Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tìm Hiểu Về Định Luật Murphy - Việc Xấu Luôn Có Cơ May Cao Hơn?

Định-luật Murphy, còn được nhiều người gọi là “định luật đầu độc” hay “định luật bánh bơ” do một người Mỹ, ông Edward A. Murphy, Jr. nêu ra.

Dựa trên “nền tảng của sự ngẫu-nhiên”, định luật này được đưa ra chỉ với một câu ngắn gọn là: ”Nếu có hai hay nhiều cách để làm một việc gì thì một trong các tình huống có thể đi đến thảm họa thì sự việc thường xảy ra theo chiều-hướng đó” (If there are two or more ways to do something, and one of those ways can result in a catastrophe, then someone will do it).

Edward A. Murphy là một kỹ sư cơ khí phục-vụ trong Không lực Hoa-kỳ (US Air Forces). Ngoài ra, ông còn là một triết-gia. Những lúc rảnh rỗi, ông thường nghiên-cứu cac môn triết học, thần-hoc, toán học và vật-lý cao-cấp.

Sau một thời gian dài đúc kết kinh nghiệm từ cá nhân mình đến những người quen biết và bạn hữu, ông ta đã đưa ra định luật này.

Khi phục vụ trong Không Quân Mỹ, vào năm 1949, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu trong một dự án quân sự có tên là MX 981. Đại-úy Edward Murphy, Jr. hiểu rất rõ nhiệm vụ của mình mà thượng cấp giao-phó: kết thúc một chuỗi thử nghiệm và báo cáo cho thượng cấp về một thiết bị sẽ thiết kế trên máy bay phản-lực thuộc Không lực Mỹ.

Một trong những vấn đề lớn của dự án nói trên là chương trình nghiên cứu hậu quả việc “giảm tốc độtngột” của động cơ loại máy bay phảnlực. Để thực hiện điều này, Murphy đã phải làm việc với 16 phi-công và gắn trên lưng mỗi phi công tới 15 máy dò. Tất cả, trên lý thuyết, đều hoạtđộng tốt.

Bình thường, các thử nghiệm đều hoạt động êm xuôi nhưng vào những ngày có đông đủ tai to mặt lớn (thượng cấp) đến dự để họ xem-xét, quan sát và được nghe báo cáo kết quả, 15 máy này bỗng “đình-công” và không thu được một tín-hiệu nào. Dĩ nhiên ông bị thượng cấp khiển trách và nhiều lần như vậy nên ông bị gán tội “giỡn mặt” cấp trên và chuẩn bị ra tòa án quân sự. Ông yêu cầu thượng cấp cho ông được kiểm-soát lại: tất cả các máy dò đều hoạt động bình thường, các sợi dây nối với cơ thể phi công cũng hoàn hảo. Cuối cùng ông tìm ra nguyên cớ: thay vì lắp 15 máy theo chiều quy định thì các kỹ thuật viên lắp theo chiều ngược lại. Ông thở phào trong sung-sướng, thoát khỏi cay đắng và dĩ nhiên được thượng cấp tha tội.

Từ trước đó rất lâu, ông Edward A. Murphy, Jr. đã bị nhiều vố nhớ đời đến độ nghĩ ngay ra một điều mà chưa dám công bố. Ông nhớ lại kỷ niệm của ngày nhận bằng tốt nghiệp Đại học. Vừa mặc chiếc áo mới trắng tinh ra phố, ông bị một chiếc xe nhà binh chạy bắn bùn dính đầy lên áo. Những lúc đến tiệm sách, ông thấy các loại sách mà ông cần chất cả đống mà ông không có tiền trong túi, đến khi ông có tiền đến mua thì các cuốn sách đó không còn. Lần dọn nhà sau cùng, ba đời chủ đã sống bình yên trong căn nhà đó trước ông, đến khi ông dọn về thì cái cầu thang sập, ngọn đèn chùm tự nhiên rơi thẳng xuống đầu đứa con trai ông ta.

Ngoài việc ông ta từng gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống, ông còn được nghe bạn bè, thân nhân kể lại các “nhiêu khê” mà họ đã từng gặp. Từ đó, sau biết bao nhiêu lần thí nghiệm và kiểm chứng, ông cho công bố định luật mang tên mình này. Sau khi công bố định luật, ông nói:

– ”Tôi không có ý định bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các vị đề phòng thường xuyên. Một khi đã đề phòng thì tránh được nhiều điều không vui, thế thôi!”.

Nhiều người cho rằng ông Murphy “suy bụng ta ra bụng người” và cho rằng sống mà lúc nào cũng nôn nóng, lo âu thì khổ quá!.

Vài tháng sau khi công bố, định luật Murphy được nhiều người chấp nhận, một số đông còn cổ vũ ông ta. Một trong các tổ chức đã xem đinh luật này là kim chỉ nam, đó là Không lực Hoa kỳ.

Chín năm sau đó, nhà xuất bản Oxford của Anh quốc soạn bộ “Từ điển Oxford” có đưa định-luật này vào trong đó, cột này gọi là Murphy’s Law.

Một bà mẹ phết bơ hay mứt lên mặt bánh mì mềm cho con, nếu vô ý đánh rơi, lúc nào mặt phết bơ cũng sẽ úp xuống đất. Có lời lý giải nào về việc này không ngoài sự lý giải có lẽ mặt có bơ nặng hơn? vì thế còn có tên là “định luật bánh bơ”. Khi ta xếp hàng, đứng hàng này, thấy hàng kia đi tới vù vù, bỏ sang hàng đó thì hàng mình bỏ đi lại tiến tới còn hàng mình vừa bước sang đứng lai. Khi mình mang dù theo thì trời không mưa, khi ta quên dù thì trời mưa, khi ta làm một việc gì không muốn gây tiếng động sợ làm phiền người khác đang cần sự yên lặng thì ta thường hay vô ý gây tiếng động; khi người nhà bị bệnh cần đưa đi Bác sĩ ngay thì xe bị hư hay hết xăng v. v… Đó là những sự cố mà ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Các nhà tâm lý học thì giải thích sở dĩ khi xếp hàng, ta thấy hàng kia tiến tới nhanh hơn hàng mình vì ta bị ảnh hưởng tâm lý, vì ta đang sốt ruột, đang nôn nóng; khi ta quên dù thì trời mưa vì việc mưa nắng tùy thuộc vào thời tiết; việc gây tiếng động là do ta bất cẩn, việc xe hư là do xe cũ v. v… Nhiều nhà khoa học phản đối định luật này, họ xem đó là sự ngẫu nhiên với lý luận: định luật Murphy chẳng có gì là khoa học cả.

Để kiểm chứng định luật này, nhà toán học người Anh là ông Robert A. J. Matthews cố ý đánh rơi bánh mì có phết bơ hay ông vất quyển sách xuống sàn: kết quả là 99% là mặt có bơ và trang sách úp xuống sàn, ít khi bìa sách hay mặt không có phết bơ nằm dưới.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không chấp nhận định luật này. Họ nghiên cứu tất cả mọi khía cạnh về khoa học: từ…khí động học, trọng-lượng của cái bánh đến khối lượng lớp bơ; từ bánh mì mềm đến…bánh mì cứng, sự cọ xát của bánh mì với không khí, vận-tốc rơi, sự xoay 180 độ, … nhưng kết quả bao giờ cũng là việc xấu có cơ may cao hơn. Và họ không tìm được câu trả lời cho các hiện tượng đã xảy ra này nhưng họ vẫn không tin, không chấp nhận định luật Murphy.

Riêng Murphy, ông đã thí-nghiệm hàng ngàn lần từ đơn giản đến phức-tạp, trong rất nhiều lĩnh vực để xem mình đúng hay sai trước và sau khi công-bố định-luật. Một trong các thí-nghiệm là việc: Ông vốn gét số 3 và thích số 7, ông đã bỏ hàng trăm thẻ kim-loại khắc số 7 và số 3 với lượng bằng nhau vào một ống, xóc đều và rút thăm. Kết quả là ông rút phải số 3 nhiều hơn số 7.

Nhiều người khác cũng đã có những thí nghiệm để tìm kết quả cho định luật này để tìm biết ra sao. Thí nghiệm gần đây nhất diễn ra ở Bruxelles, Bỉ quốc của nhà Vật-lý học Eugène Lapotier về một người nghiện mua vé số. Trong 12 năm trời mua vé số mà người nầy không bao giờ trúng, con số mà người này không mua thì người khác mua nó lại trúng, con số ông mua nhiều lần nhưng không trúng, ông bỏ thì người khác mua nó lại trúng. Nhiều tuần ông không mua thì người bán vé cho biết là có người trung lớn.

Những việc này cũng giống như một cậu học trò, hôm cậu ta thuộc bài thì thầy không kêu trả bài, hôm không thuộc bài thì thầy giáo kêu cậu ta trả bài vậy.

Những nguyên tắc thông dụng của Định luật Murphy trong văn hóa chúng ta ngày nay đã được chuyển dụng qua các tiểu định luật khác, như Định luật Murphy trong kỹ thuật, trong tình dục, tình yêu, trong nghiên cứu, và ngay cả trong nghiệp vụ. Dầu vậy, nhiều người vẫn thích-thú những nguyên tắc của định luật Murphy.

Những nguyên tắc căn bản đó là:

1. Thấy thì dễ mà không phải vậy.
2. Việc gì cũng phải mất nhiều thời gian hơn ta nghĩ.
3. Việc gì có thể sai thì sẽ sai.
4. Nếu một số việc có khả năng sai thì việc nào gây thiệt hại nhiều nhất sẽ là điều sai.
5. Nếu đơn giản là một việc nào đó không thể sai thì nó vẫn sẽ sai.
6. Nếu bạn nhận thức rằng diễn-tiến một sự việc có bốn hướng có thể sai và mãi loay hoay quanh đó thì sẽ đột xuất phát-sinh ra một hướng thứ năm.
7. Buông thả những sự việc thì kết quả sẽ từ xấu cho đến tồi tệ.
8. Nếu bạn thấy mọi việc dường như đều tốt đẹp thì rõ ràng bạn đã coi thường một điều gì đó.
9. Thiên nhiên lúc nào cũng đứng về phía “cái xấu” tiềm ẩn.
10. Thiên nhiên “chó má” (cách nói yếm thế, bất-mãn)
11. Không có việc gì tránh khỏi lỗi lầm, vì kẻ gạt-gẫm rất tinh khôn.
12. Khi muốn khởi công làm một việc thì phải hoàn-tất một việc khác trước đã.
13. Mỗi giải pháp đều phát sinh ra những vấn đề mới.

Nếu không tin, ta thử thí nghiệm xem sao hoặc nhớ lại những kỷ niệm mà cá nhân mỗi người hay người quen biết đã gặp để mỗi người trong chúng ta có một nhận xét.

Dẫu tin hay không tin, chúng ta vẫn nên cám ơn định luật Murphy vì ta có thể đề phòng các trạng huống xấu xảy ra khi giải quyết một viêc. Không phải ngẫu nhiên mà các kỹ sư hàng không của Hoa kỳ vào thập niên 1940 đã thuộc nằm lòng câu nói của Murphy: ”Nếu bạn có hai cách giải-quyết, một tốt một xấu, thì coi chừng bạn sẽ đi theo…cách xấu”, chắc họ “có lý” của họ.

Theo Lê Thiêm (scorpiovn.wordpress.com)

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

43,646 lượt xem