Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Câu Chuyện Khởi Nghiệp Của Tạ Minh Tuấn - Top 30 Gương Mặt Dưới 30 Tuổi Châu Á Của Forbes Châu Á

“Hãy nhân văn với thất bại, hãy ‘start up’ dù đó là phong trào”, đó là những suy nghĩ của Tạ Minh Tuấn, chàng trai hai năm liền vào top những gương mặt dưới 30 tuổi ảnh hưởng nhất Việt Nam và châu Á do tạp chí Forbes bình chọn.

Ở tuổi 28, Tạ Minh Tuấn đã sáng lập, điều hành rất nhiều công ty và dự án. Song song với điều đó là những danh hiệu, sự vinh danh đáng ao ước với nhiều người: Top 15 doanh nghiệp xã hội hàng đầu Việt Nam năm 2011 của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), top 30 gương mặt dưới 30 tuổi tại Việt Nam do Forbes Việt Nam bầu chọn, và top 30 gương mặt dưới 30 tuổi châu Á của Forbes châu Á.

Những danh hiệu ấy là sự thừa nhận dành cho nỗ lực của Tạ Minh Tuấn trong nhiều lĩnh vực, và nổi bật nhất là hai dự án do chàng trai gốc Quảng Ngãi sáng lập và điều hành: Doanh nghiệp y tế tiên phong trong lĩnh vực y tế tại nhà HELP International và Doanh nghiệp đi đầu về đào tạo khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam YUP Education.

 

Hai năm liên tiếp, Tạ Minh Tuấn được tạp chí hàng đầu về kinh tế Forbes vinh danh trong danh sách những người trẻ có tác động xã hội lớn nhất – Ảnh NVCC

 

Hai lần được Forbes vinh danh

Danh sách 30 Under 30 của tạp chí danh tiếng Forbes là một sự ghi nhận quý giá dành cho những người trẻ có tác động xã hội. Với Tạ Minh Tuấn, kinh doanh hay khởi nghiệp nói riêng cũng là một cách trưởng thành. Và câu chuyện hai lần được Forbes vinh danh cũng phần nào mang lại sự phản ánh thú vị trong doanh nhân sinh năm 1988 này.

Lần đầu tiên bao giờ cũng là cảm giác đặc biệt cả. Nhưng khi ấy, Tạ Minh Tuấn lại e dè. “Sau khi nghe báo tin mình được vào danh sách 30 người nổi bật của Forbes Việt Nam năm 2015, tôi dĩ nhiên rất sung sướng. Sướng không tả nổi luôn. Nhưng ở thời điểm đó, tôi chỉ chia vui với người xung quanh mình, sau đó có lên Facebook chia sẻ niềm vui. Nói chung cố gắng ém cảm xúc lại”, Tạ Minh Tuấn nói.

Nhưng sau đó, như Tạ Minh Tuấn chia sẻ, anh cảm thấy nuối tiếc. Anh tiếc không phải vì không làm cái gì đó hoành tráng hơn, mà chỉ tiếc là đã quá ngần ngại, không dám sống thật với cảm xúc của mình.

“Trời thương mình thì phải. Năm 2016, ông trời cho tôi cơ hội vui sướng thêm lần nữa, khi tên mình tiếp tục xuất hiện trong danh sách Forbes của châu Á. Lần này, tôi quyết không giả tạo nữa, tôi thỏa sức sống trong những cảm xúc mạnh nhất, thật nhất của mình. Tôi ‘quẫy’ luôn”, Tuấn chia sẻ hài hước.

Tạ Minh Tuấn quan niệm rằng “người Việt nên có cái nhìn nhân văn hơn đối với thất bại của người khác. Đừng chê bai họ. Hãy để họ làm!” – Ảnh NVCC

 

Biến đau thương thành hành động

Có một câu chuyện buồn đằng sau dự án chăm sóc y tế từ xa HELP International mà Tạ Minh Tuấn hạn chế nhắc lại. Nhưng câu chuyện ấy là điển hình cho chặng đường của nhân vật này.

Khi còn học năm 2 đại học, Tuấn đã ôm mộng chinh phục giấc mơ trở thành doanh nhân của mình. Dự án Marketing Online của Tạ Minh Tuấn năm 2008 vẫn còn khá mới mẻ. Sự non kém của thuở lập nghiệp khiến Tạ Minh Tuấn thất bại với dự án này vì không thể quản lý kịp thời khi nó phình to quy mô.

Thất bại đầu tiên càng nặng nề hơn vì sau đó, cha của Tạ Minh Tuấn mắc bệnh ung thư. Chàng trai trẻ khi ấy nghĩ nhiều về sức khỏe, về y tế. Anh nhận ra rằng bệnh tật khó tránh khỏi, nhưng hoàn toàn có thể đề phòng và theo dõi liên tục để hạn chế nguy cơ ở mức cao nhất.

Bất chấp dự án HELP International, mang hình thức “bác sĩ gia đình” còn gặp nhiều trở ngại về pháp lý, Tạ Minh Tuấn đã tìm cách thuyết phục mọi người và sau những điều chỉnh, giờ đây mô hình này đã lan rộng trong xã hội. “Khi đứng trước khó khăn bạn có hai lựa chọn. Đứng đó và chửi, hoặc là hành động để vượt qua trở ngại”, Tạ Minh Tuấn khẳng định.

“Trào lưu à? Thì sao?”

Tạ Minh Tuấn quan niệm rằng con người luôn có một loại quyền năng là sáng tạo ra giải pháp, và “nếu bạn còn chưa vượt qua được khó khăn là do bạn chưa đủ sáng tạo”. Với cách nghĩ ấy, Tạ Minh Tuấn đã trải qua rất nhiều dự án và không bao giờ thôi thử thách bản thân mình.

Hiện tại Tuấn có nhiều doanh nghiệp và các hoạt động cộng đồng, trong số đó anh làm giám đốc điều hành một doanh nghiệp dệt may với hơn 500 nhân viên có nhà máy ở TP.HCM, Cần Giờ, Bến Tre, xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới. Đó là một công việc “hoàn toàn xa lạ” và “phải quản lý những người lớn tuổi, đã có kinh nghiệm từ lâu rồi, nên là một thử thách rất khó khăn nhưng rất thú vị”.

Tạ Minh Tuấn khởi nghiệp từ rất sớm, nếm trải thất bại và không e ngại dấn thân vào những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ - Ảnh NVCC

Tạ Minh Tuấn khởi nghiệp từ rất sớm, nếm trải thất bại và không e ngại dấn thân vào những lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ – Ảnh NVCC  

Nói về khởi nghiệp, Tạ Minh Tuấn cũng mang chính suy nghĩ về sự nghiệp của bản thân để đánh giá về sự thật là rất nhiều người trẻ Việt Nam đang “khởi nghiệp” như một trào lưu.

“Tại Việt Nam, khởi nghiệp có thể phần nào là một trào lưu. Nhưng theo tôi thấy, mình cần cổ vũ họ làm. Dù gì đi nữa, dù là những tham vọng và ý tưởng thực sự hay chỉ theo trào lưu, thì việc họ suy nghĩ và làm để tạo ra giá trị cho xã hội cũng là điều tốt”, Tạ Minh Tuấn nói.

Là người từng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm cho những ý tưởng khởi nghiệp, dẫn tới việc sáng lập YUP, Tạ Minh Tuấn rất tâm đắc với suy nghĩ của người Mỹ. Anh nói rằng, sức mạnh của một đất nước như Mỹ nằm ở văn hóa không sợ thất bại.

“Chính việc không sợ thất bại đã tạo ra sức mạnh cho một dân tộc. Người Mỹ vĩ đại vì họ có được cái tính không sợ thất bại. Nếu sợ thất bại, thì không có thành công. Không có thành công thì không thể san lấp được khoảng trống hàng nghìn tỉ USD trong GDP. Tôi nghĩ rằng Việt Nam nên học tập điều này, hãy nhân văn hơn khi nhìn vào thất bại của người khác. Đừng chê bai họ. Hãy để họ làm, thất bại, để thành công”, Tạ Minh Tuấn chia sẻ.

Theo : Nguyễn Hải

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,847 lượt xem