Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Colonel Sanders – Tấm Gương Cho Thế Hệ Trẻ, Thất Bại Hơn 1000 Lần Và Trở Thành Tỉ Phú Ở Tuổi 65

Colonel Sanders được mệnh danh là “ông tổ” của thực đơn gà rán, sở hữu chuỗi cửa hàng KFC đã vươn rộng chi nhánh toàn cầu với hơn 3000 nhà hàng có mặt trên khắp 40 vùng lãng thổ. Phía sau lớp hào nhoáng khiến người người choáng ngợp ấy, hiếm ai thấu được rằng, Colonel hơn quá nửa đời người, vẫn phải bươn chải để kiếm kế sinh nhai…cho tới khi mái tóc đã nhuốm màu hoa râm, thời điểm vốn dĩ phải có con đàn cháu đống, gia đình ấm no, ông lại một thân một mình sống cho qua ngày dài tháng rộng, tất cả những gì ông có, chỉ là một ngọn lửa nhiệt huyết. May thay, ông trời quả thật, không phụ lòng người….  

Harland David Sanders (Colonel Sanders) sinh ra và lớn lên tại Henryville, Indiana, Mỹ. Ông là anh cả trong gia đình 3 anh em, người anh hai là Clarence Sanders và cô em út là Catherine Sanders. Bất hạnh thay, vào mùa hè năm 1895, bố của ông - Wilbur David Sanders qua đời, lúc ấy ông mới có 5 tuổi. Điều này buộc người mẹ trong gia đình – bà Margaret Ann Sanders phải ngày đêm lao lực tại nhà máy, bà cũng không còn hơi sức đâu để chăm lo cho con cái. Chính vì vậy, cậu bé Colonel ngày ấy, phải mang trên mình trách nghiệm chăm lo và nấu nướng cho 2 người em của mình. Colonel học được cách nấu ăn từ mẹ, lúc bấy giờ, ông cực kỳ ưa thích chế biến các món thịt gà. 

Về sau, vào năm 1902, mẹ của ông lại một lần nữa tìm được tình yêu của đời mình, bà đã kết hôn với William Broaddus. Sau cuộc hôn nhân này, cả gia đình liền chuyển về khu vực Greenwood tại Indiana để cùng nhau chung sống. Nhưng bố dượng của Colonel lại không ưa có sự hiện diện của trẻ con trong nhà, mà gia đình ông lúc ấy lại cực kỳ nghèo khổ. Tuy vậy, gia đình vẫn đủ sức nuôi ông ăn học, nhưng ông lại quyết định bỏ học từ năm lớp 7, bởi ông thích lao động hơn là cắp sách tới trường. Colonel quyết định rời nhà ra đi vào năm 13 tuổi, tự mình kiếm kế sinh nhai.

Bươn chải với vô số ngành nghề

Ông làm việc tại một trang trại, cách xa nhà tới 80 cây số. Về sau, ông lại di rời tới thành phố Indianapolis và làm nghề sơn xe ngựa kéo để kiếm sống. Ông rồi cũng lại từ bỏ công việc này, và vào năm 1906, ông chuyển sang thành phố New Albany, Indiana để sống cùng chú ruột. Ông được chú xin cho làm nghề bán vé xe điện cho công ty chú. Ông cũng làm nhiều công việc lặt vặt khác để kiếm sống, ví dụ như đánh xe bò cho quân đội Mỹ trong một chiến dịch tại Cuba. Về sau, khi chú của Colonel chuyển sang làm cho một công ty đường sắt Southern Railway, Colonel cũng được nhận vào làm tại đó với vị trí phụ giúp các thợ rèn trong công xưởng. Và cũng kể từ đó, ông gặp Josephine King.

Ông cưới Josephine vào năm 1909, đôi vợ chồng được trời phù hộ, ban cho 3 người con là Harland Jr., Margaret Sanders và Mildred Sanders Ruggles.

Colonel về sau chuyển sang làm thợ đốt lò cho tuyến đường sắt trung tâm Illinois. Cuộc sống của Colonel vẫn bình ổn cho tới khi ông bị đuổi việc vì gây lộn với đồng nghiệp. Sau biến cố này, vợ con cũng rời xa ông. Ông lại lao đầu vào kiếm sống từ vô số các công việc vặt khác như bán bảo hiểm, thẻ điện thoại, bơm lốp,….Ông không phù hợp với bất kỳ một công việc nào, ông cũng không có chuyên môn và phải thường xuyên nhảy việc.

Vào năm 1920, Colonel thậm chí còn mở một công ty tàu phà, và quản lý 1 con thuyền chuyên chạy trên sông Ohio, và rồi, ông lại chuyển sang ngành sản xuất đèn điện. Ông mở xưởng chế tạo đèn xì Axetylen (acetylene), nhưng công ty ông cũng sớm bị sụp đổ bởi sự xuất hiện của Delco Electronics – một công ty đã thành công sản xuất ra một loại đèn tiện lợi hơn của Colonel rất nhiều.Vào năm 1929, Colonel chuyển sang một thành phố nhỏ có tên North Corbin tại Kentucky, nơi ông điều hành một trạm xăng tại quốc lộ số 25. Quả thật, ông gần như đã làm đủ mọi nghề mà không có bất kỳ một mục tiêu cụ thể nào…cho đến quá nửa cuộc đời.

Và rồi, ông ngộ ra rằng cứ thay đổi công việc một cách tùy hứng như vậy sẽ không đưa ông tới đâu cả, thay vào đó, gắn bó với một ngành nghề cố định, có vẻ, sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

Đam mê rực cháy

Colonel quyết định, ngành đầu bếp sẽ là sự lựa chọn cuối cùng của ông. May mắn thay, các kỹ năng làm bếp ông học được từ mẹ vào năm 7 tuổi đã hộ trợ cho ông rất nhiều. Ông thành công xin vào làm đầu bếp kiêm người dọn bát đĩa tại một nhà hàng nhỏ.

Vào năm 1930, ông tìm được công việc ổn định tại một trạm xăng ở North Corbin, Kentucky. Trong suốt quãng thời gian làm việc tại đây, ông tận dụng mọi giờ giải lao để chế biến món ăn với các công thức từ thuở ấu thơ đã học được từ mẹ mình. Ông bán những món ăn đầu tiên cho các hộ gia đình gần đó.

Công thức nấu ăn của ông được ưa chuộng vô cùng, thậm chí, có nhiều vị khách du lịch từ phương xa tới, còn thường xuyên ghé thăm trạm xăng của ông để được thưởng thức những món ăn tuyệt vời do chính tay ông làm. Colonel liền trở nên nổi tiếng với món bít tết và thịt giăm bông mang đậm hương vị đồng quê. “Quán ăn nhỏ” của ông không thể đáp ứng được nhu cầu của đông đảo số lượng khách hàng ngày một gia tăng, vậy nên, ông quyết định sẽ khai trương nhà hàng.

Vào năm 1936, Colonel mua một mảnh đất rộng gần đó và xây dựng một nhà hàng với chính số tiền mình đã tích cóp được. Thậm chí, trong suốt quãng thời gian này, ông tham gia một khóa đào tạo quản lý kéo dài 8 tuần tại trường đại học Cornell để quản lý doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả. Ông chế biến thêm vô vàn các món mới, bao gồm cả món gà chiên ròn đã từng nổi tiếng một thời.

Thống đốc bang Kentucky – Ruby Laffoon cực kỳ yêu thích món gà rán của ông đến nỗi đã trao tặng ông một thương hiệu riêng – Colonel. Một năm sau đó, Colonel mở rộng nhà hàng của mình và đủ điều kiện để phục vụ 140 khách hàng cùng một lúc. Thành công này đã thúc đẩy ông làm việc chăm chỉ hơn nữa, ông nỗ lực cải thiện quá trình sản xuất thức ăn, và đồng thời, mở rộng chi nhánh sang khắp mọi miền đất nước.

Nhận về hơn 1000 lời khước từ

Và rồi, Thế chiến thứ 2 bùng nổ, Colonel buộc phải đóng cửa nhà hàng. Dẫu cho công thức chế biến gà rán của ông có thành công tới đâu, ông cũng không thể bán được cho ai, chính vì vậy, ông buộc phải nhượng quyền kinh doanh công thức bí mật của mình và tự tay chuyên trở đồ ăn tới nhiều nhà hàng khác nhau.  

Colonel đã từng marketing các món ăn ông nấu bằng cách trổ tài chế biến ngay trước mặt của nhiều chủ nhà hàng và yêu cầu họ nếm thử…ông liền bị 1009 nhà hàng từ chối bởi họ không thích hương vị của món gà rán ông làm. Dẫu cho bị từ chối tới hơn cả 1000 lần, Colonel vẫn giữ vững niềm tin vào bản thân mình. Ông nỗ lực cố gắng, và may mắn thay, một nhà hàng nọ đã chấp nhận thử đưa món ăn của ông vào menu.

Đúng là ông trời không phụ lòng người, thực đơn gà rán ông làm đã sớm “cháy hàng”. Quả thật, không có thử thách nào có thể ngăn cản nổi bước chân ông.

Thành công của KFC

Chi nhánh nhà hàng đầu tiên được ông nhượng quyền kinh doanh là ở thành phố South Salt Lake, Utah USA, vào năm 1952. Danh tiếng ông vang xa. Rất nhiều nhà hàng tới xếp hàng dài để được hợp tác với Colonel.

Vào năm 1963, hơn 600 nhà hàng tại Mỹ đều bán gà rán Kentucky. Và chỉ trong vòng 4 năm sau, thương hiệu gà rán Kentucky đã đạt doanh số cao nhất.

Vào năm 1964, Colonel quyết định chuyển nhượng doanh nghiệp của mình cho ông John Y. Brown Jr. – một luật sư cũng như chủ thương hiệu Kentucky tương lai với mức giá là 2 triệu đô la tiền mặt, ông cũng được trả 250.000 đô hàng năm với vị trí gương mặt đại diện cho thương hiệu.

KFC cuối cùng cũng thành lập các chuỗi cửa hàng riêng, thuận tiện để khách hàng có thể đặt đồ về nhà. Năm 1967, dựa vào số lượng tiêu thụ (sales volume), KFC đã thành công trở thành chuỗi nhà hàng lớn thứ 6 tại Mỹ.

Cho đến những năm 1970, KFC nhanh chóng mở rộng chi nhánh toàn cầu với hơn 3000 nhà hàng trên khắp 40 vùng lãng thổ. Cho tới thời điểm hiện tại, KFC đã có mặt tại hơn 141 quốc gia.

Giá trị của chuỗi nhà hàng KFC ngày nay phải lên tới hơn 8.5 tỉ đô la mỹ.

KFC thành công phần lớn là dựa vào mọi nỗ lực của Colonel Sanders, ông chỉ hướng tới chất lượng thực phẩm và trải nghiệm của khách hàng, thay vì tập trung làm giàu.

Thương hiệu KFC ngày nay, đã chinh phục được con tim của vô vàn khách hàng đến từ mọi nơi trên thế giới. Cùng với công thức chế biến độc nhất vô nhị, KFC đã sớm trở thành một thương hiệu toàn cầu thành công rực rỡ nhất.

Quá nửa đời người bươn trải, cuối cùng Colonel cũng tìm về thành công của riêng mình. Ông qua đời vào năm 1980, tại Louisville, Kentucky vì mắc phải căn bệnh viêm phổi, hưởng thọ 90 tuổi. Ông sẽ mãi là tấm gương sáng giá nhất cho thế hệ trẻ ngày nay về tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn đặt trọn vẹn niềm tin vào chính bản thân mình.

-----------

Tác giả: Naveen Reddy

Link bài gốc: The Inspiring Success Story of Colonel Sanders and KFC

Dịch giả: Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

821 lượt xem