Nguyễn Thủy@Triết Học Tuổi Trẻ
7 năm trước
[THTT] Ai Nói Lấy Chồng Xa Là Khổ? Trưởng Thành Đi. Bố Mẹ Không Lo Mãi Cho Bạn Được Đâu
Con người chúng ta bắt đầu từ khi xuất hiện trên cõi đời này cho đến khi trở về với cát bụi đều phải đảm đương lần lượt những vai trò khác nhau trong cuộc sống gia đình. Lần lượt theo vòng tròn thời gian, chúng ta sẽ làm con, sau đó là làm cha mẹ, cuối cùng là lên làm ông bà. Ở mỗi vai trò này, chúng ta phải gánh vác một trách nhiệm khác nhau trong gia đình. Theo quan niệm phương Đông mà chúng ta đang bị ảnh hưởng thì “công cha phải như núi thái sơn, nghĩa mẹ phải như nước trong nguồn chảy ra, một lòng phải thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Câu ca dao này có lẽ tất cả chúng ta đều thuộc lòng từ khi còn nằm nôi. Thế nên quan niệm cha mẹ nhất định phải hy sinh và che chở cho con cái, cũng như con cái nhất định phải ở bên chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi về già đã ăn sâu vào tiềm thức của những người con Việt Nam. Tôi không phủ nhận câu ca dao này, nhưng một phần đông các bạn trẻ Việt Nam có lẽ đang dựa dẫm vào cha mẹ để chối đẩy trách nhiệm đối với cuộc sống của mình, và bảo thủ cho rằng sống cun cút xung quanh cha mẹ là làm tròn chữ hiếu còn dựng nghiệp, lập gia đình ở chốn xa xôi là bất hiếu.
Văn hóa phương Tây trong tình phụ tử
Vài ngày trước, tôi bỗng dưng biết đến một bài hát và bị mê hoặc bởi âm điệu cũng như ca từ của nó. Tên bài hát là “Papa” do ca sĩ Paul Anka thể hiện. Bài hát này có lẽ cũng không còn mới mẻ đối với một số bạn, thậm chí tôi được biết rằng người ta cũng đã phổ lời Việt trên nền nhạc của nó. Tuy nhiên, lời Việt đã gạt bỏ những câu từ tiếng Anh khá ý nghĩa:
“Then one day my papa said, Son, I'm proud the way you've grown. Make it on your own. Oh, I'll be O.K. alone."
Tôi có thể dịch câu hát này một cách thô sơ rằng “rồi một ngày, cha tôi nói, con trai, cha tự hào về sự khôn lớn của con, hãy trưởng thành và tạo ra cuộc sống của riêng con, cha có thể sống ổn một mình”. So sánh với văn hóa phương Tây, cha chúng ta có thể thấy rằng các bậc cha mẹ phương Tây luôn xây dựng cho con cái học cách sống tự lập ngay từ nhỏ. Khi đến tuổi trưởng thành, họ tự khắc rời bỏ con cái một cách hoàn toàn để con cái họ bắt đầu một cuộc sống riêng, tự chịu trách nhiệm với tất cả những hành động bản thân.
Hãy xem các bà mẹ Do Thái dạy con học bơi
Trong kinh thánh Talmud của người Do Thái có liệt kê ba yêu cầu cụ thể đối với những gì cha mẹ phải dạy con mình: những lời khuyên răn ( Torah), làm thế nào để kiếm sống và làm thế nào để bơi lội. Bơi theo nghĩa đen là một vấn đề sống còn. Các tác giả của Talmud đã nhận ra rằng cha mẹ phải dạy con cách sống sót, làm thế nào để bơi và thoát khỏi bị chìm. Ngay cả khi chúng ta sống xa nước, ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng con cái của chúng ta sẽ không bao giờ vô tình vào một khu vực hồ bơi, ngay cả khi chính chúng ta ghét nước, chúng ta phải đảm bảo rằng con cái của chúng ta có những kỹ năng cơ bản cần thiết để tồn tại.
Đối nghịch với văn hóa phương Tây: sự nâng đỡ và che chở thái quá của các bậc cha mẹ Việt Nam
Bây giờ, chúng ta lại trở về với văn hóa nước nhà qua câu hát mà có lẽ đứa trẻ nào cũng đã thuộc nằm lòng:
“Ba mẹ là lá chắn
Che chở suốt đời con”.
Nếu như trong văn hóa phương Tây, người cha tự hào khi con mình đã trưởng thành và có thể làm chủ được cuộc sống bản thân thì ở đây các bậc cha mẹ Việt lại luôn muốn làm “lá chắn” che chở suốt cuộc đời đứa con. Một tâm lý “dựa dẫm” đã nảy sinh trong những đứa con ngay từ khi chúng còn thơ bé qua những câu hát, qua những “lá chắn” quá to lớn bao la của những bậc cha mẹ. Cũng chính vì cái “lá chắn” quá to lớn ấy nên mới có những vụ bổ nhiệm “thần tốc” nổi lên trong năm vừa rồi. Điển hình là vụ ông Phạm Nông - Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bị cách chức vì đã bổ nhiệm "thần tốc" con trai mình làm Phó trưởng khoa khi người này vừa bị động kinh, vừa chỉ mới công tác ở bệnh viện được 6 tháng. Cũng vừa qua, trong chương trình Gặp nhau cuối năm, chúng ta đều đã được xem các nghệ sĩ hài kì cựu sắm vai Táo quân diễn lại cái nghịch lý bất công vừa hài hước, vừa châm biếm sâu xa “con quan rồi lại làm quan, con vãi ở chùa lại quét lá đa”.
Ai nói lấy chồng xa là khổ?
Mới đây thôi tôi vừa đọc một bài viết giấu tên trên trang NEU confession về việc lấy chồng xa là khổ sở này nọ, con đau ốm một mình lo toan, buồn tẻ vì xung quanh không có bố mẹ người thân. Tôi cũng lọ mọ so sánh với một vài page , blog tâm sự chia sẻ ở nước ngoài thì nhận thấy phần lớn các bạn trẻ phương Tây không có suy nghĩ ỷ lại như vậy. Thiết nghĩ, tại sao con của bạn lại đến phần bố mẹ bạn gánh vác nuôi nấng, bố mẹ bạn chỉ có trách nhiệm chăm sóc nuôi nấng con của họ đã là quá đủ, tại sao không trưởng thành không tự chăm lo cho cuộc sống gia đình như bố mẹ bạn đã từng làm? Tôi cảm thấy có một điều rất hài hước rằng phần đông giới trẻ ngày nay lấy cớ phải lao đầu vào công việc mà ném con cho ông bà nội ngoại chăm sóc, đó chính là một sự ỷ lại. Các bạn nữ trẻ cho rằng lấy chồng xa sẽ không có người chăm sóc con cái, sẽ không có người chăm sóc mình lúc bụng mang dạ chửa??? Thật kì quái, đấy không phải trách nhiệm của bố mẹ bạn, đấy là trách nhiệm của bản thân bạn và người bạn đời, còn bố mẹ, họ có cuộc sống riêng của họ. Thời điểm bạn dựng vợ gả chồng cũng là lúc bạn đã dựng nên một gia đình nhỏ, biệt lập hoàn toàn với gia đình của bố mẹ. Vậy vì nguyên cớ nào mà bố mẹ bạn phải đóng vai trò người giúp việc không lương trong gia đình bạn? Có lẽ bởi vì cái bóng của bố mẹ trong cuộc đời bạn là quá lớn cho nên phải rời xa gia đình nhiều bạn trẻ bắt đầu cảm thấy hụt hẫng, chông chênh, không nơi bám víu. Đó một phần lỗi cũng từ sự nuông chiều, bao bọc thái quá của các bậc cha mẹ, luôn luôn xem con mình như một đứa trẻ bé bỏng ấu thơ. Thậm chí khi con cái đã có con họ cũng vẫn bao bọc lấy từ con đến cháu, họ cũng vẫn cố gắng nới rộng tấm chắn, không để cho con cái bước ra đời và tự lập.
Thử động não một cách đơn giản, ví dụ nếu bây giờ bạn để bố mẹ bạn lo cho bạn từ A đến Z, chăm bẵm cho con bạn, thì mai này khi bố mẹ bạn già và mất đi, sẽ đến lượt bạn lên làm ông bà, bạn chưa từng chăm con, bạn lấy đâu ra kinh nghiệm để dạy con bạn chăm cháu, và nếu con bạn cũng ỷ lại thì bạn lấy đâu ra khả năng chăm đứa cháu sau này của con mình, và như vậy thì một thế hệ sẽ dần dà bị mai một. Bạn nên nhớ rằng, một khi bạn đã bước qua tuổi trưởng thành thì cũng là lúc bất kì hành động nào bạn làm cũng đều tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn. Vì vậy, bạn chính thức phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm cho mọi hành động bạn làm.
Cuối cùng, hãy thử tưởng tượng bạn giống như một mầm đậu nành mới nhú trên mảnh đất tươi xốp màu mỡ, nếu mãi mãi núp dưới bóng một cây lộc vừng cổ thụ thì có thể hôm nay bạn sẽ tránh được mưa gió và bão dông nhưng cũng chính vì thế, bạn không thể đón được nắng sớm trong lành ngày hôm sau để có thể trưởng thành, cứng cáp, đương đầu với thử thách trong tương lai không xa.
Tác Giả: Thuy Dunning, Đại học Y Hà Nội
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/waterinoceann
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
4,128 lượt xem, 4,031 người xem - 4031 điểm