Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Don Delillo: Người Tạo Nên Bức Chân Dung Đa Màu Sắc Của Nước Mỹ

Don Delillo là một trong những gương mặt đặc sắc của văn chương hiện đại Mỹ.

Ông được mệnh danh là “thầy phù thủy của tiểu thuyết ở Mỹ”, là người tạo nên một bức chân dung đa sắc màu đầy chi tiết về cuộc sống của Mỹ vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21.

Delillo sinh ngày 20/11/1936 ở Bronx, New York City. Ông tốt nghiệp cử nhân Đại học Fordham năm 1957, và làm việc cho một hãng quảng cáo trong năm 5 năm. Delillo xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Americana năm 1971 và từ đó ông chuyên tâm viết văn, nhưng mãi cho đến khi cuốn tiểu thuyết White Noise (Tiếng ồn trắng) được trao giải thưởng National Book Award năm 1985, ông mới thực sự được chú ý.

Những góc tối của New York và nước Mỹ

Don Delillo là nhà văn của New York, cùng với Paul Auster và Philip Roth đã tạo dựng nên một thành phố New York đầy những khúc quanh tăm tối, những mạch ngầm bí ẩn và từ ấy lột tả một nước Mỹ trần trụi, thực dụng nhưng cũng đầy những bi ai của số phận con người.

Giống như Dostoyevsky, Don Delillo đi sâu vào đời sống chính trị xã hội và đạo đức của đất nước mình.

Trong một sự nghiệp lâu dài và quan trọng, ông đã truyền cảm hứng cho độc giả của mình bằng những tác phẩm văn xuôi đầy tinh tế với đa dạng chủ đề.

Delillo được biết đến với những tiểu thuyết hậu hiện đại, khám phá những mớ hỗn độn và điên cuồng của thời hiện đại: báo chí, khủng hoảng, bạo lực chính trị, tham nhũng và chủ nghĩa tiêu thụ.

Philip Roth, nhà văn vĩ đại người Mỹ đã nói về văn chương của Delillo trong giải Saul Bellow “Sự kết hợp tuyệt diệu giữa khủng bố và hài kịch”. Quả thực, tiếp xúc với văn chương Don Delillo người đọc sẽ ngỡ ngàng vì những mảng tăm tối được ông khai phá, và cảm động với lối văn chương đầy hài hước, đẹp đẽ và sáng tạo của ông.

Các đối tượng nhân vật trong tiểu thuyết của ông là một người lập trình mạng lưới truyền hình đang tìm đường để tìm kiếm bức tranh toàn cảnh (Americana, 1971); Ngôi sao nhạc rock (Great Jones Street, 1973); Một thiên tài toàn học tuổi teen (Ratner’s Star, 1976); Những người môi giới ở phố Wall, những người bị lẫn lộn trong âm mưu khủng bố (Players, 1977); Các điệp viên tình báo chiến đấu (Running Dog, 1978); Một nhà phân tích rủi ro, người vượt qua các con đường với một giáo phái sát thủ ở Trung Đông (The Names, 1982); Một giáo sư nghiên cứu của Hitler bị đầu độc (White noise, 1985)…

Đây là những người mà chúng ta có lẽ thấy quen thuộc trong bối cảnh Mỹ, là những hình bóng được thống trị bởi một cảm giác vô hình, hoang tưởng và sợ hãi. Ở nhiều khía cạnh, họ giống chúng ta, ngoại trừ họ sống với một sự nhận thức bất an về thế giới mà chúng ta muốn bỏ qua.

Những cuốn sách của Delillo không thân thiện với độc giả, tức là độc giả sẽ khó lòng tìm thấy “sức mạnh đạo đức”. Nhà phê bình Frank Lentricchia, giáo sư tiếng Anh tại Đại học Duke đã nói về sự thất vọng mà độc giả sẽ cảm thấy khi họ đang kiếm tìm một trung tâm đạo đức được nhận thấy dễ dàng trong tác phẩm của Delillo.

Ông lật tìm những mảng tối nhất, xoáy sâu vào những mảnh đời gắn liền với những biến động chính trị của nước Mỹ, như chiến tranh lạnh (Underwood), sự kiện 11 tháng 9 (Falling man),… Đó là cách Do Delillo vận hành sự nghiệp văn chương của mình, sống giữa vòng xoáy, viết về bạo lực tăm tối, bằng một thứ văn chương đẹp đẽ.

Cuộc chơi hậu hiện đại

Các nhà phê bình văn học cho rằng Don Delillo là một nhà văn hậu-hiện-đại tiêu biểu căn cứ trên kỹ thuật viết tiểu thuyết và quan niệm thẩm mỹ cũng như thế giới quan của ông.

Những tác phẩm của ông đều không đưa ra một cốt truyện mà chỉ cốt ý đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật giống như lối viết tiểu thuyết của Samuel Beckett.

Hay trong cuốn tiểu thuyết ngắn Nghệ sĩ hình thể, người đọc sẽ được bước vào một mê cung văn bản, với những suy tư thăm thẳm. Những mảnh cắt về số phận, hành động và tâm tư nhân vật khiến độc giả dễ bị đánh trượt ra khỏi mạch văn, nhưng lại tạo nên những thu hút đặc biệt, khiến người đọc được dự phần vào câu chuyện, và tạo nên diễn ngôn cho riêng mình.

Điểm Omega được nhiều người xem là “cuốn sách giáo khoa về chủ nghĩa hậu hiện đại”. Cuốn tiểu thuyết có cấu trúc như một bài thơ haiku, đầy bí ẩn, nghệ thuật và  rối rắm. Người đọc sẽ lại tiếp tục được thử thách cách dẫn dắt, xây dựng câu chuyện với đầy những hàm ẩn của Delillo.

Nhắc về cách xây dựng câu trúc phức tạp, mang đậm dấu ấn hậu hiện đại của Delillo, chúng ta không thể nào bỏ qua cuốn tiểu thuyết Underworld (Thế giới ngầm). Đây là một cuốn sách khá đồ sộ với độ dày hơn 800 trang, mô tả những biến cố mà nước Mỹ trải qua trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh.

Với nhiều dòng tự sự khác nhau, được kể ở những giai đoạn khác nhau bởi những nhân vật khác nhau, khiến câu chuyện có nhiều mối quan hệ chồng chéo với nhau, đầy xáo trộn nhưng được viết bằng bút lực chắc chắn, mạch lạc và chặt chẽ, khiến cho câu chuyện tạo được sức kết dính sâu sắc, đồng thời thể hiện tài năng vận hành và xoay sở đầy khôn ngoan của tác giả khi xử lý những mối dây nhập nhằng của văn bản, tạo một độ khó cho văn bản, dẫn dụ độc giả vào một cuộc chơi văn bản đầy thách thức và hấp dẫn.

 

Văn chương Don Delillo vốn được xem là dòng văn chương sắc lạnh, nhiều yếu tố giễu cợt, thờ ơ, với những câu văn ngắn gọn, xúc tích, xoáy thẳng vào tâm tư của người đọc, không chút khoan nhượng.

Dẫu nhiều người vẫn cho rằng, đó là thứ văn chương thiếu hơi ấm tình cảm, nhưng nếu ai kiên nhẫn đi sâu vào khai phá thế giới văn chương của Delillo, sẽ thấy thăm thẳm những phận người cô độc, hoang mang, và khao khát giãi bày. Là thứ văn chương hoàn toàn có thể khiến người đọc ngỡ ngàng chiêm ngưỡng, và suy tư, từ những mạch ngầm kín đáo.

Theo bookaholic.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

321 lượt xem