Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tham Vọng 5 Châu Của "Vua Rau Quả" Nguyễn Mân

Cách đây vài năm, nhiều tờ báo… đã đưa tin về một nhân vật được mệnh danh là “Vua rau quả" Việt Nam. Người đó là ai?

Người ấy chính là kỹ sư Nguyễn Mân. Ông nguyên là Phó giám đốc Công ty Rau Quả TP.HCM, Giám đốc Xí nghiệp cung ứng Rau quả xuất khẩu TP.HCM.

Người đầu tiên đưa 2 loại giống cải bông và cải bắp chịu nóng về trồng tại TP.HCM (hai loại giống này trước năm 1977 chỉ trồng được ở cao nguyên Đà Lạt-Lâm Đồng), và ông cũng chính là người đầu tiên đưa trái Thanh long xuất khẩu ra nước ngoài đem lại lợi nhuận vô kể cho bà con nông dân hai tỉnh Bình Thuận và Long An.

Tuy đã về hưu nhưng niềm đam mê chăm sóc những trái bí, trái bầu, những rau thơm quả ngọt của ông thì vẫn luôn còn đó. Điều này đã thôi thúc ông thành lập Công ty kinh doanh rau quả thực phẩm VF nhận cung cấp rau, quả sạch cho nhà máy sản xuất các suất ăn trên máy bay đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất và cho các khách sạn 5 sao, các nhà hàng lớn, kể cả các trường mẫu giáo, tiểu học...

Thưa ông, được mệnh danh là “Vua rau quả” Việt Nam, đồng thời là người đầu tiên đưa trái thanh long ra thị trường thế giới, xin ông cho biết động lực nào giúp ông đạt được những thành tích đó?

Những việc tôi đã làm đầu tiên trước đây như: đưa trái thanh long Việt ra thị trường thế giới và khởi xướng, ứng dụng thành công việc trồng cải bắp và cải bông chịu nóng, sản xuất ra sản lượng hàng hoá cho thị trường nội địa tại các tỉnh, thành ở Việt Nam và xuất khẩu sang các nước Nga, Đông Âu… từ năm 1984 đến nay cũng bởi những động lực rất đơn giản: Đó là niềm đam mê và trách nhiệm của người làm công tác kỹ thuật và kinh doanh.

Khi dấn thân vào công tác khoa học kỹ thuật, nhất là nghiên cứu và ứng dụng những công trình mới mẻ và đi vào lĩnh vực kinh doanh một ngành hàng có đặc tính “sáng tươi trưa héo, chiều đổ đi” thì không thể nào không gặp khó khăn, thách thức. Nhưng với kinh nghiệm, lòng đam mê và sự tự tin của bản thân nên tôi quyết tâm phải vượt qua các khó khăn trong giai đoạn đất nước vừa lập lại hoà bình, thống nhất với cơ chế chưa hoàn thiện và cơ sở vật chất còn hạn chế. Điều tôi rất tâm đắc là câu nói: “Có đi thì mới đến”, và tôi đã “đi”...

Người tiêu dùng Việt Nam và thế giới hàng ngày vẫn sử dụng các sản phẩm của VF nhưng hình như thương hiệu VF vẫn còn ít người biết đến?

Không phải như điều bạn nghĩ đâu! Thương hiệu VF rất được nhiều người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến và họ rất tin tưởng sản phẩm của VF, dĩ nhiên trong lĩnh vực Rau quả thực phẩm. Điều đó đã giúp chúng tôi tồn tại và đứng vững từ nhiều năm nay, mặc dù thị trường quốc tế và trong nước có nhiều biến động và diễn biến phức tạp nhưng VF vẫn đều đặn cung cấp mặt hàng rau, củ, quả tươi, sạch đến thị trường trong và ngoài nước.

Trên thị trường hiện nay, những cái tên nào được xem là đối thủ của VF. Hướng phát triển tương lai của công ty là như thế nào thưa ông?

Chúng tôi không xem các doanh nghiệp có cùng ngành hàng là đối thủ mà là đồng nghiệp cần trao đổi, học hỏi lẫn nhau để phát triển thương hiệu phục vụ người tiêu dùng.

Hướng phát triển của chúng tôi là mở rộng thị trường nội địa hơn nữa, thay vì chỉ chú trọng xuất nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là chúng tôi hưởng ứng tích cực chủ trương “Người Việt dùng hàng Việt”. Chính chúng tôi phải tạo ra hàng Việt đảm bảo chất lượng và đáp ứng đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để cho đồng bào ta dùng. Chúng tôi đang cố gắng để VF sẽ là một trong những đơn vị cung cấp rau, củ, quả hàng đầu Việt Nam và thế giới.

Vậy, đâu là yếu tố quan trọng (đặc biệt) nhất để người tiêu dùng chọn sản phẩm của VF?

3 yếu tố hàng đầu và là tiêu chí mãi mãi của chúng tôi để người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng vào sản phẩm của VF là:

- Thứ nhất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thứ hai, hàng hóa phải đáng tin cậy.

- Thứ ba, giá cả thật hợp lý.

Hiện nay, để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường về rau quả, ( các loại thực phẩm được trồng khó mà đạt chuẩn khi không sử dụng các loại thuốc tăng trưởng, kích thích…). Làm thế nào để thực phẩm của VF đạt tiêu chí 100% thực phẩm rau quả sạch?

Có thể nói, từ trước tới nay, chúng tôi chưa hề phạm sai lầm nào trong sản xuất kinh doanh nặng nề cả vì chúng tôi làm công việc kinh doanh những gì trong tầm hiểu biết và làm những gì vừa với sức mình vì chúng tôi quan niệm rằng: “Con nhái không bao giờ trở thành con bò” được.

Nói rằng các sản phẩm khi trồng sẽ không đạt chuẩn (thị hiếu thị trường) nếu không sử dụng các thuốc kích thích tăng trưởng là chưa được đúng lắm về phương diện kỹ thuật. Dĩ nhiên là các sản phẩm do chúng tôi sản xuất và kinh doanh là những sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đồng nghĩa là không sử dụng các thuốc gây hại hay danh mục thuốc mà Nhà nước cấm sử dụng ở tất cả các công đoạn sản xuất.

Yếu tố giúp sản phẩm rau củ quả chúng tôi sản xuất, kinh doanh vẫn đạt chuẩn nhờ công việc chăm sóc và chọn lựa kỹ càng.

Được biết, ông từng đi tu nghiệp, tham quan ở các nước Nhật Bản, Đức, Pháp… và những nước phát triển nhanh, mạnh về công nghệ thực phẩm, ông đã học hỏi được từ những lần đi tu nghiệp ấy ?

Tôi may mắn được đi tham quan, hội thảo, tu nghiệp học tập và giao dịch ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ, hầu hết là các nước phát triển, đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tôi đã mắt thấy, tai nghe, phân tích, nhận định mọi việc về nền công nghiệp sản xuất và chế biến ở đất nước họ.

Ngoài những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong vấn đề trồng trọt, thu hái, bảo quản, đóng gói và vận chuyển rau quả, nông sản thực phẩm, điều quan trọng là tôi đã được tiếp thu ở họ là vấn đề quản lý, tính nghiêm túc trong công việc và biết sử dụng quỹ thời gian một cách hợp lý và hiệu quả.

Ở các nước tiên tiến, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mặt hàng tươi sống rau củ quả, ngoài lực lượng công nhân, bộ phận làm việc văn phòng rất ít người, nhưng kỹ năng quản lý và hiệu quả năng suất rất cao.

Một vấn đề khá nhức nhối hiện nay là, lượng thực phẩm (rau quả) Trung Quốc nhập "chui" qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam (đặc biệt là những sản phẩm gây hại cho sức khỏe) vẫn tràn lan, với tư cách là người trong ngành ông có suy nghĩ gì về điều này?

Do đặc điểm của nước ta có đường biên giới giáp Trung Quốc rất dài, có nhiều cửa khẩu giao thương từ lâu đời giữa nhân dân 2 nước nên việc nhập khẩu hàng hoá qua đường tiểu ngạch là hiển nhiên và rất khó kiểm soát.

Chính vì vậy rau quả thực phẩm nhập lậu hoặc trao đổi qua đường tiểu ngạch chiếm một số lượng đáng kể mà phần lớn là rau quả, thực phẩm không an toàn, giá cả dĩ nhiên rất rẻ nên đã gây phương hại đến sức khoẻ của nhân dân và làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh các ngành hàng có cùng loại sản phẩm trong nước.

Tuy nhiên về lâu về dài thì theo cá nhân, tôi nghĩ rằng mình không sợ bị cạnh tranh vì hàng của Việt Nam vẫn luôn đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, hơn nữa người tiêu dùng ngày nay cũng am hiểu nhiều và họ sẽ có sự lựa chọn vì sức khoẻ của chính họ và gia đình.

Ở cương vị là nhân vật tiêu biểu cho ngành rau quả Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về vị trí của ngành Rau quả Việt Nam trên thị trường châu Á và thế giới?

Từ lĩnh vực kỹ thuật qua lĩnh vực kinh doanh, với niềm đam mê quá trình trên 50 năm đeo đuổi trong lĩnh vực rau quả, tôi cũng từng tham gia thành lập Hiệp hội Rau Quả Việt Nam trong những ngày đầu với những bước đi chập chững của Hiệp hội.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam chúng ta có rất nhiều ưu thế về chủng loại, về khẩu vị, về thị hiếu thị trường cho rau qủa vùng nhiệt đới vốn được ưa thích của không những khách hàng Châu Á mà của cả thế giới. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa đánh thức tiềm năng một cách tích cực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Ngày nay, việc tìm kiếm thị trường không khó lắm nhưng có thị trường mà không giữ được thị trường là điều đáng để chúng ta suy ngẫm vì, tuy chúng ta có sản lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo được, giá cả còn cao so với mặt bằng giá trong khu vực và trên thế giới.

Điều quan trọng nhất là phải đặc biệt quan tâm về Vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm sản xuất ra. Nếu làm tốt các vấn đề trên thì Việt Nam sẽ có nhiều ưu thế trong xuất khẩu rau quả và thực phẩm.

Ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm trên chặng đường mà ông đã đi qua?

Bất cứ làm việc gì, nếu có sự đam mê thì tuổi tác sẽ không phải rào cản của công việc, ý chí và quyết tâm sẽ đưa lại sự thành công.

Không có một mảnh đất nhỏ cho riêng mình nhưng chúng tôi có được hàng trăm, hàng ngàn mảnh đất trồng rau quả an toàn của bà con nông dân ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành lân cận và các vùng đô thị khác như: Đà Lạt, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang, Long An…

Thực sự tôi cảm thấy tự hào khi được đóng góp một phần nhỏ công sức và trí tuệ của bản thân, trong cuộc sống của bà con ở đó. Đặc biệt, kinh tế của bà con nông dân trồng cải bông, cải bắp, thanh long ngày mỗi khá lên là điều tôi lấy làm vui sướng nhất.

Nếu có một lời khuyên dành cho nhà nông và các doanh nhân thế hệ sau trong ngành sản xuất và kinh doanh rau củ quả, ông sẽ nói gì?

Đối với bà con nông dân cùng các bạn trẻ, thật tình tôi không dám cho một lời khuyên mà chỉ là sự góp ý thôi. Đó là:

- Cái gì có thể làm được thì nên quyết tâm làm đến cùng vì có mạnh dạn “đi” thì mới hy vọng “đến”. Điều gì cảm thấy không thể làm thì đừng vì lợi nhuận cho mình mà làm bừa, làm ẩu gây tổn hại cho người khác.

- Với các bạn trẻ, muốn có chỗ đứng vững vàng và làm việc có hiệu quả thì trước hết phải chịu khó học hỏi, lăn lộn trong công việc mới có thể trưởng thành. Kinh nghiệm phải được đúc kết từ thực tế và thành công phải được bắt đầu từ sự cố gắng và lòng chân thật.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

760 lượt xem