Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Konosuke Matsushita: Sự Bắt Đầu Của Người Khổng Lồ

Matsushita Konosuke là doanh nhân được ghi vào lịch sử như một nhân vật tượng trưng cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của đất nước Mặt trời mọc. Vượt lên trên danh nghĩa là một nhà kinh doanh thành đạt, ông còn là một đại diện ưu tú cho ý chí và tinh thần Nhật Bản, là nguồn cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ đối với tất cả những người xung quanh ông.

THIẾT KẾ VÀ BÁN BÓNG ĐÈN XE ĐẠP: 28 TUỔI, 1923

Năm 1923, Konosuke nhận ra tiềm năng vô cùng lớn của thị trường bóng đèn chạy pin cho xe đạp. Mặc dù bóng đèn xe đạp lúc này đã xuất hiện nhưng nhìn chung chúng lại không được ưa dùng và có thời gian sử dụng rất thấp (thường không quá ba giờ liên tục).

Quyết định sẽ giải quyết vấn đề này, Konosuke dành sáu tháng để thiết kế bóng đèn cho xe đạp có hình viên đạn, đặc biệt, loại bóng đèn này có thể hoạt động tới 40 giờ mà không cần sạc pin. Tuy nhiên, các đại lý bán hàng không mấy tin tưởng vào sản phẩm này và từ chối cung cấp ra thị trường. 

1

Konosuke quyết định bỏ qua các đại lý và gửi hàng mẫu trực tiếp tới các chủ cửa hàng xe đạp, đề nghị họ kiểm tra kết quả vận hành của loại bóng đèn mới. Kết quả là có tới hơn 300 đơn đặt hàng chỉ sau khoảng 3 ngày. Và những đại lý trước kia thậm chí không buồn nói chuyện với Konosuke thì giờ đây, ngược lại, cạnh tranh nhau để được phân phối sản phẩm của ông.

SỬ DỤNG THƯƠNG HIỆU NATIONAL LẦN ĐẦU TIÊN: 32 TUỔI, 1927

Konosuke tiếp tục phát triển thế hệ bóng đèn xe đạp chạy pin thứ hai với thiết kế hình vuông. Trong lúc suy nghĩ để đặt tên cho loại bóng đèn mới, ông chợt nhìn thấy từ tiếng anh “international” trên mặt báo.

Tra cứu trong từ điển, Konosuke hiểu rằng bên trong từ “international” từ “national” có nghĩa là “thuộc về hay liên quan tới con người của một quốc gia”. Ý nghĩa này thực sự hoàn hảo với sản phẩm mới. Konosuke tin rằng sẽ có một ngày tất cả các gia đình trên toàn nước Nhật sẽ sử dụng nó. Vậy là vào năm 1927, thương hiệu National ra đời.

GIỚI THIỆU “SIÊU BÀN LÀ”: 32 TUỔI, 1927

Vào thời gian này, các sản phẩm điện dân dụng được coi là hàng hoá xa xỉ và có giá quá cao với phần đông người tiêu dùng. Konosuke quyết định phải tạo ra các sản phẩm điện dân dụng phù hợp với khả năng thanh toán của người tiêu dùng bình dân. Ông thành lập bộ phận riêng chuyên thiết kết các thiết bị sưởi điện và phát triển bàn là điện với mục tiêu hướng tới thị trường đông đảo.

Ba tháng sau, “Siêu bàn là” thương hiệu National được phát triển. Mặc dù thị trường bàn là điện có mức cầu theo dự báo là 100.000 cái/năm, Konosuke đã yêu cầu bộ phận sản xuất cung cấp 10.000 Siêu bàn là hiệu National hàng tháng. Ông biết rằng sản xuất qui mô lớn sẽ giúp giảm giá thành và rất nhiều người tiêu dùng sẽ mua loại bàn là mới ngay khi giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của họ. Nhờ vậy, thị trường sẽ mở rộng. Siêu Bàn là hiệu National được bán với giá 3,2 yên, thấp hơn rất nhiều mức giá 5 yên của các đối thủ cạnh tranh và nhanh chóng trở thành một sản phẩm bán chạy nữa của công ty.

BẮT ĐẦU SẢN XUẤT RADIO: 36 TUỔI, 1931

Trong thời kỳ suy thoái, nhu cầu sử dụng radio phát triển nhanh chóng trong dân chúng. Tuy vậy, giá bán radio quá cao và chất lượng sản phẩm thấp. Nhưng Konosuke đã có các sản phẩm radio theo mô hình ba ống trong vòng ba tháng. Sản phẩm này ngay lập tức nhận được giải nhât trong cuộc thi do Đài phát thanh công cộng Tokyo tổ chức.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của phương tiện truyền thông mới, Konosuke mua lại quyền sử dụng hai sáng chế quan trọng trong chế tạo radio và công bố rộng rãi.

CÔNG BỐ SỨ MỆNH CỦA CÔNG TY TẠI ĐẠI HỘI CÔNG TY LẦN THỨ NHẤT: 37 TUỔI, 1932

Konosuke được một người bạn mời tham dự một buổi lễ tại đền Shinto. Ông đã rất ấn tượng với vai trò bổ trợ lẫn nhau của tôn giáo và công việc kinh doanh “Nhân loại cần sự thịnh vượng cả vật chất và tinh thần. Tôn giáo dẫn dắt con người vượt qua khó khăn đến với hạnh phúc và thanh thản. Và công việc kinh doanh, đóng góp các vật dụng thiết yếu cho cuộc sống hạnh phúc. Đây là sứ mạng cốt yếu của kinh doanh”.

Sau khi trở về, Konosuke tập trung nhân viên vào ngày 05/05/1932 và phát biểu thông điệp định hướng cho công ty suốt nhiều thập kỷ sau. “Nhiệm vụ của một nhà sản xuất xoá bỏ đói nghèo bằng cách sản xuất thật nhiều hàng hoá. Mặc dù nước cũng có thể coi là một sản phẩm, không ai phản đối nếu một người khách qua đường dừng lại và uống nước từ vòi công cộng. Đó là bởi vì nguồn cung cấp nước rất phong phú và giá nước rẻ. Sứ mệnh của một nhà sản xuất như chúng ta là cung cấp hàng hoá nhiều và rẻ như nước công cộng. Đó là cách chúng ta có xóa bỏ đói nghèo, mang lại hạnh phúc cho cuộc sống của con người, và làm cho thế giới tốt đẹp hơn.”

TRIỂN KHAI HỆ THỐNG QUẢN LÝ ĐỘC LẬP (AUTONOMOUS MANAGEMENT SYSTEM- DIVISIONAL SYSTEM): 38 TUỔI, 1933

Konosuke phân chia và tổ chức một hệ thống quản lý độc lập. Công ty được chia thành ba bộ phận: (i) sản xuất radio; (ii) sản xuất pin khô và thiết bị chiếu sáng, và (iii) sản xuất các hệ thống điện, chất dẻo nhân tạo và các thiết bị sưởi điện. Mỗi bộ phận có hoạt động hành chính riêng và tự chịu trách nhiệm sản xuất. Qua đó, Konosuke có thể giao nhiều trách nhiệm hơn cho các cán bộ quản lý, đồng thời, cũng tạo cho họ cơ hội được học hỏi mọi khía cạnh kinh doanh- từ phát triển sản phẩm đến bán hàng.

XÂY DỰNG NHÀ MÁY VÀ KHU VĂN PHÒNG MỚI Ở KADOMA, OSAKA: 38 TUỔI, 1933

Vào lúc này, công ty đã sản xuất trên 200 sản phẩm và Konosuke nhận thấy thời điểm mở rộng qui mô đã đến. Tháng 07/1933 công ty chuyển đến khu văn phòng và nhà máy mới tại Kadoma, đông nam Osaka.

THÀNH LẬP VIỆN ĐÀO TẠO NHÂN LỰC: 39 TUỔI, 1934

Câu nói ưa thích của Konosuke: Kinh doanh là con người (Business is people). Luôn tin tưởng vào năng lực của nhân viên và đồng sự là một phần tính cách của Konosuke. Đến năm 1934, anh cho thành lập Viện đào tạo tại nhà máy Kadoma. Tại đây, học sinh tốt nghiệp phổ thông có thể theo học trong ba năm và được đào tạo cả kỹ thuật và kinh doanh.

THÀNH LẬP CÔNG TY THƯƠNG MẠI ĐIỆN DÂN DỤNG MATSHUSITA (MATSUSHITA ELECTRIC TRADING COMPANY): 40 TUỔI, 1935

Năm 1932, Konosuke thành lập bộ phận thương mại phụ trách nghiên cứu và phát triển khả năng bán sản phẩm của công ty trên thị trường quốc tế. Doanh số xuất khẩu ngày một tăng nhanh, Konosuke quyết định nâng bộ phận thương mại thành Công ty Thương mại điện dân dụng Matshushita (Matsushita Electric Trading Company) vào tháng 8/1935. Vào thời điểm đó, đây là động thái rất bất thường với một nhà sản xuất sản phẩm điện dân dụng. Tuy nhiên, Konosuke thực sự tin rằng thị trường quốc tế cũng phải được quan tâm như thị trường trong nước. Công ty thương mại cũng sẽ thực hiện các hoạt động đồng bộ với triết lý kinh doanh của Matsushita. 

Nguồn: Saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

447 lượt xem