Vấn Nạn Bắt Nạt Qua Mạng Và Những Điều Đáng Lưu Ý
Bắt nạt qua mạng là khi bất cứ một cá nhân nào bị đe dọa, xâm hại, làm nhục, làm mất mặt/xấu hổ hoặc tra tấn bằng tinh thần qua tin nhắn, mạng Internet, các trang mạng xã hội và qua các thiết bị điện tử. Đó là những hành vi hoặc hành động mang tính chất hung hăng, có chủ đích bởi một người hoặc một nhóm người nào đó lặp đi lặp lại qua thời gian lên một cá nhân khác mà cá nhân đó thường không thể dễ dàng tự vệ được.
Mặc dù về cơ bản, bắt nạt qua mạng giống với bắt nạt thông thường, nhưng có một điểm cần lưu ý: Nạn nhân của bắt nạt qua mạng thường không biết danh tính của những kẻ bắt nạt mình, hoặc vì sao những kẻ đó lại nhắm vào họ. Sự quấy rối này có thể có những tổn hại và ảnh hưởng lớn hơn so với bắt nạt truyền thống, vì nội dung được dùng để làm phiền nạn nhân có thể được lan tỏa và chia sẻ rộng rãi hơn rất nhiều. Nạn nhân đôi lúc còn tiếp xúc với những sự quấy rối này bất cứ khi nào họ lên mạng hoặc mở điện thoại, máy tính để kiểm tra tin nhắn, emails v.v… không như bắt nạt thông thường – khi mà kẻ bắt nạt thường xuyên phải ở một khoảng cách vật lý nào đó gần với nạn nhân.
1. Những dạng cơ bản của bắt nạt qua mạng
- Gửi những thông điệp hoặc tin nhắn có nội dung xấu tới email hoặc điện thoại di động tới một ai đó.
- Phát tán những tin đồn nhảm, có tính chất xúc phạm và làm nhục qua mạng.
- Gửi những tin nhắn gây tổn thương hoặc đe dọa lên các trang mạng xã hội hoặc các trang web/blog.
- Lấy trộm thông tin cá nhân của ai đó rồi lẻn vào tài khoản của họ để phá hoại hoặc gửi những thông điệp gây hại.
- Làm giả một ai đó khác trên mạng để làm tổn thương người khác.
- Lấy những bức hình/clip riêng tư hoặc không được đẹp của một ai đó rồi lan truyền qua Internet và mạng xã hội.
- Nhắn tin gợi dục (mà chưa có sự đồng thuận) hoặc lưu hành những hình ảnh hoặc tin nhắn khêu gợi tình dục về một ai đó.
2. Tác hại của làm nhục và bắt nạt qua mạng
Bắt nạt qua mạng thường để lại nhiều hậu quả nặng nề đặc biệt là đối với thanh thiếu niên. Nó có thể dẫn tới rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, tự làm đau bản thân (self-harm) và thậm chí tự tử. Nạn nhân thường thiếu tự tin và tổn thương sự tự trọng nặng nề, có cảm giác sợ hãi, buồn bã, tức giận nhiều hơn sau khi bị bắt nạt. Chưa kể, một khi đã xuất hiện trên mạng thì những nội dung như vậy thường lưu lại rất lâu sau đó và rất khó để thoát khỏi nó. Nỗi đau gây ra bởi bắt nạt qua mạng là rất lớn và không thể lường trước được.
Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng một số thống kê cho rằng, những hành vi như trên vẫn ngày một gia tăng. Quá nửa thanh thiếu niên đã từng bị bắt nạt qua mạng ít nhất một lần. Cứ 3 người thì có nhiều hơn 1 người trẻ đã từng bị đe dọa qua mạng. Trên 25% thanh thiếu niên đã từng hoặc đang bị bắt nạt lặp đi lặp lại qua thiết bị di động hoặc mạng Internet. Quá nửa những thanh thiếu niên bị bắt nạt qua mạng không nói cho cha mẹ biết khi mình bị bắt nạt.
3. Những ví dụ đáng lo ngại
“Giữa tháng 6/2015, nữ sinh N.T.A.T, 15 tuổi, ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip sex lên mạng. Chỉ trong hai ngày, có gần 300.000 người xem, 18.000 likes, 4.000 lượt share, hàng ngàn bình luận, vừa đay nghiến vừa cợt nhả. “Hàng ngon thế!” và “Đẹp mặt chưa bé gái!” và “Bị tung clip là đáng, mới tí tuổi đã đua đòi”. Bố mẹ T. van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”. Cộng đồng mạng lại càng đổ xô vào, cùng nhau khui ra trang Facebook của T. và bạn trai. Hàng ngàn người follow T., đưa nhau các ảnh cá nhân, bình phẩm về cơ thể của T., gọi cô là bán dâm chuyên nghiệp, và rủa: “Chết đi đồ hư hỏng”. Hai hôm sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử. Sau cái chết của T., người ta vẫn tiếp tục dè bỉu “không biết giữ mình thì bây giờ trách ai?” hoặc “có ai bắt nó phải chết đâu”” (Theo bài báo của tác giả Giang Đặng).
Em Bùi Q. H., học sinh một trường THCS tại Yên Bái, vào ngày 17/9/2016 sau khi đi học về đã bị một nhóm thanh niên chặn lại ở cổng trường và đánh đập liên tiếp bằng tuýp cao su. Sau đó, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trong khi có rất nhiều bạn bè trong trường qua lại. Chưa dừng lại ở đó, clip em bị đánh còn được tung lên mạng. Em H. bị chẩn đoán chấn động não và tổn thương nặng nề về tâm lý. Sau khi về nhà, em cảm thấy xấu hổ vì nhiều người nhìn thấy mình quỳ gối. Ngày 24/9, em thấy clip mình bị đánh được phát tán lên mạng và ngày 25/9, mẹ của em đã phát hiện con mình treo cổ tự tử.
Gần đây nhất, một em học sinh 16 tuổi ở trường THPT Nguyễn Tất Thành đã tìm đến Beautiful Mind VN để chia sẻ như sau:
“Mình bị quấy rối tình dục vào hồi tháng 7, khi mình bị hai tên biến thái dồn vào góc tối và mình bị tụt rách vai áo, nhưng may mắn thay là mình đã kịp bỏ xe và chạy vào quán cà phê cách đấy gần trăm mét. Tuy không bị hiếp nhưng sự việc đã khiến mình thật sự bị kinh hoàng. Đây không phải là lần đầu tiên mình bị quấy rối (mình từng đang đi trên đường xong bị sờ ngực, bị phô dâm, bị catcall), nhưng đó là lần đáng sợ nhất đối với mình. Sau đó mình có chia sẻ lên facebook cá nhân của mình và đồng hành cùng với sự cảm thông, hỏi han mình thì cũng có rất nhiều người comment, nhắn tin trách móc và chửi rủa mình (trong đó còn có những người là cha mẹ) và lý do trách móc thì muôn thuở, xoay quanh việc mình ăn mặc khiêu khích (provoke), nhuộm tóc màu khác lạ, xăm mình, xỏ khuyên, rằng mình 16 tuổi không biết tự bảo vệ bản thân còn to mồm,… Sau khi mình đăng status về nạn Victim Shaming thì facebook cá nhân của mình bị báo cáo vì nội dung “Nhạy Cảm” và mình mất luôn nick facebook và bài đăng đó. Mình vẫn giữ bài viết nên có thể đăng lại. Bẵng đi một thời gian cho tới hôm qua, có một ask để chế độ ẩn danh hỏi mình (nguyên văn): “c bị hiếp à”. Mình đã trả lời với sự phẫn nộ trước sự thiển cận và vô duyên của câu hỏi. Một blog trên facebook sau đó đã chia sẻ ask đó của mình và lại một lần nữa, facebook hiện tại và ask của mình lại chìm trong những lời chửi bới, đe doạ hiếp thậm chí là giết mình; và còn chưa kể đến những ask mỉa mai trí tuệ, xúc phạm bố mẹ mình chỉ vì mình dũng cảm đứng lên bảo vệ bản thân. Đối với một cô gái 16 tuổi như mình mà nói, mình đã thực sự rất sợ hãi và thấy uất ức.
Qua sự việc, qua những đoạn inbox tìm lời khuyên dài tới gần trăm hình chụp màn hình với những người thân thiết của mình; giờ đây, sự sợ hãi trong mình giờ cũng đã nguôi ngoai, những sự tức giận thì vẫn còn đầy. Tức giận vì tại sao mình là người vô tội nhưng lại bị miệt thị như người có tội? Phẫn nộ vì tại sao mình lại bị doạ giết chết, hiếp chết chỉ vì mình khảng khái dám đứng lên bảo vệ không chỉ bản thân mà còn bảo vệ cho những người là nạn nhân của nạn QRTD? Thấy uất ức vì tại sao chỉ vì mình được sinh ra với cái buồng trứng thay vì cặp tinh hoàn nên mình không có quyền được nói về thứ “tối kị”, rằng mình là đĩ điếm, dâm tục; rằng là “con gái” thì không được nói về những điều ấy cho người ngoài biết; rằng tốt nhất mình nên im mồm vào vì nếu để người ngoài biết mình bị QRTD mình sẽ không được người ta coi trọng? Vì sao những người là nạn nhân, là người vô tội, cần được bảo vệ và chở che thì lại bị đem ra làm thứ vui đùa, móc mỉa, chì chiết thậm chí là bị biến thành người mang tội dưới cái miệng lưỡi đáng sợ của thiên hạ; mà rốt cuộc thì việc đem họ ra làm thứ để phỉ nhổ ấy có đem lại lợi ích gì không ngoài việc thoả mãn cái thú tính điên cuồng, vô nhân tính vốn chỉ nói cho sướng cái mồm mà không hề nghĩ đến cái hậu quả nặng nề mà miệng lưỡi mình đem lại cho các nạn nhân? Ừ thì bị xâm hại là nỗi đau thể xác một phần, nhưng nỗi đau tinh thần lại là thứ đáng sợ hơn gấp trăm, gấp tỉ lần. Nỗi đau thể xác là thứ nhìn thấy được, và từ đó đương nhiên theo một lẽ ‘thường tình’ người ta sẽ coi trọng nó hơn; còn nỗi đau âm ỉ nhưng dữ dội trong tinh thần lại có sức công phá mạnh mẽ đến độ có thể khiến một con người kết thúc mạng sống của chính mình”.
Về nguyên nhân, “Nhiều thập kỷ về trước, nghiên cứu đã chỉ ra nhiều phần đúng trong suy nghĩ thông thường rằng người ta lăng mạ những người khác chỉ để bản thân cảm thấy khá hơn. Khi bạn lăng mạ hay chỉ trích người khác, điều này có thể nói lên cách bạn nghĩ về bản thân mình nhiều hơn người mà bạn chỉ trích.”
“Chính sự độc ác ấy đã khiến cho hung thủ không được trừng phạt thích đáng và nạn quấy rối tình dục, xâm hại, xúc phạm nặng nề như trên không được đưa ra ánh sáng. Về phía nạn nhân, họ thấy hoảng sợ vô cùng, họ thấy rằng mình thật sự là người có lỗi, họ thấy vô vọng, thấy rằng tưởng như không còn một ai đứng về phía họ và bảo vệ họ nữa mà thay vào đó sẽ là hùa cùng với số đông chửi bới, trù dập, mắng mỏ, mỉa mai họ và gia đình họ” – cô bé tìm đến BMVN hôm trước đã có chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Vì vậy, hãy SUY NGHĨ trước khi gõ phím và đặc biệt, hãy trở thành một con người có ích hơn bằng cách học sự cảm thông và tình thương. Một lời phán xét của chúng ta đã là nặng nề rồi, nếu là hạ nhục, xúc phạm và dọa dẫm còn đáng sợ hơn nữa. Và mạng xã hội là một công cụ rất quyền lực vì chúng cung cấp những chiếc mặt nạ để người ta có thể giấu mình và tha hồ hành hạ người khác. Thế nhưng, chúng ta có thể biến những thông điệp tích cực thành những làn song khổng lồ, đẩy bay những gì tiêu cực, những thứ xấu ác trong xã hội này. Hãy bảo vệ con cái, bạn bè, anh chị em và cả những người lạ mặt chúng ta không biết. Bởi, có thể họ đã và đang có những trận chiến mà chẳng ai có thể biết được rằng chúng đáng sợ thế nào.
Theo: beautifulmindvn.com
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,999 lượt xem