Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tỷ Lệ Ly Hôn Ngày Càng Tăng: Bước Lùi Của Xã Hội Hay Lẽ Thường Tình?

Trong xã hội hiện đại, hiếm có người nào cả đời chỉ yêu rồi kết hôn với một người duy nhất, vì thế mà các nhà văn nhà thơ đã tô vẽ ra hàng trăm hàng ngàn câu chuyện về một thứ tình yêu duy nhất mãi mãi, những đôi bạn thanh mai trúc mã lớn lên bên nhau rồi hạnh phúc đến già, những soái ca, thánh nữ trở thành những hình tượng mẫu mực của các bạn trẻ đang tuổi "mải mê chinh chiến và yêu đương".

Ai trong chúng ta cũng muốn có một (hoặc một vài, hoặc nhiều) người yêu mình đến mãnh liệt, đời đời chung thủy một lòng, dù cho sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tình cảm ấy không bao giờ thay đổi. Người ta luôn ngưỡng mộ những cặp đôi có thể yêu nhau cả chục năm trước khi kết hôn, và họ cũng luôn tự đặt ra câu hỏi rằng tại sao giới trẻ ngày nay yêu nhiều, yêu không thật lòng, tại sao càng phát triển thì tỉ lệ ly hôn càng cao...?

Trước khi bàn đến vấn đề ly hôn, tôi sẽ mạn đàm qua về tình yêu và chuyện chia tay...

Chuyện chia tay - không ai hiểu rõ bằng người trong cuộc

Tôi quen một cô bạn và một cậu bạn và theo dõi từng bước trưởng thành trong tình yêu của họ trong suốt thời còn là học sinh trung học cho đến khi lên đại học rồi đi làm. Hai người đã phải trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, "kiếp nạn", tình yêu của họ khiến không ít người ngưỡng mộ, có cả ghen tị. Ai cũng nghĩ rằng chắc hẳn họ phải hạnh phúc lắm, nhất định họ sẽ cùng nhau đi đến cuối đời. Tôi hỏi: "Làm thế nào để yêu mãi một người mà không chán?" Cô bạn trả lời: "Thật ra yêu một người hay yêu nhiều người cũng như nhau cả thôi.

Khi trải qua một vài mối tình với một vài lần tổn thương, bạn sẽ trưởng thành hơn, có nhiều trải nghiệm hơn và tự tìm ra được người thực sự phù hợp với mình. Khi chỉ yêu một người, không thể tránh khỏi những lúc bạn thấy mệt mỏi, buồn chán, tại sao cả thanh xuân của bạn lại chỉ có một người, người đó là tất cả với bạn, tại sao bạn không thử yêu người mới như những người khác.

Nhưng có một số lý do khiến bạn không thể chia tay được. Người ta hay trách cô gái đã phũ phàng chia tay người yêu 9 năm của mình để kết hôn với một anh chàng chỉ vừa mới quen vỏn vẹn có một tháng. Thực ra là người ta chia tay lâu rồi, chẳng qua vì cái mác 9 năm, vì ràng buộc giữa các mối quan hệ khác nên người ta chưa thể bỏ nhau ngay được thôi. Hôn nhân cũng là một thứ ràng buộc." Rồi cả chuyện cư dân mạng trên khắp thế giới xôn xao về chuyện chia tay của một cặp đôi diễn viên nổi tiếng Hollywood, không ai có thể ngờ rằng thiên tình sử đó lại có thể dễ dàng tan vỡ như vậy. Người thì nghi hoặc, người thì thất vọng, có người còn tuyên bố từ nay không còn tin vào tình yêu nữa.

Câu chuyện đó đã làm tôi có cái nhìn hoàn toàn khác về tình yêu. Hóa ra cái gì cũng có hai mặt của nó, quan trọng là ta có chịu chấp nhận đánh đổi hay không mà thôi. Khi chia tay, dù là vì lý do gì đi chăng nữa, thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mọi lời phán xét từ bên ngoài đều là thừa thãi.

Tình yêu bây giờ thực dụng?

Những người trưởng thành thế hệ X thường xuyên thở dài về việc "Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ô tô, em và anh yêu nhau thời Facebook, Zalo", rằng sao tình yêu thời nay nó không còn trong sáng, không còn bền bỉ như mối tình thời ông bà. Trong thời kỳ chiến tranh hoặc đang xây dựng đất nước còn khó khăn, người ta có gì ngoài tình yêu đâu, và chỉ mong một cuộc sống no đủ, nhàn hạ. Khi xã hội ngày càng phát triển, tình yêu không còn là thứ tồn tại duy nhất nữa. Ngoài tình yêu còn có gia đình, sự nghiệp, bạn bè, và cả đam mê nữa. Đối với những bạn trẻ mới ra trường, điều đáng sợ không phải là thất tình, mà là thất nghiệp kia.

Thế nên những người càng quỵ lụy trong tình yêu thì càng đau khổ. Nhìn thẳng vào thực tế và đối diện với nó mới là sự lựa chọn khôn ngoan. "Chọn con tim hay là nghe lý trí?" Thật ra trong tình yêu, lý trí và con tim đều quan trọng như nhau vậy. Lắng nghe và đi theo tiếng gọi của con tim để tìm kiếm sự thăng hoa trong cảm xúc. Tỉnh táo và lý trí để không mù quáng sống chết vì một người, cân bằng các yếu tố của cuộc sống.

Các nhà văn viết cho tuổi teen thường hay thần thánh hóa và tô hồng tình yêu quá đà, khiến nhiều bạn trẻ tin vào sự lãng mạn nhảm nhí và một thứ tình yêu bất diệt nào đó chỉ tồn tại trên phim ảnh và trong sách truyện. Hơn nữa cần phân biệt giữa thực dụng và thực tế. Chúng ta, ai cũng muốn trở nên tốt hơn, đó là sự phát triển tự nhiên. Ai cũng có những kỳ vọng nhất định về bạn đời của mình. Nếu một cô gái đảm đang tháo vát, học vấn tốt, lại có chút ngoại hình, họ hoàn toàn có quyền đặt ra chỉ tiêu về một anh chồng có công danh sự nghiệp đàng hoàng, để cùng họ xây dựng tổ ấm.

Đó là thực tế. Và những câu chuyện về việc cô gái chia tay chàng trai chỉ vì nghèo hoàn toàn không đáng bị lên án. Nếu đến tuổi trưởng thành mà không có lấy một công ăn việc làm ổn định, không thể bảo đảm chu toàn cho cuộc sống sau này thì đâu xứng đáng làm chỗ dựa vững chắc cho người mình yêu. Và chia tay thì dễ hơn ly hôn do chưa có ràng buộc về mặt pháp lý hoặc con cái, nên hết yêu chia tay cũng là chuyện bình thường.

Tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng thì sao?

Vì sao thời xưa ít có chuyện vợ chồng ly dị, và có phải việc tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng trong xã hội hiện đại là một bước lùi? Đây là điều không khó để giải thích. Trước đây, với một hệ tư tưởng "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" cũng như những quy tắc lễ nghĩa ăn sâu vào tiềm thức của con người, đặc biệt là người phụ nữ, điều đó khiến họ luôn sống một cuộc sống cam chịu, dù khổ nhục, chịu giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần.

Ngày nay, với những tư tưởng tiến bộ trong quá trình hội nhập, đặc biệt là các phong trào bảo vệ quyền lợi của phụ nữ tăng mạnh, nữ giới ngày càng có tiếng nói và vị thế trong xã hội. Trong hôn nhân, nếu những quyền lợi chính đáng của họ bị xâm phạp, pháp luật sẵn sàng bảo vệ họ. Hơn nữa, thời xưa phụ nữ thường không được xã hội coi trọng, trụ cột chính trong nhà luôn là người đàn ông, do vậy nếu tách ra khỏi người đàn ông thì gần như cuộc đời của họ sẽ là một con số 0 tròn trĩnh. Tuy nhiên phụ nữ trong xã hội hiện đại hầu như đều có khả năng tự chủ về tài chính, nên dù có ly hôn thì họ vẫn có khả năng tự nuôi bản thân, thậm chí là con cái, họ có sự nghiệp riêng và không để bị phụ thuộc vào bất cứ ai.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, tỉ lệ ly hôn ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha là trên 50%. Thống kê cho thấy tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam ở vào khoảng 25%, trong đó 70% người đệ đơn là phụ nữ. Và con số đó đang tiếp tục tăng. Nhiều người lo ngại về việc tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam đang tăng dần. Thực ra chuyện này không khác gì nhiều so với việc có 2 luồng tranh cãi xung quanh vấn đề tại sao người trẻ ngày nay sẵn sàng bỏ ra 50 - 60 nghìn để mua một cốc trà sữa. Người thì cho rằng như vậy là lãng phí tiền của trong khi đất nước còn nghèo, a dua theo phong trào, người thì cho rằng đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy đất nước đang phát triển, mức sống của người dân ngày càng tăng cao, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế...

Vậy thì tỉ lệ li hôn tăng có ý nghĩa gì? Những chuẩn mực đạo đức và giá trị truyền thống bị phá vỡ hay là dấu hiệu của sự phát triển? Khi hạnh phúc gia đình không còn, tại sao ta phải cố gắng duy trì nó, vì sức ép lời ra tiếng vào, hay vì muốn con cái có được một gia đình theo cách mà mọi người vẫn nghĩ?

Tuy nhiên các nghiên cứu lại cho thấy rằng ngay cả khi các cặp vợ chồng đã có con thì những người con sống trong gia đình có cha mẹ bất hòa còn chịu tổn thương nhiều hơn là cha mẹ đã ly hôn nhưng vẫn cùng chăm sóc con cái. Vậy thì khi những cặp vợ chồng không còn tình cảm với nhau nữa hoặc có những xung đột, mâu thuẫn không thể giải quyết được, tại sao không ly hôn và cư xử như những người cha mẹ có văn hóa.

Cái gì cũng có hai mặt của nó. Do vậy, thay vì trầm trọng hóa vấn đề ly hôn thì chúng ta nên nhìn vào mặt tích cực của nó. Ly hôn hay chia tay chẳng qua chỉ là kết quả của những mâu thuẫn. Ly hôn cũng có thể là dấu hiệu phát triển của một xã hội, quyền tự do của con người được coi trọng, dân trí được nâng cao,...

Kết luận

Trong tình yêu và hôn nhân, yêu một người hay nhiều người không quan trọng, kết hôn rồi ly hôn không còn là một vấn đề quá to tát. Trong những trường hợp bất khả kháng, tốt nhất là vui vẻ chia tay, giải thoát cho nhau để mọi chuyện được êm đẹp. Hợp và tan vốn là lẽ thường tình, điều quan trọng nhất là người đưa ra quyết định phải cảm thấy thoải mái.

Tôi không cổ xúy cho việc ly hôn, mà là có những chuyện không phải như chúng ta vẫn thường nghĩ, và sự thật thì trần trụi hơn trong phim ảnh và tranh truyện rất nhiều, hãy tỉnh táo và lý trí khi đưa ra bất kỳ quyết định nào để không phải hối hận về sau. Một cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, cơ hội và những điều tốt đẹp luôn luôn ở phía trước.

Đôi khi phải trải qua những sai lầm, tổn thương mới giúp ta tìm được người thực sự phù hợp với bản thân mình.

Tác giả: Nguyễn Thị Kim Cúc

Nguồn ảnh: Zsuzsanna Ilijin

----------

Bạn đam mê và có khả năng viết những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và triết lý sâu sắc? Bạn muốn có thêm thu nhập từ việc viết bài? Bạn muốn thể hiện cá tính và thương hiệu cá nhân?

Dự án viết bài hợp tác giữa YBOX và Kênh 14 là hoàn toàn phù hợp với bạn! Để biết thêm thông tin chi tiết và ứng tuyển tham gia dự án, xin vui lòng truy cập: https://goo.gl/8MFMrB.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,374 lượt xem