Huyền Nguyễn@Gương Mặt
3 năm trước
Bạn Có Niềm Đam Mê Ngôn Ngữ? Đừng Bỏ Qua Câu Chuyện Về Những Người Học Ngôn Ngữ Có Tầm Ảnh Hưởng Lớn Trên Thế Giới Này
Một số người cho rằng phải có năng khiếu mới học được ngôn ngữ. Nhưng với một người có thể hát, chơi nhạc cụ và giữ nhịp, thì họ nghĩ sao?
Sử dụng một ngôn ngữ thực chất cũng giống như bao kỹ năng khác, miễn là bạn có hứng thú với nó và không ngừng luyện tập, kết quả sẽ rất đáng kinh ngạc.
Kể từ khi bắt đầu say mê ngôn ngữ, tôi đã thích đọc những câu chuyện về những con người có thể cống hiến cuộc đời cho đam mê của mình.
Có những người thực sự học ngôn ngữ rất tốt. Họ thường không chỉ học ngôn ngữ — họ sống cùng ngôn ngữ.
Và bản thân tôi thì ấn tượng nhất với những câu chuyện về những người biết nhiều thứ tiếng từ thời chưa có internet. Chỉ nghĩ về những nguyên tắc cần thiết để học một ngôn ngữ khi chưa có các khóa học và video trực tuyến thôi cũng đủ để tôi thấy ngưỡng mộ họ biết nhường nào.
Tìm hiểu về những cá nhân vượt lên nghịch cảnh và xuất sắc trong lĩnh vực ngôn ngữ học có thể vừa truyền cảm hứng cho ta, vừa giúp ta biết thêm nhiều điều bổ ích. Ta sẽ có thêm động lực để học ngôn ngữ, cũng như hiểu được cách sắp thu xếp cuộc sống và thời gian cho việc học.
Dưới đây là câu chuyện của ba nhà đam mê ngôn ngữ vĩ đại — hoặc họ chỉ là những con người bình thường vượt qua những chông gai thách thức và đạt được thành công đáng nể trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Tất cả những thành tựu đó đều chẳng nhờ đến sự trợ giúp của bất kỳ tiện ích nào .
Đối với cá nhân tôi, đây là những câu chuyện của những người mà tôi ngưỡng mộ. Nếu tôi có thể làm như họ, có thể chuyên tâm vào ngôn ngữ với sự nhiệt huyết như họ, tôi biết mình có thể tiến xa hơn.
Và tôi nghĩ bạn cũng như vậy!
Làm sao để “yêu” ngôn ngữ?
Khi bạn đọc những câu chuyện dưới đây, hãy nghĩ về các vấn đề mà những người học đa ngôn ngữ này phải đối mặt và thử tưởng tượng xem họ nghĩ gì.
Có thể mỗi người phải đối đầu với những trở ngại khác nhau, song ở họ đều có một điểm chung, đó là sự lạc quan và sự tự tin rằng họ có thể vận dụng các kỹ năng mình có để thành công.
Họ đến từ những nơi khác nhau trên toàn thế giới, và có những trải nghiệm khác nhau trong suốt cuộc đời. Nhưng họ vẫn luôn đón nhận, không ngừng tìm kiếm thêm cơ hội để học hỏi, mở mang tri thức. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về ngôn ngữ hoặc lĩnh vực ngôn ngữ học, họ luôn sẵn sàng đi tìm kiếm lời giải đáp. Cũng giống như khi bạn băn khoăn về một từ hoặc một cụm từ trong ngôn ngữ đích, bạn có thể thỏa mãn sự tò mò của bản thân bằng cách tra cứu, hỏi người bản xứ. Đừng bỏ ngỏ và hãy thử thách bản thân để tìm ra câu trả lời.
Cuối cùng, những con người ấy đã gắn bó với ngôn ngữ suốt cuộc đời họ. Họ không coi chúng như một thứ mốt nhất thời hay thứ gì đó nhanh chóng có được và sau đó chán chường. Họ biết rằng học ngoại ngữ là một quá trình không bao giờ thực sự kết thúc, cho dù cuộc sống của bạn có thể thay đổi như thế nào.
3 câu chuyện tuyệt vời về những người học ngôn ngữ có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới
1. Yuen Ren Chao
Y.R. Chao sinh năm 1892 tại Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc.
Từ khi còn nhỏ, ông đã cùng gia đình di chuyển rất nhiều nơi, học cách nói và hiểu các phương ngữ khác nhau của Trung Quốc, bao gồm cả tiếng Changshu và tiếng Quan Thoại — 2 tiếng này khác nhau hoàn toàn như tiếng Anh và tiếng Đức vậy!
Không lâu trước khi nhà Thanh sụp đổ năm 1912, lần đầu tiên ông đến Mỹ để học tại Đại học Cornell. Tại đây, ông chính thức nghiên cứu toán học và vật lý đồng thời vẫn giữ niềm đam mê ngôn ngữ và giao tiếp với các nhà ngôn ngữ học ở Trung Quốc.
Ông đã thông thạo tiếng Anh trước khi rời Trung Quốc, và vào thời điểm tốt nghiệp, ông ấy có thể nói tiếng Pháp và Đức, đồng thời đọc được tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh.
Vào thời điểm đó, chính phủ mới của Trung Quốc đang bắt đầu thống nhất về một tiêu chuẩn cho ngôn ngữ quốc gia chính thức, và vào những năm 1920, ông đã thu lại tiếng một số bộ máy hát được thiết kế như mô hình của tiếng Quan Thoại.
Sau dự án đó, ông đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về phương ngữ Trung Quốc ở một số tỉnh khác nhau.
Mỗi nơi ông đến, ông đều học đủ phương ngữ nơi đó để người dân địa phương không phải giao tiếp với ông bằng tiếng Quan thoại.
Ông dường như có thể học một số phương ngữ chỉ trong vẻn vẹn có hai tháng, nhờ vào đôi tai cực kỳ tinh tường về ngữ âm.
Cuối cùng, sau khi dịch các bài giảng triết học của Bertrand Russell sang tiếng Trung và viết sách giáo khoa được sử dụng rộng rãi cho tiếng Quan Thoại và Quảng Đông, ông trở về Mỹ vĩnh viễn và trở thành công dân nước này.
Ở Mỹ, ông dạy tiếng Trung cho sinh viên đại học và áp dụng phương pháp học ngôn ngữ của riêng mình: tập trung vào ngôn ngữ nói trước và đọc to càng nhiều càng tốt.
Sau đó trong thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu khác đã xác nhận rằng việc đọc to khi học ngoại ngữ trên thực tế có những lợi ích to lớn đối với người học.
Người đam mê ngôn ngữ ngày nay có thể học được 2 bài học lớn từ câu chuyện của Chao:
Phát triển khả năng nghe thông qua kiến thức ngữ âm hoặc các bài tập luyện tai.
Đừng ngại đọc to khi làm bài tập về nhà.
Ông ấy đã phải tìm hiểu về công nghệ ghi âm ban đầu cho các nghiên cứu phương ngữ của mình, nhưng ngày nay, công nghệ kỹ thuật số đã giúp bạn ghi âm và kiểm tra giọng của bạn trong tích tắc.
Miễn là bạn phát âm một cách chính xác, bạn sẽ xây dựng các đường dẫn quan trọng trong não bằng cách liên kết lời nói với hình ảnh của từ ngữ trên trang giấy cũng như âm thanh phát ra từ miệng.
FluentU có thể nhanh chóng giúp bạn bắt đầu áp dụng nguyên tắc này. FluentU quay các video trong thế giới thực — như video nhạc, đoạn giới thiệu phim, tin tức và các cuộc nói chuyện truyền cảm hứng — và biến chúng thành các bài học học ngôn ngữ được cá nhân hóa. Bạn có thể dễ dàng tra cứu cách phát âm, câu ví dụ và ngữ cảnh xác thực. Bạn sẽ không cảm thấy chán cho dù bạn thích loại nội dung nào. Và đây cũng là chủ đề có liên quan đến người yêu ngôn ngữ mà chúng tôi nhắc đến dưới đây.
2. Kató Lomb
Kató Lomb sinh ra trong một bối cảnh đặc biệt. Đó là năm 1909 ở Budapest, và thế giới mà bà lớn lên đang đứng trước bờ vực của sự thay đổi vĩnh viễn.
Sau khi lấy bằng tiến sĩ hóa học, bà nhận thấy rằng sự suy thoái kinh tế đang khiến những người làm trong lĩnh vực khoa học khó kiếm việc làm. Vì vậy, bà quyết định đi dạy tiếng Anh.
Nhưng trước tiên thì bà phải học nó đã.
Trong quá trình học ngôn ngữ của mình, Kató lao vào đọc những cuốn tiểu thuyết lãng mạn ly kỳ nhưng giá cả phải chăng. Tất cả những gì bà có là một cuốn từ điển cùng sự đam mê cháy bỏng.
Chiến lược của bà rất đúng đắn. Đó là, nếu câu chuyện đủ thú vị, nó có thể giúp bạn tạm thời bỏ qua những gì bạn không hiểu. Cuối cùng, bạn sẽ biết mình cần gì thông qua ngữ cảnh.
Những nguyên tắc này đã giúp bà đạt được nhiều thứ hơn mong đợi.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, bà bắt đầu sự nghiệp biên phiên dịch lâu dài và rất thành công.
Trên thực tế, bà là một trong những phiên dịch viên đồng thời chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới. Phiên dịch song song là một công việc được cho là khó khăn hơn rất nhiều so với biên dịch hoặc dịch nối tiếp, vì mọi thứ diễn ra cùng một lúc.
Không dừng lại ở tiếng Anh, bà thông thạo cả tiếng Pháp, Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và một số ngôn ngữ khác mà bà từng làm công việc phiên dịch.
Kató tin rằng muốn học ngôn ngữ, quan trọng nhất là phải có đam mê. Nếu bạn chỉ đơn giản là hào hứng với việc học và hiểu các từ mới trong ngôn ngữ, thì sau đó trọng âm và ngữ pháp không còn là vấn đề to tát.
Dù nói bằng ngôn ngữ nào, bà vẫn luôn có niềm tin cháy bỏng cùng với nghị lực tiếp tục học tập cả đời.
Dưới đây là cách bạn có thể áp dụng các kỹ thuật và thái độ của Kató vào việc học ngôn ngữ của riêng bạn:
Nuôi dưỡng lòng đam mê học hỏi, và học cách chấp nhận sự thật rằng, khi mới học thì sự hạn chế về kiến thức là hoàn toàn bình thường.
Dành một chút thời gian để đọc sách và đắm mình trong thế giới của một cuốn sách mới. Động lực từ câu chuyện sẽ đưa bạn vượt qua sự nhầm lẫn của từ vựng. Và nếu bạn cảm thấy nhàm chán, hãy gạt nó sang một bên và tiếp tục với một câu chuyện mới. Cuộc sống này quá ngắn, đừng lãng phí thời gian cho những cuốn sách bản thân cảm thấy nhàm chán!
3. Ken Hale
Ken Hale sinh năm 1934 và lớn lên ở miền Tây Nam nước Mỹ hiểm trở. Khi còn là một cậu bé, ông luôn chủ động nghe nhiều ngoại ngữ nhất có thể.
Ông học tiếng Tây Ban Nha, Navajo, Tohono O’odham, Hopi và nhiều thứ tiếng khác từ bạn bè và bạn cùng phòng của mình tại trường nội trú. Sự thực là, ông ấy hay gặp rắc rối ở trường bởi ông tập trung nhiều vào ngôn ngữ hơn là bài tập về nhà.
Sau đó, ông nổi tiếng và được kính trọng vì đã xuất bản một số lượng nghiên cứu thực sự đáng kinh ngạc về nhiều ngôn ngữ thổ dân Úc.
Điều thú vị hơn nữa, ông trở nên thông thạo Warlpiri đến nỗi ông đã dạy hai con trai của mình nói thứ tiếng đó khi mới bập bẹ.
Ken luôn cực kỳ nhạy cảm với nhu cầu và mong muốn của cộng đồng ngôn ngữ địa phương. Ông đã thành lập các trường ngôn ngữ học và các chương trình phục hồi ngôn ngữ trên khắp thế giới để người bản ngữ có thể dẫn dắt cộng đồng trong việc phục hồi ngôn ngữ của họ.
Trong suốt cuộc đời, ngay cả trong thời gian dài giảng dạy tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông đã có một khả năng học ngôn ngữ một cách nhanh chóng và chính xác đến thần kỳ.
Một số bài học từ các phương pháp của Ken có thể giúp bạn học như một nhà ngôn ngữ học. Các kỹ năng họ dùng để học các ngôn ngữ không thành văn trừu tượng cũng có thể áp dụng với bất kỳ ngôn ngữ nào.
Dưới đây là một số cách có thể áp dụng:
Tìm kiếm một gia sư người bản ngữ tận tâm, người có thể hướng dẫn bạn cách phát âm trước tiên và đánh giá những điều mà bạn ghi chú lại
Trước tiên, hãy tìm hiểu hệ thống thanh âm để giúp bạn nghe kỹ từng lời của thầy/cô— ngoài ra, bằng cách đó, bạn có thể ghi chú chính xác hơn.
Ken đã bắt đầu bằng cách này. Sau đó, ông nhanh chóng chuyển sang học các mẫu câu.
Nếu bạn học cách nói “Tôi đang đi bộ ra sông”, thì có lẽ nó không khác gì mấy so với “Tôi đang chạy ra sông” hoặc “Tôi đang đi bộ vào rừng”. Bạn cần kiên nhẫn để kiểm tra các suy đoán của bạn với gia sư, nhưng kiên nhẫn là đức tính mà Ken có được.
Đối với ông, nói chuyện với ai đó bằng ngôn ngữ của họ là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Giá như tất cả chúng ta có thể bày tỏ sự kính trọng với nhau như vậy!
Thật đáng buồn là cả ba người đa ngôn ngữ này đều đã qua đời, nhưng họ đã để lại cho chúng ta một kho tàng các tác phẩm và những ghi chép để tưởng nhớ về họ.
Mỗi người đều để lại những dấu ấn vĩnh viễn trong lĩnh vực của họ — Yuen Ren Chao về phương pháp sư phạm và nghiên cứu phương ngữ Trung Quốc, Kató Lomb trong lĩnh vực dịch thuật và Ken Hale về bảo tồn ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng.
Và mặc dù mỗi người đều có khả năng ghi nhớ hoặc phân tích phi thường, nhưng đặc điểm chung quan trọng nhất của họ là niềm đam mê cháy bỏng.
Còn bạn, bạn sẽ làm gì với niềm đam mê ngôn ngữ của mình?
----------
Tác giả: Yassir Sahnoun
Link bài gốc: 3 Amazing Stories of Language Learners Who Changed the World (fluentu.com)
Dịch giả: Huyền Nguyễn - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huyền Nguyễn - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
455 lượt xem