Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Văn học] Cái Gì Còn Tiếp?

Thật khó có một định nghĩa để miêu tả chính xác về cuộc chiến diễn ra trên lãnh thổ Đông Dương trong giai đoạn từ 1955 đến 1975. Tính chất phức tạp của những bên tham gia, vì những mục đích và động cơ khác nhau trong từng thời kỳ đã khiến các nhà quân sự cho ra đời biết bao cách gọi cho cuộc chiến tranh mà truyền thông đại chúng của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay chỉ sử dụng duy nhất một cái tên “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Nhưng đâu chỉ có vậy, dường như với từng thân phận người lỡ bị cuốn trôi trong vòng xoáy của cuộc chiến tranh ấy lại có những danh từ, câu chuyện riêng về 20 năm không ngớt tiếng súng này. Điều đó lý giải vì sao, cuộc chiến tranh chỉ dừng lại ở một bán đảo heo hút trong khu vực Đông Nam Á lại có thể là nguồn cảm hứng, chủ đề cho nhiều tác phẩm văn chương tại nhiều quốc gia xa xôi khác. Và nó tiếp tục là đề tài cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn trẻ Trọng Khang có nhan đề Những vọng âm nằm ngủ.

ảnh 8

 

Cũng như Mộ phần tuổi trẻ – cuốn tiểu thuyết đầu tay của Trọng Khang, Những vọng âm nằm ngủ tiếp tục lấy đề tài và bối cảnh Đông Dương, cụ thể là miền Nam Việt Nam trong giai đoạn nảy lửa nhất của cuộc chiến tranh trên bán đảo này (1968-1975). Tuy nhiên khác với đội ngũ nhà văn thế hệ trước ở cả hai bên chiến tuyến, những chủ đề lớn trong Mộ phần tuổi trẻ và giờ đây là Những vọng âm nằm ngủ không xoay quanh thân phận của những con người phải đối mặt với sự sống và cái chết trên các mặt trận nảy lửa. Tham vọng thoát khỏi những tiểu thuyết về chiến tranh Đông Dương 1955-1975 xưa cũ của Trọng Khang được thể hiện ngay từ cách đặt nhan đề cho hai cuốn tiểu thuyết của mình. Thay vì gọi tên cuốn sách bằng những “keyword” như Nỗi buồn chiến tranh, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975, Lính trận hoặc bằng những địa danh, thời gian ám ảnh như Quảng Trị 1972, Bảy ngày ở Quảng Trị, Trọng Khang lại lựa chọn hai tên gọi Mộ phần tuổi trẻ  Những vọng âm nằm ngủ, những nhan đề gợi tưởng đến những tiểu thuyết mang đề tài đô thị của nhiều cây bút trẻ hiện nay. Mong muốn phá cách của Trọng Khang trong Những vọng âm nằm ngủ còn thể hiện trong việc tác giả mô phỏng cuốn tiểu thuyết này như một vở kịch do Thượng Đế làm đạo diễn với dàn diễn viên là toàn thể Nhân Loại. Chính vì vậy, có thể nói Những vọng âm nằm ngủ là một tiểu thuyết xếp vào loại có ít “mùi máu” và “khói súng” so với các tiểu thuyết chung đề tài. Thay vào đó, cuốn tiểu thuyết này tập trung vào những “vi sử” vốn ít được các nhà văn có kinh nghiệm và trải nghiệm về chiến tranh quan tâm hay nhắc tới: thân phận của những công dân Hoa Kỳ tại Việt Nam, cuộc đời của những tình báo nhị trùng dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, kết cục của tình yêu dị chủng Hoa Kỳ-Việt Nam, cuộc sống của những nữ thuyền nhân và trẻ em trong thời kỳ hậu chiến vv. Tất cả chúng được bao trùm trong một chủ đề lớn là Những nguyên nhân thất bại của Việt Nam Cộng Hòa và số phận công dân trên lãnh thổ này. Các chủ đề trên, vốn lạ lẫm đối với văn chương Việt Nam về đề tài chiến tranh hiện đại, đã được tác giả gửi gắm và truyền tải qua 250 trang tiểu thuyết được tường thuật dưới nhiều góc nhìn cũng độc đáo không kém: Sylvia Milosz – nữ phóng viên Hoa Kỳ từng được hai giải Pulitzer ngẫu nhiên, K – nhà báo và điệp viên của Bắc Việt, Tuấn – cựu quân nhân và tình báo Bắc Việt, văn bản ghi âm lời kể từ 8 người phụ nữ Mỹ, Việt Nam và người kể giấu mặt ở ngôi thứ ba.

Mang nhiều dự định, ý tưởng cách tân vào trong Những vọng âm nằm ngủ, nhưng thực tế cuốn tiểu thuyết của Trọng Khang không phải là tác phẩm khó đọc và cảm nhận. Cốt truyện của tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của nữ phóng viên Sylvia Miloz, qua chính tự sự từ thời điểm nàng đến miền Nam Việt Nam đến khi trở thành một bà lão tóc bạc sống trong niềm nuối tiếc ký ức. So với những phụ nữ Hoa Kỳ đồng trang lứa có mặt tại Việt Nam mà điển hình là nhân vật Lily, cuộc đời của nữ phóng viên Sylvia có thể xem là viên mãn với nhiều thành công khiến những người đồng nghiệp nam cũng phải ghen tỵ. Nhờ may mắn, như Sylvia thừa nhận, nàng đã giành được giải thưởng Pulitzer từ một bức ảnh ngẫu nhiên ghi lại sự khốc liệt từ cuộc chiến. Khác với nhiều người Hoa Kỳ và đồng minh của họ, Sylvia rời Sài Gòn với sự vinh quang và một thân thể lành lặn. Sau 50 năm (?)[1], cuộc sống yên bình của người phụ nữ 68 tuổi đột nhiên bị đánh thức bởi một người phụ nữ Việt Nam bí ẩn. Quá khứ với những nỗi đau chưa từng hé lộ của Sylvia từng bước được lật mở qua chuyến hành trình… đến Paris. Hóa ra, bà lão “ăn thời gian”[2] – một người đàn bà bị lãng quên giữa lòng Paris lại nắm giữ biết bao kỷ niệm đẹp và buồn về ba người đàn ông từ miền Nam Việt Nam. Ba người đàn ông trưởng thành từ ba văn hóa xa lạ trên mảnh đất Việt Nam và Hoa Kỳ, tình cờ liên quan với nhau trong mối quan hệ đan xen giữa ba thứ tình cảm phức tạp nhất trần đời: tình yêu, tình thương và tình dục. Đó là K[3], một người đàn ông sinh ra vào thập niên 20 của thế kỷ trước, hấp thụ nền văn minh Pháp và văn hóa Bắc Kỳ, có mối tình đầu với nữ tu Maria Nguyễn Xuân Khương, nhưng lựa chọn thành kẻ vô thần khi làm tình báo cho Bắc Việt dưới lớp vỏ là phóng viên tờ báo TP của chế độ Sài Gòn. Đó là Tuấn (Lê Anh Tuấn hay Nguyễn Niệm Khương), một anh hùng của quân lực Việt Nam Cộng hòa, con trai của một tình báo Bắc Việt. Mặc dù sống và lớn lên dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa nhưng Tuấn cũng trở thành tình báo chống lại chính phủ này[4]. Người đàn ông Việt Nam cuối cùng xuất hiện trong đời Sylvia là Tàn Kiếm, một đứa trẻ lai lớn lên và trưởng thành trên đất nước Hoa Kỳ và Canada. Ngoài cái tên Việt Nam[5] mang ý nghĩa bại trận, Tàn Kiếm gần như không còn mối liên hệ với quê hương. Cậu có mái tóc vàng, sản phẩm của người cha Hoa Kỳ nào đó, không thể nói sõi ngôn ngữ mẹ đẻ. Sự thăng trầm trong cuộc sống của K, Tuấn và Kiếm dường như được tác giả xếp đặt như sự thay đổi trong quyền lực nam giới trong xã hội miền Nam Việt Nam giai đoạn 1955-1975. Họ mang trong mình một tinh thần yếu ớt cùng nỗi cô đơn không thể lấp đầy. Họ bị đẩy vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa, phục vụ cho một chế độ mà họ không hề tin tưởng, muốn sát cánh dưới màu cờ ấy. Họ lén lút, bí mật tham gia lực lượng đối phương, nhưng không hiểu chính xác mình đang phục vụ cho thế lực nào. Những người đàn bà Việt Nam mà họ quen biết không hề quan tâm đến điều đó. Chỉ Sylvia là người duy nhất gặp gỡ, cảm thông, thương xót và nâng niu cho những tâm hồn mỏng manh ẩn giấu trong từng vỏ bọc cứng rắn và kiêu hãnh.

Điểm nổi bật trong Những vọng âm nằm ngủ của Trọng Khang chính là việc tường thuật phần lớn nội dung câu chuyện dưới góc nhìn của Sylvia Milosz. Có thể nói, đây là một trong số ít những tiểu thuyết về lịch sử Việt Nam, của tác giả trẻ Việt Nam được viết dưới giọng kể và góc nhìn từ một nhân vật ngoại quốc[6]. Trong Những vọng âm nằm ngủ, Trọng Khang đã cố gắng đặt Sylvia trong một so sánh kép: sự khác biệt giữa quan niệm sống của Sylvia với Lily, sự khác biệt giữa góc nhìn của Sylvia với phụ nữ Việt Nam về đàn ông. Lily được Trọng Khang xây dựng như một hiện thân trái ngược của Sylvia. Cô nữ sinh trẻ cũng như nhiều “mầm xanh” phương Tây nhanh chóng bị héo úa, suy đồi và lụi tàn trong môi trường Đông Dương khắc nghiệt. Lily có nhiều điểm tương đồng với những nhân vật nữ phương Tây trong các tiểu thuyết về Đông Dương. Nàng sống nhanh, gấp gáp với những quan niệm hiện sinh tiêu cực, vấp ngã trước những thực tế trần trụi giữa một không gian xô bồ và hỗn loạn Á – Âu. Tự tử là lựa chọn của Lily như một hệ quả tất yếu khi nàng biết mình mang thai, một sinh thể chẳng có hy vọng gì vào tương lai trừ việc thừa hưởng nỗi bất an của mẹ. Ở chiều kích đối lập, Sylvia lại là một phụ nữ khát sống. Sự khát sống thể hiện ngay từ quan điểm của nàng khi bỏ lại bà mẹ đẻ của Toại: “Tôi đã trung thành với cái gọi là lòng ham sống trong tôi. Tôi héo hắt vì nỗi sợ hãi mình lại ít tính người như vậy, nhưng cái phần lý tính trong tôi mạnh hơn, bà ta đã chết còn tôi vẫn sống, khác nhau chứ, bà ta đã đã già, đã sống đủ, còn tôi thì còn trẻ, còn biết bao nhiêu thứ đang chờ tôi, còn K, còn những đứa con của chúng tôi, còn những giấc mơ của chúng tôi” (sdd, tr56).

Dưới góc nhìn của Sylvia và những người phụ nữ Việt trong Những vọng âm nằm ngủ, hình ảnh người đàn ông Việt, cụ thể là tầng lớp thanh niên, trung niên dưới chế độ Sài Gòn hiện ra một cách đầy lạ lẫm và khác biệt so với những gì văn chương miền Nam mô tả. Những người phụ nữ bản xứ dưới ngòi bút của Trọng Khang dường không thể hiểu hành động của đám đàn ông. Hay chính xác hơn trong tiểu thuyết của Trọng Khang, người đàn bà Việt chẳng bao giờ bất ngờ với hành động của người cha, người chồng và con trai mình. Tình cảm của Nguyễn Thị Nga dành cho chồng chỉ đơn giản trong câu văn ngắn: “nói chung thì tôi phải sống để đợi chồng tôi về, anh ấy không còn ai ngoài tôi cả” (sdd, tr 127). Tô Đĩnh Chi, một tiểu thương thì khẳng định “chồng tôi là một thằng vô dụng” (sdd, tr 127). Ngay cả một người phụ nữ được Khang mô tả với lòng nhân ái  như nhân vật y tá Ngô Ngọc Diệu cũng khiến người đọc phải bất ngờ… vì sự bỏ mặc Tàn Kiếm – đứa trẻ xa lạ mà cô từng hy sinh thân mình để cưu mang như con đẻ. Sự hiểu đàn ông của Diệu và đại bộ phận phụ nữ Việt Nam được miêu tả trong tiểu thuyết cũng giống như hình ảnh cô giở sách, đọc kinh Phật: “em học thuộc lòng rồi, chỉ là nhìn đọc riết quen thôi” (sdd, tr 163). Đại diện tiêu biểu nhất về sự bao dung và bỏ mặc những người đàn ông sống và giết nhau trên mảnh đất này trong Những vọng âm nằm ngủ có lẽ là nữ tu Nguyễn Xuân Khương. Một người phụ nữ dành cả đời để sám hối, tôn thờ một người đàn ông vô hình, dung chứa bao đứa con của kẻ khác nhưng lại… bỏ quên, không hề quan tâm đến cuộc sống của mối tình duy nhất trong cuộc đời mình. Như vậy, trong Những vọng âm nằm ngủ, người phụ nữ Việt chấp nhận sự vô hình của cánh đàn ông. Người phụ nữ Việt, trong tiểu thuyết của Khang coi chiến tranh là một thứ xa lạ, ở ngoài kia, cuốn theo người đàn ông của họ, nhưng chưa bao giờ thực sự tìm kiếm người mình yêu thương. Họ chấp nhận hình dung những người đàn ông của họ chỉ đơn giản đang có mặt trên chiến trường, trong nhà lao hoặc bất cứ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này. Trái ngược lại với suy nghĩ của phụ nữ Việt được thể hiện trong cuốn sách, Sylvia luôn cố gắng tìm “câu trả lời” cho thân phận của những người đàn ông bước qua đời mình. Nàng cũng là người phụ nữ duy nhất đối thoại với những người đàn ông trong Những vọng âm nằm ngủ cho dù nỗ lực ấy chỉ mang đến sự thất bại. Trả lời Sylvia về đời mình, K chỉ đáp: “(Chuyện đời anh) chẳng có gì để kể” (sdd, tr106). Tàn Kiếm nói về nỗi buồn của mình bằng một câu ngắn ngủi: “Cô không hiểu được đâu” (sdd, tr151). Còn Tuấn, câu trả lời chỉ là một chữ “không” tròn trịa. Thế nhưng Sylvia chưa bao giờ bỏ cuộc để lặng im và thấu hiểu. Khác với người bạn Lily, một thiếu nữ yếm thế, mang nặng một bản năng chết, Sylvia dù không có được mái ấm, bên người đàn ông và những đứa con của đời mình, nhưng chưa bao giờ nguôi hy vọng về một cuộc sống viên mãn. Như vậy, 10 người kể chuyện, mười góc nhìn còn lại chỉ là những mảnh ghép bổ sung thông tin cho mạch truyện chính của tác phẩm, nhưng không tạo ra sự mâu thuẫn, xung đột, đối lập trong Những vọng âm nằm ngủ. Trong nhiều trường hợp, chúng còn trở thành những chi tiết thừa thãi khiến tác phẩm dài dòng, nếu không muốn nói là rối rắm bởi các tình tiết ngoại truyện.


Sau hai năm, kể từ khi cuốn tiểu thuyết đầu tay Mộ phần tuổi trẻ ra mắt độc giả cả nước, những ưu điểm về cốt truyện, nhân vật của cuốn sách này tiếp tục được Trọng Khang thể hiện trong Những vọng âm nằm ngủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những sai sót, hạn chế của Trọng Khang từ cuốn sách trước vẫn tiếp tục tồn tại. Như căn bệnh mà một số nhà văn trẻ thường gặp, Trọng Khang dường như bị choáng ngợp trước sự ngồn ngộn của kiến thức tư liệu, sách vở, phim ảnh lịch sử. Hệ quả là thay vì chắt chiu, bồi đắp các chi tiết, Trọng Khang lại biến cuốn sách của mình thành những “tạp âm ồn ào”. Sự tham lam chi tiết, giọng văn ấy được Trọng Khang khoe mẽ công khai tại trang 247 của cuốn sách khi liệt kê tên tuổi tới 13 nghệ sĩ (diễn viên lồng tiếng) mà anh chịu ảnh hưởng trực tiếp trong cuốn sách. Trong 250 trang tiểu thuyết, Khang cất công xây dựng nhiều chủ đề… nhưng vì nhiều lý do khác nhau anh gần như không đầu tư hay thậm chí bỏ quên chúng. Trong đó, chủ đề Thiên Chúa giáo và đức tin con người được thể hiện ngay trang viết đầu tiên của Khang “Kịch bản và đạo diễn Thượng Đế” được thể hiện một cách mờ nhạt, sơ sài. Thay vào đó, anh mải mê lồng ghép Phật giáo và Ấn Độ giáo như thể muốn biến cuốn sách thành Cuộc đời của Pi hay một thứ lý thuyết tam giáo đồng nguyên kiểu Trọng Khang thay vì một cuốn Out of Indochina do Sylvia viết. Chủ đề tình yêu dị chủng của Khang chưa thoát khỏi những ảnh hưởng của Marguerite Duras khiến cuốn sách mỏng thừa mứa những trường đoạn miêu tả tình yêu, tình dục, nhưng ít ảnh hưởng đến sự phát triển mạch truyện. Hệ thống nhân vật trong Những vọng âm nằm ngủ tuy đông đảo nhưng thiếu sự đa dạng, tinh tế. Hai nhân vật nam trong tác phẩm là K và Tuấn là hai hình bóng trùng lặp, không có tích cách riêng biệt. Trong đó, Tuấn gần như bị tác giả lãng quên cho dù nhân vật này là kẻ ám sát K trong con hẻm tối tăm ngày 30-4-1975 (sdd, tr 226). Không chỉ lạc lối trong hệ thống chủ đề và nhân vật, tiểu thuyết của Khang dường như cũng “mất tích” trong bối cảnh, thời gian của mình. Thời gian tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ kéo dài từ đầu thế kỷ XX đến thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với quá nhiều sự kiện thừa thãi, trong khi các dấu mốc quan trọng trong đời Sylvia: 1968, 1975, 2015 lại không được mô tả kỹ lưỡng, chặt chẽ. Không gian chủ yếu của Những vọng âm nằm ngủ là Sài Gòn và Hoa Kỳ gắn liền với cuộc sống của Sylvia, nhưng Trọng Khang lại lan man mô tả Paris, Hà Nội để rồi mắc sai sót trong việc liệt kê, giới thiệu địa danh. Nói về phố cổ Hà Nội trước năm 1945, Khang tung ra hàng loạt những tên phố khiến người đọc không khỏi phì cười: Phố Lương Văn Can, Phố Lương Ngọc Quyến, Phố Nguyễn Thiện Thuật, Phố Văn Cao vv. Trong đó, một người có kiến thức lịch sử trung bình cũng có thể suy đoán được Lương Ngọc Quyến, Lương Văn Can, Nguyễn Thiện Thuật – những kẻ thù của người Pháp không thể được đặt tên phố dưới thời thực dân cai trị (Văn Cao thì đương nhiên là không vì ông mất năm 1995). Những tạp âm như vậy vô hình trung chắc chắn sẽ tạo ra những phê bình nảy lửa như hiện tượng từng diễn ra khi Mộ phần tuổi trẻ được xuất bản.

So với Mộ phần tuổi trẻ nói riêng và các tiểu thuyết lịch sử về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai được xuất bản trong thời gian gần đây, Những vọng âm nằm ngủ là một tiểu thuyết nhiều sáng tạo (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), nhất là trong bối cảnh văn chương Việt về đề tài chiến tranh chỉ rộ lên những ấn phẩm phi hư cấu nơi yếu tố hiện thực được vinh danh, đề cao nhưng cũng đáng ngờ hơn bao giờ hết như các tiểu thuyết chiến tranh Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, Quảng Trị 1972 hay nhật ký chiến trường như Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi. Thế nhưng, cũng như Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ thiếu những yếu tố cần thiết để trở thành các tiểu thuyết hay vì bộc lộ sự thiếu hụt một nền tảng kiến thức chắc chắn, sự non tay trong cách triển khai chủ đề. Sau những góc nhìn, cảm nhận được Khang phô ra như các món đồ khai vị tinh tế trong phần đầu Những vọng âm nằm ngủ, bàn tiệc văn chương của anh chẳng còn lại điều gì ngoài sự trống rỗng và nuối tiếc. Và thứ duy nhất khiến ta hy vọng trong cuốn sách này hóa ra lại là hai chữ đơn giản “CÒN TIẾP”.

Trạch Nam

[1] Tôi đánh dấu ? trong đoạn viết này vì tác giả sử dụng các mốc thời gian không thống nhất trong tiểu thuyết Những vọng âm nằm ngủ.Chúng tôi chưa hiểu đây có là chủ ý của tác giả hay không.

[2] Từ dùng của Trọng Khang trong Những vọng âm nằm ngủ, tr 235.

[3] Khi nhìn thấy bia mộ Maria Nguyễn Xuân Khương (1932-2015) người tình đầu của K, Sylvia cho rằng có sự nhầm lẫn vì nàng không thể ngờ K nhiều tuổi như vậy. Tuy nhiên, thực tế tác giả đã cung cấp một chi tiết khác khá thú vị về nhân vật này. K chơi thân với Hổ (một nhân vật được xây dựng dựa trên hình mẫu của nhà thơ Trần Dần). Hổ cũng như Trần Dần có liên quan đến vụ Nhân văn – Giai phẩm.

[4] Giống với quan điểm của nhiều nhà văn đương đại, nhất là thế hệ nhà văn khoác áo lính, sinh sống và viết văn tại Việt Nam, Trọng Khang nhìn nhận sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa là một hậu quả tất yếu xuất phát từ sự yếu kém của chính quyền, nạn tham nhũng, tranh giành quyền lực và những công dân không có ý chí chiến đấu với kẻ địch.

[5] Tàn Kiếm: là tên một nhân vật kiếm khách trong phim Anh hùngcủa đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Không biết ngẫu nhiên hay xếp đặt, Trọng Khang lấy tên kiếm khách này đặt cho nhân vật nam của mình. Cả trong tiểu thuyết của Khang và bộ phim của Trương Nghệ Mưu, cả hai nhân vật này đều tượng trưng cho hình ảnh của những kẻ mất quê hương, không còn hy vọng phục quốc.

[6] Tuy nhiên xu hướng này có thể sẽ phát triển trong một vài năm tới. Trong sự đọc và kiến văn hẹp của mình, tôi xin giới thiệu hai cuốn sách Thiên hạ chi vương  Ngoài bờ đông là Mặt trời của Trường An.


Tác giả:   Z Nguyễn

"Có nhàn mới đọc được sách [...] Có nhàn mới viết được sách" (Trương, U Mộng Ảnh, 91)

Link bài gốc:  Cái gì còn tiếp?

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

134 lượt xem