Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Truyền Cảm Hứng] Khi Người Khác Cứ Thành Công, Chúng Ta Làm Gì?

Thời gian này là lúc các bạn nộp đơn vào các trường đại học Mỹ đang dần nhận được thư hồi đáp và khám phá mình sẽ học trường nào. Sẽ có những bạn vỡ òa trong sung sướng vì vào được ngôi trường mình ưa thích và đạt được mục tiêu đã đề ra. Một số rất nhiều khác sẽ trải qua cảm giác khủng khiếp khi phải nhận lá thư từ chối.

Cảm giác bị từ chối là một cảm giác khó chịu mà chẳng ai trong chúng ta muốn cả. Đó có thể là khi bị điểm kém cho bài kiểm tra một tiết, bị rớt đại học, bị từ chối khi xin việc hay không được tăng chức như mong muốn và hàng vạn những ví dụ khác. Những lúc như thế, chúng ta hoặc suy nghĩ vậy là tương lai mình đến đây đã chấm dứt, tự dằn vặt bản thân đã làm gì sai để tuột mất cơ hội có một không hai, hoặc một số khác sẽ đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài như do ban tuyển sinh ngu ngốc, do thầy cô không công bằng, do sếp thiên vị, vân vân.

Trong những giây phút chán nản và bực bội đó, có khi nào bạn nhìn sang những người bạn thành công và tự hỏi: tại sao những người này luôn luôn thành công, ngày càng đạt được nhiều thành tích còn mình thì không đi tới đâu cả? Bất ngờ thay, đấy lại là một quan sát khá đúng. Một số ít người dường như chiếm hầu hết các thành công trong cuộc sống, nhiều hơn tất cả số người còn lại. Đây được gọi là nguyên tắc Pareto, hay nguyên tắc 80/20. Nó được gọi là 80/20 vì trong một nghiên cứu của mình, ông Pareto phát hiện ra 80% số đất đai ở nước Ý lúc bấy giờ được sở hữu bởi 20% dân số. Ngày nay các bạn có thể nghe thấy những con số bất bình đẳng này ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau, ví dụ như 1% những người giàu nhất thế giới sở hữu hơn 50% tài sản thế giới, tức là giàu hơn tất cả chúng ta gộp lại.

Để lý giải cho hiện tượng này, chúng ta có thể sử dụng hiệu ứng “thắng ăn cả” (winner-takes-all effect), là một hiệu ứng rất phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Hiểu đơn giản nếu một người là tốt nhất, giỏi nhất thì họ sẽ giành hết những phần thưởng lớn. Ví dụ, trong một cuộc chạy đua, người về nhất và nhì có thể cách nhau chỉ 1 giây, nhưng người về nhất được hết huy chương vàng, hay hai học sinh trong một cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, bạn A được hơn bạn B chỉ 2 điểm nhưng bạn A được toàn bộ phần thưởng của giải nhất. Trong cả hai ví dụ, sự khác nhau giữa người nhất và người nhì rất nhỏ, nhưng phần thưởng lại rất lớn. Trong rất nhiều những “cuộc thi” khác trong cuộc sống, người về nhì thậm chí còn không được gì, ví dụ như khi xin việc vào một công ty chỉ có một vị trí trống mà có hàng trăm người nộp hồ sơ.

Khi đã chiến thắng và thành công một lần, những người này có được những thuận lợi rất lớn so với số còn lại. Ví dụ, vận động viên về nhất ngoài tiền thưởng sẽ được các công ty tài trợ chú ý, tài trợ nhiều tiền, trang thiết bị và cơ sở luyện tập. Bạn học sinh giỏi sẽ được thầy cô để ý và đầu tư, tạo điều kiện để bạn ấy học giỏi hơn nữa. Những người vào được những vị trí tốt ở những công ty tốt sẽ có cơ hội thể thực hiện các dự án lớn, quen biết những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng, rồi từ đó từ từ lên những chức vụ cao hơn. Với những người này, con đường phía trước của họ thuận lợi và nhiều cơ hội hơn rất nhiều so với những người còn lại. Đó là lý do tại sao chúng ta chúng ta hay thấy người giàu thì càng giàu, hay những bạn học giỏi thì ngày càng giỏi. Đơn giản vì khi họ có được những tài nguyên ban đầu (tiền từ gia đình, tiền từ giải thưởng, hay sự đầu tư từ thầy cô cha mẹ), họ sẽ tiếp tục đầu tư vào những cái họ làm, tìm kiếm những cơ hội lớn hơn một cách dễ dàng hơn, và từ đó lại càng thành công hơn.

Tuy vậy, không phải ai có một chiến thắng ban đầu cũng sẽ thành công suốt phần đời còn lại. Có hai điều quan trọng chúng ta nên nhận ra trong hiện tượng 80/20 này:

1. Người về đầu không cần phải giỏi hơn gấp nhiều lần người về nhì để được huy chương vàng, được giải nhất, hay được vị trí công việc mong muốn. Họ chỉ cần giỏi hơn một chút, nhưng một sự khác biệt nhỏ lại có thể đem lại phần thưởng rất lớn.

2. Khi đã có được phần thưởng (nguồn tài nguyên) này rồi, họ không dừng lại. Họ tiếp tục đầu tư, luyện tập và cố gắng không ngừng nghỉ vì nếu dừng lại thì họ sẽ bị tụt lại ngay lập tức. Vì thế để tận dụng những thuận lợi mà họ đã có và để tiếp tục thành công, họ phải tiếp tục làm việc và sáng tạo để giữ được sự khác biệt, dù có thể rất nhỏ so với những người khác. Nhưng như đã nói, một sự khác biệt nhỏ là tất cả những gì họ cần. Một ví dụ điển hình là vận động viên bơi lội nổi tiếng người Mỹ Michael Phelps, người dành được nhiều huy chương nhất trong thế vận hội Olympics (28 huy chương). Để đạt được điều này, anh phải luyện tập bơi 6 tiếng mỗi ngày, bắt đầu từ 6:30 sáng, chưa kể thời gian luyện tập thể hình khác. Anh tập không nghỉ bởi vì ngoài kia có rất nhiều người muốn chiếm vị trí của anh, và chỉ cần anh dừng lại, chắc chắn sẽ có người khác vươn lên.

Bây giờ bạn hỏi, biết được những điều này thì có liên quan gì tới cảm giác tồi tệ của bạn khi phải trải qua những thất bại hiện tại? Chúng ta là con người, không thể tránh khỏi những cảm xúc, bạn hoàn toàn có thể để bản thân cảm thấy tức giận, buồn bã và khóc lóc. Nhưng hãy hẹn giờ, 10 phút, 20 phút, nửa tiếng thôi rồi quay lại bàn học và hãy nhớ rằng:

1. Những người đạt được những cái bạn muốn không hẳn là giỏi hơn bạn một trăm hay một ngàn lần. Họ có thể chỉ giỏi hơn bạn một chút xíu thôi hoặc trong nhiều trường hợp, may mắn hơn một chút. Bạn không ngu ngốc hay tồi tệ, bạn có khả năng và khả năng đó đang chờ để được bạn giải phóng.

2. Nếu bạn muốn tiến bộ và thành công nhiều hơn những gì mình đang có, bạn phải tăng tốc độ, phải làm nhiều hơn, chăm chỉ hơn, thử những cái mới và không được dừng lại với những gì mình đang làm và đang có. Mỗi khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy tự nhủ với bản thân rằng mình chỉ cần tiếp tục thêm 1% nữa thôi. Hãy sống 101% mỗi ngày.

3. Một thất bại không có nghĩa là tương lai chấm dứt. Nó chỉ thực sự chấm dứt khi bạn không làm gì cả. Những người bạn mà bạn đang thấy thành công, rồi sẽ trải qua những thất bại của họ. Còn bạn cũng sẽ đạt được những thành công của riêng mình. Thay vì buồn bã dài dẵng và đổ lỗi, nếu bạn hành động ngay từ bây giờ và hành động một cách kiên trì, một lúc nào đó bạn cũng sẽ đạt được những mục tiêu to lớn mà mình đặt ra. Hãy tin vào điều đó. Vấn đề chỉ là thời gian.

Cuối cùng, mình muốn chia sẻ 2 câu nói mình rất thích:

1. “Hard work never killed a man” (tục ngữ Scotland). Chúng ta không chết bởi làm việc chăm chỉ, chúng ta chết bởi bệnh tật, sự nhàm chán, và suy nghĩ quẩn.

2. “Your need for acceptance can make you invisible in this world.” Một câu nói của diễn viên hài ưa thích của mình – Jim Carrey. Đến một lúc nào đó, cái chúng ta cần học sẽ không chỉ là làm sao để vượt qua được 1 thất bại mà hơn thế nữa, chấp nhận thất bại là một phần không thể thiếu, vì thực sự, thất bại sẽ không bao giờ ngừng lại.

 ---------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả: Quang Do

I see myself a "serendipitor" because I believe in creating opportunities for myself and others. Entrepreneurship is an attitide of believing that we can seize opportunities and solve problems. I am determined to use business and entrepreneurship to solve some of the most pressing issues that still keep many people in the piverty cycle in Vietnam and perhaps other developing countries, while also stimulating innovation and entrepreneurship in the Vietnamese business scene upon my return.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại:  Quang Do

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

326 lượt xem