Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nguyễn Hà Đông Và Chuyện 'Vươn Ra Biển Lớn' Của Start-Up Công Nghệ Việt

Sự thành công của Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird là động lực vươn ra tầm thế giới của start-up Việt nói chung và các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ nói riêng.

Flappy Bird truyền cảm hứng cho start-up công nghệ Việt

Flappy Bird là tên một game di động do Nguyễn Hà Đông thiết kế và được đưa lên Apple Store vào tháng 5/2013.

Trò chơi này bất ngờ nổi tiếng vào tháng 1/2014 và nhanh chóng 'làm mưa làm gió' trên toàn thế giới. Chỉ sau chưa đầy một tháng, Flappy Bird đã đạt được hàng chục triệu lượt tải, vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng Apple Store và giúp tác giả bỏ túi khoảng 50.000 USD mỗi ngày.

Mặc dù sớm bị gỡ bỏ vào ngày 10/2/2014 nhưng không thể phủ nhận, Flappy Bird là một trong những sản phẩm công nghệ 'Made in Việt Nam' đình đám nhất cho đến thời điểm hiện nay.

Trong một bài báo được đăng tải vào tháng 7/2015, trang công nghệ uy tín Cnet của Mỹ đã viết "Flappy Bird là điển hình của một sản phẩm đến từ Việt Nam có thể vươn tầm ra thế giới. Và nó làm được điều đó cực kỳ nhanh chóng".

Sự thành công của Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird đã khơi dậy tinh thần 'Go Global" (vươn ra thế giới) của start-up Việt nói chung và các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt nói riêng.

Khắp mọi nơi, trong trường học, các diễn đàn, hội thảo về khởi nghiệp người ta nói về chàng lập trình viên sinh năm 1985 và trò chơi gây nghiện này.

Với 'hiệu ứng Flappy Bird", giờ đây, thay vì bó hẹp với thị trường hơn 90 triệu dân, Việt Nam ngày càng có thêm nhiều start-up công nghệ tấn công sang thị trường các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.

Làm thế nào để không bị chìm khi 'vươn ra biển lớn'?

Vài năm trở lại đây, nhiều start-up công nghệ Việt đã thu hút được không ít quỹ đầu tư trong và ngoài nước rót vốn. Cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính Phủ, đây được xem là điều kiện thuận lợi giúp các công ty khởi nghiệp thực hiện tham vọng 'Go Global' của mình.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số start-up công nghệ Việt kinh doanh thành công tại nước ngoài vẫn còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường chủ yếu vẫn là một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines.

Trong buổi giao lưu với giới khởi nghiệp Việt Nam vào tháng 12 năm ngoái, ông Sundar Pichai - Tổng giám đốc Google đã đưa ra lời khuyên "Hãy chinh phục thị trường trong nước trước khi muốn tấn công ra thị trường thế giới."

Theo ông Pichai, Việt Nam là một quốc gia có dân số lớn và thị trường trong nước cũng rất lớn. Vì vậy nên nắm bắt cơ hội trong nước trước. Đó cũng là cách tiếp cận của Trung Quốc.

Trái lại, vị CEO của một start-up công nghệ tại Việt Nam lại cho rằng: "Sản phẩm của bạn có thể không phù hợp với khách hàng trong nước, nhưng vẫn có thể phù hợp với thị trường các nước khác."

Tất nhiên, độ rộng thị trường còn phụ thuộc vào chính sản phẩm của các công ty khởi nghiệp. Flappy Bird là một ví dụ, hầu hết mọi người ở các quốc gia khác nhau đều có thể chơi trò chơi này, vì vậy độ phủ sóng sẽ rộng lớn hơn.

Bên cạnh đó, sản phẩm càng có nhiều sự khác biệt thì khả năng cạnh tranh sẽ càng cao.

Tư duy và tầm nhìn của người lãnh đạo cũng là yếu tố quan trọng với các start-up muốn vươn ra thế giới.

Chia sẻ trong một chương trình về khởi nghiệp do Topica Founder Institute tổ chức, ông Đỗ Tuấn Anh - CEO Appota cho biết: "Ngay từ đầu, khi thành lập Appota, chúng tôi đã xác định ngoài thị trường Việt Nam, sẽ cố gắng vươn ra các quốc gia Đông Nam Á.". Hiện nay, start-up này cũng đã đạt được những thành công nhất định tại một số nước trong khu vực.

Hay như chính Nguyễn Hà Đông, có thể thấy anh đã sớm xác định việc 'Go Global' cho sản phẩm của mình. Không chỉ Flappy Bird, game mới của Đông là Swing Copters 2 cũng đã được phát hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Thêm vào đó, khi tham gia vào một thị trường mới, điều quan trọng là cần hiểu rõ môi trường kinh doanh, văn hóa bản sắc, quy định pháp luật và thói quen khách hàng tại nước sở tại.

Đây cũng là lý do giải thích tại sao nhiều start-up Việt thường lựa chọn các nước Đông Nam Á là điểm đến đầu tiên trong hành trình vươn ra biển lớn. Các quốc gia này có nhiều đặc điểm về văn hóa, cấu trúc dân số, hạ tầng... tương đồng với Việt Nam.

Ngoài ra, đội ngũ nhân sự cũng là yếu tố các start-up không thể bỏ qua khi tấn công thị trường nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp thường chọn người điều hành tại các nước này là người bản địa vì họ am hiểu môi trường kinh doanh và thói quen, sở thích của người tiêu dùng.

Dẫu biết rằng con đường đến Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay một số thị trường lớn khác vẫn là bài toán khó đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam. Nhưng với những gì Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird làm được, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào những điều tuyệt vời mà start-up Việt sẽ làm được trong tương lai không xa.

Theo NDH

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

367 lượt xem