghịch lý này là càng có nhiều sự lựa chọn thì không phải chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn nhưng nó sẽ tạo nhiều rắc rối hơn, sự thỏa mãn đạt mức cao hơn khi xuất hiện ít sự lựa chọn hơn. Tôi quan sát thấy rằng suy nghĩ cũng tồn tại dưới vô số dạng, bởi vậy nó mới tạo nên sự phong phú của cuộc đời này, và đương nhiên nó cũng tạo ra vô số lựa chọn rằng người ta nên suy nghĩ cái gì và nên suy nghĩ như thế nào. Câu hỏi đặt ra là, liệu rằng có phải suy nghĩ càng nhiều thì càng rắc rối bởi vì có quá nhiều lựa chọn để suy nghĩ – chưa hẳn. Suy nghĩ nhiều có thể sẽ rắc rối thật nếu như những ý tưởng đó quá lan man, không đi theo một chủ đích nhất định và nó chỉ làm cho sự khoái lạc của sự trì hoãn được kéo dài hơn mà thôi. Sự suy nghĩ nhiều sẽ thật sự bổ ích nếu như thời gian dành cho nó xứng đáng để con người ta tìm ra chân lý trong sự suy nghĩ đó. Do vậy, lối suy nghĩ rất quan trọng. Chân lý như ánh sáng, xé tan màn đêm. Và màn đêm nên sợ ánh sáng, vì dù nó có dày đặc đến mấy thì chỉ cần một tia sáng nhỏ cũng đủ để phá vỡ sự độc bá của bóng đêm. Với hình tượng như vậy, có vẻ như sự suy nghĩ là rất có ích, có vẻ như ta càng suy nghĩ thì giây phút tìm đến chân lý càng đến gần.

Một lần nữa tôi kêu gọi: hãy khoan.

Có những người, dành cả đời cho cái sự suy nghĩ ấy, không ít vị đã đạt thành chánh quả nhưng cũng không thiếu những người càng nghĩ càng đâm vào cái hố sâu hay cái mê cung lòng vòng mãi không thoát ra được. Các bạn đừng tưởng rằng những vị thiền sư họ chỉ có suốt ngày ngồi thiền rồi suy tư về cuộc đời ấy là thành những vị tài ba, nắm chân lý của hạnh phúc. Họ cũng giống như chúng ta, làm việc, ăn uống ngủ nghỉ, suy nghĩ, đối nhân xử thế và tất cả mọi điều. Họ chỉ khác chúng ta: họ thực hành thiền trong mọi công việc họ làm. Cho nên, có những khi chân lý đã có sẵn ngay trước mặt, ta chỉ việc vén cái màn u mê ra để nắm bắt và sống mà thôi. Mà đã là u mê thì rất hấp dẫn, đến nỗi sẵn sàng tìm ra đủ thứ kiểu cách và con đường để hô hào một điều rằng: “chúng ta hãy tìm về chân lý”. Ôi, lại thêm một nghịch lý nữa xuất hiện. Có những vị tuyên bố chân lý đã có sẵn rồi chỉ cần đón lấy mà thôi, cũng có những vị tuyên bố chân lý là thứ phải trải qua gian nan mới tìm thấy. Và kẻ giữa dòng thì lại đặt câu hỏi: ai đúng ai sai? Hẳn nhiên là một sự rắc rối đã xuất hiện.

Dẫu vậy, có một sự thật rằng, con người càng trưởng thành thì thời điểm gặp gỡ chân lý của họ càng gần, và mọi thứ sẽ được sáng tỏ khi con người ấy nhắm mắt xuôi tay. Và với những ai có lối tư duy độc hại, theo như nhận định cá nhân phía trên của tôi, thì cả đời sẽ không bao giờ tìm ra được chân lý, ngay cả đến lúc chết đi vẫn mang trong mình sự “ức chế” và bực tức. Con người ta bối rối trước những sự việc, nghi ngờ vào cuộc sống có thể cũng vì nỗi sợ về ngày lìa xa cuộc đời: không có chân lý và không hạnh phúc. Dẫu sao, mỗi người là chuyên gia về cuộc đời của họ, bởi vậy ta chẳng thể nhận định cuộc sống của một người nào đó có hạnh phúc hay không; hay người đó có nắm chân lý hay không? Sẽ thật là ngu ngốc nếu đứng ở phía nhà mình mà nhận định về nhà đối diện, kẻ làm điều đó nhà cháy lúc nào không hay. Bởi vậy, hãy để việc nắm chân lý về bản thân ở góc độ cá nhân, ai có cách của người ấy, mỗi người phải làm việc đấy cho mình, hoặc không. Đấy là quyền tự do của mỗi người, không ai có thể bắt ép người khác phải suy nghĩ cái gì.

Tuy nhiên, ở đâu cũng vậy, chúng ta luôn có một nguyên tắc cộng đồng. Cái nguyên tắc ấy được sinh ra để bảo vệ quyền lợi chung của những người sống trong nó, không một cá nhân nào được phép vi phạm. Hãy lấy vài ví dụ đơn giản: anh không thể quăng rác lung tung vì anh phải tôn trọng môi trường sống của tất cả mọi người, anh không thể giết người vì mạng sống của người khác là bất khả xâm phạm, anh không thể vu khống cho người ta vì như vậy anh đang xúc phạm đến nhân phẩm của người khác, anh không thể phán xét người khác vì anh không có cái quyền đó (trừ khi anh là quan tòa, và chỉ trong bối cảnh xét xử mà thôi). Theo như vậy thì lối suy nghĩ độc hại sẽ gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng, và đây chúng ta phải quan sát từ góc độ khách quan, không thể đứng ở hệ quy chiếu của một cá nhân riêng rẽ được nữa.

Chúng ta có thể đã quá quen với những hiện tượng xâm hại thể chất như bạo hành trong gia đình, bạo hành trường học và kể cả hiện tượng xâm hại tình dục. Những dạng xâm hại này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất mà còn ảnh hưởng tới tinh thần của nạn nhân. Một kiểu xâm hại nguy hiểm khác đó là xâm hại về tinh thần. Bằng cách gieo vào đầu óc nạn nhân những lối suy nghĩ xấu xa, những tư tưởng phản khoa học và đi ngược với lợi ích cuộc sống con người, hệ quả thật sự không thể lường trước được. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu tiềm năng đã bị chôn vùi cũng chỉ vì những sự tấn công bằng lời nói hay nói đúng hơn là phương tiện ngôn từ (một dạng biểu hiện của suy nghĩ). Hệ quả tai hại nhất đến với nạn nhân là họ không còn khả năng nhận diện bản thân vì sự tấn công quá mạnh mẽ từ những tư tưởng bên ngoài. Sự mâu thuẫn nội tại vì đó sẽ được đẩy lên thêm một tầng nữa.

Như vậy, ở đây lối suy nghĩ độc hại sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu tới cộng đồng. Bằng cách nào? Hành vi kết quả của suy nghĩ độc hại làm tổn thương cộng đồng, tiếp nữa là những lối suy nghĩ độc hại lây lân như virus khiến cho cộng đồng bị nhiễm những lối suy nghĩ ấy. Nếu ai đó nói với bạn rằng đừng hút thuốc nơi công cộng, nó ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mọi người thì cũng có một mệnh đề tương tự như vậy đó là: đừng nhả ra những phát biểu đầy chất độc, nó ảnh hưởng xấu tới người khác. Tuy nhiên không thể cấm ai đó nói điều gì, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Vậy có cách nào để bảo vệ mọi người hay không? Một điều đúng đắn và nên làm nhất là mọi người phải tự trang bị cho mình một khả năng phòng thủ tối ưu để nhận diện đâu là suy nghĩ độc hại và biết cách để phản biện lại những luồng suy nghĩ như vậy. Cần rất nhiều nỗ lực mới có khả năng tự điều đình với bản thân để trở nên bình an giữa dòng đời vô số biến thể.

Tóm lại, từ góc nhìn cá nhân và từ cộng đồng, lối suy nghĩ độc hại xuất hiện và tấn công từ vô số cách. Chúng ta trước hết nên tôn trọng sự lành mạnh của chính bản thân và của người khác, sau nữa là phải có trách nhiệm bảo vệ chính mình và bản thân trước những gì nguy hại. Thảo luận là phương pháp thiết thực cho việc nhận diện những giải pháp tốt nhất. Và tôi xin kết thúc bằng một câu hỏi: đã có suy nghĩ độc hại thì tương phản của nó là suy nghĩ không độc hại – liệu rằng có nên phân biệt giữa hai khái niệm này hay không?

 

Tác Giả: Thanh Sang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/thanhsangbravewolf

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

Hết hạn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,175 lượt xem, 3,138 người xem - 3143 điểm