Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Kinh Nghiệm Săn Học Bổng Thụy Điển Từ Chủ Nhân Học Bổng Toàn Cầu Lund - Thuỵ Điển: Chọn Theo Trường Thay Vì Điểm Đến

Chủ nhân của học bổng Toàn cầu Lund - Thuỵ Điển, Hà Trang Vân, có những chia sẻ về hành trình tìm kiếm học bổng, bài học kinh nghiệm sau thất bại và niềm yêu thích viết lách tại lục địa già.

1. Bạn có thể giới thiệu sơ lược một chút về ngôi trường bạn theo học và học bổng mà bạn đã đạt được?

Trường Đại học tổng hợp Lund là một trong những trường Đại học danh giá nhất Thụy Điển, liên tục trong nhiều năm đứng vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng các trường Đại học tốt nhất tại đất nước này. Lund cũng luôn đứng trong top 100 trường Đại học uy tín nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS Ranking (top 4%). Điều mình cảm nhận rõ ràng nhất ở trường Đại học tổng hợp Lund đó là: (1) có bề dày lịch sử và danh tiếng cực tốt về mặt nghiên cứu, học thuật, (2) môi trường sinh viên quốc tế đa dạng và đời sống sinh viên vô cùng sôi động.

Học bổng mình đạt được là Học bổng Toàn cầu Lund dành cho sinh viên quốc tế (Lund Global Scholarship). Học bổng này chi trả học phí cho sinh viên tối đa là 100%. Khi nộp hồ sơ, mình nghĩ chỉ có các mức 25% - 50% - 75% - 100% như trong mô tả của học bổng, nhưng thực tế trường ĐHTH Lund tính giá trị học bổng lẻ đến 1%, vì mình biết có những bạn được 92%, có bạn được 54% tùy thuộc vào hồ sơ từng người. Hàng năm có khoảng 100 sinh viên quốc tế (trên tổng số xấp xỉ 21,5 nghìn hồ sơ quốc tế) được trao học bổng LUG.

2. Bạn có nhắc đến việc trượt học bổng do viện nghiên cứu Thuỵ Điển cung cấp. Bạn có thể chia sẻ đôi chút về trải nghiệm đó và bài học kinh nghiệm rút ra sau thất bại ấy?

Ngành mình lựa chọn nộp hồ sơ xin học bổng SI – học bổng danh giá nhất của Thụy Điển do Viện nghiên cứu quốc gia cung cấp – là ngành Strategic Communication (Truyền thông chiến lược). Về khác biệt giữa học bổng LUG và SI, bạn có thể tham khảo tại đây nhé! Khác biệt lớn nhất, ngoài giá trị học bổng, vẫn là những đặc quyền tối ưu mà Viện dành cho người nhận SI mà không trường ĐH Thụy Điển nào có thể so sánh được.

Lý do trượt học bổng: Có hai lý do mà mình thấy rõ ràng nhất: Một là, mình chưa đủ số năm kinh nghiệm đi làm tại thời điểm nộp hồ sơ học bổng. SI với mình như một lần thử sức, bởi học bổng này yêu cầu 2 năm kinh nghiệm, có chứng minh khả năng lãnh đạo trong vị trí đó (thư giới thiệu khẳng định khả năng lãnh đạo). Tại thời điểm ứng tuyển, mình đã làm thêm với vị trí trợ lý tổ chức sản xuất tại Đài Hà Nội 4 năm, đi làm các công việc khác trong khoảng nửa năm. Như vậy chưa đủ thuyết phục. Hai là, có thể ngành học không phù hợp với quốc gia. SI hàng năm trao 10 suất cho Việt Nam, đa dạng các ngành học, nhưng cực hiếm các ngành xã hội. Thông thường là Kinh tế, Y tế, Phát triển,… Sau năm của mình, đã có một bạn đầu tiên được SI cùng ngành mình đang học luôn (chị ấy đã có khoảng 4 năm kinh nghiệm đi làm và có hoạt động xã hội cho cộng đồng LGBT).

3. Tại sao bạn chọn Thuỵ Điển mà không phải một quốc gia khác?

Thú thực là mình không chọn quốc gia, mà mình chọn trường và chương trình học. Thụy Điển chưa từng xuất hiện trong đầu mình khi mình nghĩ đến du học. Mùa thu năm 2015, mình tình cờ tham quan Chương trình Study in Sweden của Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Viện nghiên cứu tổ chức. Mình bỏ qua gian của trường Lund vì thấy tên … hơi ngắn, để hỏi các trường khác “Mình muốn học ngànhTruyền thông (Communication) thì nên chọn trường nào”. Tất cả đều chung một câu trả lời: Lund. Quá trình tìm hiểu sau đó mới thực sự là giai đoạn “fall in love”, bởi càng biết về Lund, mình càng quyết tâm nộp hồ sơ (dù lúc ấy rất sát hạn chót), và càng đọc về Thụy Điển, mình càng mong muốn có một ngày trực tiếp trải nghiệm cuộc sống ở đó. Vì vậy, lời khuyên của mình dành cho những bạn thực sự muốn đi học Thạc sĩ nếu mục đích ưu tiên của bạn là tích lũy kiến thức: Chọn trường, chọn ngành trước. Đất nước mà có trường, có ngành bạn chọn sẽ giải thích vì sao tại đất nước ấy cho bạn một lựa chọn như thế!

4. Bạn nghĩ điểm gì khiến hồ sơ của mình được chọn? Điều khiến bạn nhớ nhất sau khi trải qua hành trình này? 

Mình chỉ nhấn mạnh một điểm là LUG, giống nhiều học bổng của các trường ĐH khác, tập trung vào thành tích (merit-based) nên bạn nào có thành tích tốt và chứng minh được thì nên nộp đơn.

Mình nghĩ hồ sơ mình mạnh ở hai điểm (1) thành tích bậc Cử nhân của mình rất tốt: Thủ khoa đầu vào và đầu ra của Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại – Học viện Ngoại giao, khóa luận tốt, điểm và chủ đề tốt, thư giới thiệu của thầy cô và cấp trên đều khẳng định kiến thức chuyên môn và tinh thần học hỏi cao; (2) thư xin học bổng của mình nêu rõ động lực, kế hoạch học tập và trả lời trực tiếp câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên chọn em mà không phải ai khác?”.

 

Một câu nói yêu thích mà mình muốn chia sẻ: "A goal without plan is just a wish" (Mục tiêu mà không đi liền với kế hoạch mãi chỉ là một điều ước mà thôi). Khi xác định được mục tiêu rồi, đừng nhìn ngó sang các hướng đi khác mà hãy nỗ lực hết mình để thực hiện. Việc này cũng giống như khi bạn yêu một ai đó và khát khao chinh phục người ấy, bạn cố gắng mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình, dành thời gian tìm hiểu và biết mình phù hợp thì bạn đã nắm trong tay 99% cơ hội rồi. Mình không rải nhiều hồ sơ, mà thực sự tập trung cho trường ĐHTH Lund. Lý do rất đơn giản: mình chọn trường, chọn ngành chứ không chọn đất nước (dù sau này mình luôn cảm thấy may mắn vì được học tập tại Thụy Điển – hay nói chung là Bắc Âu). Cảm giác có mục tiêu, có đích đến rõ ràng thì quá trình chinh phục ít nhất đã dễ đi một nửa, nửa còn lại phụ thuộc vào nỗ lực không ngừng của bản thân.

Mình nói nỗ lực không ngừng, bởi vì mình đã thực sự nỗ lực, may mắn có, nhưng chỉ chiếm số nhỏ. Tiếng Anh chưa bao giờ là năng khiếu của mình. Vì vậy, dù biết IELTS chỉ là điều kiện cần (không ai trao học bổng chỉ vì bạn có 9.0 IELTS đúng không?), mình vẫn phải bắt đầu ôn tập nghiêm túc: tự mua sách, làm đề bấm giờ, luyện viết nhờ bạn đọc hộ,… Thư xin học, thư xin học bổng cũng viết đi viết lại. Bản nháp đầu tiên mình nhận được góp ý từ một người đi trước với quá nửa là nhận xét tiêu cực. Mình tin là nhiều bạn cũng từng trải qua cảm giác công sức bỏ ra nhiều, nhưng người khác không hiểu. Lời khuyên của mình là khi đã xác định mục tiêu thì hãy theo đến cùng, mục tiêu cao nhưng phải khả thi. Mình nộp hồ sơ vào phút chót.

5. Theo bạn khi nào là thích hợp để bắt đầu chuẩn bị hồ sơ học bổng? Bạn có lời khuyên nào khác muốn gửi đến các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ du học bằng học bổng hay không?

Nếu có một lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ du học bằng học bổng, mình hi vọng các  bạn nên xác định thật rõ động lực của việc đi học xa ở một môi trường hoàn toàn mới. Động lực của bạn có thể là tích lũy kiến thức, có thể là tìm kiếm trải nghiệm, hay chỉ đơn giản là có cơ hội đi du lịch, nhưng nhất định phải được xác định rõ trước khi bạn đặt chân vào con đường du học. Khi đã có động lực rồi, bạn lên kế hoạch cho từng kỳ và hãy cố gắng sử dụng quỹ thời gian của mình theo mục tiêu đề ra thật tốt. Bởi quãng thời gian đi học xa có thể sẽ là thời gian bạn nhớ nhất trong cuộc đời.

6. Bạn có thể chia sẻ cho độc giả một chút về cuộc sống du học tại Thụy Điển cũng như sở thích của mình?

Cuộc sống sinh viên ở Thụy Điển đã mang lại cho mình những trải nghiệm và bài học đáng nhớ, mà nhờ đó mình trưởng thành hơn rất nhiều. Dù không phải lần đầu tiên đi học xa nhà, nhưng sự tự lập mình có khi ở Việt Nam được tôi luyện hơn khi bắt đầu kỳ học ở đây. Có những điều rất nhỏ nhặt như cách sử dụng phòng giặt đồ, cách tìm phương tiện công cộng, cách tìm tài liệu học tập, đến những hành vi tương tác xã hội phức tạp như làm việc nhóm, chơi với các bạn có phông văn hóa khác biệt, nói đùa sao cho phù hợp… nhưng mình đều phải học hỏi mỗi ngày.

 

Chính vì từng phải một mình tìm hiểu, mày mò thông tin, kiến thức xã hội và trải nghiệm cuộc sống ở Bắc Âu, nên mình hiểu cảm giác của những bạn đang ấp ủ ước mơ đến khu vực này. Thói quen ghi chép và sở thích viết lách thôi thúc mình lập một trang thông tin để chia sẻ cho bạn bè, đặc biệt những người đang tìm hiểu về cuộc sống học tập tại Thụy Điển, những hình dung cụ thể, chân thực nhất. Scandinavia với mình là một nền văn hóa đặc biệt, phía dưới lớp tuyết dày lạnh giá của mùa đông dài là sự sống mãnh liệt của những sinh thể kiên cường. Có lẽ chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã khiến người dân nơi đây có một lối sống “vừa phải” (tiếng Thụy Điển là lagom, hay Đan Mạch là hygge), hài lòng với những gì mình có và hài hòa với thiên nhiên. Trực tiếp trải nghiệm cuộc sống ở đây, mình nhận ra những điều mình đọc về vùng đất này đều có phần không đúng. Ví dụ như người Thụy Điển, Na Uy nổi tiếng lạnh lùng, kín đáo, nhưng những người bạn bản địa mình có đến giờ này đều là những người chủ động làm quen, rủ mình đi chơi, thậm chí mời mình về ăn Giáng sinh phương Bắc – kỷ niệm tuyệt vời nhất trong năm đầu tiên của mình. Mình ghi chép lại những điều đó tại Blog Fall in Fika, vừa để chia sẻ với các bạn đang muốn tìm hiểu về Thụy Điển, vừa để giữ lại những kỷ niệm đã giúp tim mình ấm áp giữa Bắc Âu lạnh giá.

Sau một năm thì hiện tại mình viết chung với một người bạn ở Na Uy. Trong tương lai, hi vọng Fall in Fika sẽ có đủ đại diện của cả 5 nước trong khối Bắc Âu, là nơi các bạn trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc, trải nghiệm học tập và sinh hoạt.

Theo hotcourses.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

627 lượt xem