BCat@Gương Mặt
6 năm trước
Min-Liang Tan - Từ Cậu Nhóc "Cày Game" Cả Ngày Trở Thành Tỷ Phú Tự Thân Ở Tuổi 40, CEO Này Chứng Minh, Tất Cả Những Gì Bạn Cần Để Trở Nên Giàu Có Là "Sự Nhạy Bén Kinh Doanh"
Đam mê game từ nhỏ, Min-Liang Tan đã quyết định từ bỏ ý định trở thành luật sư, "làm trái ý bố mẹ" để thành lập Razer vào năm 2005 chỉ bằng sản phẩm khởi đầu là một con chuột máy tính chuyên dụng cho game thủ. Game thủ kiêm CEO tỷ phú của startup esports 2,2 tỷ USD Min-Liang Tan đã từng ‘Cày’ PUBG xuyên đêm, điều hành công ty như chơi game chiến lược và siêu ghét Tim Cook vì ‘ông ấy dậy sớm hơn tôi’
Xuất phát từ một game thủ
Sinh ra trong một gia đình châu Á khá truyền thống, bố mẹ CEO Min-Liang Tan dường như đã vạch sẵn con đường phát triển tương lai dành cho cậu con trai của mình. Họ hi vọng Min-Liang Tan sẽ trở thành một luật sư.
"Mẹ tôi nói với tôi rằng tốt hơn hết tôi nên trở thành bác sĩ hoặc luật sư. Bởi vì tôi có chị gái là bác sĩ, một chị gái khác là luật sư và anh trai cũng là bác sĩ chuyên khoa lâm sàng rất được kính trọng. Anh ấy rất thông minh. Tôi cũng học ngành luật. Bố mẹ luôn muốn tôi sẽ trở thành luật sư. Vì thế, gia đình tôi sẽ có 2 bác sĩ và 2 luật sư. Điều đó rất lý tưởng phải không?", CEO Min-Liang Tan chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ CNBC.
Hiện tại, Tan đã trở thành tỷ phú tự thân nhưng không phải nhờ hành nghề luật như mong muốn của gia đình. Min-Liang Tan đã quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực game và thành lập công ty sản xuất thiết bị game mang tên Razer vào năm 2005, mà sản phẩm ra mắt lúc bấy giờ chỉ là một con chuột máy tính dành riêng cho game thủ. Năm ngoái, công ty của Min-Liang Tan đã thu về mức lợi nhuận 517.9 triệu USD, nâng giá trị vốn hóa thị trường của công ty lên 2.2 tỷ USD.
Chơi game luôn là niềm đam mê của Tan, "Giống như bất kỳ đứa trẻ nghiện game nào khác, tôi đã ôm lấy chiếc máy tính cả ngày, chơi trò chơi trên máy tính bất cứ lúc nào có thể. Thậm chí, bố mẹ từng la mắng tôi rất nhiều lần vì tôi chơi game quá nhiều. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, niềm đam mê với game của tôi là không thể thay đổi", vị CEO 40 tuổi tâm sự.
Người bạn chơi game đầu tiên cùng với Tan chính là anh trai Min-Han Tan. Họ đã chơi các game từ thập niên 1980 như "Prince of Persia" và "Castle Wolfenstein" và phải sử dụng nước đá làm mát máy tính vì sợ bố mẹ phát hiện. Tuy nhiên khác với anh trai theo nghiệp bác sĩ, Min-Liang Tan sớm bộc lộ tài năng về lĩnh vực kinh doanh. "Những năm học trung học, trong ngày Valentine, em trai tôi mang đến trường cả tấn hoa hồng. Min-Liang Tan đã mua hoa của nhà cung cấp với giá rất rẻ và bán lại mọi thứ cho trường với giá cao hơn. Thậm chí, nó còn thiết lập trang mạng xã hội của riêng mình, tiếp cận các sự kiện và triển lãm thương mại nhằm phục vụ cho việc kinh doanh", anh trai Min-Han Tan chia sẻ về cậu em bướng bỉnh không chịu theo nghiệp luật sư như mong muốn của gia đình.
Cha mẹ của Tan rất kì vọng anh sẽ gắn bó với nghề nghiệp luật sư. Do đó, Tan đã không dám nói với cha mẹ mình khi bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ. "Tôi sẽ thành lập Razer. Nếu cha mẹ phát hiện ra, dù họ có thể không mấy vui vẻ khi tôi tự ý quyết định thay đổi nghề nghiệp nhưng tôi tin họ vẫn ủng hộ tôi". Đúng như Tan nói, anh đã vứt bỏ ý nghĩ trở thành luật sư để xây dựng công ty chuyên về thiết bị công nghệ game mang tên Razer vào năm 2005 cùng với một người bạn, đặt trụ sở tại Singapore và San Diego, California.
Từng bước đưa Razer trở thành "đế chế" trong lĩnh vực esports
"Nếu bạn nghĩ rằng chơi game chỉ dành cho những chuyên viên máy tính thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Game là ngành công nghiệp có giá trị 130 tỷ USD, đánh bại ngành công nghiệp kinh doanh điện ảnh toàn cầu (88.4 tỷ USD trong năm 2017). Điều đáng kinh ngạc là mỗi năm con số này đã tăng gấp đôi trong khoảng một thập kỉ qua", chuyên gia phân tích Neil Campling đánh giá Min-Liang Tan đã nắm bắt được thời cơ để khởi nghiệp với lĩnh vực game.
Ngay từ khi tung ra sản phẩm đầu tiên và duy nhất là chuột Diamondback, hãng Razer đã thu được tiếng tăm không nhỏ trên thị trường công nghiệp thể thao điện tử (esports). "Một trong những vũ khí quan trọng nhất của game thủ là chuột. Làm thế nào để tạo ra một con chuột tốt hơn? Con chuột chơi game đầu tiên trên thế giới giành riêng cho các game thủ? Chúng tôi muốn một cái gì đó chính xác hơn". Vì vậy, Tan đã gửi một loạt các con chuột cho bạn bè và địa chỉ liên lạc nhờ họ trải nghiệm và phản hồi lại.
Thiết bị ngoại vi như chuột máy tính và bàn phím nổi tiếng của Razer đã gây ấn tượng trong giới game thủ nói riêng và những người sử dụng máy tính nói chung từ chức năng, tốc độ dịch chuyển đến thiết kế đèn cầu vồng đặc biệt.
Sự thành công của sản phẩm đầu tiên đã trở thành bàn đạp để Razer nhanh chóng phát triển, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tiếng tăm, bao gồm tỷ phú Hồng Kông Li Ka-Shing và chủ tịch Koh Boon Hwee, người đồng sáng lập công ty Credence Partners.
Vốn là game thủ, Tan hiểu được một game thủ cần gì và muốn gì. Chính sự quan tâm đến khách hàng tiêu dùng đã giúp Min-Liang Tan có được sự hâm mộ. Matthew Haag, cựu game thủ chuyên nghiệp của esports nói: "Niềm say mê của Tan, bạn không thể phớt lờ nó được. Ý tôi là, anh ấy là người lãnh đạo của toàn bộ công ty nhưng cũng là người thực sự yêu thích những sản phẩm mà anh ấy tạo ra, anh ấy hiểu được game thủ cần gì và muốn gì để mang đến cho họ những sản phẩm tốt nhất".
CEO Min-Liang Tan cũng nói: "Vì cho game thủ, do game thủ," là phương châm của Razer. "Chúng tôi đã xây dựng hệ sinh thái khổng lồ này về phần cứng, phần mềm và dịch vụ chỉ xoay quanh một đối tượng duy nhất, chính chúng ta, người chơi game". Giống như với bất kỳ môn thể thao nào, các chức năng chính xác của thiết bị có thể tạo nên sự khác biệt. "Là một game thủ, chúng tôi luôn tìm kiếm lợi thế cạnh tranh đó. Nó giống như định vị màn hình của bạn đúng cách thì đảm bảo rằng bạn sẽ thực hiện mọi thao tác trên máy tính thuận lợi hơn ". Nhờ thế, những game thủ chuyên nghiệp cũng trở thành người hâm mộ của Razer.
Razer không chỉ là công ty cung cấp thiết bị game chuyên nghiệp mà còn xây dựng một cộng đồng game thủ trải rộng mọi ranh giới địa lý. Đó là nền tảng phần mềm quan trọng nhất đối với sự phát triển của công ty. Razer đang chuyển hướng sang mô hình lai phần cứng - phần mềm và có điều kiện thuận lợi để mở rộng hơn.
"Nhắc đến chơi game, nhiều người thường nghĩ đối tượng là những cậu thiếu niên sống trong tầng hầm cùng cha mẹ, chơi game cả ngày, không chăm sóc bản thân. Nhưng bạn biết đấy, hiện nay khoảng một nửa số game thủ là nữ. Độ tuổi người chơi game cũng đã thay đổi, có game thủ già và cũng có game thủ trẻ. Bởi vì ngày nay, chơi game thực sự là hình thức giải trí độc đáo mà mọi người dễ dàng tiếp cận dù là từ điện thoại thông minh, máy tính bảng hay trên PC", CEO Min-Liang Tan đánh giá mục tiêu và đối tượng phát triển.
Lĩnh vực game và esports sẽ tiếp tục phát triển, sự tăng trưởng sẽ là một chặng đường dài. Trải nghiệm chơi game trở nên phong phú hơn mỗi năm và Razer tập trung vào cộng đồng chơi game lý tưởng là các thuộc tính của trò chơi từ hiệu suất, độ chính xác, tiêu điểm, tính thẩm mỹ nhất định.
Tham vọng của Min-Liang Tan không chỉ dừng lại trong lĩnh vực nghiên cứu về thế giới game mà vị tỷ phú 40 tuổi còn muốn đưa Razer trở thành một trong những thương hiệu giải trí lớn nhất thế giới. "Tôi không nghĩ đó là sự mạo hiểm hay dũng cảm. Hiện nay, chúng ta đang là thương hiệu lớn nhất thế giới về game, chúng ta có thể trở thành thương hiệu lớn nhất về giải trí không? Điều gì chờ đợi chúng ta ở phía trước? Đó là cảm giác thách thức và phiêu lưu để làm những thứ tuyệt vời hơn", Tan nói.
Min-Liang Tan là một trong những CEO đắt giá nhất trong lĩnh vực thể thao điện tử.
Hiện Min-Liang Tan được coi là một trong những doanh nhân công nghệ cao cấp nhất của Singapore. Trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hong Kong năm 2017, Razer thu về hơn 500 triệu USD và giúp Tan trở thành một trong những tỷ phú tự thân giàu nhất quốc đảo sư tử ở tuổi 40.
Các sản phẩm có độ chính xác cao cùng thiết kế đèn cầu vồng nổi bật đã giúp Razer được chú ý trong cộng đồng game và trở thành người dẫn đầu trong ngành công nghiệp esports (thể thao điện tử). Công ty đã thu hút sự quan tâm của một số nhà đầu tư nổi tiếng trong đó có tỷ phú Lý Gia Thành.
Khi phóng viên của South China Morning Post hỏi nhân viên của Tan về sở thích ngoài chơi game của ông chủ, họ đã đưa ra câu trả lời khá thú vị: “Anh ấy không có sở thích nào khác ngoài chơi game”.
Ông chủ của Razer đang làm việc giữa ba địa điểm: Singapore, San Francisco và Hong Kong với vai trò lãnh đạo đội ngũ gồm 1.500 nhân viên. Bận rộn là vậy nhưng Tan vẫn dành thời gian cho niềm đam mê với game bất tận của mình. Có những lần anh chơi PUBG cả đêm và thậm chí là đến tờ mờ sáng.
Tan nói: “Tôi lúc nào cũng nói rằng mình sẽ chỉ chơi nốt một ván này thôi nhưng lại chơi hết ván này đến ván khác. Tôi biết điều đó không tốt cho sức khỏe nhưng biết làm thế nào được?”.
CEO 41 tuổi chia sẻ: “Tôi điều hành công ty như chơi một trò chơi chiến lược thời gian thực. Tôi phải tìm cách tập hợp nhân lực, phân bổ tài nguyên và chớp lấy cơ hội. Hiện tôi đang tham gia thiết kế các sản phẩm của Razer, ví dụ như chọn màu hồng cho một số sản phẩm để hướng tới đối tượng game thủ nữ”.
Sự chú ý đến từng chi tiết trong công việc của Tan hoàn toàn trái ngược với cách tỷ phú này quan tâm đến cuộc sống cá nhân. Bất cứ khi nào ở Singapore, anh sẽ ở cùng cha mẹ. Điều này khiến nhiều đồng nghiệp người Mỹ của Tan bất ngờ.
Mặc dù vậy, anh đã tiết lộ nguyên nhân gây xúc động: “Tôi thích ở cùng cha mẹ. Họ đang già đi mỗi ngày và tôi muốn dành thời gian bên họ nhiều hơn. Khi ở nhà, tôi có thể thoải mái chơi game và mẹ sẽ mang đồ ăn cho tôi. Có rất nhiều nơi thích hợp hơn để tôi đặt trụ sở công ty như Thâm Quyến hay Đài Loan nhưng lý do chính khiến tôi duy trì ở Singapore và cha mẹ của mình. Họ là người quan trọng nhất đối với tôi”.
Trong gần một thập kỷ, bữa trưa tại nơi làm việc của Tan gần như không thay đổi: Đều là một loại mỳ hoặc sandwich mua từ các cửa hàng gần nơi làm việc bởi theo anh, việc đó giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Năm 2014, khi được vinh dự gặp Tổng thống Singapore, Tan đã vô tình quên mất quy tắc về trang phục và đã mặc một chiếc áo phông đen cùng quần bò.
Chia sẻ về cuộc sống cá nhân, Tan nói: “Tôi không tập thể dục và cũng không nhậu nhẹt. Ngày Chủ nhật điển hình của tôi là chơi game và ăn McDonald’s. Tôi không có hứng thú làm gì ngoài chơi game dù tôi biết đôi khi hơi tẻ nhạt. Nhưng game là cuộc sống của tôi và tôi sẽ giữ niềm đam mê này trọn đời”.
Theo thuongtruong24h.vn & cafef.vn
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
299 lượt xem