Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Anh Chàng 9x Đạt Học Bổng Tiến Sĩ Toàn Phần Mỹ: "Không Ngủ Say Trên Chiến Thắng, Không Đau Khổ Vì Thất Bại"

Ngô Di Lân dường như là mẫu hình lý tưởng của biết bao cô nàng, khi anh vừa sở hữu vẻ ngoài điển trai, đam mê thể thao lại còn học rất giỏi, sở hữu bảng thành tích “khủng” và giữ vai trò "chủ chốt" của nhiều hoạt động ngoại khóa.

Là một trong số người trẻ có những thành công nhất định của thế hệ 9x, hiện nay, Ngô Di Lân (23 tuổi) là cái tên thu hút được rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng, nhất là trong giới du học sinh Việt. Anh là một trong năm ứng viên xuất sắc từng được Đại Học Brandeis (Mỹ) cấp học bổng tiến sĩ khi vừa chỉ 21 tuổi, trước đó chàng trai này đã nhận học bổng toàn phần ĐH College Maastricht (Hà Lan).

Tuy bản thành tích cực “khủng”, nhưng anh lại rất khiêm tốn cho rằng mình cũng may mắn có điều kiện theo gia đình sang nước ngoài sinh sống và học tập từ sớm nên cũng tiếp cận được với nhiều điều thú vị và mới mẻ để có thể “rinh trọn” bảng vàng thành tích thế này. Liên lạc với anh Ngô Di Lân, anh đồng ý chia sẻ với phóng viên SaoStar về những cảm xúc của mình và đặc biệt đưa ra những lời khuyên chân thành góp một phần nào định hướng được con đường mà những bạn trẻ sẽ lựa chọn phía trước.

Một người trẻ tuổi đang trong giai đoạn “trải nghiệm” đời sống thi thoảng sẽ dễ nản, dễ lệch đường và rất khó khăn để có những thành công. Điều gì đã thôi thúc anh có “động lực” gặt hái thành quả như hôm nay?

Còn quá sớm để biết xem cá nhân mình đang đi lệch hướng hay đúng hướng, nhưng hiện tại, thì mình vẫn đang đi và thỏa mãn với con đường mình đã chọn. Có lẽ so với nhiều bạn thì mình may mắn hơn vì mình biết được bản thân muốn gì tương đối sớm.

Anh Ngô Di Lân trong vai trò Tổng thư ký của chương trình Thanh niên Việt Nam mô phỏng Liên Hợp Quốc (Vietnamese Youth Model UN) giai đoạn 2014-2016.

Chính vì thế nên mình luôn mong muốn có thể chia sẻ được ít nhiều những gì mình có với những bạn khác, đặc biệt để cống hiến cho cộng đồng. Mà đương nhiên là để làm được tất cả những việc này thì trước tiên bản thân mình phải tốt đã, nên mục tiêu số một của mình luôn là hoàn thiện bản thân. Đó chính là động lực của mình.

Anh nhận định như thế nào về giới trẻ (những sinh viên mới vào đời và các bạn trẻ tham gia vào hoạt động xã hội) trong giai đoạn hiện nay? Theo anh, đâu là thách thức của người trẻ và họ cần phải làm gì?

Các bạn sinh viên trong nước hiện nay rất năng động, sáng tạo và ngày càng chịu khó vươn mình ra thế giới và hòa chung vào dòng chảy của thời đại. Các bạn rất trẻ trung, tràn đầy năng lượng và đây là điều thật sự tuyệt vời. Tuy nhiên qua tiếp xúc của mình với một số bạn thì mình thấy rằng trở ngại lớn nhất của người trẻ là không tìm được đam mê đích thực của mình hay nói một cách đơn giản hơn là không biết được mình muốn gì.

Đây là một vấn đề lớn vì khi không có một niềm đam mê thực thụ, rất có thể các bạn sẽ đánh mất phương hướng và gặp khủng hoảng tâm lý. Và chí ít thì các bạn cũng sẽ phung phí thời gian và sức lực của mình một cách không cần thiết. Thế nên bài toán lớn nhất hiện nay là làm sao để giúp các bạn khám phá được đam mê của bản thân. Mình không có lời giải đáp và mình cũng tin rằng không có “công thức vàng” nào giúp các bạn giải được bài toán này. Nhưng dĩ nhiên cũng không phải là hoàn toàn vô phương.

Mình vẫn luôn nói với các bạn, các bạn rằng muốn tìm được đam mê thì cách nhanh nhất là các bạn cho mình được phép thử. Trải nghiệm của các bạn đa dạng bao nhiêu thì xác suất các bạn tìm được thứ mà mình thật sự thích càng cao bấy nhiêu. Nếu các bạn chỉ học, ăn và ngủ thôi thì khó mà biết được đam mê của mình là gì. Các bậc phụ huynh cũng nên tạo điều kiện và khuyến khích con mình theo đuổi những thứ gì các bạn thấy thích thú thay vì những gì bắt con mình phải theo truyền thống gia đình hay những ngành nghề được xã hội coi trọng, v.v… Điều này sẽ yêu cầu sự bạo dạn và bản lĩnh từ những người trẻ. Các bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thất bại và đôi khi phải dám làm trái lại những gì mà gia đình, bạn bè cho là “nên”, cho là “đúng”.

Người trẻ có cần phải học thật giỏi, chú trọng những lý thuyết, là những phiên bản “con nhà người ta” hay nên chú trọng những kỹ năng mềm thì mới nắm chắc được trong tay học bổng?

Học rất giỏi có thể giúp bạn nắm chắc trong trong tay học bổng nhưng nó không phải là một sự đảm bảo tuyệt đối. Nếu mình nhớ không nhầm thì cách đây không lâu có một bạn trẻ 9X cũng chia sẻ rằng tuy đoạt được hai huy chương vàng Olympic Toán vẫn bị năm đại học Mỹ từ chối.

Hay bản thân mình cũng không phải là người học quá chăm. Đến kỳ thi bạn bè của mình học ngày học đêm bỏ ăn bỏ ngủ còn mình vẫn đi chợ nấu cơm rồi tập thể thao như thường mà mọi thứ vẫn đâu vào đó. Đương nhiên cũng vì mình luôn “thong dong, thong thả” như vậy nên không vào được những trường top như Princeton, Harvard, v.v.. nhưng ý mình ở đây là nếu mục tiêu của các bạn chỉ đơn thuần là kiếm được học bổng ở một trường Đại Học nào đó tương đối ổn thôi thì việc mài dùi kinh sử ngày đêm đến hao mòn sức lực là hoàn toàn không cần thiết.

Bên cạnh đó mình cũng muốn nói thêm rằng ở Mỹ và các nước trên thế giới đại đa số các trường Đại học rất quan tâm đến bảng thành tích hoạt động ngoại khóa của các bạn. Có những bạn mình biết học bạ tuy không quá xuất sắc nhưng có bảng thành tích ngoại khóa ấn tượng nên vẫn được học bổng chẳng kém gì ai!

Với xu hướng thời đại mang tính toàn cầu hóa đầy thách thức cạnh tranh như hiện nay, theo anh, các bạn trẻ cần phải chuẩn bị cho mình những hành trang gì để dễ dàng vươn ra thế giới?

Trong thời đại toàn cầu hóa thì cạnh tranh việc làm rồi đủ mọi thứ ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Nên về cơ bản, các bạn phải luôn cố gắng làm sao cho bản thân mình càng toàn diện càng tốt.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất các bạn phải trang bị cho mình vốn ngoại ngữ thật tốt. Ngoại ngữ tốt ở đây là các đọc - hiểu tốt và giao tiếp thuần thục còn việc đi thi chứng chỉ được mấy điểm không quan trọng.

Ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh (và sắp tới sẽ là tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật) chính là chìa khóa mở ra cánh cửa cho các bạn vươn ra thế giới. Trải nghiệm của bản thân là những kho tàng kiến thức nhân loại luôn “nằm sâu” đợi mình khai quật. Nhưng không có ngoại ngữ, các bạn sẽ không thể chạm được tới nó và đây là một sự thiệt thòi vô cùng to lớn. Chính vì vậy mình muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trau dồi kĩ năng ngoại ngữ tốt, đặc biệt tại thời điểm hiện nay.

Được biết anh là người theo học ngành Quan hệ Quốc tế, vậy lý do gì đưa đẩy anh quyết định theo chọn ngành học ngành này?

Thật ra mình theo học ngành Quan hệ Quốc tế là bởi mình có đam mê với ngoại giao. Đối với mình thì đam mê với một ngành nghề là sự kết tinh của cả 3 yếu tố: (1) bạn có năng lực theo đuổi ngành nghề đó, (2) bạn thích đến mức có thể “ăn ngủ” hàng ngày với ngành nghề đó và quan trọng hơn cả là (3) bạn thấy rằng ngành nghề phục vụ lý tưởng sống của bạn.

Cá nhân mình thấy học các môn sử rồi chính trị quốc tế khá “vào”, hơn nữa mình đủ thích những môn học này để đọc báo đọc sách hàng ngày mà không chán. Cuối cùng, mình luôn tin là cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu như mỗi người trong chúng ta chịu khó trao đổi với nhau nhiều hơn, hiểu nhau hơn và chấp nhận những thỏa hiệp. Thế nên đối với mình thì ngoại giao thỏa mãn cả ba điều kiện trên.

Và người trẻ có nhất thiết cần phải quan tâm tới tình hình chính trị hiện nay không? 

Rất nên chứ! Các bạn có thể học ngành y, có thể làm kĩ sư, có thể đi múa hát, điều đó không quan trọng. Bất kì ai đều nên quan tâm tới chính trị bởi chính trị có mặt ở khắp mọi nơi và có thể nói rằng nó là thế lực chi phối gần như mọi khía cạnh trong đời sống thường nhật của chúng ta. Vì vậy am hiểu về chính trị là hiểu về thế giới xung quanh bạn và là điều kiện tiên quyết để bạn làm chủ được cuộc sống của mình.

Từng bị các trường hàng đầu thế giới như Oxford hay MIT từ chối, và bằng cách nào anh đã vượt qua những thất bại đó để tiếp tục cuộc hành trình ?

Nghe có vẻ hơi giống “phim viễn tưởng” nhưng quả thật mình tự cảm thấy từ trước đến giờ chưa bao giờ vấp ngã quá đau cả. Đương nhiên mình cũng đã từng bị các trường Đại Học hàng đầu thế giới như Oxford hay MIT từ chối và lúc đó mình cũng cảm thấy buồn và thất vọng. Những lúc đó mình luôn tự nhủ với bản thân rằng rốt cục thì đa số những người nộp hồ sơ vào những trường như vậy cũng thất bại như mình và lý do đơn giản bởi chúng ta không giỏi bằng những bạn được nhận. Vậy phải làm gì? Gạt sự thất vọng sang một bên và chiến đấu tiếp. Sau cơn mưa trời ắt sẽ hửng nắng.

Nếu có lời khuyên dành cho những bạn trẻ chuẩn bị hành trang du học, anh muốn khuyên họ điều gì?

Với anh, tuổi trẻ là lúc để chúng ta thử, là lúc để trải nghiệm bởi dù có gặp khó khăn, vấp váp hay thất bại, cái giá mà các bạn phải trả lúc này vẫn quá nhỏ. Chính vì vậy, lúc này hơn bao giờ hết, lòng can đảm là vô cùng quan trọng.

Và hãy nhớ rằng, lòng can đảm không chỉ là xung phong ra tiền tuyến hay xả thân cứu người trong lúc hoạn nạn. Lòng can đảm bình dị đời thường bắt nguồn từ những thứ nhỏ bé nhất. Can đảm là dám đặt câu hỏi trước đám đông, là dám đối mặt với sự yếu kém của bản thân, là dám cất lên tiếng nói khi các bạn thấy lẽ phải bị chà đạp. Có lòng can đảm, sớm muộn các bạn sẽ có tất cả.

- Cám ơn anh vì những lời chia sẻ đầy chân thành này và chúc anh thành công hơn nữa trên con đường sắp tới nhé!

 

Theo saostar.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,662 lượt xem