Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phùng Minh Đức Anh, Founder Của Trung Tâm Ngoại Ngữ PMC - Câu Chuyện Chàng Sinh Viên Ngoại Thương Từ Thủ Đô Trở Về, Quyết Hoãn Học Bổng Du Học Để Khởi Nghiệp Mang Lại Giá Trị Cho Quê Hương

Phùng Minh Đức Anh hiện là Founder kiêm Giám Đốc của Trung tâm Ngoại Ngữ PMC, đồng thời cũng là chủ một quán Cafe mang tên Coffee Technolista tại Thái Nguyên.

 

Bỏ tiếng Trung theo đuổi tiếng Anh, ước mơ lớn.

Từng học lớp chuyên tiếng Trung tại trường THPT Chuyên với 3 năm đèn sách miệt mài để đạt HSK 5 và không đụng đến một chữ tiếng Anh. Anh đã tạo ra bước ngoặt cuộc đời mình khi quyết tâm theo đuổi bằng được Chương trình CLC tiếng Anh tại Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội. Đối với anh khi đó, nó như là một lối thoát duy nhất để quay lại với tiếng Anh, với niềm đam mê thuở nhỏ và niềm mơ cho sau này, bởi không có trường nào khác tiếp nhận khối D4 nhưng cho học tiếng Anh. Có tiếng Anh, mới có thể sang Mỹ du học, mới có thể tiếp cận được với nền Văn minh thế giới, mới có cơ hội được học hỏi và khởi nghiệp công nghệ sáng tạo Như Elon Musk, Bill Gates, Steve Jobs đã làm. Chính giấc mơ ngây thơ ngày ấy đã tạo động lực cho chàng Thanh niên trẻ một mình xuống Hà Nội tìm nơi ôn học luyện thi cấp tốc, sống cuộc sống không có sự bao bọc của bố mẹ để tìm kiếm niềm mơ của bản thân. Anh chia sẻ:

“Thời ấy được vào Ngoại Thương là thứ gì cao sang lắm. Nhìn thấy các anh chị đeo thẻ Ngoại Thương như nhìn vào như Idol đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Ngoại Thương thời ấy, như là Havard vậy, Havard của Việt Nam.”

 

Hiện thực hóa ước mơ

Từng ngày, anh phấn đấu, anh thật không ngờ rằng dù có năng lực chỉ ở mức bình thường ở Thái Nguyên, nhưng điểm số của anh lại luôn cao nhất lớp luyện thi tại Hà Nội. 21,5 điểm, rồi 23,5 điểm. Tuy nhiên, như vậy đâu có đủ, điểm chuẩn đầu vào Ngoại Thương năm ấy là 24 và biết đâu đề thi thật lại khó hơn đề thi thử. Ngày thi đến và với một tâm thái điềm tĩnh nhất, anh đi thi một mình, không có bố mẹ , không một chút lo lắng. Thật không ngờ, nửa tháng sau, người đầu tiên biết điểm và thông báo cho anh lại là mẹ anh, và với sự vui mừng khôn xiết, điểm thi của anh là 24,5 điểm, chưa kể điểm công khu vực là 25. Mức điểm không quá cao nhưng vừa đủ để anh được bước chân vào Đại học Ngoại Thương, học chuyên ngành Kinh tế Đối Ngoại, “niềm mơ” một thời (điểm chuẩn năm ấy là 24 điểm cho khối D4). Vậy là, hoàn thành bước đầu tiên cho việc trở lại với tiếng Anh, còn một bước nữa để được học chương trình CLC Tiếng Anh kinh tế Đối Ngoại của trường, đó là đạt TOEIC trên 600 điểm. Điều này thật là một thử thách khi mà đối với một số ĐH khác, 450 TOEIC là điểm chuẩn để “ra trường”, và với một cậu thanh niên “3 năm không đụng đến một chữ tiếng Anh” như anh, liệu có thể vượt qua ải này. Còn 1 tháng trước khi kỳ thi TOEIC đến, thay vì nghỉ ngơi thỏa sức hưởng thụ những ngày chiến thắng, anh dành thời gian vật lộn với tiếng Anh và bù đắp những kiến thức đã quá lâu không được nuôi nấng. Trải qua bài thi TOEIC tại trường, anh đạt 675 điểm, vượt qua ngưỡng điểm cần có để chỉnh thức trở thành sinh viên chương trình Chất Lượng cao Tiếng Anh ĐH Ngoại Thương.

 

Vỡ mộng khi thấy mình còn rất tầm thường

Khó khăn chưa dừng lại đó, cậu bé từ “nhà quê lên thành phố” ngỡ tưởng có thể được thảnh thơi và nghĩ bản thân mình giỏi, nhưng phải thay đổi suy nghĩ đó ngay vì vấp phải một tập thể lớp toàn những “quái vật”. Dường như, những con người giỏi nhất Việt Nam đang học ở Ngoại Thương này và đang ngồi ngay xung quanh, bên cạnh cậu, toàn những gương mặt từ trường Armsterdam, Chu Văn An, Chuyên Ngữ và các trường Chuyên khác trên cả nước. Trong lớp có một bạn là Thủ Khoa trường Ngoại Thương khối A với 31,5 điểm, vượt cả điểm tối đa, đồng thời Thủ Khoa cả trường ĐH Y khối B. Bạn lớp trưởng thì đạt điểm tối đa 990 TOEIC. Trong lớp đã có nhiều bạn đạt 6.0 - 6.5 IELTS. Có những bạn đã kiếm được thu nhập riêng mà không cần bố mẹ trợ cấp từ việc bán quần áo, phiên dịch, diễn show, thiết kế,… Do sự chênh lệch trình độ khá lớn với các bạn, Đức Anh phải nỗ lực rất nhiều để có thể theo kịp. Tất cả chương trình giảng dạy đều bằng tiếng Anh, thầy cô giáo đều giảng bài bằng tiếng Anh, hàng trăm những thuật ngữ chuyên môn mới, hàng chục môn học cũng lúc và mấy chục quyển sách phải đọc, chưa kể đến những ham muốn muốn tham gia câu lạc bộ để học hỏi kinh nghiệm, muốn đi làm để kiếm thu nhập, và muốn học tiếng Anh, muốn học thêm các kỹ năng mới.

 

Đức Anh (bên trái) cùng bạn là Thủ Khoa 31,5 điểm ĐH Ngoại Thương năm 2013


Thuyết phục bản thân phải làm nhiều hơn

Từng ấy ham muốn và công việc tuy nhiều nhưng cũng được hoàn thành. Vừa làm thiết kế, lập trình website và các công việc làm thêm khác để kiếm thêm thu nhập, anh vừa đi học tiếng Anh và tham gia các hoạt động, cuộc thi khởi nghiệp. Anh tham gia CLB Kinh tế Toàn Cầu trường ĐH Ngoại Thương với cương vị Trưởng ban kỹ thuật truyền thông, tổ chức hàng loạt các hội thảo lớn nhỏ cho  sinh viên Ngoại Thương và sinh viên các Đại học khác tại Hà Nội như G’talk, Tôi Tân Sinh Viên, NGO… Tham gia mạng lưới các CLB YEN Network Việt Nam, nhận chứng nhận Active Citizen của British Council. Sang năm 2, ngoài các công việc ở CLB và việc học, anh tham gia làm thêm ở một số công ty như IDJ, AICOM để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh cùng các cộng sự đã sáng lập lên ứng dụng HereStore do anh làm Leader và thiết kế. Ứng dụng giúp kết nối các cửa hàng thời trang thành một hệ thống tìm kiếm, mua sắm và tích điểm duy nhất. Ứng dụng thực sự đã vận hành được ở các bước cơ bản và anh quyết tâm đưa đứa con tinh thần của mình đi tham dự các cuộc thi khởi nghiệp và gặp nhà đầu tư để tìm nguồn vốn cũng như sự hỗ trợ. Sản phẩm đã đạt top 10 I Start-up và top 9 Kawai Business Startup, anh cũng đã gặp gỡ giám đốc của quỹ VIC Impact để được xin hỗ trợ, tuy vậy vẫn không gọi được vốn.. Người ta khuyên anh nên tìm đến các vườn ươm khởi nghiệp để được đồng hành, nuôi nấng đến thành công. Anh tiếp tục tìm kiếm và anh nhận ra rằng anh cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. Do vậy, động lực đầu tiên đã thúc đẩy anh trở về quê hương để bắt đầu từ một không gian nhỏ, một thành phố nhỏ . Anh quyết định trở về, lùi một bước để tiến xa hơn.


Đức Anh cùng bạn tại ĐH Ngoại Thương


Trở về quê hương

Đến hết năm 3, anh đã hoàn thành trước tất cả các môn học của 4 năm và về Thái Nguyên thực tập tại Sở Công Thương. Ước mơ không hề thay đổi. Trong thời gian này, anh quyết định vừa dành thời gian ôn thi để du học Thạc sỹ MBA, vừa mở một quán Café mang tên Coffee Technolista để kiếm thêm thu nhập, đồng thời kinh Doanh cùng gia đình. Anh cũng dành thời gian tự học lập trình vì đối với anh, đó là “điều kiện cần có để có thể khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ”. Trải qua một thời gian ôn luyện, anh đạt 7.0 IELTS (8,5 Reading) và 500 điểm GMAT, được nhiều trường Đại học của Anh nhận như ĐH Louborough, Nottingham, Reading, Southhampton, Surrey, Sussex . Tuy nhiên với mức học bổng như vậy, số tiền học phí còn lại quá lớn để gia đình anh có thể chi trả được. Anh quyết định tạm hoãn ước mơ của mình lại để tiếp tục ôn luyện đạt học bổng cao hơn, đồng thời kiếm tiền để có thể tự trang trải cho sự nghiệp của mình.

 Trong hình ảnh có thể có: mọi người đang ngồi và trong nhà

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, mọi người trên sân khấu, đêm và ngoài trời

Quán cafe luôn đông khách của Đức Anh tại Thái Nguyên.


Dấn thân với ngành giáo dục

Với nền tảng kiến thức, anh biết mình cần làm việc gì đó trong lĩnh vực giáo dục, anh mong muốn thành lập một không gian học tập mới với chất lượng cao và quy mô lớp học nhỏ để thay đổi nền giáo dục đại trà vốn thiếu cảm ứng sáng tạo và hiệu quả. Anh bắt đầu bằng việc tham gia trở thành điều phối viên các dự án giáo dục, hợp tác quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, dự án mở ngành Đại học để học hỏi kinh nghiệm. Anh rất may mắn được gặp gỡ tiếp xúc và dẫn dắt bởi các trường ĐH lớn và uy tín như Đại học Thăng Long, ĐH Quốc Gia, ĐH Thái Nguyên, được làm việc với lãnh đạo các tổ chức và công ty nước ngoài. Sau thời gian 6 tháng với kinh nghiệm tích lũy được và sự quyết tâm, anh đi bước đi đầu tiên của mình bằng việc thành lập Trung tâm Ngoại Ngữ PMC. Chỉ sau 1 tháng từ khi ra quyết định, Trung Tâm PMC đã hoàn thiện cơ sở vật chất và hoàn tất các thủ tục cần thiết để đi vào hoạt động. Nay, sau gần 7 tháng hoạt động, Trung Tâm đã có trên 100 học viên đang theo học với các lớp học từ tiếng Anh trẻ em đến tiếng Anh giao tiếp, IELTS, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật. Đây là thành quả của cả một đội ngũ trẻ nhiệt tình, sáng tạo, tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ đằng sau thành công bước đầu ấy. Từ những viên gạch đầu tiên, những cây số khó khăn trong thủ tục, những dòng lệnh thiết kế website, đến xây dựng những bài giảng, tổ chức quản lý, tất cả đều được ưu tiên “tự làm từ A - Z” để tiết giảm chi phí và kiểm soát được.

Đức Anh cùng học viên và đội ngũ của mình tại PMC


Lớp học tiếng Nhật tại PMC


Lớp tiếng Anh với GV nước ngoài


“Mới đầu không có gì cả, phải tự mò mà ra. Quy trình thủ tục phải tự lặn lội hết các cục sở ban ngành để có thể lo cho xong. Tìm không thấy một bên nào bán phần mềm quản lý lớp học, mình phải tự viết. Xây dựng thiết kế lớp học cũng hầu hết tự làm do xuất thân nhà làm nội thất cơ khí, của nhà trồng được. Quản lý nhân sự, bán hàng, quảng cáo thế nào, phải tự đi học hỏi những người đi trước rồi về đào tạo lại cho anh em. Nhiều khi thiếu giáo viên mình phải tự lên lớp. Mọi thứ hầu như là phải tự hết vì là khởi nghiệp mà, không thế không tồn tại được.” – Anh tâm huyết chia sẻ.

Nhưng đối với anh, đây mới chỉ là bắt đầu rất nhỏ nhoi, và đơn thuần là một trung tâm giáo dục “tí hon” tại một tỉnh lẻ của Việt Nam, anh muốn rất nhiều hơn thế.


Chương trình Halloween dành cho các bạn học sinh nhỏ

“Mình chỉ đơn giản là gặp phải khó khăn mà người khác đã gặp rồi, giải quyết những vấn đề người khác đã giải quyết rồi, mình còn rất tí hon. Mình chưa tạo được sự khác biệt và hơn người ta thì mình còn phải nỗ lực nhiều, và chưa có gì để có thể tự mãn được cả. Người ta làm được việc lớn hơn mình hàng trăm ngàn lần ấy chứ.”

Anh có chia sẻ muốn quay lại với công nghệ và khởi nghiệp về lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ và giáo dục, vì dù sao công nghệ vẫn là niềm đam mê từ nhỏ và là năng khiếu của anh, anh cũng chưa nghĩ mình có thể làm gì khác tốt hơn được. Tuy nhiên, anh cần thêm thời gian để học hỏi và tích lũy những yếu tố cần thiết để có thể bước nhanh và bước xa hơn, thay vì bắt tay vào làm ngay.

Và anh tin anh sẽ làm được.

 

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

231 lượt xem