Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hoàng Anh Tuấn - CEO Soya Garden, Từ Bỏ Công Việc Trong Mơ Để Khởi Nghiệp Lại Với Đậu Nành Và Tham Vọng Đưa Sản Phẩm Ngang Tầm Cà Phê, Trà Sữa

Từng làm trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, CNTT nhưng Hoàng Anh Tuấn (29 tuổi) sau khi nghỉ việc ở một tập đoàn Nhật Bản với mức lương khủng lại quyết định sẽ khởi nghiệp một lần nữa với các loại đồ uống từ đậu nành Singapore.Hơn cả một thương hiệu, CEO Hoàng Anh Tuấn cho biết anh mong muốn đến 2021, có thể mở 300 cửa hàng, đồng thời đưa sản phẩm đậu nành lên ngang tầm cà phê và trà sữa. Lúc ấy "đi soya nhé" không có nghĩa là đi Soya Garden mà là đi sử dụng các sản phẩm từ đậu nành nói chung.

Hoàng Anh Tuấn (SN 1988, Hà Nội), người sáng lập thương hiệu Soya Garden - một trong những startup trẻ đi lên nhờ có tư duy độc đáo, sáng tạo. Cho đến thời điểm hiện tại, chàng trai Hà Thành là người tiên phong thành công với những món ăn, đồ uống có một không hai từ đậu nành hữu cơ.

Hoàng Anh Tuấn - người sáng lập Soya Garden

Dự án Soya Garden và ước mơ thay thế sữa bò bằng sữa đậu nành

Đi vào hoạt động từ tháng 5/2016, Soya Garden đã nhanh chóng phát triển ra 2 cửa hàng và hiện tại là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ Hà Nội. Bởi ở đây là địa điểm duy nhất cung cấp những sản phẩm được chế biến từ sữa đậu nành hữu cơ thay vì sữa bò: sữa đậu nành kiểu mới, café đậu nành (Soya phin sữa đá, Soya Cappuccino..) , Beancurd, Soya smoothie, Soya chocolate… Hầu hết những sản phẩm này được ông chủ Hoàng Anh Tuấn cùng chị gái mình tự mày mò chế biến.

Mục tiêu hàng đầu của chàng trai Hà Nội là đưa Soya Garden trở thành một trong những lá cờ đi đầu mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, sau khi nghỉ việc anh có đi một vòng các nước Đông Nam Á và anh đặc biệt ấn tượng với các sản phẩm được chế biến từ đậu nành ở quốc đảo sư tử. Nhìn lại ở Việt Nam, ngoài sữa đậu nành truyền thống và một số ít những cửa hàng nhỏ lẻ, hầu như chưa có hệ thống nào đầu tư bài bản cả về sản phẩm và dịch vụ với 'concept' đậu nành cả.

Do vậy, anh chàng đã dành hẳn một năm để lên kế hoạch nghiên cứu và cho ra đời một thương hiệu mới toanh với sản phẩm độc đáo và không gian thiết kế phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. 

Với 100% nguyên liệu đậu nành hữu cơ được nhập khẩu từ Singapore, startup trẻ mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới trong các món ăn, đồ uống quen thuộc, và đặc biệt là hương vị vô cùng thú vị, hấp dẫn. 

Chàng trai trẻ đam mê khởi nghiệp từ hạt đậu nành

Anh Tuấn cùng chị gái thường xuyên nghiên cứu công thức để cho ra mắt những sản phẩm mới từ đậu nành.

Khởi nghiệp từ việc ưa thích trải nghiệm

'Trải nghiệm' là cụm từ mà Hoàng Anh Tuấn thường xuyên nhắc đến, và cũng gần như trở thành 'phương châm sống' của anh chàng này ngay từ khi còn là sinh viên. 

'Với Tuấn, mỗi một sự việc, mỗi một sự kiện xảy ra trong cuộc sống này đều là một trải nghiệm. Đi học, đi làm, chuyển nghề đổi việc, yêu một ai đó, thất bại hay thành công… tất cả đều là trải nghiệm chứ không phải cứ 'xách ba lô lên và đi' mới là trải nghiệm. Đối với mình, không có trải nghiệm tốt hay xấu, tất cả đều là trải nghiệm, và người nào trải nghiệm nhiều nhất là người sống nhiều nhất.', Anh Tuấn chia sẻ.

Do vậy, đối với anh chàng, thử thách bản thân với một Startup cũng là một trải nghiệm mà anh chàng vẫn đang từng ngày khám phá. Và trong quá trình ấy, cũng đã có không ít những hoang mang, hồ nghi, thậm chí là khủng hoảng. 

Trước khi tốt nghiệp ĐHBK HN với tấm bằng kỹ sư CNTT, Hoàng Anh Tuấn đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau từ quay phim, nhiếp ảnh, cho đến lập trình, thiết kế sản phẩm, thiết kế đồ hoạ, dựng phim, thậm chí còn tự ra mắt một vài phim ngắn. 

Rồi sau khi tốt nghiệp, anh chàng lại nhảy vào làm bộ phận sáng tạo của một công ty truyền hình – một công việc không hề liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Rồi một năm sau đó, anh chàng lại khăn gói quả mướp vào Sài Gòn để làm strategic planner cho Dentsu Việt Nam - một tập đoàn truyền thông quảng cáo danh tiếng của Nhật Bản với mức lương tính bằng nghìn đô.

Công tác ở vị trí này hơn 2 năm, anh chàng quyết định bỏ việc, mặc dù đang được cân nhắc lên vị trí cao hơn. 

'Mình hoàn toàn không có ý định nghỉ việc trước đó, nhưng khi được đề xuất lên vị trí cao hơn, mình sợ sẽ gắn bó với nó không dứt ra được. Hơn nữa, mình muốn được thử thách trải nghiệm mình trong nhiều công việc khác nữa!', anh chàng tâm sự. 

Nghỉ việc đột xuất, anh chàng cũng chẳng hề lo lắng và dành cho mình một chuyến đi khám phá các nước Đông Nam Á trong suốt hơn 1 tháng. Và chuyến đi định mệnh này đã khiến anh nảy sinh ý tưởng về Soya Garden.

8X coi việc thay đổi công việc cũng là một trải nghiệm.

'Khó khăn luôn ở phía trước, khi đã đi qua rồi thì nó chỉ cũng chỉ là trải nghiệm'

Từ một nhân viên truyền thông, mặc dù ấp ủ dự án khởi nghiệp lớn nhưng anh chàng không 'nóng nảy' lao đầu vào khởi nghiệp như nhiều bạn trẻ khác. Hoàng Anh Tuấn dành trọn một năm để nghiên cứu tất cả về đậu nành, từ công thức chế biến, thiết kế cửa hàng, lên kế hoạch truyền thông, bán hàng, nhân sự… 

Trong 1 năm này, anh chàng đã tranh thủ kết hợp với hai người bạn để hiện thực hoá một ý tưởng kinh doanh mới - hoa quả dầm tự chọn Lak Lak.Dự án này của chàng trai Hà Thành đã trở thành trào lưu phát triển mạnh mẽ và được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2015.

Dự án đã phát triển rất đúng với ý tưởng ban đầu đó là 'tạo ra được một mô hình kinh doanh tinh gọn, tốn ít chi phí và có thể nhân rộng nhanh chóng', tuy nhiên dự án lại thất bại vì chưa kịp phát triển rộng thì đã bị bắt chước và mọc lên khắp nơi. 

Hoàng Anh Tuấn tự tay bán hàng với cửa hàng hoa quả dầm tự chọn Lak Lak.

Khi được hỏi về trải nghiệm này anh chàng chỉ nói: 'Mình rất vui vì đã tạo ra được một trào lưu và mô hình kinh doanh thành công và có nhiều người học hỏi, sợ nhất là khi tạo ra một thứ gì mà chẳng ai thèm chú ý hay bắt chước'.

Cũng nhờ trải nghiệm thú vị này, anh chàng mới tự tin tách ra thực hiện dự án riêng của mình. 'Từ dự án nhỏ này, mình học hỏi, rút ra nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh. Sau đó mình mới bắt tay triển khai dự án Soya Garden.'

Không thích kể lại những khó khăn, hạn chế mình đã phải trải qua, anh chàng chỉ mỉm cười: 'Ngay từ đầu mình đã coi tất cả là trải nghiệm, nên tất cả những gì đã qua đều là trải nghiệm mà thôi. Chuyện vui hẵng còn ở phía trước.'

Cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ nguyên liệu đậu nành Hữu cơ của Soya Garden đều được nhập khẩu từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng.

'Điều mình luôn đau đáu trong đầu đó là Việt Nam là một nước nông nghiệp, tuy nhiên mình lại đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng, đó quả là một điều hết sức phi lý. 

"Anh Thủy nói anh muốn cuộc chơi phải lớn, chơi nhỏ anh không chơi"

Trước khi lên Shark Tank, Tuấn xác định vừa mở, vừa nhượng quyền để phát triển hệ thống. Nhưng trong quá trình thẩm định, Shark Thủy đưa ra tầm nhìn lớn hơn ở một cuộc chơi lớn hơn: Tất cả cửa hàng phát triển theo hệ thống chuỗi chứ không nhượng quyền nữa. Nguồn vốn đầu tư do đó cũng vượt xa mức cam kết trên truyền hình.

"Anh Thủy nói anh muốn cuộc chơi phải lớn, chơi nhỏ anh không chơi".


Sau gần 1 năm chương trình phát sóng, theo thống kê trên website chính thức, Soya Garden đã có chuỗi 22 cửa hàng. Thay vì chỉ tập trung ở khu vực Hà Nội, thương hiệu này đã bước đầu đặt chân tới thị trường TPHCM và một vài tỉnh khác.

Đến năm 2021, Soya Garden đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng, số lượng không hề thua kém các chuỗi F&B lớn hiện nay như The Coffee House hay Highlands. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại câu chuyện mở chuỗi, CEO 8x xác định sẽ đưa sản phẩm đậu nành lên ngang tầm cà phê và trà sữa. Lúc ấy "đi soya" sẽ giống như "đi cà phê đi" hay "đi trà sữa đi". Nhưng đi soya không nhất thiết là phải đi Soya Garden mà sẽ đi sử dụng các sản phẩm từ đậu nành nói chung.

"Sau này, "đi soya đi" có thể là đi Soya Garden, có thể là Soya Forest nào đó, hoặc Soya Express gì đó. Tôi nghĩ đến thời điểm ấy sẽ có nhiều thương hiệu đậu nành xuất hiện cùng với mình, nhưng điều khách hàng nghĩ đến đầu tiên sẽ là Soya Garden. Cũng giống như cà phê, tùy phân khúc nhưng nếu ai đó rủ đi cà phê, tôi đi sẽ hình dung ra Highlands hoặc The Coffe House chứ không nghĩ đến những chuỗi ven đường hay cửa hàng nhỏ cả".

"Chúng tôi nhắm tới việc tạo ra một ngành mới chứ không chỉ tạo ra một thương hiệu. Tiền và thương hiệu không phải cái tôi muốn theo đuổi", Tuấn chia sẻ.

Cũng theo Tuấn, trong năm 2021, cuộc chơi lớn không chỉ giới hạn trong nước mà mở rộng ra nước ngoài, với hai thị trường được nhắm đến là Thái Lan và Nhật Bản.

"Quan điểm của tôi là chỗ nào khắc nghiệt nhất thì mình mình chui vào trước. Mọi người đều biết đến Thái Lan là thiên đường ẩm thực với nhiều thương hiệu mạnh. Tôi tin nếu đánh Thái mà thắng được thì thị trường các nước khác trong Đông Nam Á không phải vấn đề".

"Nhật Bản thì chất lượng và dịch vụ họ đều yêu cầu rất cao. Nếu mình thâm nhập được vào Nhật thì tôi tin kể cả Châu Âu hay Mỹ đều có thể đi được", CEO trẻ hào hứng khẳng định.

Theo Báo Trí Thức Trẻtiin.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,636 lượt xem