Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Truyền Cảm Hứng] Dạy Học Có Gì Vui!

Dạy học với mình không có vui đâu, mà là rất vui. Tại sao? Why? Wây sờ ma? Pourquoi?


Vì dạy học giúp mình tăng khả năng sáng tạo!


Thật sự là vậy, từ lúc dấn thân vào con đường hành đạo này thì mình thấy mình sáng tạo hơn hẳn hahha. Vậy mọi người nghĩ là sáng tạo ở chỗ nào? Sáng tạo trong dạy học đến từ rất nhiều nguồn: sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong bài giảng và sáng tạo trong cả cách tiếp cận với những đối tượng khác nhau vì mình ko thể áp dụng cùng một cách cho tất cả những học viên của mình.

Sáng tạo trong phương pháp giảng dạy đòi hỏi mình phải luôn có tư duy tích cực và tư duy phát triển (growth-mindset) để luôn tự nhìn ra được những gì mình đã làm trong một buổi học và đặt những câu hỏi cho bản thân như: Mình đã làm tốt điều gì? Điểm nào mình có thể làm tốt hơn? Học sinh của mình có thích thú và áp dụng được những gì các bạn đã học trong bài học hôm nay hay không? Vào buổi học sau, điều gì mình có thể làm khác đi để lớp học/buổi học của mình vui hơn, hiệu quả hơn? Và cứ thế những câu hỏi cứ xuất hiện liên tục trong đầu mình, giúp mình nhìn nhận việc dạy học thú vị hơn, chứ ko phải chỉ là những bài giảng vô hồn và nhàm chán (yawn, please, I can’t stand it.)

Vậy thì còn sáng tạo trong bài giảng, mình sẽ làm gì? Mình thích đưa vào phương pháp “lateral thinking” vào bài giảng của mình – tức là dùng những hướng tiếp cận sáng tạo cho bài giảng sinh động hơn và thậm chí không giống ai, vậy mới vui chứ nhỉ. Trong chủ đề nói về “Immortal”(Bất tử), một trong số những câu hỏi mà mình đã đưa ra cho lớp mình bàn luận đó là “Nếu như được gặp một người nổi tiếng đã qua đời và đặt một câu hỏi cho người đó, bạn sẽ gặp ai và hỏi họ câu hỏi gì, tại sao lại hỏi câu hỏi đó”. Mình thề đó là buổi học vui nhất từ trước tới giờ của mình mà cả lớp từ cô và trò đều lăn ra cười vì các bạn có những câu trả lờ cực kỳ sáng tạo và thú vị, qua đó mà mình còn hiểu hơn mối quan tâm của các bạn đến một số lĩnh vực nhất định. Có bạn muốn gặp Michael Jackson, Einstein, Hồ Chí Minh, có bạn còn muốn gặp Ivanovich Mendeleev để hỏi là tại sao ổng lại chế tạo ra bảng nguyên tố tuần hoàn hóa học làm gì. Những buổi học như thế giúp cô và trò hiểu nhau hơn và buổi học cũng sinh động hơn. Và mình thích mang đến những cách nhìn mới lạ cho học viên của mình về một vấn đề, chứ ko phải là một góc nhìn đã quá quen thuộc mà khi nói tới ai cũng chỉ nghĩ đến nhiêu đó ý.



Mà với mình, nếu muốn có được sự sáng tạo trong giảng dạy thì phải đọc nhiều, nghe nhiều, xem nhiều, nói nhiều, đi nhiều, thấy nhiều, vốn kinh nghiệm của mình nó dầy lên thì bài giảng của mình cũng phong phú hơn. Cái này thì lại quá hợp với mình (trừ khúc nói nhiều, nên mình thấy mình cũng phát triển hơn trong quá trình đứng lớp, và mình rất ưng khoản này.

Vậy tiếp theo là gì? Dạy học giúp mình tăng khả năng linh hoạt và kiên nhẫn


“Nhẫn tâm” là từ mình hay tự nhắc nhở bản thân mỗi khi dạy học. Ý là “nhẫn nại” và “ dạy bằng cái tâm” đó mà. Một người giáo viên mà thiếu đi hai điều này chắc về nhà cũng nên tự đóng cửa soi gương nhìn vào bản thân mình nha. Mình đã dạy qua rất nhiều đối tượng, từ các em bé xíu đến các cô chú lớn tuổi, và mình cực kỳ trân trọng điều này vì thử thách khả năng của mình rất nhiều. Với những cô chú mà mình kính trọng như mẹ, như ông bà của mình,thì mình phải có cách tiếp cận mềm mỏng, cực kỳ kiên nhẫn khi dạy học, còn với các bạn sinh viên thì gần gũi và thân thiện nhiều hơn,với các bé tuổi teen thì phải nắm được tâm lý của các bé, lúc thì như một người bạn, nhưng đồng thời cũng là một người cô để động viên, tạo cho các em cảm giác chia sẻ dễ dàng hơn nhưng tìm ra động lực cho việc học của mình. Và thậm chí là với các bé từ 3-5 tuổi, thì cần cả một nguồn năng lượng dồi dào để chơi với các em, và học cùng các em. Ôi mình nhớ cái thời đó, cứ 2-4h chiều mỗi ngày là mình nhảy nhảy, hát hát, nói nói luyên thuyên, kết thúc hai lớp mình không buồn nói thêm gì khi về tới nhà vì cạn năng lượng. Nhưng bù lại thì rất vui khi được dạy các bé nhỏ xíu và cảm nhận sự hồn nhiên, ngây thơ của các em.

Và các thầy cô giáo sẽ hiểu điều này nhất khi đứng lớp, giáo viên không thể chỉ ở một vị trí trong suốt buổi học: đôi khi phải là người kể chuyện để dẫn dắt học sinh vào bài giảng của mình, có khi lại là người tiêu khiển cho lớp lấy lại không khí, và nhiều lúc lại là điều phối viên để phân chia công việc và vai trò cho từng học sinh, và rất rất nhiều lần là một cheerleader để động viên và khuyến khích các bạn. Mình còn đóng vai trò bác sĩ tâm lý cho mấy cậu học trò tuổi teen của mình mỗi khi bạn gái giận hay chơi thể thao thua v.v. Và thông qua những hoạt động như thế, mình hiểu hơn về những học sinh của mình và kết nối của mình với các bạn cũng tốt hơn.



Mà nếu nói về sự kiên nhẫn trong dạy học, mình có dịp nói chuyện với các giáo viên dạy cho các trẻ chuyên biệt (các em tự kỷ và bệnh Down) tại trường chuyên biệt Gia Định. Mình rất cảm phục và cảm nhận được rõ tình yêu thương và sự kiên nhẫn rất lớn mà các thầy cô dành cho các em, vì dạy các em đòi hỏi những điều kiện nhất định vì các em là những đứa bé đặc biệt, mà nếu không thật sự có cái tâm đặt vào đó, chắc chắn rằng sẽ không thể nào trụ nổi với nghề.

Và không dừng ở đó, dạy học giúp mình nhận ra ý nghĩa cuộc sống


Mình chắc chắn không bao giờ quên được hình ảnh hai bác học viên lớn tuổi học xong một bài học với mình và ra ngoài vẫn tiếp tục giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh, và nói chuyện tự tin với giáo viên nước ngoài, dù giao tiếp của họ chỉ ở mức cơ bản. Có thể là phản xạ tiếng Anh của 2 bác sẽ không nhanh như các bạn trẻ, nhưng hai bác đã luôn cố gắng học với tất cả sự thích thú và quyết tâm của mình. Niềm vui của việc dạy học đến từ việc mình nhìn thấy “học viên” của mình áp dụng được những gì họ đã học, họ hứng thú hơn việc học và có động lực để phát triển hơn

Nếu ai đã quen biết mình đủ lâu thì chắc cũng biết mình rất thích những công tác xã hội. Với mình, đó là niềm vui đến từ sự chia sẻ, đến từ việc truyền cảm hứng cho ai đó, và niềm vui đến từ bên trong-mình làm những điều mình thích và được giúp đỡ mọi người. Mình dạy ở mái ấm cho các bé mồ côi, dạy trong những chuyến đi từ thiện, và mỗi khi mình tan lớp – điều đọng lại trong trái tim mình là sự hồn nhiên và ham học của các em. Càng trong khó khăn, nghịch cảnh thì càng vươn lên mạnh mẽ – mình trân trọng nghị lực đó và mình mong muốn góp một phần nhỏ khả năng của mình để giúp các em. Sẵn tiện chia sẻ mọi người một cuốn sách mà mình rất thích đó là “The promise of a pencil” của Adam Braun. Khi anh đi đến Ấn Độ, anh đã hỏi một cậu bé ăn xin ở đó “Con mong muốn có điều gì nhất”? Cậu bé trả lời :“Một cây bút chì”– và chính câu nói đó đã trở thành một trong những động lực của anh thực hiện giấc mơ mở ra hàng trăm ngàn trường học trên khắp thế giới cho các trẻ em nghèo. Dĩ nhiên để làm được điều đó thì không phải chỉ một câu nói là đủ, rất nhiều nỗ lực và chiến lược để làm được điều đó (mọi người ai quan tâm có thể tìm đọc cuốn này hen), nhưng quan trọng là những thông điệp mà cuốn sách mang lại cho mình trên con đường giáo dục mà mình đã chọn. Để có thời gian mình sẽ review sâu hơn về cuốn sách và những điều mình học được cho mọi người nhen.

Và quan trọng nhất, dạy học giúp mình trưởng thành hơn, học được nhiều điều hơn.


Trong quá trình soạn bài giảng, bản thân mình phải tìm hiểu kỹ hơn và sâu hơn một vấn đề, chứ ko phải có gì trong đầu rồi đem ra dạy, và dĩ nhiên trong suốt quá trình đó, có những điều mình được biết thêm, hoặc là có những cái mà trước đây mình hiểu chưa đúng,mình có cơ hội để học và sửa lại. Ai còn nghĩ thầy cô giáo là những người “biết tuốt”- thì mình nhắc lại, xin trân trọng nhắc lại, và dịu dàng nhắc lại là “KO” nhé. Kiến thức là vô hạn, dĩ nhiên đó ko phải là lý do cho việc không nắm vững kiến thức mà đi dạy người khác, nhưng nó có một mặt khác để mọi người có thể nhìn nhận là: thầy cô giáo cũng là những con người luôn cần phải học hỏi thêm để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như kiến thức, và họ-đôi lúc cũng có những cái sai (hy vọng ko phải những cái sai cơ bản thì quá sức nói, mình hy vọng mọi người có một cái nhìn khách quan hơn, và khi thầy cô sai, hãy cứ mạnh dạn chia sẻ để họ biết và sửa chữa,ko việc gì phải sợ và ngại. Một người giáo viên chân chính luôn muốn lắng nghe từ học viên của mình và luôn muốn nâng tầm bản thân, mình tin là vậy.



Mà đừng nghĩ là dạy cho các em nhỏ mà mình không học được gì nhé! Các em đặt câu hỏi liên tục và toàn những câu liên kết với nhau để thỏa cái trí tò mò của mình, có một lần mình đã dạy tutor một bé mà từ bài Vạn Lý Trường Thành bé hỏi ra nguồn gốc loài người là gì luôn. Thú vị quá haha. Và dạy các em, mình học được cách nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn và cũng an yên hơn, và nếu như mọi người để ý, khả năng “hồi phục” và quan sát của các bé cũng rất tốt. Có buồn giận chuyện gì thì một lát sau lại cười lăn lộn ra và như chưa hề có cuộc chia ly, giận dỗi nào trước đó.

Và trên hành trình giảng dạy của mình, mình đã may mắn gặp rất nhiều cô chú tuổi 70-80 mà vẫn đeo ba lô đi học mỗi ngày, chia thời gian biểu cụ thể như: 2/4/6 đi học nhảy, 3/5/7 đi học tiếng Anh mà mỗi khi đến lớp thì lúc nào cũng vui tươi và tràn đầy năng lượng. Năng lượng tỏa ra từ niềm vui được học cái mới, từ chính suy nghĩ tích cực mà các cô chú hướng tới, sự trẻ trung đến từ trong tâm chứ không phải đến từ tuổi tác. Mình còn trở thành “bạn nhỏ” của các cô chú ngoài giờ học, đến nhà nấu ăn, ca hát, kể chuyện, và có một câu nói của một “cô học trò” mà mình luôn nhớ khi cô dặn mình trước khi ra về “ Cuộc sống này thú vị lắm con à. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra, sống vui tươi là mình cứ trẻ trung hoài”. Mình rất biết ơn những mối duyên như thế, đưa mình đến hỗ trợ các cô chú trên một chặng đường học tập, và các cô chú cũng dạy mình rất nhiều về những bài học cuộc sống, và trên hết, niềm động lực cho việc học ngày càng lan tỏa. Học từ cuộc sống, học từ những người bạn, học từ những điều diễn ra xung quanh và học vì niềm yêu thích được biết thêm những điều mà bộ não của mình luôn khao khát được tìm hiểu.

Không chỉ là ngày nhà giáo mà mình mới nói những điều này, mình luôn thầm cám ơn những người thầy người cô đã hướng dẫn mình tận tình, truyền lửa cho mình trong những năm tháng mình còn là cô bé ngồi ở ghế học sinh, và chính điều đó là một phần động lực cho mình trở thành một cô giáo như ngày hôm nay, cô giáo Hương/cô Sunny. Mong cho hành trình của các thầy cô sẽ luôn có những bài giảng sinh động, hiệu quả, có những học sinh thú vị, và là những chiếc máy bay phản lực, tạo động lực cho các em đi tới những chân trời rộng mở hơn nhé! (Thế kỷ 21 rồi mà còn chèo đò thầm lặng thì lâu lắm ạ, hí hí!)


--------------- 

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]


Tác giả: Mai Hương

"Hay còn gọi là Sunny. Mình thích những trải nghiệm mới,thích đọc sách,nghe nhạc,đi du lịch,tìm hiểu về tâm lý con người và chia sẻ với mọi người xung quanh những gì mình đã được học,được trải nghiệm. Hạnh phúc xuất phát từ chính bản thân mình,và làm cho bản thân mỗi ngày một tốt hơn là điều mình luon hướng tới.‘Tâm an trời đất sẽ an.Nhìn ra sân thấy nắng vàng lung linh."
Xem thêm các bài viết khác của tác giả tại: sunnythered.wordpress.com


Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

123 lượt xem