Shin (E)@Gương Mặt
5 năm trước
Dustin Moskovitz - Tỷ Phú Từng Là Đồng Sáng Lập Facebook Để Khởi Nghiệp Tạo Nên Đế Chế Trị Giá 4 Tỷ Đô
Sinh ngày 22/5/1984, Dustin Moskovitz là một trong những người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook lớn nhất thế giới hiện nay. Moskovitz hiện sở hữu 6% cổ phần công ty. Ngoài ra, doanh nhân trẻ người Mỹ này cũng rất nổi tiếng trong vai trò người sáng lập và CEO của Asana, một công ty phần mềm chuyên kết nối các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ.
Khởi nghiệp với Facebook
Facebook được tạo ra khi Moskovitz cùng các bạn của mình là sinh viên Đại học Harvard. Đó là lý do vì sao ban đầu mạng xã hội này chỉ giới hạn trong cộng đồng sinh viên của trường. Theo thời gian, nó được mở rộng cho sinh viên các trường đại học hàng đầu khác của Mỹ, cho các trường đại học nói chung, cho học sinh cấp ba và cuối cùng là cho tất cả mọi người.
Quay trở lại với Moskovitz. Anh học chuyên ngành Kinh tế ở Đại học Harvard nhưng chưa bao giờ hoàn thành 4 năm học của mình. Sau hai năm đầu tiên, cùng với nhóm bạn học, anh rời Harvard tới đến thành phố Paolo Alto, bang California để phát triển mạng xã hội Facebook. Moskovitz là nhân viên thứ ba của công ty.
Đến đây, không thể không đề cập đến những ngày đầu lập nghiệp của Moskovitz và nhóm bạn. Khởi đầu, bốn người bạn ở cùng phòng với nhau là Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Chris Hughes và Dustin Moskovitz lập ra Facebook tại căn phòng ký túc xá Đại học Harvard của họ vào tháng 2/2004. Với tên gọi lúc đầu là the facebook, mạng xã hội này có chức năng như một cuốn niên giám trực tuyến giúp các sinh viên nội trú tìm kiếm thông tin của bạn mình ở một khu ký túc khác.
Vào tháng 6/2004, Zuckerberg và Moskovitz bảo lưu một năm học tại Harvard để chuyển căn cứ điều hành chính của Facebook đến Paolo Alto và thuê thêm 8 nhân viên khác làm việc. Sau đó, Sean Parker, đồng sáng lập trang âm nhạc Napster nổi tiếng thời bấy giờ, cũng tham gia vào dự án của nhóm bạn này.
Moskovitz là Giám đốc kỹ thuật và sau đó là Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật đầu tiên của Facebook. Vai trò của anh tại công ty là lãnh đạo đội ngũ kỹ thuật và giám sát các cơ cấu chính của trang web. Anh cũng chịu trách nhiệm phát triển chiến lược cho công ty.
Tuy nhiên, giống như tính cách điển hình của một doanh nhân Mỹ, Moskovitz không ngồi yên một chỗ quá lâu. Vào ngày 3/10/2008, Moskovitz thông báo anh sẽ rời Facebook để cùng Justin Rosenstein thành lập công ty mới.
Rosenstein là một quản lý kỹ thuật tại Facebook do chính tay Moskovitz tuyển dụng. Kỹ sư trẻ này trước đây cũng từng có kinh nghiệm làm việc cho Google. Đáp lại lời tuyên bố của Moskovitz lúc đó, Mark Zuckerberg chỉ trả lời: "Moskovitz sẽ luôn được nhớ tới ở Facebook, và bản thân tôi sẽ luôn tìm tới anh khi cần những lời khuyên!".
Rời bỏ Facebook - quyết định táo bạo của Dustin Moskovitz
Trong thời gian cả hai còn làm tại Facebook, Moskovitz và Rosenstein đã cùng cộng tác phát triển một phần mềm dành cho đối tượng người sử dụng là doanh nhân và mục đích chính là nâng cao năng suất làm tại công sở. Họ có tham vọng tạo ra một dịch vụ trên mạng mà "người sử dụng sẽ cần đến nó cho sự nghiệp của họ nhiều như họ cần Facebook cho đời sống riêng tư". Hai người xác định các giá trị chính của công ty mới sẽ là thực tế, nam tính, phong cách và thẳng thắn không che giấu khuyết điểm.
Vào tháng 11/2009, tức là một năm sau khi rời Facebook, Moskovitz kêu gọi được 9 triệu USD tiền đầu tư cho Asana từ Benchmark Capital và Andreessen Horowitz. Trước đó, anh cũng nhận được 1,2 triệu USD từ các nhà đầu tư khác. Công ty mới của Moskovitz thu hút sự chú ý của giới đầu tư do quyết định chi 10.000 USD của anh vào việc nâng cấp trang thiết bị bàn làm việc cho các kỹ sư. Đứa con tinh thần mới của Moskovitz có cả một đội quân các nhà tài trợ hùng hậu cùng một ban cố vấn đông đảo, rất nhiều trong số họ là những nhà quản lý, những nhân viên từng làm việc cho Facebook. Thậm chí những thành viên hiện tại trong hội đồng quản trị Facebook cũng hiện diện ở Asana.
Ngày 7/2/2011, Moskovitz và Rosenstein chính thức ra mắt Asana - ứng dụng phần mềm được thiết kế với mục đích nâng cao cách thức hợp tác trong làm việc nhóm và quản lý dự án. Asana giúp người dùng tổ chức công việc của họ với một giao diện có thiết kế như trang cập nhật tin tức. Giống Facebook, Asana có nhiều tính năng phục vụ nhu cầu tương tác xã hội trực tuyến của người dùng. Nền tảng của ứng dụng này do chính các kỹ sư trong công ty của Moskovitz thiết kế.
Chiến lược phát triển Asana của Moskovitz là bắt đầu từ việc chiêu nạp một nhóm các kỹ sư tài năng đẳng cấp thế giới. Nhóm này không cần có số lượng lớn, nhưng các thành viên nhất thiết phải liên hệ chặt chẽ và hợp tác ăn ý với nhau. Chiến lược đó trái ngược hẳn với chiến lược thường thấy ở các công ty và tập đoàn lớn là gắn chặt kết quả công việc với mục tiêu doanh số và cấu trúc tổ chức nhiều tầng bậc. Nói cách khác, Moskovitz tìm kiếm một số ít những tài năng nổi trội và trả cho họ những khoản lương rất cao bằng số tiền tiết kiệm được từ các ban bệ hành chính rườm rà.
Moskovitz cũng sử dụng một số chiến thuật kinh doanh của Facebook tại Asana. Tiêu biểu là chiến lược giao khoán kết quả cho từng nhân viên. Ở Facebook, năng suất nhân viên được đo bằng số lượng người dùng trên một nhân viên tại các thời điểm khác nhau. Số lượng nhân viên vẫn sẽ luôn được duy trì ở mức rất nhỏ.
Để có thể dựng lên Asana, Moskovitz và Rosenstein đã dành hàng tháng trời để nói chuyện với khách hàng tiềm năng trước khi xuất xưởng phiên bản đầu tiên vào tháng 11/2011.
Hai vị tỷ phú đã tặng khách hàng phần mềm dùng thử miễn phí 6 tháng đầu tiên để thu hút người dùng, sau đó bán thêm phiên bản cao cấp. Phiên bản trả phí của Asana ra mắt vào năm 2012 với mức phí 10,99 USD/tháng.
2018 là một năm nhiều dấu ấn đối với startup phần mềm hỗ trợ hợp tác nhóm và giao việc này. Hồi tháng 1, Asana huy động được 75 triệu USD trong vòng gọi vốn Series D. Đầu tháng trước, startup này tuyên bố có 50.000 khách hàng doanh nghiệp trả phí cùng với hơn 1 triệu doanh nghiệp đang sử dụng miễn phí sản phẩm của công ty.
Asana cũng cho biết doanh thu đã tăng 7 quý liên tiếp, với mức tăng trưởng hàng năm 90%.
Chris Farinacci, giám đốc hoạt động của Asana cho biết động lực lớn nhất cho tăng trưởng là nhu cầu sử dụng dịch vụ phần mềm trên nền tảng điện toán đám mây của công ty, cho phép mọi người hợp tác hiệu quả trong các dự án và phân công nhiệm vụ.
"Đằng sau phần mềm hợp tác và giao tiếp trong công việc này là nhu cầu về sự rõ ràng của mỗi nhóm làm việc", Farinacci nói. "Chúng tôi bắt đầu bằng việc bán phần mềm cho các công ty lớn như Uber, Airbnbs. Nhưng giờ đây phần mềm của chúng tôi ngày càng được dùng phổ biến và đang tiến ra toàn cầu".
Với số tiền huy động được trong vòng gọi vốn mới nhất, Asana dự định mở rộng ra quốc tế. Công ty có kế hoạch mở một văn phòng tại Australia trong đầu tháng 12 và tại Nhật vào nửa đầu năm sau.
Sản phẩm của Asana hiện được dùng tại 195 quốc gia và hỗ trợ 6 ngôn ngữ. Theo Asana, một nửa doanh thu mới của công ty đến từ thị trường bên ngoài nước Mỹ. Startup có trụ sở tại San Francisco này hiện sử dụng khoảng 400 nhân viên và đặt mục tiêu tăng lên 600 vào cuối năm 2019, CEO Moskovitz cho biết.
Khi được hỏi về lý do xây dựng Asana ngay sau khi rời Facebook vào năm 2008, Moskovitz cho biết: "Tôi cho rằng đây thực sự là thời điểm quan trọng trên thế giới. Dù vấn đề bạn quan tâm là gì - chăm sóc sức khỏe, giáo dục, biến đổi khí hậu, những tổ chức phi lợi nhuận - bất kỳ nhiệm vụ nào đều có một đội ngũ đằng sau. Họ cần phải hợp tác tốt với nhau. Và đó là lý do chúng ta cần một phần mềm như Asana".
Muốn Startup thành công, đừng chỉ nghĩ đến tiền
Một trong những lý do để một người thành lập công ty mà Moskovitz được nghe nhiều nhất là vì họ muốn có nhiều tiền hơn. Theo Moskovitz, điều quan trọng không kém là bạn làm việc vì đam mê và mong muốn giúp người khác giải quyết vấn đề gặp phải bằng sản phẩm của mình. Lúc đó, tự khắc thành công và tiền của sẽ đến với bạn.
Đối với Moskovitz, niềm đam mê mãnh liệt sẽ giúp vượt qua mọi khó khăn gặp phải. Khi nhận ra bản thân đam mê một điều gì đó đến mức phải làm và làm bằng mọi cách, đừng chần chừ mà thực hiện nó.
Văn hóa kiểu Dustin
Giống như Mark Zuckerberg, cặp đôi này ăn mặc giản dị và ngồi làm việc chung với nhân viên thay vì sử dụng phòng riêng. Trong đám đông, họ cũng giống như bao người bình thường khác chứ không nổi bật giống ông chủ của một công ty tỷ đô.
Công ty của Dustin không thuê đội ngũ nhân viên bán hàng lớn, thay vào đó, họ tìm kiếm khách hàng chủ yếu thông qua các chiến thuật tối ưu hóa công cụ tìm kiếm khách hàng và bán hàng truyền miệng. Chính sự linh hoạt trong hoạt động là chìa khóa giúp Asana thành công.
Asana đã ghi dấu khi được một số công ty công nghệ lớn như Foursquare, Twitter sử dụng. Bên cạnh đó, Asana cũng được công ty sưởi, làm mát Viessmann của Đức hay phần mềm G2 cũng gửi gắm niềm tin.
Trong nội bộ, Moskovitz và Rosenstein luôn dành thời gian để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Moskovitz nói rằng việc xây dựng một tinh thần đồng đội trong công ty sẽ tốt hơn là chỉ chạy theo đầu tư. “Chúng tôi muốn thực hiện những điều vẫn thường rao giảng, tìm ra điều gì tốt nhất để áp dụng và đồng hành cùng nhau”, CEO của Asana nói.
Dù con đường đi đến thành công của Dustin không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng nhưng anh luôn biết cách để vượt qua những thất bại một cách nhẹ nhàng nhất. Bởi anh luôn tâm niệm, "bạn không thể ngăn những con sóng ập đến, nhưng bạn có thể học cách lướt sóng”.
Tổng hợp từ cafebiz.vn & thoibaokinhdoanh.vn
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
873 lượt xem