Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vì Sao Chúng Ta Không Biết Những Gì Mình Không Biết?

Con người ta thường tin vào những gì mà mình biết, hiển nhiên đó là một sự thật tâm lý. Cho nên, sẽ thật ngạc nhiên nếu như bạn tự nói với chính mình rằng "Đừng tin vào những gì tôi biết, bởi lẽ tôi không biết những gì tôi không biết". Nhưng sự thật thì đôi khi, tin vào những gì mà chúng ta tưởng như đã biết vô tình lại rất nguy hiểm. Và lời khuyên đừng tin vào chính mình, trong một số hoàn cảnh lại vô cùng hữu ích.

Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với câu chuyện dân gian nổi tiếng của người Việt chúng ta, đó chính là Thầy Bói Xem Voi. Chuyện kể về 5 ông thầy bói mù cùng đi xem voi, và mỗi ông nhận định một kiểu khác nhau về con voi. Ông sờ vòi thì phán rằng con voi nó sun sun như con đỉa, ông sờ ngà thì nói rằng nó dài dài cứng cứng như cái đòn càn, ông sờ tai thì nói nó bè bè như cái quạt thóc, ông sờ chân thì nói nó sừng sững như cái cột đình, ông sờ tua thì nói nó sun sun như cái chổi xể cùn. Cuối cùng, chẳng ông nào chịu tin ông nào, đâm ra cãi lộn rồi xô xát đến sứt đầu mẻ trán.

Ở đây, ông nào cũng chỉ biết những gì mình biết, và đều tin vào những gì mình biết. Đồng thời các ông cũng không ông nào biết những thứ mình không biết, và các ông cũng không ông nào tin vào những thứ mình không biết (người khác biết). Và đồng thời cả năm ông đều không biết sự thật thực sự về con voi (điều mà cả năm ông không biết). Dĩ nhiên, câu chuyện dân gian này có thể làm cho chúng ta thấy buồn cười về cách hành xử của năm ông thầy bói, thế nhưng trong chính cuộc sống hiện tại, tâm lý con người - đôi khi thậm chí là thường xuyên, hành xử tương tự như thế.


1. MÌNH BIẾT - NGƯỜI KHÁC BIẾT

Đây là điều dễ thấy nhất trong cuộc sống hàng ngày, điều mình biết và điều người khác cùng biết về một chuyện gì đó. Chẳng hạn, chúng ta biết nhà để ở, xe để đi, nước để uống,... và người khác cũng biết điều đó. Về mặt tính cách, đây là những điều chúng ta hiểu về bản thân mình, nhận thấy ở bản thân và cũng là điều mà người khác thấy. Hoặc đây cũng có thể là điều mà ai cũng biết, ai cũng thấy. Ví dụ như mình biết - người khác đều biết là đi đường khi thấy đèn đỏ thì phải dừng xe lại, nếu vượt đèn đỏ thì sẽ bị vi phạm luật giao thông.

2. MÌNH BIẾT - NGƯỜI KHÁC KHÔNG BIẾT

Ví dụ một học sinh lớp 12 có thể biết giải hệ phương trình, nhưng dĩ nhiên một em học sinh lớp 1 thì không thể biết. Về mặt tính cách và cuộc sống, có những thứ thuộc về bản thân - mình biết nên mình hiểu, nhưng người ngoài không có nghĩa là biết điều đó. Hoặc mình nhìn ra được một điều gì đó từ người khác mà chính người đó cũng không nhìn ra.

3. MÌNH KHÔNG BIẾT - NGƯỜI KHÁC BIẾT

Ngược lại với số 2, đây chính là vùng mà mình không biết nhưng người khác biết. Chẳng hạn, một học sinh không biết giải bài tập, nhưng thầy giáo thì biết đáp án. Một nhân viên không biết cách làm một việc, nhưng người quản lý thì biết điều đó. Về mặt tính cách, có thể có những điều mình không biết về mình, nhưng người khác có thể hiểu về mình.

4. MÌNH KHÔNG BIẾT - NGƯỜI KHÁC KHÔNG BIẾT

Đây là vùng mà cả mình và người khác đều không biết. Lấy một ví dụ đơn giản, cả một học sinh lớp 1 và một học sinh lớp 5 đều có thể không biết cách tính đạo hàm của một hàm số. Về tính cách, có những thứ thuộc về chính bản thân chúng ta nhưng chúng ta không biết, và cả người khác cũng không biết.

Ở đây có một vấn đề nằm ở chỗ vùng không biết. Vùng 3 là vùng mình không biết và vùng 4 là vùng cả mình và người khác không biết. Tuy nhiên, thông thường chúng ta quá để ý và quá tin tưởng vào vùng mà mình biết, cho nên đó là lý do vì sao chúng ta dễ ra kết luận sai lầm, và thông thường thì chúng ta lại không chấp nhận hoặc khó chấp nhận tin vào vùng mình không biết.

Chẳng hạn có một người hành xử rất vô duyên. Người khác biết điều đó, họ thấy điều đó, họ chỉ điều đó. Nhưng người vô duyên này sẽ không tự nhận là họ vô duyên. Họ thậm chí còn không cho rằng họ vô duyên, mà họ còn cảm thấy tiếp tục những hành động (mặc dù vô duyên) của họ. Điều này cũng dễ hiểu là bởi vì nếu họ biết là họ vô duyên thì nhiều khả năng họ sẽ không còn hành xử vô duyên nữa. Cho nên, hãy cẩn trọng với vùng mình không biết nhưng người khác biết.

Một bạn trẻ mới đi làm, không biết những văn hóa ứng xử và tác phong chuyên nghiệp nơi công sở, khi đi làm không hiệu quả, mắc quá nhiều thói quen xấu. Nhưng nếu không chịu lắng nghe, thay vào đó lại còn phán xét sếp, chê môi trường làm việc, chê nọ chê kia, không chịu nỗ lực, thì tất nhiên sẽ bị những người biết điều đó sa thải và đào thải. Có những hành xử của chúng ta, nhưng không biết và chưa biết, nhưng bởi vì thiếu kinh nghiệm nên gây ảnh hưởng cho người khác, chúng ta sẽ không biết người khác cảm thấy như nào và có suy nghĩ như nào. Nếu không phải là một người cầu thị, sẵn sàng lắng nghe nhận phản hồi thì hậu quả là chúng ta sẽ phải đón nhận những kết quả không tốt với các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, có rất nhiều thứ mà cả mình và người khác đều không biết. Chẳng hạn như cả hai vợ chồng vừa mới sinh con lần đầu, rất có thể là cả hai người đều không ai biết kinh nghiệm nuôi dạy con thực sự. Cho nên, với điều mà cả mình không biết và người khác không biết, cách duy nhất là phải đi tìm người biết điều mà cả mình và người khác đều không biết. Đó là lý do vì sao các cụ hay nói "Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học".

Cho nên, để phát triển được thực sự, thì cách tốt nhất là chúng ta phải làm rộng và phát triển VÙNG MÌNH BIẾT. Trước hết, muốn phát triển nó thì chúng ta phải thừa nhận rằng có rất nhiều thứ mà chúng ta không biết. Người xưa thường dạy "Lúa chín thường cúi đầu, sông càng sâu càng tĩnh". Nghịch lý nằm ở chỗ, ngày nay có quá nhiều bạn trẻ lại quá tự tin vào những gì mình biết, mặc dù họ không biết rất nhiều thứ họ không biết.

Nếu chúng ta quá tự tin vào cách hành xử của mình, quá tự tin vào kiến thức của mình, và có xu hướng lấy những gì mình biết ra làm chuẩn mực thì điều đó là điều ảnh hưởng đến chúng ta rất rất nhiều. Chính vì thế, nếu muốn biết những gì mình không biết, chỉ có một cách là phải liên tục học hỏi, được người đi trước chỉ ra. Liên tục tự vấn bản thân, nghi ngờ về những gì mình làm, liệu đã tốt chưa, liệu đã ổn chưa. Đây cũng là một cách để phát triển tư duy đa chiều và tư duy logic.

Phát triển ý bài này, có rất nhiều chuyện để nói. Tuy nhiên, tạm dừng lại ở một vài chủ điểm tâm lý trong bài:

- Đừng quá tin tưởng vào những gì mình biết, rất có thể những thứ mình biết chỉ là một phần rất nhỏ.

- Hãy liên tục tăng cường phát triển vùng mình biết để giảm thiểu vùng mình không biết.

Bạn nào có nhiều trải nghiệm, có thể chia sẻ những gì mình đã biết cho các bạn chưa biết có thêm kiến thức.


Theo Tâm Lý Học Ứng Dụng

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,620 lượt xem