Luis von Ahn là một doanh nhân ở Guatemala và một giáo sư tại Khoa Khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon. Ông được biết đến như là một trong những người tiên phong của crowdsourcing.
“Ngài Gate đang đợi,” thư ký riêng của anh ấy nói.
Bill kính mến đã dành 45 phút đồng hồ cố gắng thuyết phục Luis Von Ahn, một vị giáo sư toán học người Guatemala tầm 20 tuổi, đến làm việc tại Microsoft. Vâng - gương mặt còn đang dậy thì này đã bảo người đàn ông giàu nhất quả đất lúc đấy biến đi. Tất nhiên là theo một cách lịch sự.
Ma Trận là bộ phim yêu thích nhất của Luis, tôi tôn trọng điều đó. Nhưng những người như tôi khi xem Ma Trận và nghĩ rằng, đệt tại sao Morpheus không gọi cho tôi nhỉ? Thằng mọt sách chống đối xã hội này có gì mà tôi không có nhỉ? Sự khác biệt giữa tôi và Luis là việc anh ấy không chỉ ngưỡng mộ gã anh hùng đeo kính đen bóng loáng kia - anh ta còn nghiên cứu về mấy con người máy chuyên chế đầy hiệu quả trong bộ phim ấy.
Rõ ràng, sự kết hợp này đã tạo ra một thứ bùng nổ. CAPTCHA - những lằn giảm tốc phiền phức luôn hỏi rằng “haha chứng minh mày là con người đi nào” và rồi bắt bạn phải phân biệt giữa số 8 nhòe nhoẹt với chữ B cũng nhòe không kém - đó chính là đứa con đầu lòng của Von Ahn, thứ được Yahoo sử dụng một tuần sau khi nó ra đời. Rồi chỉ vài năm sau, Google mua lại. Đến Duolingo - đứa con thứ hai của anh ấy đã tích lũy một định giá 20 triệu đô chỉ 2 năm sau khi nó ra mắt. Hiện tại, giá trị của nó là 1.5 tỷ đô.
Nhưng cả CAPTCHA và Duolingo đều chỉ là cái bẫy cho chúng ta, như những con hamster trong vòng quay Internet. Không hề hay biết rằng tất cả chúng ta đang số hóa 2.3 triệu quyển sách mỗi năm, đồng thời dịch thuật nội dung hàng năm của CNN và NY Times sang ngôn ngữ khác chỉ trong vòng vài tuần.
Từ những ý tưởng chẳng giống ai
Câu chuyện về Luis Von Ahn bắt đầu từ năm ông mới 12 tuổi. Phẩm chất thiên tài của ông đã bộc lộ từ những ý tưởng phi thường. Khi đó ông đã nghĩ về việc mở một phòng tập gym... miễn phí. Lí do của ý tưởng này là bởi ông cho rằng những người tập thể dục trên những chiếc máy của ông có thể tạo ra năng lượng điện. Do đó việc thu hút mọi người đến tập miễn phí sẽ giúp ông có một "nhà máy sản xuất" điện của riêng mình và sử dụng nguồn năng lượng đó để... bán cho các nhà máy điện. Rất may là ông nhanh chóng nhận ra ý tưởng của mình quá viển vông và việc thu tiền tập luyện vẫn khả thi hơn.
Ý tưởng có phần điên rồ ở tuổi thơ không làm Luis Von Ahn ngần ngại trong việc suy nghĩ những điều mới mẻ. Đến năm 2004, ông bắt đầu dự án nghiêm túc đầu tiên của mình. Ông bắt tay vào việc tạo ra một trò chơi trực tuyến với phong cách chơi vô cùng đặc biệt. Theo đó bạn sẽ được ghép cặp cùng một người chơi ngẫu nhiên khác trên trang web của trò chơi. Một chuỗi ảnh sẽ được hiện lên lần lượt và nhiệm vụ của 2 người là phải gõ được "chính xác những gì mà bạn thấy đối thủ đang gõ". Càng nhiều từ khóa giống đối phương, bạn sẽ càng ghi được nhiều điểm.
Trò chơi được xem là một công cụ tuyệt vời để giải trí, bởi nó vừa có tính cạnh tranh, vừa có những hình ảnh vui nhộn và nhất là khả năng tư duy của người chơi ở trong đó. Thế nhưng với Von Ahn, trò chơi này còn có nhiều ý nghĩa hơn thế. Việc ghép những bức ảnh ngẫu nhiên từ Internet sẽ có thể "sử dụng" người chơi để gắn "nhãn" cho những bức ảnh trên Internet. Để dễ hình dung, chúng ta nên biết rằng việc gắn nhãn cho những bức ảnh sẽ giúp cộng đồng dễ dàng tìm kiếm và sử dụng những bức ảnh hơn. Nó còn giúp người ta tránh gặp những bức ảnh nhạy cảm, nội dung thô tục trôi nổi trên Internet trong quá trình tìm kiếm chỉ vì chúng không được gắn nhãn rõ ràng.

Von Ahn cho rằng khi trò chơi của ông trở nên phổ biến, người ta chỉ cần vài tháng là đủ để định danh cho tất cả những bức ảnh đang trôi nổi trên mạng ở thời điểm đó. Và ông nhanh chóng đưa nó hoạt động vào năm 2005 với tên gọi The ESP Game. Trong vòng 4 tháng sau khi hoạt động, hơn 13.000 lượt người chơi đã giúp trò chơi này định danh cho hơn 300.000 tấm ảnh trên Internet. Sự thành công cùng ý nghĩa của nó nhanh chóng lọt vào mắt xanh của cả Sergey Brin và Larry Page. Chỉ vài tháng sau đó, Google đã mua lại trò chơi này và phát triển nó thành công cụ Google Image Labeler.
Người dùng số hóa 2.3 triệu quyển sách mỗi năm mà không hề hay biết
CAPTCHA ra đời sau khi một nhà-nghiên-cứu-hàng-đầu-kèm-một-người-tìm-kiếm-tài-năng của Yahoo đến trường của Luis Von Ahn giảng dạy một bài học gọi là 10 Vấn Đề Lớn Nhất Mà Chúng Tôi Không Biết Cách Giải (10 Biggest Problems We Don’t Know How to Solve). Một trong những vấn đề của họ chính là những spammer, những kẻ sẽ sử dụng các phần mềm tự động tạo ra hàng triệu địa chỉ email giả để gửi đi các giới thiệu thuốc làm tăng kích cỡ dương vật. Yahoo chính là Google của những năm 2000, vậy nên Luis trẻ tuổi đam mê công nghệ đã quyết định giải quyết chuyện này.
Giải pháp đưa ra rất ấn tượng. Một người bạn cùng khóa Tiến Sĩ nói với anh ấy rằng máy tính khó có thể hiểu được chữ viết tay. Con người có thể ít nhiều đọc được một hình ảnh nhòe nhoẹt dù nó được viết một cách nguệch ngoạc, còn máy tính thì không thể làm được điều đó. Vậy nên sẽ cần một đội quân những con người rất tận tụy mới có thể vượt qua được CAPTCHA.
Yahoo áp dụng tính năng này chỉ trong vòng một tuần. Có Chúa mới biết nó đã tiết kiệm cho họ bao nhiêu triệu đô. Còn Luis vẫn ổn dù chỉ nhận được hai chữ “Cảm ơn” đơn giản.
Nhưng khi là một kẻ săn mồi có đạo đức, anh ấy không thể sống với ý nghĩ rằng nhân loại dành 500,000 giờ đồng hồ mỗi ngày để điền CAPTCHAs. 500,000 giờ mỗi ngày là rất nhiều thời gian - và thứ có lẽ nên dùng cho một mục đích nào đó tốt đẹp hơn.
Rồi một mục đích tốt đẹp xuất hiện. Trang Archive.orgs và Google Books dành thời gian của họ để biến các quyển sách, bài báo và tài liệu cũ đã được scan thành các bản điện tử số hóa. Những quyển sách là thứ được viết nên bởi các từ ngữ, còn từ ngữ là thứ được tạo nên bởi các ký tự, các CAPTCHA như cũng vậy.
Và sự ra đời của reCAPTCHA. Phiên bản trước đây của nó là một kiểu giao diện 9 h q 7 1 x nhòe nhoẹt. Phiên bản mới cho người dùng hai từ để phân biệt. Cả hai từ đều là một phần nhỏ từ những quyển sách hoặc tài liệu đã được scan.
Công ty đã biết trước từ được hiển thị đầu tiên là gì. Họ đưa nó ra để kiểm tra liệu bạn có phải là con người hay không. Từ thứ hai là một từ gì đó mà họ chưa số hóa. Một khi họ có được 10 người nhập cùng một chữ, họ biết rằng từ đó đã chính xác. Bằng cách này, reCAPTCHA số hóa 2.3 triệu quyển sách cũ thành những tài liệu có thể chỉnh sửa và tìm kiếm được trên mạng mỗi năm. Google đã mua lại công ty này với một khoản tiền đủ để Luis không phải đi làm thêm một ngày nào cả. Và điều duy nhất anh ấy cần phải làm là ở lại Google trong 3 năm. Nhưng anh ấy đã không làm thế.
Các học viên dịch các tin tức thời sự trị giá hàng thế kỷ trong lúc học ngoại ngữ
Giáo dục là một vấn đề đau đầu đối với những ai sinh ra ở một quốc gia mà mức lương trung bình là 200 đô là Mỹ. Trong khi đáng lẽ cơ hội học tập phải bình đẳng giữa các công dân. Việc có các nền tảng học tập khác nhau thường chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa giàu và nghèo. Nó xếp con người vào hai thể loại tưởng chừng như vô hại: Những người có thể trả 500 đô la Mỹ để học một khóa tiếng Anh, và những người còn lại. Luis nói rằng, những người biết tiếng Anh thường có thu nhập gấp đôi. Chỉ ở riêng Trung Quốc đã có đến 400 triệu người học tiếng Anh - gần bằng dân số của Mỹ và Anh cộng lại. Bên cạnh những lý do rõ ràng - như khả năng làm việc cho các khách hàng Mỹ - còn có nhiều áp lực ngầm khác tại nơi làm việc. Phần lớn mọi thứ trên Internet là tiếng Anh, đồng nghĩa với việc tự học trở thành việc chỉ dành cho những ai biết loại ngôn ngữ này. Các khóa học của Yale trên Youtube, những video giải nghĩa, những quyển sách trên Amazon, những trang tin tức, những trang blogs - chúng ta hiếm khi dừng lại nghĩ rằng những thứ này ít được dịch sang ngôn ngữ của chúng ta như thế nào. 437 triệu người nói tiếng Tây Ban Nha, nhưng Wikipedia tiếng TBN chỉ bằng khoảng 20% so với Wikipedia tiếng Anh. Vậy nên khi Luis quyết định rằng sẽ làm gì đó với trí não của mình, anh ấy đã bắt tay với một gã tên Severin Hacker để tạo ra một phương thức mới cho phần lớn mọi người trên thế giới này có thể học được ngoại ngữ. Một nền tảng dân chủ cho bất kỳ ai có thể sử dụng internet.
Bấy giờ là một doanh nhân dày dặn kinh nghiệm, Luis biết rằng cái ứng dụng miễn phí này cần một cách để tạo ra tiền. Tài khoản ngân hàng của anh ấy không thể nào tài trợ cho một doanh nghiệp mới mãi được, vậy nên nó cần phải tự duy trì được ngay từ lúc bắt đầu. Luis sử dụng cơ chế mà anh ấy đã rất rành ở CAPTCHA - Để chúng ta kiếm tiền cho anh ấy ngay trong lúc chúng ta học.
Khi học bất kỳ một ngôn ngữ nào với Duolingo, bạn không chỉ được dạy những từ bất kỳ mà đôi khi còn được đưa cho một câu văn ngẫu nhiên để dịch. Những câu văn đấy hoàn toàn không ngẫu nhiên, nó là một đoạn trích trong một bài báo đến từ những khách hàng khác của Duolingo - có thể là CNN hoặc cũng có thể là NY Times.
Rõ ràng là các học viên không phải những dịch giả có bằng cấp. Để đảm bảo dịch thuật chính xác, Duolingo sử dụng một vài thủ thuật phía-sau-hậu-trường nhằm biến hóa 10 câu dịch nghiệp dư thành một câu dịch chuyên nghiệp. Kết quả cuối cùng không khác gì với cái bạn nhận được từ một dịch giả đã qua đào tạo.
Cùng lúc đó, bên cạnh những chi phí công nghệ ban đầu, thì đó là một bản dịch hoàn toàn “miễn phí”. Vậy nên nếu NY Times trả 0.10 đô cho mỗi từ trong bản dịch của họ - và phải dành ra một nguồn nhân lực để quản lý quá trình dịch thuật này thì Luis có thể nhảy vào và đề nghị dịch với giá chỉ 0.05 đô cho một từ. Với đủ lượng người dùng Duolingo, các bài viết trong cả một năm có thể được dịch chỉ trong vài ngày - việc này sẽ mang lại 42,000 đô cho Luis và đồng sự của mình mỗi lần lặp lại.
Duolingo đang chuyển một ngôi trường đại học vào vỏn vẹn một chiếc smartphone
Luis nói rằng, dịch thuật là một nghề khó nhằn. Sẽ luôn có một dịch giả trên thế giới này sẵn sàng cướp lấy công việc của bạn chỉ với nửa giá. Thêm nữa, bản thân Duolingo bắt đầu trông như một công ty dịch thuật hơn là một công ty về giảng dạy. Với những lý do này, Duolingo ngày nay đang dần đi theo con đường thu phí truyền thống hơn.
Luis đặc biệt không thích nói về cách mà anh ấy xây dựng Duolingo như thế nào về mặt tiếp thị, nhưng cũng giống như bất kỳ một nhà chế tác tuyệt vời nào, anh ấy dành khá nhiều thời gian ngẫm nghĩ về cơ chế cốt lõi trong những phát minh của mình.
Các ứng dụng - không giống như những lớp học, nơi mà các học viên như những “con tin” - phải đấu đá với các đối thủ khổng lồ như Instagram hay Facebook để giành được sự chú ý của người dùng. Von Ahn và các đồng sự của anh ấy dành 10 năm trời để hoàn thiện từng cái pop-up, từng cái thông báo, từng phông chữ và từng âm báo để nắm bắt được thời gian của người dùng. Ví dụ như tôi nhớ lại thời gian lúc sử dụng Duolingo để học tiếng Trung. Thời điểm đó tôi không thể nhớ rằng mình đang chờ đợi điều gì, nhưng tôi đang ngồi trong một quán cà phê mà tôi chưa từng đến trước đây. Nhưng tôi có thời gian rỗi, và Duolingo lúc đấy là một lựa chọn vừa vặn.
Một tuần sau đó, tôi đi ngang qua quán cà phê ấy vào cùng khoảng thời gian đó. Đó là lần đầu tiên Duolingo gợi ý dạy cho tôi một
vài từ mới. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra đó chính xác là thời điểm và địa điểm mà tôi đã dùng Duolingo lần đầu tiên.
Ban điều hành của Duolingo cũng tham vọng mở rộng chương trình đào tạo. Thi các bằng như IELTS hoặc TOEFL là một trở ngại đặc biệt đau đớn cho những bộ óc sáng giá ở các quốc gia thế giới thứ 2 và thứ 3. Không chỉ tốn một khoảng tiền mà họ không có để học và thi, các học viên còn phải di chuyển hàng giờ đồng hồ đến các địa điểm thi. Vì thế, Duolingo đang âm thầm làm cho những bài kiểm tra chuẩn hóa của họ được chấp thuận bởi các học viện này đến học viện khác.
Luận điểm chính của họ là họ tốt hơn một lớp học. Chúng ta tuy chấp nhận điều này một cách đầy hoài nghi, nhưng Von Ahn cho rằng một học viên có thể học được khối lượng kiến thức bằng của cả học kỳ chỉ với 32 giờ trên Duolingo. Anh ấy giải thích việc này bằng thử nghiệm A/B: trong khi các giảng viên thường áp dụng các cách giảng dạy “chuẩn sách giáo khoa”, Duolingo tích cực thử nghiệm các cách giảng dạy khác nhau để xem cái nào hiệu quả nhất - như kiểu bạn nên học danh từ số nhiều trước hay học các đại từ trước.
Và Von Ahn không chỉ để ý đến dạy các ngôn ngữ khác nhau. Mọi quá trình học tập có thể chuyển hóa vào thế giới kỹ thuật số đều đáng để anh ấy theo đuổi, và mọi cách thức- kể cả học qua phụ đề phim ảnh - cũng là một lựa chọn khả thi.
Một chút Machiavelli (tinh quái) để làm điều gì đó tốt đẹp
Nội chiến ở Guatemala không phải là một trò đùa. Nó đã kéo dài 36 nằm - đủ để nuôi dạy cả một thế hệ mà việc giăng kẽm gai quanh nhà là một chuyện bình thường. Với việc mỗi tuần đều có ai đó trong nhà bị trộm mất xe, Luis lúc nhỏ biết rằng ra khỏi nhà sau 6:30 chiều cũng như việc cách đây 20,000 năm đi vào rừng một mình vào lúc đêm tối vậy.
Vâng, có thể nói rằng Luis đã quá quen thuộc với cái mà Carl Jung gọi là bóng tối. Nietzsche thì thẳng tính hơn, và đơn giản vẽ nên nó như một con quái vật cao 2 mét sống trong mỗi và tất cả chúng ta. Cả hai nhà tư tưởng đều đồng ý rằng mỗi con người đều có những bản năng, những suy nghĩ đen tối, tà ác, thảm hại, độc ác và vị kỷ.
Quan trọng hơn là cả hai nhà tâm lý học đều có một kết luận rằng chỉ khi làm bạn với những ý nghĩ hèn hạ của bản thân, con người mới có thể đạt được những thứ để đời. Nietzsche gọi đó là một “tổng thể hòa hợp”, và nếu tưởng tượng nó như một dòng sông - bạn có thể “tận dụng” nó để du lịch, tạo ra điện hoặc đánh bắt cá; hay đơn giản là mặc kệ và để nó khô cạn; hoặc là chết chìm trong đó. Jung dành cả đời của ông để theo đuổi sự thành toàn - thành quả cuối cùng sự thành hình bản ngã - quá trình làm bạn với những suy nghĩ hèn hạ của bản thân và chấp nhận chúng một cách sâu thẳm trong xương cốt.
Tôi ước rằng Jung còn sống để gặp Von Ahn. Cả hai sáng chế của anh ấy - CAPTCHAs và Duolingo - đều rất cấp tiến và đi trước thời đại, chúng khiến tôi cảm giác mình như một kĩ thuật viên lốp xe (tôi không có ý gì xấu với các kỹ thuật viên lốp xe đâu.) Và tuy đều có đủ phần tinh quái nhưng đến Chúa vẫn phải công nhận giá trị của chúng.