Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vì Sao Thế Hệ 8X, 9X Không Cảm Thấy Hạnh Phúc?

Với cái nhìn mới mẻ về nhân sinh chịu tác động của biến động lịch sử và thời đại, bài viết lý giải vì sao thế hệ trẻ thường cảm thấy mình không hạnh phúc. Vậy lý do là gì?

Giới thiệu với các bạn, đây là Mai.


Mai thuộc thế hệ 9x (tức là những người sinh trong khoảng thời gian từ đầu 1990 đến 1999). Mai có một cuộc sống khá thoải mái và luôn nghĩ mình rất quan trọng. Mai thuộc kiểu những người trẻ làm việc tại các cao ốc sang trọng của thành phố và có thu nhập cao. Mai tận hưởng cuộc sống của mình và luôn tự hào về bản thân. 

Tuy nhiên, có một điều là: Mai không cảm thấy hạnh phúc.

Trước tiên chúng ta cần phải khẳng định lại: Thế nào là hạnh phúc và thế nào là không hạnh phúc? Chúng được định nghĩa trong công thức chung như thế này:

Đó là một công thức hoàn toàn dễ hiểu. Khi thực tế cuộc sống của bạn cao hơn hoặc bằng với ngưỡng kỳ vọng, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, khi thực tế thấp hơn ngưỡng kỳ vọng, bạn sẽ cảm thấy không hạnh phúc. Ví dụ như bạn kỳ vọng mình có 10 triệu mỗi tháng, nhưng thực tế thì bạn chỉ kiếm được có 5 triệu thôi, thì bạn sẽ thấy không hạnh phúc và hài lòng. 

Để bối cảnh trở nên đa màu sắc hơn. Tôi sẽ giới thiệu với các bạn bố mẹ của Mai:

Bố mẹ Mai sinh ra và lớn lên trong những năm 60, chính là thời kì chiến tranh chia cắt đất nước (chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ ngày 30/4/1975 nước ta mới hoàn toàn giải phóng chứ?). Bố mẹ của Mai lại được sinh ra và nuôi dưỡng bởi bố mẹ của họ, tức là ông bà của Mai, trong thời kì trước 1945. Lúc ấy nước ta chịu sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp. Nói tóm lại, ông bà và bố mẹ của Mai đều sinh ra trong thời kì chiến tranh vất vả và cơ cực, thời kì mà mạng sống và tự do độc lập quan trọng hơn tất thảy và chất lượng cuộc sống ở mức tệ nhất có thể. So với Mai, họ hoàn toàn là thế hệ chật vật và "đau khổ".

Ông bà của Mai chưa có tri thức về việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền, để có một cuộc sống tốt hơn (thời kì của họ đang tồn tại nền kinh tế quan liêu bao cấp, cá nhân chưa có quyền tự do thoải mái buôn bán và tích lũy tài sản, mọi thứ đều do nhà nước cung cấp và quản lý). Họ hướng bố mẹ Mai gầy dựng sự nghiệp bằng việc lao động chăm chỉ. Họ cũng mong muốn bố mẹ Mai có một cuộc đời sung sướng hơn cuộc đời của mình theo kiểu "ổn định", tức là "cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày", chỉ cần ăn no mặc ấm là tốt rồi. Vì bị ám ảnh bởi sự nghèo đói nên ông bà đã dạy cho bố mẹ Mai rằng "sự ổn định" trong cuộc sống là quan trọng nhất. Và họ cố gắng để tạo nên một cuộc sống ổn định, trông như thế này: Là một bãi cỏ xanh rì tượng trưng cho cuộc sống no đủ.

Vì vậy, bố mẹ Mai cố gắng lao động chăm chỉ trong nhiều năm để đạt được sự ổn định đó.

Tạm gọi thế hệ của bố mẹ Mai là thế hệ hậu chiến.

Bố mẹ Mai bắt tay vào làm việc chăm chỉ. Vào những năm 80, 90, nhất là thời kì đổi mới đất nước năm 1986, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn chưa từng thấy trước đó. Đó là thời kì giao thương cực kì nhộn nhịp và phát triển với những chính sách "mở" của nhà nước. Mọi thứ trở nên khá dễ dàng. Bố mẹ của Mai đã làm tốt hơn mong đợi. Kết quả là họ cảm thấy khá hài lòng và lạc quan.

Với khả năng nhạy bén và linh hoạt hơn nhiều so với ông bà, bố mẹ Mai nuôi dưỡng Mai trở thành một con người có đầy đủ tất cả các điều kiện để phát triển. Và không chỉ một mình Mai như vậy. Thế hệ của Mai có thể trở thành bất cứ những gì họ muốn, những địa vị và vai vế quan trọng trong xã hội.

Điều đó làm cho thế hệ của Mai đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự nghiệp. Mong muốn của bố mẹ Mai không còn phù hợp với cuộc sống của Mai nữa. Cuộc đời Mai không những là thảm cỏ xanh rì, mà còn phải trải hoa hồng nữa.

Điều đó dẫn đến những sự thật về thế hệ của Mai, những người 8x, 9x (đời con của thế hệ hậu chiến). Nhưng tạm gọi chung là thế hệ 9X.

THẾ HỆ 9X CÓ RẤT NHIỀU THAM VỌNG

Thế hệ 9X mong đợi nhiều hơn một thảm cỏ xanh ổn định. Sự thật là điều đó không hề đủ đối với họ. Thế hệ 9X muốn sống một cuộc sống của riêng mình. Một cuộc sống "như mơ".

Theo một công cụ khảo sát từ khóa tìm kiếm của Google, từ khóa "theo đuổi đam mê"  trong 20 năm trở lại đây có lượng người truy cập tăng đột biến. Cũng theo google, cụm từ "sự nghiệp ổn định" đã không còn nhiều người truy cập nữa. Thay vào đó là cụm từ "sự nghiệp toàn vẹn" đang là xu hướng tìm kiếm.


THẾ HỆ 9X RẤT ẢO TƯỞNG

Mai luôn nghĩ rằng mình khác biệt so với những bạn bè cùng trang lứa. Mai thông minh hơn, Mai có kĩ năng tốt hơn, Mai giỏi giang hơn. "Ta là một, là riêng, là thứ nhất / Không có chi bè bạn nổi cùng ta" (Xuân Diệu). Mai nghĩ rằng Mai hoàn toàn khác biệt và ở một đẳng cấp khác. Và bạn bè của Mai cũng nghĩ y như Mai, thật kì lạ.

Sự nghiệp của thế hệ 9X trong suy nghĩ của họ phải là kỳ lân phun lửa trên thảm cỏ có hoa hồng:

Vậy tại sao thế hệ của Mai có sự ảo tưởng? Bởi vì tất cả những gì họ nghĩ, thách thức cả định nghĩa của từ "đặc biệt".

Đặc biệt: tính từ, chỉ sự tốt hơn, hoặc khác hẳn những trường hợp thông thường về tính chất, khả năng hoặc mức độ. Với định nghĩa này, hầu hết con người đều không có gì đặc biệt so với đồng loại của họ, mỗi người có một ưu thế riêng nhất định. Thế nhưng thế hệ 9X lại nghĩ rằng: Mình là người đặc biệt trong số ít những người đặc biệt. Đó chính là vấn đề.

Điều ảo tưởng thứ hai của thế hệ 9X đến từ mong đợi cho sự nghiệp. Trong khi bố mẹ Mai mong đợi rằng sự lao động chăm chỉ sẽ dẫn đến thành quả trong sự nghiệp thì Mai lại cho rằng một sự nghiệp tốt sẽ đến với những người nhiều tham vọng như cô ấy, vấn đề là thời gian và hướng đi như thế nào. Mong đợi về sự nghiệp của Mai giống như thế này:

Thật không may là thế giới vận hành không hề dễ dàng như Mai nghĩ. Một sự nghiệp thành công lấy đi của bạn mồ hôi, nước mắt và đôi khi thì phải đổ máu nữa. Thực tế là không có ai thực sự đạt được thành tựu trong độ tuổi 20 cả, trừ những trường hợp có sự nỗ lực vượt bậc.

Nhưng thế hệ của Mai không chấp nhận điều đó.

Giáo sư Paul Harvey, theo một nghiên cứu của ông đã cho thấy rằng "thế hệ 9x có những mong đợi không thực tế và có một sự chống đối quyết liệt với những câu trả lời phủ nhận". Ông ấy nói: "Họ cảm thấy mình có tài năng và hoàn toàn xứng đáng nhận được sự đánh giá cao và tán thưởng. Tuy nhiên khả năng thực sự của họ thì không tương xứng, nên cuối cùng họ đã chìm vào ảo tưởng và vỡ mộng".

Đối với những ứng cử viên thế hệ 9x tham gia một cuộc phỏng vấn xin việc, Paul Harvey đã đề nghị người phỏng vấn hỏi họ rằng: " Bạn có cảm thấy mình nổi trội hơn so với đồng nghiệp cũ / bạn cùng lớp / ứng cử viên khác không và vì sao? Nếu ứng cử viên đó tự tin nói "có" sau đó lúng túng với câu hỏi vì sao, thì đích thị đây là kiểu mẫu cho thế hệ 9x ảo tưởng. Có thể họ được dạy rằng phải luôn tỏ ra tự tin nhưng lại thiếu những minh chứng cụ thể cho sự tự tin đó.

Trước khi cuộc đời dạy cho Mai cách thích nghi thì Mai đã nhận ra bài học sâu sắc về bản thân như thế này:

Thật ra là Mai bị đánh lừa bởi việc nhìn nhận và tự đề cao những giá trị bản thân, cộng với sự ngạo mạn đã tạo cho cô ấy những kỳ vọng quá lớn sau khi tốt nghiệp đại học. Và ảo tưởng đó sẽ mất dần, sự chán nản và thất vọng về cuộc đời bủa vây lấy cô ấy khi Mai nhận ra rằng cuộc đời "không là mơ".

THẾ HỆ 9X THƯỜNG DẰN VẶT CHÍNH MÌNH

Bố mẹ Mai có rất nhiều bạn bè, và những người bạn đó lại thành công hơn bố mẹ Mai. Thật ra thì bố mẹ Mai cũng không biết thực sự là câu chuyện thành đạt của họ như thế nào mà chỉ nghe được qua lời đồn đại.

Nhưng Mai lại khác, chỉ cần truy cập Facebook hay những mạng xã hội khác, Mai biết được chính xác bạn bè của mình đang làm gì, và cô cảm thấy mình "không bằng" bạn bè, từ đó sinh ra cảm giác tự ti và dằn vặt chính mình.

Mạng xã hội đã tạo ra cho Mai một thế giới mà : 

A) Mọi người đều biết những gì người khác làm.

B) Mọi thứ đều trở nên "ảo" và bị làm cho trở nên tốt đẹp quá mức so với thực tế.

C) Những người có cuộc sống tốt đẹp và bận rộn thường xuyên thể hiện trên mạng xã hội, ngược lại những người đang bế tắc hoặc có cuộc sống không như mong muốn thì hoàn toàn không cập nhật gì trên trang của họ, tức là họ muốn ẩn dật và che giấu đi.

 Điều đó đã tạo cho Mai một cảm giác không chính xác rằng, mọi người đều sống một cuộc sống rất tốt đẹp, họ hoàn toàn thành công hơn cô, chỉ có cô là gặp trắc trở và bất hạnh. Vì thế Mai càng thêm buồn chán và thất vọng về bản thân mình.

Và đó chính là lý do vì sao Mai không cảm thấy hạnh phúc, hoặc có cảm giác thất vọng và không được như ý. Thực ra, cô ấy hoàn toàn có thể bắt đầu sự nghiệp của mình một cách thuận lợi, nhưng đối với cô ấy, mọi thứ trở nên thật khó khăn.

MỘT SỐ LỜI KHUYÊN CHO MAI VÀ THẾ HỆ TRẺ

1) Hãy cứ giữ những tham vọng: thế giới được xây dựng và phát triển bởi những con người có tham vọng. Cho dù định hướng chưa được rõ ràng, nhưng tham vọng sẽ giúp chúng ta biết được nơi mình cần đến.

2) Nhưng hãy ngừng ngay suy nghĩ bạn là người đặc biệt đi: Sự thật là bạn không có gì đặc biệt đâu nên hãy ngừng ngay suy nghĩ ấy lại. Người đặc biệt thật sự cần một thời gian rất dài để rèn luyện và phấn đấu. Suy cho cùng bạn chỉ là một người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời và "chưa có tuổi để mà phát biểu " đâu. Đùa thôi nhưng hãy tỏ ra cầu thị và học hỏi nhé. Hãy nhớ rằng cho dù bạn giỏi thì thế giới ngoài kia còn có rất nhiều người giỏi hơn bạn.

3) Đừng quan tâm đến công việc và cuộc sống của người khác mà hãy chú trọng vào công việc của mình: Cuộc sống của người khác không liên quan gì đến bạn, hơn nữa nó chỉ là bề mặt mà mọi người đang cố tạo dựng cho bạn thấy mà thôi. Bạn nhớ câu "tốt khoe, xấu che chứ"? Ai cũng có nỗi khổ cả. Thực tế là mọi người đều giống như bạn: chênh vênh, mất định hướng, tự ti và hoang mang. Nhưng họ đã che giấu nó đi. Nếu không thì bạn sẽ chẳng còn ai để mà ghen tị nữa phải không?

_________

(Bài viết được chỉnh sửa một số chi tiết để phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa, chính trị của Việt Nam và bớt đi một số thuật ngữ để tạo sự dễ hiểu cho người đọc)

Để tìm hiểu thêm, bạn có thể đọc bài viết gốc của tác giả Tim Urban tại đây.

Dịch & việt hóa: Mỹ Hằng (ohay.tv)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,746 lượt xem