Xuan An Vu Ngoc@Gương Mặt
4 năm trước
Vượt Qua Nghịch Cảnh Để Tạo Ra Kỳ Tích - Câu Chuyện Ít Ai Ngờ Về Cuộc Đời Của Beethoven Nhà Soạn Nhạc Vĩ Đại Nhất Mọi Thời Đại
Ludwig Van Beethoveen sinh năm 1770 tại Bonn, nước Đức, là con trai của một nhạc công cung đình. Người thầy dạy nhạc đầu tiên cho Beethoven chính là cha ông, Johann.
Tuổi thơ của ông quả thật là một tấn bi kịch. Cha ông - Johann là một tên bợm rượu và hung bạo. Beethoven thường xuyên là nạn nhân của những cuộc bạo hành khắc nghiệt. Ông bị cha ép phải luyện tập liên tục, khi Beethoven mắc lỗi, sẽ bị đập nắp đàn piano vào tay và phải chơi lại từ đầu. Thời thơ ấu và thời thanh xuân của ông bị bao trùm bởi một màu xám u ám do bản tính hà khắc và say xỉn của người cha.
Năm 8 tuổi, ông học nhạc lí và keyboard với van den Eeden (cựu nghệ sĩ organ nhà nguyện). Ông cũng được học với một số nghệ sĩ organ địa phương, được Tobias Friedrich Pfeiffer dạy chơi piano và được Franz Rovantini dạy chơi violin, viola. Mặc dù tài năng thiên phú của Beethoven được so sánh với Mozart, nhưng ít ai biết được rằng, trình độ học vấn của ông không vượt quá bậc tiểu học.
Ludwig van Beethoven đã từng bị một trong những người thầy của mình nhận định rằng sự nghiệp sáng tác của ông không có triển vọng. Có lẽ, ông ấy sẽ không bao giờ ngờ được, cậu bé năm đó sẽ trở thành một trong những nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại nhất mọi thời đại.
Beethoven lần đầu trình diễn trước công chúng khi mới 8 tuổi và được xuất bản bản nhạc đầu tiên vào năm 12 tuổi.
Đáng buồn thay, thói nghiện rượu của cha ông, Johann, ngày càng trầm trọng hơn, do đó, ông đã bị mất vị trí ca sĩ tại cung đình Tuyển đế hầu. Beethoven nhận ra rằng, giờ đây ông phải tự nuôi sống bản thân và các anh em của mình, ông đã ra sức đi tìm việc làm, đến năm 1782, ông giữ chức phó nhạc công organ sau khi Christian Neefe (nhạc công organ cung đình) nghỉ việc. Vào thời điểm này, Beethoven đã bắt tay vào sáng tác và được coi là một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp, một thời gian sau, Ludwig được triều đình thuê làm nghệ sĩ chơi đàn harpsichord cho ban nhạc.
Khi còn là một thiếu niên, ông đi biểu diễn nhiều hơn cả việc sáng tác. Năm 1787, Neefe gửi ông đến Vienna, ông đã được gặp và học với Mozart trong một thời gian ngắn. Nhưng chỉ hai tuần sau, ông phải trở về nhà khi nghe tin mẹ mắc bệnh lao. Bà sau đó đã qua đời vào tháng Bảy. Cha ông vẫn không thoát cảnh khỏi cảnh rượu chè, và Beethoven, mới 19 tuổi, yêu cầu được công nhận là trụ cột chính của gia đình; ông đã nhận được một nửa tiền lương của cha mình để hỗ trợ gia đình.
Năm 1792, Beethoven chuyển đến Vienna. Đây là khởi đầu cho giai đoạn đầu trong sự nghiệp của ông kéo dài đến năm 1800. Trong thời gian này, Beethoven nhanh chóng gầy dựng được tên tuổi của mình với tư cách là một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp. Ông đã sử dụng tài năng thiên phú của mình để có được sự ưu ái của giới quý tộc. Các sáng tác của ông trong thời kỳ này chủ yếu xuất phát từ piano. Một ví dụ là Bản Sonata Pathétique, số 13 (1798).
Thực tế mà nói, Beethoven không có một công việc ổn định. Phần lớn ông kiếm tiền bằng cách chơi piano ở các buổi họp mặt lớn và dạy piano cho các sinh viên nhà giàu. Về cơ bản, Beethoven là một trong những nhà soạn nhạc tự do đầu tiên ở Vienna. Danh tiếng của Beethoven không chỉ trở nên rầm rộ trong triều đình Vienna mà còn lan ra khắp cả thị trấn. Ông thường thách đấu mọi người để kiểm tra khả năng âm nhạc của họ.
Sau khi đã khẳng định được tên tuổi của mình, ông tập trung vào sáng tác nhiều hơn. Năm 1800, ông biểu diễn bản giao hưởng đầu tiên của mình và các bản nhạc thất tấu (số 20). Các nhà xuất bản đã sớm nhìn thấy tài năng của Beethoven và bắt đầu giành giật nhau mua các tác phẩm mới nhất của ông.
Tại thời điểm này, có thể nhận định một vài điều về quá trình sáng tác của Beethoven. Người ta nói rằng Mozart có thể soạn được cả một vở opera chỉ sau một chuyến ngồi tàu khoảng hai tiếng đồng hồ. Nhưng Beethoven không có khả năng đó. Trong thực tế, mọi từ ngữ, mọi nốt nhạc đều vô cùng khó khăn với ông. Beethoven không bao giờ có ít hơn một ý tưởng ra đời cùng một lúc. Ông thường sử dụng những cuốn sách phác thảo để viết ra những ý tưởng bất chợt nhảy ra trong đầu mình, trước khi chúng bị quên lãng. Ngay cả khi đã có ý tưởng, ông vẫn mất nhiều thời gian để sắp xếp chúng lại cho hoàn chỉnh. Kết quả là những ý tưởng ấy biến thành một mớ hỗn độn tẩy xóa và nguệch ngoạc, những người sao chép sau này phải bỏ khá nhiều công sức để giải mã những bản nháp ấy.
Ông bắt đầu bị làm phiền bởi những tiếng ồn vào năm 1796 và dần bị mất thính lực vào năm 1798. Tuy nhiên, đến năm 1801, ông đã mất đi 60% thính giác và dần trở nên tách biệt với xã hội vì, dưới tư cách là một nhạc sĩ và nhà soạn nhạc, ông ghét phải thừa nhận rằng mình không thể nghe được. Đến năm 1816, ông đã thật sự trở thành một người khiếm thích.
Ban đầu, căn bệnh lãng tai diễn ra không liên tục hoặc quá mờ nhạt nên chỉ thỉnh thoảng mới khiến ông lo lắng. Nhưng đến năm 1801, ông nhận thấy tiếng còi và tiếng vo ve cứ ám ảnh trong đầu mình. Giọng nói trầm thấp trở thành một tiếng vo ve khó hiểu, tiếng la hét trở thành một thứ không thể chịu đựng nổi. Rõ ràng là căn bệnh đã làm biến dạng hoàn toàn những âm thanh đẹp đẽ và tinh tế mà ông mong muốn được nghe. Bệnh tình có thể đã thuyên giảm trong một thời gian ngắn, nhưng trong mười năm cuối đời, ông hoàn toàn không thể nghe được gì.
Ông ấy đã suy sụp tới mức không còn muốn sống nữa. Đời sống xã hội của Beethoven bị ảnh hưởng rất nhiều. ông thường bất ngờ nổi cơn thịnh nộ và xúc phạm những người xung quanh. Khi thính giác ngày càng trở nên yếu hơn, Beethoven chọn cách xa lánh tất cả mọi người. ông chỉ giao tiếp với du khách và những người bạn đáng tin cậy bằng cách viết thư cho họ.
Ông thậm chí còn từng tính đến chuyện tự tử vì không thể nghe và biểu diễn tại các buổi hòa nhạc cộng đồng, nơi sinh ra nguồn thu nhập chính. Xét cho cùng, Beethoven dù là vĩ nhân, nhưng cũng là một con người.
Beethoven bị mất thính giác hoàn toàn nhưng vẫn tiếp tục sáng tác nhạc. Thật khó tin phải không? Nhưng đó là sự thật 100%!
Sau khi nhận thấy mình đang dần mất đi khả năng nghe, ông bắt đầu quan sát những chuyển động của phím đàn piano. Beethovan nhận ra rằng ông không thể nghe thấy các nốt cao khi chơi piano. Để nghe những sáng tác của chính mình, ông ấy cưa chân đàn piano và đặt nó xuống sàn nhà, đồng thời áp tai xuống sàn. Sau đó, ông sẽ tiếp tục ấn vào các phím đàn, để nghe rõ các nốt nhạc.
Điều quan trọng nhất là Beethoven đã không buông xuôi, cho dù bi kịch cứ liên tục tìm kiếm, ông nhận ra rằng mình phải đối mặt với thực tế khốc liệt và tiếp tục ước mơ sáng tác nhạc. Ngay cả sự thiếu sót về mặt vật lý cũng không đủ để ngăn cản con đường thành công của ông.
Quyết tâm vượt qua khiếm khuyết của bản thân, ông đã viết các bản giao hưởng 2, 3 và 4 trước năm 1806. Thời kỳ những tác phẩm tuyệt vời nhất của Beethoven được sáng tác: Lễ Nhạc Trang Nghiêm (Missa Solemnis), số 123 (1818-23), Bản giao hưởng thứ 9 (Hợp xướng), số 125 (1818-23), Bản Sonata Hammerklavier, số. 106 (1818), và những tác phẩm tứ tấu đàn dây.
Nỗ lực của Beethoven bắt đầu được đền đáp; ông sớm gặt hái được nhiều thành công và sự nghiệp phất lên nhanh chóng. Các bản giao hưởng của ông đã được tôn vinh là những tác phẩm vĩ đại và được nhiều người mến mộ.
Tuy nhiên, vào năm 1809, số lượng sáng tác của ông bắt đầu giảm, có thể do sức khỏe và trạng thái tinh thần bị giảm sút. Vào khoảng năm 1815, mối tình nổi tiếng được lưu lại qua bức thư tình “Tình Yêu Bất Tử” đã để lại cho cuộc đời Beethoven một nốt trầm buồn, khiến ông không chỉ rơi vào trầm cảm mà còn có ý muốn tự sát. Beethoven đã phải lòng một người phụ nữ tên Fanny, nhưng chuyện tình của họ không bao giờ đi đến hồi kết.
Beethoven hầu như không kiếm được tiền cho đến năm 1818. Tại thời điểm này, ông vừa bị khiếm thính, vừa có vấn đề về mặt tâm thần. Anh trai của ông qua đời để lại người cháu trai duy nhất, Karl, cho chị dâu ông chăm sóc. Nhưng vì lúc ấy Beethoven cho rằng bà ấy không còn đủ sức khỏe để nuôi dạy Karl, do đó, ông đã dành hết sức để giành quyền nuôi đứa trẻ. Ông đã nhờ cậy vào mối quan hệ với giới thượng lưu để giành phần thắng. Nhưng thật không may, Beethoven không phải là một người cha thích hợp, thật sự mà nói, mối quan hệ của ông với Karl không tốt chút nào, dẫn đến việc vài năm sau đó ông lần nữa có ý định tự vẫn. Beethoven yêu Karl tha thiết, nhưng việc Karl từ chối đi theo con đường âm nhạc khiến ông đau buồn vô cùng. Người ta suy đoán rằng Karl có lẽ là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến phong cách âm nhạc của Beethoven trong những năm cuối đời của ông.
Beethoven lâm bệnh nặng. Năm 1827, ông chết vì bệnh phù nề ở tuổi 56.
Mọi người tin rằng Beethoven là một trong những nhà soạn nhạc đẳng cấp nhất, tương tự như: Bach, Mozart, Handel và Haydn. Beethoven đã để lại cho đời nhiều kỳ tích, cho dù ông chưa học quá lớp 5 và đối mặt với rất nhiều nỗi đau trong cuộc sống.
Beethoven coi việc bị khiếm thính của mình là một thử thách cần phải đối đầu và chiến thắng nó. Bản tính cứng đầu của ông đã giúp ông đứng vững và xuất sắc vượt qua khiếm khuyết của mình, cũng như đánh bại số phận để trở thành một nhà soạn nhạc vĩ đại trên toàn thế giới và mọi thế hệ.
Những danh ngôn bất hủ của Beethoven:
“Tôi sẽ làm chủ số phận của mình và nó chẳng thể chơi đùa tôi theo ý nó muốn.”
“Hãy dạy cho con cái anh đức hạnh; bởi chỉ có nó chứ không phải tiền bạc là thứ đem lại cho con cái anh hạnh phúc.”
“Hãy cứ làm những gì bạn cho là đúng, cố hết sức đạt được những điều mà người đời cho là bất khả thi, toàn tâm toàn ý phát triển những tài năng mà Chúa đã ban tặng, và học hỏi liên tục không ngừng nghỉ.”
"Chơi nhạc mà không có đam mê thì không thể chấp nhận được!"
“Đây là phẩm chất của một người đàn ông thực thụ: không đầu hàng trước nghịch cảnh."
Beethoven tuyên bố với giới hoàng gia: “Bạn là gì, bạn là người tình cờ may mắn được sinh ra trong nhung lụa; tôi là gì, tôi là chính bản thân mình. Đang và sẽ có một ngàn hoàng tử được sinh ra; nhưng duy nhất chỉ có một Beethoven mà thôi.”
“Không có rào cản nào có thể cản trở được những tài năng và nền công nghiệp âm nhạc đầy khát vọng. Bây giờ hay sau này cũng vậy.”
----------
Tác giả: Insprie Minds
Link bài gốc: How Beethoven overcame his deafness to become a great composer?
Dịch giả: Xuân An - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Xuân An - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
2,963 lượt xem