Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tổng Giám Đốc Vinamilk Mai Kiều Liên: Quyền Lực Của Sự Giản Dị

Quyền lực không đến từ vẻ bề ngoài, lời nói hay danh hiệu mà tờ tạp chí uy tín hàng đầu thế giới Forbes bầu chọn. Mai Kiều Liên cũng khẳng định, chị không có quyền lực gì cả nhưng sau những danh hiệu, công ty chị được biết đến và nhận được nhiều hơn đơn hàng từ nước ngoài. Tôi tin điều đó khi tiếp xúc với chị.
 
Xem thêm: Bộ Tứ CEO Quyền Lực Xuất Thân Từ “Lò Luyện” Bách Khoa
 
Nhưng cũng vì thế, tôi càng muốn khám phá thứ "quyền lực" nào giúp người phụ nữ này kiến tạo, điều hành, dẫn dắt và phát triển công ty đạt doanh thu 1 tỉ USD ngay trong cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như tình trạng bão hòa của ngành sữa toàn cầu. Mọi "chiêu trò" tác nghiệp bị hóa giải, những câu hỏi có tính kỹ xảo để "moi" tin trở nên lố bịch...  

Những quyết định cân não   

Trong khi nhiều doanh nghiệp lao đao vì khủng hoảng thì năm 2011, Vinamilk lại có bước nhảy ngoạn mục để ghi tên vào danh sách các doanh nghiệp lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương với doanh thu trên 1 tỉ USD. Không hề "đao to búa lớn" về thành tích này, với chị, khủng hoảng đã "nằm trong kế hoạch", đã được "lường trước" và có sẵn giải pháp ứng phó.
 
Bởi chị quan niệm, làm doanh nghiệp luôn phải xây dựng kế hoạch dài hạn để chủ động trong mọi tình thế. Rồi mỗi năm phải xem lại, phân tích yếu tố khách quan, chủ quan và có quyết sách phù hợp với tình hình thị trường.
 
Ví như từ đầu năm tới nay, kinh tế trong nước không còn lạm phát, kinh tế thế giới vẫn khó khăn nên giá nguyên vật liệu chắc chắn sẽ ổn định. Vì thế, chị chọn thời điểm "book" (đặt hàng) nguyên liệu cho cả năm với giá tốt nhất. Nghe thì đơn giản, nhưng để đưa ra quyết định này phải có "tinh thần thép". Ai cũng biết, sự bấp bênh của giá nguyên liệu đã kéo dài nhiều năm nay nên nhập hay không nhập luôn là một câu hỏi “cân não” đối với mỗi công ty.
 
Chẳng thế mà nhiều doanh nghiệp lão luyện vẫn "sập bẫy" nhập hàng giá cao vì lo ngại nếu chậm chân, giá có thể tiếp tục tăng thêm. Ai ngờ, chỉ vài ngày sau, giá lại giảm. Ngay cả khi giá ở "vùng trũng", cũng chưa chắc ăn vì không có bất cứ "đáy" nào trong khủng hoảng.
 
Việc đưa quyết định nhập nguyên vật liệu cả năm của một công ty có doanh thu hàng tỉ USD thì ngoài khả năng dự báo tốt, kinh nghiệm thị trường, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp... cần có sự quyết đoán của người đứng đầu.
 
Và chị đã quyết. Nhưng đây chỉ là một trong rất nhiều quyết định cân não của người phụ nữ này suốt mấy chục năm lãnh đạo công ty. Như việc mời sếp của một tập đoàn đa quốc gia về làm marketing cho Vinamilk khiến dư luận vừa khâm phục, vừa sốc bởi khi đó khái niệm “săn đầu người” còn quá mới mẻ.
 
Nếu thành công cả công ty đều hưởng. Còn nếu thất bại thì người quyết định sẽ trở thành "tội đồ". Trong khi không làm việc này, Vinamilk cũng vẫn "sống khỏe" với cơ đồ đã có của mình. Nhưng chị đã không chọn giải pháp an toàn. Trước sự thán phục của tôi, chị chỉ giải thích đơn giản: "Khi đó Vinamilk đang yếu về mặt marketing nên tôi phải quyết định".   

Chỉ "duyệt" những sản phẩm đi đầu    

 
 
 
20 năm trước hầu như người dân trong nước chỉ biết và sử dụng sữa ngoại. Khi các doanh nghiệp sữa trong nước đang còn trong giai đoạn thuyết phục người tiêu dùng về sữa nội, thị trường đã tràn ngập các thương hiệu sữa lớn trên thế giới. Đến nay, khi Vinamilk đã khẳng định được chất lượng, cạnh tranh được về giá thì tâm lý sính ngoại của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng... lại khiến cuộc cạnh tranh trên thị trường sữa khốc liệt hơn.
 
Không né tránh, không chọn "lối ngách", tẩy chay tư tưởng "ăn theo", chị quyết liệt tới mức: "Đừng bao giờ đưa tôi ký duyệt những sản phẩm mà "người ta làm lời lắm". Phải là sản phẩm mới, đi đầu trên thị trường".

Chị bảo, thực tế tại Vinamilk cho thấy, tất cả những sản phẩm ra đầu tiên là thắng. Đơn cử năm 1993 khi Vinamilk cho ra đời sữa chua và kem đầu tiên trên thị trường. Lúc đó, Việt Nam đã theo cơ chế thị trường nhưng "vẫn có hai thứ phải xếp hàng, là công chứng và mua kem - sữa chua của Vinamilk", chị nhớ lại với niềm tự hào. Với 2 sản phẩm này, chỉ 3 tháng, công ty đã thu hồi vốn. Hay năm 1987 khi Vinamilk đưa Nhà máy Dielac, nhà máy sữa bột đầu tiên của Việt Nam vào hoạt động. Những ngày đầu tiên, nhân viên công ty chạy khắp nơi mà không bán được hộp nào vì người tiêu dùng không tin, họ đã quen sử dụng sữa bột ngoại. Nhưng đến nay, sữa bột của Vinamilk đã chiếm 30% thị phần và mục tiêu của chị là 50% thị phần. Hiện Vinamilk đang xuất khẩu ra 23 nước trên thế giới, trong đó doanh số từ sữa bột Dielac đạt hàng trăm triệu USD/năm.

Với chị, muốn có sản phẩm đi đầu trên thị trường thì phải luôn sáng tạo. Sáng tạo là yếu tố sống còn. Vì thế, chị luôn đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng trong công ty.  

Thành công và hạnh phúc gia đình

Tôi là người đa nghi, nên khi đọc câu trả lời của chị ở đâu đó rằng "ở nhà tôi vẫn là o-sin", tôi nghĩ đây có lẽ cũng chỉ là "chiêu trò" của người có quyền lực muốn chứng tỏ "đảm việc nước - giỏi việc nhà". Nhưng tiếp xúc với chị, những suy nghĩ "nông cạn" của tôi đã thay đổi.
 
Chị bảo, chị nấu ăn không giỏi và làm việc nhà chỉ là thay đổi từ lao động trí óc sang lao động chân tay để thư giãn. Có quá nhiều câu trả lời "không" ngắn gọn trong cuộc trao đổi giữa chúng tôi. Đến mức, tôi cảm thấy bối rối. "Chồng chị có ghen tị với thành công của chị không?", "Không"; "Anh ấy có hay khen chị không?", "Khen à? Không". "Các con chị có ngưỡng mộ mẹ không?", "Tôi không biết, nhưng khi tôi thành công việc gì đó, các con cũng nhắn tin chúc mừng". "Chị có đọc sách không", "Ít lắm, tôi không có thời gian". "Chị có đi uống cà phê không", "Không bao giờ, tôi cứ ở công ty xong là đi về nhà". "Chị có thời gian gặp gỡ bạn bè không?", "Hầu như không". "Vậy khi căng thẳng, chị làm gì?", "Tôi đi bơi hoặc tập yoga"... Tôi thăm dò: “Cuộc đời luôn tồn tại quy luật bù trừ, chị là người may mắn khi có được cả hai, thành công trong công việc và hạnh phúc gia đình". Chị chỉ trả lời giản dị: “Có tình thương thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Không lẽ, người thành công lại không thể hạnh phúc?”.
 
Chị không giấu, không né tránh bất cứ câu hỏi nào. Cũng không có câu trả lời nào khó khăn đối với chị, dù một số vấn đề, tôi cho là nhạy cảm. Đó là nỗi sợ hãi khi phải rút lui khi đang ở đỉnh cao quyền lực. Chị bảo, chị chỉ lo lắng và cảm thấy có lỗi nếu chị rút lui mà công ty đi xuống.
 
Xem thêm: Dava Newman: Từ Cô Bé Đánh Giày Tới Phó Giám Đốc NASA
 
Nên vấn đề của chị lúc này là đào tạo người có tâm, có tài. "Tôi quan niệm là, công ty không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Ai ra đi thì Vinamilk cũng vẫn phát triển bình thường". Vì vậy, chị bảo cảm thấy bình thường trước những cuộc ra đi đình đám của một số vị trí chủ chốt thời gian trước.   

Chị không nói nhiều hơn sự thật. Đó là thứ quyền lực giản dị toát ra từ người phụ nữ này.

Theo Nguyên Khanh
Thanh niên

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,255 lượt xem