Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Liz Murray – Một Cô Gái Vô Gia Cư Trở Thành Sinh Viên Của Trường Đại Học Harvard Danh Tiếng


Liz Murray (Elizabeth Murray) là một trong những tấm gương sáng vượt lên trên mọi hoàn cảnh, không bao giờ đầu hàng trước số phận nghiệt ngã. Thời thơ ấu của Murray đầy bất hạnh. Năm 15 tuổi, mẹ cô qua đời, gia đình đổ vỡ, cô trở thành người vô gia cư, không một nơi nương tựa. Hiện nay, cô thành công tốt nghiệp đại học Harvard, thành lập công ty riêng và trở thành diễn giả nổi tiếng được người người ngưỡng mộ. Với một hoàn cảnh sống éo le, trớ trêu như vậy, bằng cách nào cô lại có thể phấn đấu được như ngày hôm nay? 


Tuổi thơ bất hạnh

Murray sinh ra và lớn lên trong một gia đình mục nát, tuổi thơ của cô bị bao trùm bởi một màu sắc u tối mà ảm đạm không giống như bao đứa trẻ khác.

Bố mẹ của Murray đều nghiện ma túy, cô khi nào cũng có thể bắt gặp bố mẹ đang hút thuốc trong phòng bếp – một việc trong mắt cô đã trở nên rất đỗi bình thường như khi con người ta ăn cơm uống nước. Cô thường bị bỏ đói nhiều ngày và phải tự mình xoay xở với cuộc sống.

Hồi nhỏ, Murray buộc phải đương đầu với nhiều tình cảnh khó khăn mà ngay cả người lớn cũng sẽ phải tốn nhiều thể lực và trí lực để có thể vượt qua. Cô đã từng bị mắc bệnh chấy vì hay ngồi nghịch trên một tấm thảm bẩn nhặt được ngoài đường, bố mẹ ngày ngày quay cuồng với thuốc phiện, để mặc cô chịu khổ với từng cơn ngứa dai dẳng. Murray kể rằng khi cô ngồi học trên lớp, một con rận đã rơi từ đầu cô xuống ngay trên mặt bàn, nhiều bạn học xung quanh chứng kiến, cô xấu hổ vô cùng và quyết định rằng “Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại lớp học nữa, tôi không còn mặt mũi nào để gặp mọi người hết.” Vì không có sự giám sát của bố mẹ, Murray quyết định bỏ học để tránh bị bạn bè châm chọc và vì thường xuyên phải mặc những bộ quần áo rách nát xỉn màu và cực kỳ bẩn thỉu khiến bạn bè ai ai cũng xa lánh.

Mẹ của Murray, bà Jean vừa nghiện thuốc, vừa mắc hội chứng tâm thần phân liệt, thậm chí bà còn bị mù. Thời bấy giờ, chính phủ New York đã có nhiều đề án hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân tâm thần và lạm dụng chất gây nghiện, tuy nhiên, đối với mẹ Murray, các chương trình hỗ trợ này không giúp ích được nhiều đối với hoàn cảnh bệnh tật chồng chất của bà khi ấy. Mẹ cô được điều trị tại bệnh viện North Central Bronx. Từ năm 1960, bệnh viện này vốn đã tồn tại nhiều rắc rối ăn sâu bám rễ: thiếu thốn trang thiết bị y tế, không đủ lực lượng y bác sĩ, và thường xuyên nhầm lẫn bệnh án. Bệnh viện cũng không nhận được nhiều sự hỗ trợ về kinh phí từ phía chính phủ, bà Jeanie không được giúp đỡ về mặt tài chính và cũng không được hưởng phúc lợi y tế.

Mẹ cô qua đời vì mắc phải căn bệnh AIDS năm cô mới tròn 15 tuổi, bố cô vào trại cai nghiện. Murray trở thành người vô gia cư phải lang thang khắp nơi đầu đường xó chợ. Mới ngày hôm trước cô còn có gia đình, còn mái nhà để che mưa che nắng, còn có tình yêu thương từ mẹ, nay cô đã mất trắng tất cả. Dù rằng bi kịch đồng loạt đổ ập xuống đầu cô như vậy, Murray lại ngộ ra một chân lý - Cuộc sống luôn luôn thay đổi, kể cả cuộc sống hiện tại của cô cũng vậy. Cô quyết định làm chủ cuộc sống của mình và học cách bảo vệ mạng sống: Cô ăn thức ăn thừa nhặt được từ bãi rác, cô ngủ qua đêm dưới các ga tàu điện ngầm để tránh cái lạnh, cô tìm đủ mọi cách để sống sót.

Nỗ lực đối đầu nghịch cảnh 

Trường học chính là con đường duy nhất có thể đem lại cho cô một tương lai tươi sáng hơn. Murray sửa sang lại quần áo và đầu tóc cho gọn gàng rồi tới gõ cửa từng trường phổ thông một để hỏi xin liệu họ có chấp nhận cho cô vào học hay không, mặc dù bị từ chối rất nhiều nhưng cô vẫn kiên trì và không hề bỏ cuộc. Cuối cùng, cô đã được nhận vào học viện Humanities Preparatory. Với độ tuổi của cô lúc bấy giờ đáng lý phải học bậc đại học nhưng vì ngày xưa cô thường xuyên trốn học nên cô phải theo học lại từ bậc phổ thông. Để đẩy nhanh tiến độ sớm bắt kịp với các bạn đồng trang lứa, cô đăng ký học 10 lớp một tuần, phấn đấu hết mình để hoàn thành chương trình học phổ thông chỉ trong vòng hai năm. Tràn đầy động lực và lòng quyết tâm, bất kể là ở đường hầm hay trên hành lang, bất cứ đâu cô có thể ngồi xuống cô đều lấy đó làm nơi để học và làm bài tập về nhà.

Mọi nỗ lực của cô đều được đền đáp xứng đáng. Murray không chỉ đạt thành tích xuất sắc nhất lớp mà còn nhận được học bổng của New York Times, và sau một thời gian không ngừng nỗ lực, cô được nhận vào học tại Đại học Harvard danh tiếng.

Sự nỗ lực vượt qua mọi hoàn cảnh éo le của Murray đã được nhắc đến rất nhiều trên báo đài cũng như trên các kênh truyền hình nổi tiếng như Oprah Winfrey, ABC News, 20/20, và CNN. Cô là người đầu tiên được trao giải thưởng Oprah Winfrey Chutzpah danh giá, và được mời làm diễn giả của TEDxYouth. Không những vậy, Murray đã thành công sáng lập ra công ty Manifest Living với mục tiêu truyền động lực và giúp đỡ mọi người vượt qua nghịch cảnh. Cuộc đời của cô đã được đạo diễn Peter Levin chuyển thể thành phim “Homeless to Harvard” vào năm 2003.

Bên cạnh đó, Liz Murray đã cho xuất bản Hồi ký Breaking Night vào năm 2010 kể về câu chuyện của cuộc đời cô tại New York vào đầu những năm 90 - thời điểm nạn nghiện ma túy và các chất kích thích hoành hành như một đại dịch, gần như toàn bộ người dân tại Bronx năm ấy đều phải kịch liệt đấu tranh giành dật mạng sống với tình cảnh nghèo đói và các tệ nạn xã hội, đặc biệt là sự cám dỗ từ thuốc phiện luôn luôn ẩn dật và rình rập con người ta ở mọi ngóc ngách nẻo đường phố vắng. Breaking Night sớm trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất của New York Times.  

Lời kết 

Khi Murray được lên sóng chương trình Oprah, cô đã chia sẻ rằng “Hãy biết trân quý tất cả những gì bạn đang có trước khi cuộc đời dạy bạn biết tôn trọng những gì bạn đã từng có. Nếu bạn muốn trở thành một người giàu lòng vị tha, bạn phải hiểu được rằng ai ai cũng có những giới hạn của riêng mình, chúng ta không thể cho đi những gì mình không có.”

Những điều tồi tệ mà người khác đem lại cho chúng ta, liệu có phải chỉ có riêng mình chúng ta phải nhẫn nại chịu đựng? Giống như hai mặt của một đồng xu vậy, những hành động gây thương tổn ấy hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ khi bị cuộc sống đầy đọa, bản thân họ vốn đang phải chịu rất nhiều khổ sở rồi.

Murray lạc quan học hỏi từ quá khứ để tránh bước vào vết xe đổ của cha mẹ và luôn sẵn lòng tha thứ cho mọi sai lầm của họ trước đây “Con người ta không thể cho đi những gì mình không có.” Chặng đường cô đi đầy trông gai và trắc trở, quá trình trưởng thành gian khổ không hề hủy hoại đi tâm hồn non nớt của bé gái 15 tuổi ngày ấy, mà trái lại đã vun đắp trong tâm hồn cô một tấm lòng bao dung độ lượng và nghị lực phi thường. 

----------

Tác giả: T.Londono

Link bài gốc: https://literarybronx.com/cause-you-cant-stop-the-hustle-liz-murrays-bronx-success-story/?fbclid=IwAR2SI6xACyOtUV2f8Op3O9YnB7pXVTHBzmSCCWcQ6DemWon6CSaspa22VvU

Dịch giả: Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Ngọc Phương Thư - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.      

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,640 lượt xem