Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Văn Học] Top 10 Văn Học Dịch Nửa Đầu 2018

Văn học dịch nửa đầu 2018, rực rỡ như mọi khi, nuốt chửng văn học trong nước, như mọi khi. Trăm hoa đua nở, trăm nhà ra sách: từ kinh điển tới đương đại, từ Đông sang Tây, sách ra không kịp mua, chứ đừng nói đến kịp đọc. Sách in cứ như thể 7 tỷ một năm không còn là ước mộng của tương lai. Mở đầu năm là một cú pháo hoa đỏ rực, Bẫy-22 của Joseph Heller, một trong những tiểu thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20. Một cú sao băng xẹt qua cuối tháng 6 là Diệt vong của Thomas Bernhard, nhà văn hiện đại Áo, tượng đài văn học viết bằng tiếng Đức thời hậu thế chiến thứ 2. Giữa hai cú nổ trên bầu trời văn học dịch ấy, là vô vàn những đì đoàng khác, có thể kể đến như, một kinh điển trong ngành xuất bản, Đời nhẹ khôn kham của cụ ông thích nói đểu Milan Kundera, ebook trôi nổi khắp cõi internet, nay bằng giấy bằng má, đã nằm trên tay độc giả Việt, chỉ để không ít độc giả mua về chụp ảnh cái bìa sáng tạo, và không ít người căn ke xem đã bị đục cắt những gì: cộng sản, chứ còn gì mà đáng ngạc nhiên. Hay hai cuốn sóng vỗ dập bờ từ Linda Lê, nhà văn có tí dính dáng Việt Nam rất được ưa chuộng thời gian qua: Sóng ngầm  Vượt sóng, thêm cả một chị nhà báo Đoàn Bùi từ Phớp quốc với Người cha im lặng. Từ đất nước với lối sống tối giản khiến bao tín đồ nằm mộng thực hành vứt đồ, Xứ tuyết của cụ Yasunari Kawabata lần đầu tiên được dịch từ nguyên bản, với một loạt chú giải tận tình của dịch giả. Cũng từ đất nước của những bà mẹ gây áp lực khôn kham với ăn dặm kiểu Nhật và kỷ luật bà mẹ Nhật là cuốn tiểu thuyết trào lộng Đời du nữ của Ihara Saikaku. Tác phẩm được Nobel với Booker thì hẳn nhiên không thiếu, xin chào mừng bản dịch (lần thứ 3) tác phẩm Yêu Dấu của Toni Morrison, Một gánh xiếc qua của bác ám ảnh phố phường Paris Patrick Modiano và Danh sách của Schindler của Thomas Keneally.

Xuất bản Việt Nam những năm gần đây tự hào là một trong những nơi biên dịch tốc độ thần sầu, nhiều khi song song, hoặc chỉ chậm sau bản gốc vài tháng: xin vinh danh Nhà Golden của Salman Rushdie ra đời năm 2017, đầu năm 2018 độc giả Việt đã cầm trên tay. Một ca hot girl từ Phần Lan, đất nước có nền giáo dục mà đặt bên cạnh phụ huynh Việt Nam luôn (vờ hoặc thật) khóc thét, được đỡ rất gọn: Bà đỡcủa Katja Kettu, đó là còn chưa kể đến anh hot boy Yann Martel trở lại với Miền Non Cao Xứ Bồ Đào. Kinh điển quá hay để không bao giờ là cũ, nhà văn cần lao Anh Charles Dickens lại về chơi với Hai kinh thành, madame quý xờ tộc Mỹ Edith Wharton thì tung chưởng Chỉ ngu ngơ mới biết cười. Độc giả muốn đổi gió thoát khỏi tiểu thuyết có thể tìm đến hai tập truyện: Bay lên tuyển những truyện xuất sắc của Junot Díaz, Amy Tan, Viet Thanh Nguyen, Margaret Atwood, hay chơi thuần một anh giai Hàn Xẻng Kim Young Ha với tập Anh đã trở về. Đó là còn chưa kể vô số in lại, mà hoành nhất hạng là Cái trống thiếc của Gunter Grass, mặc áo vải, trị giá 300 bìa đậu phụ. Sau đây là top 10 cuốn văn học dịch do nhà Z bình chọn.

ảnh 10

  1. Bẫy-22 – Joseph Heller – Lạc Khánh Nguyên dịch

Quá khó để viết về Bẫy-22: một lời thốt ra về nó, là một lời làm nó bớt cun ngầu. Một trò đùa dai dẳng man dại của một trại điên tập thể nơi đại úy Yossarian tỉnh táo tìm mọi cách thoát khỏi hiểm họa. Bẫy-22 là một combo hòa quyện khéo léo điên rồ, kinh dị, hài hước, và một nỗi buồn trĩu nặng, khi ta hiểu ra, quá nhiều lần ta ở trong cái nan đề tắc tị của cuộc sống.

Xin đọc thêm 1500 từ làm giảm độ ngầu của Bẫy-22 khi tôi cố trình bày về nó mà thực ra là hắt nước bẩn lên đại danh tác.

ảnh 9

  1. Yêu Dấu – Toni Morrison – Thiên Nga dịch

Một hồn ma em bé ám ngôi nhà 124 đường Bluestone trong nhiều năm, nhà của hai mẹ con Sethe và Denver. Sethe từng là nô lệ, và hồn ma ấy chính là đứa con gái ruột của chị. Một ngày nọ một đứa bé lạ xuất hiện, tên là “Yêu Dấu” và liệu nó có thể là ai, hồn ma của đứa bé kia chăng? hay chính là kẻ chết từ kiếp sống nô lệ? Dựa vào một sự kiện có thật là người nô lệ da đen Margaret Garner đã tự giết con mình để nó không trở về kiếp nô lệ, Toni Morrison đã viết nên Yêu Dấu. Bà không chủ động nghiên cứu quá nhiều về nhân vật ấy, mà để một khoảng đất rộng để có thể sáng tạo, để khiến câu chuyện mang tính riêng tư hơn, để tái tạo lại những thân phận con người cụ thể bằng văn chương mà xã hội học hay lịch sử không làm được.

Yêu Dấu là một hành động tưởng nhớ, như một cách để những tiếng nói từng bị bóp nghẹt được lên tiếng, đưa những linh hồn vào thời hiện tại, thoát khỏi nghĩa địa thời gian, để nhắc nhớ cộng đồng người da đen về quá khứ đau đớn, để cùng nhau sẻ chia, và đó cũng chính là cách để tự làm lành.

DSC07799

  1. Đời nhẹ khôn kham – Milan Kundera – Trịnh Y Thư dịch

Đời nhẹ khôn kham tập trung vào số phận 5 cá thể, khai thác đời sống tình ái kiêm xã hội của trí thức Tiệp giai đoạn trước, trong, và sau khi Liên Xô tấn công Tiệp Khắc: hai (hoặc hơn) cặp đôi Tomáš-Tereza (bác sĩ phẫu thuật chuyên đi chơi gái ở thành Praha những năm 1960-70 + cô bồi bàn, sau trở thành vợ của Tomáš, thích chụp ảnh) và Sabina-Franz (họa sĩ, bạn thân kiêm người tình của Tomáš + giáo sư, người tình của Sabina) và 1 con chó Karenin.

Đời nhẹ khôn kham thể hiện một Kundera tiểu thuyết gia đích thực, như Italo Calvino đã nhận xét rất tinh tế. Cuốn tiểu thuyết 7 phần này của ông là một minh chứng cho cái gọi là “nghệ thuật tiểu thuyết”: thật đáng ngạc nhiên, nó không phải chỉ là một câu chuyện kể một lần duy nhất, mà được kể đi kể lại nhiều lần, được chiêm nghiệm từ các góc độ khác nhau. Nó là nơi Kundera thể hiện rõ ông nghịch với kitsch và sến: khi tạo ra toàn bộ các nhân vật và các chi tiết ngập ngụa trong sến.

DSC07838

  1. Hai kinh thành – Charles Dickens – Đăng Thư dịch

Có một đảm bảo chắc chắn khi chọn đọc Dickens: không bao giờ bị thất vọng. Từ câu chuyện đến ngôn ngữ văn chương, Dickens luôn cuốn người đọc vào những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, và ở Hai kinh thành thì ít nhiều cẩu huyết. Vốn là nhà văn của London, ở Hai kinh thành Dickens vươn tay viết về cả Paris và cuộc cách mạng Pháp. Cuốn tiểu thuyết lịch sử hiếm hoi của Dickens (ông chỉ viết có hai) bắt đầu từ chuyện đi đón một tù nhân người Anh bị giam trong ngục Bastille Pháp nay được thả ra đoàn tụ với con gái: những tưởng đã chết từ đời tám hoánh mà nay hồi sinh lại, vị bác sĩ người Pháp Manette này. Những tưởng từ đấy về sau êm ấm tuổi già với cô con gái ngoan ngoãn hiếu thảo Lucie ở trong căn nhà ngõ có nhiều tiếng bước chân vang vọng nhưng nữ thần báo thù đã bắt kịp gia đình ông, đe dọa tính mạng của cả con gái và con rể ông, trong những nút thắt mở bất ngờ.

Có một đảm bảo chắc khi chọn dịch Dickens: khó vỡ mặt. Chính vì thế bản dịch chuẩn xác mà bay bổng của Đăng Thư là một minh chứng cho một giai phẩm mẫu mực, nơi những người bập bõm vào nghề giở trang mà học tập.

DSC07842

  1. Xứ tuyết  Kawabata Yasunari – Lam Anh dịch

“Ra khỏi đường hầm dài ở khu vực giáp ranh thì sang xứ tuyết. Đáy đêm đã trắng ra.” Hai câu đầu tiên trong tác phẩm kinh điển của kẻ lữ hành miên viễn Kawabata tóm đầy đủ các keyword trong văn chương ông: trôi dạt, bất định, cái đẹp. Xứ tuyết kể về hành trình đến vùng tắm suối nước nóng của Shimamura: trên đoàn tàu ấy anh bắt gặp một cặp đôi cư xử như tình nhân, cảm thấy rợn ngợp trước vẻ đẹp của cô gái khi nhìn ảnh phóng chiếu của cô trên cửa kính đoàn tàu. Không chỉ bị Yoko cuốn hút, ở chính vùng xa xôi hẻo lánh ấy Shimamura còn có một mối tình với Komako, một geisha, mà anh từng gặp một lần trước đó. Xứ tuyết chỉ bằng vài nét phác họa hiện lên mồn một cảnh đẹp thiên nhiên, sự day dứt và dằn vặt trong mối tình với Komako.

Xứ tuyết đọc như một bài thơ haiku, với những quan sát thiên nhiên đầy tinh tế, được diễn tả bằng thứ ngôn ngữ đặc ẩn dụ và thơ mộng, với một cái kết đầy bất ngờ, vừa bi kịch, vừa đẹp rợn ngợp. Bản dịch Xứ tuyết lần này là bản thứ 3 xuất hiện trong tiếng Việt, có một ưu thế vượt trội là nhờ được dịch từ tiếng Nhật nên dịch giả đã cố giữ nguyên cách dùng từ đầy độc đáo của Kawabata.

ảnh 19.jpg

  1. Chỉ ngu ngơ mới biết cười – Edith Wharton – Lan Hương dịch

Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng cha phá sản, mẹ lại luôn nhồi sọ phải hốt được chồng giàu bằng mọi cách, Lily Bart bị tẩy não từ nhỏ, kinh sợ nghèo khổ và khi lớn lên, đặt hết trứng của mình vào cái rổ săn chồng ngon mà đổi đời. Để làm được chuyện này ở cái xã hội thượng lưu rặt thị phi và đàn bà đầy mánh khóe, thì cần ít nhất ba yếu tố: quyết tâm, mặt trơ, và xảo quyệt. Và cả may mắn nữa. Lily có vốn tự có là đẹp rạng ngời không chói lóa. Nhưng Lily dập dà dập dờn, lòng tự trọng lại quá cao, lại ngây thơ đến khó hiểu. Đầy đủ công thức cho thảm họa, và quả thực đời nàng là một cú rơi tuyệt vọng vào thảm họa.

Chuyên viết về đời sống quý tộc Mỹ, Wharton có vị thế của một kẻ nhìn từ bên trong, nên thấu hiểu hết những băng hoại đạo đức của tầng lớp trên bằng một thứ văn chương cầu kỳ đẹp đẽ. Lily Bart có lẽ là nữ chính gây sốt ruột nhất vịnh Bắc Bộ. Vừa đọc hành trình đi săn chồng của cô tôi vừa muốn ẩy cho cô một phát, ngã luôn cho đỡ rách việc. Thương thì có thương đấy, nạn nhân của hoàn cảnh. 

DSC07827

  1. Đời du nữ – Ihara Saikaku – Đào Thị Hồ Phương dịch, Nguyễn Đỗ An Nhiên hiệu đính

Cùng với chị gái Lily Bart, em gái Dựt Bổn này và cô Mắt dại Phần Lan trong Bà đỡ là thành viên tích cực của câu lạc bộ (mém) chết vì giai. Ở ta có câu Lấy chồng từ thuở 13, cô bé con trong đời Đời du nữ đã bén cái mùi sắc dục cũng từ chính cái độ tuổi ấy. Vốn xuất thân quyền quý, cô được đưa vào cung, vào thị nữ đại nội, xong gió lá cành chim bay phấp phới trong cung rộn ràng quá cô làm thân với một samurai trẻ tuổi địa vị thấp kém rồi trao luôn thân cho chàng. Khi bị phát hiện, cô bị đuổi ra khỏi cung, cho về lại quê. Đây chỉ là bước khởi đầu của con thiêu thân lao vào sắc dục, được Saikaku kể lại tận tình trong cuốn tiểu thuyết trào lộng của mình. Qua lời kể của cô gái nay đã thành bà lão già sống ẩn cư, đời sống đô thị và văn hóa Nhật Bản hiện lên sắc nét, với các ngành nghề truyền thống đủ các loại thứ bậc, đặc biệt là trong ngành kỹ nữ. Cô du nữ của Đời du nữ kể lại hành trình di chuyển hết nơi này sang nơi khác, làm đủ mọi ngành nghề, kinh qua không biết bao nhiêu tay đàn ông, độ 1 vạn, mà đa phần là tự nguyện lao vào, chỉ vì mỗi lần con tim mê giai lên tiếng thì cả thân này nguyện trao sạch sành sanh. Phần truyện kinh điển nhất có lẽ là khi cô tự nguyện sống trong chùa để thầy chùa giấu biệt trong phòng tiện bội phần giao lưu thân thể.

Hoan lạc có thừa, cay đắng cũng chẳng kém, nhất là khi tuổi già xồng xộc kéo đến. Khó ai có thể tưởng tượng văn chương Nhật cổ điển lại có thể hiện đại đến như vậy.

DSC07805

  1. Miền Non Cao Xứ Bồ Đào – Yann Martel – Như Mai dịch

Có cảm giác Martel của Cuộc đời của Pi già xọm đi trong cuốn tiểu thuyết đầy chiêm nghiệm về đời người này. Được chia làm 3 phần, “Không nhà”, “Về nhà”, “Đến nhà”, Miền Non Cao Xứ Bồ Đào đọc như 3 truyện ngắn riêng lẻ, có chung nhau một kiểu nhân vật: đàn ông góa vợ. Tomás, mất vợ và con, quá đau đớn, quyết định đi giật lùi, tình cờ khám phá ra cuốn nhật ký Cha Ulisses và quyết tâm lên đường đi đến Miền Non Cao Xứ Bồ Đào mà tìm một cây thánh giá. Hơn 30 năm sau, thầy thuốc nhà bệnh lý học Loroza góa vợ nhưng hồn ma vợ luôn hiện diện bên cạnh ông, đã mổ tử thi một người chồng để rồi khâu luôn cả người vợ vào trong bụng ông ấy. Hơn 50 năm sau, thượng nghị sĩ Peter Tovy quyết định bỏ Canada mà về cố hương của dòng họ là Bồ Đào Nha mà sống cùng con vượn Odo. Martel đã khéo léo đặt một sợi tơ rất mỏng để kết nối câu chuyện của 3 người họ với nhau, bằng ít nhiều yếu tố kỳ bí.

Giọng văn nhẹ nhàng, hài hước, pha nhiều yếu tố phi thực, Miền Non Cao Xứ Bồ Đào là một chiêm nghiệm sâu lắng về cái chết, sự mất mát, chữa lành vết thương.

ảnh 11

  1. Sóng ngầm – Linda Lê – Bùi Thu Thủy & Hồ Thanh Vân dịch

Sóng ngầm được kể từ 4 ngôi: Văn, người Pháp gốc Việt, một biên tập viên kỳ cựu đếm chữ tính tiền nằm trong mồ mà phân trần về đời mình; Ulma, em gái kiêm người tình của Văn, sản phẩm lai Pháp-Việt của một bà mẹ đồng bóng không nuôi con lấy một ngày chót dính bầu với một anh cộng sản kiên trinh đẻ con xong bèn vứt cho mẹ nuôi và đứa con gái lớn lên phải chịu đựng bao cơn trầm cảm suýt vào trại thương điên; Lou, vợ Văn, một cô gái Pháp có ít nhiều máu sư tử Hà Đông, phát hiện chồng ngoại tình bèn đặt luôn tính mệnh chồng vào tay mình; Laure, con gái của Văn và Lou, một đứa bé tuổi teen nổi loạn. Sóng ngầm bắt đầu từ biến cố Văn xuống mồ, và để cho các nhân vật lần lượt chiêm nghiệm cái sự kiện ấy và kể lại tồng tộc hết đời mình. Câu chuyện của Sóng ngầm sến rực rỡ, lại lây nhây một tí Việt Nam, một tí vắng bố vắng cha, một tí loạn luân, ôi thôi lại còn cộng sản sang Tây ngủ với gái trắng, đủ cả.

Tôi không mê gì Linda Lê, nhưng tôi mê bản dịch Sóng ngầm. Hiếm có một bản dịch nào mà ngôn ngữ lại phong phú và nhiều từ oái oăm đến vậy. Hai dịch giả đã sáng tạo lại bằng tiếng Việt đúng giọng của 4 cá nhân con người ấy.

DSC07807

  1. Diệt vong – Thomas Bernhard – Hoàng Đăng Lãnh dịch

Franz-Josef Murau, chú cừu đen trong gia đình tư sản ở Wolfsegg, tự lưu vong ở Rome, làm gia sư dạy văn học Đức, nhận được bức điện tín thông báo cha mẹ và anh trai đã qua đời trong một tai nạn giao thông. Thế là một vạn từ độc thoại tâm tư phộc ra từ mồm Murau, tuôn tràn trên trang giấy không ngừng nghỉ, với anh học trò người Ý Gambetti. Murau, không khoan nhượng, không kiêng nể, bóc sạch bóc sẽ mọi bí mật gia đình, từ ngoại tình của mẹ, đến thân phát xít của cả mẹ lẫn cha, đến sự fake lòi giả vờ học đòi mà dốt nát cả đời đóng tất tật các thư viện của gia đình. Hằn học, chua chát, phẫn nộ, vừa khỏe vừa dẻo, văn chương của Bernhard phơi bày những sự thật mà nhiều người tránh né. Nó đào sâu vào những bí mật gia đình, những giả tạo của cá nhân, gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước.

Diệt vong vào top 10 không hẳn vì tôi thích nó. Tôi thấy nó ok lah, với một cái kết sến rợn người. Nhưng dám đem Bernhard về Việt Nam, một ông nổi tiếng khó đọc, ai muốn thử chỉ cần mở sách là đủ cần ít đường gluco ngay và luôn cho huyết áp đang tụt xuống mắt cá chân lên trở lại: kỹ thuật viết không xuống dòng, sin sít gần 500 trang giấy liền, thì kể phải vinh danh Tao Đàn. Xin quỳ lạy thêm cụ dịch giả Hoàng Đăng Lãnh đã chuyển ngữ trơn tru cuốn sách khó nhằn hạng nhất này. Bernhard thực hành một môn mà có vẻ nhiều người muốn thành thục lắm: yoga chửi. Khiếp đảm trần đời có một cái chú già U50 chửi từ bố mẹ anh chị em sang chính phủ đất nước tôn giáo trí thức nhà văn vân vân mây mây như thể sinh mệnh của chú đẻ ra là để làm trùm gym chửi.

Tác giả: Z Nguyễn

"Có nhàn mới đọc được sách [...] Có nhàn mới viết được sách" (Trương, U Mộng Ảnh, 91)

Link bài gốc: Top 10 Văn Học Dịch Nửa Đầu 2018

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

152 lượt xem