Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

4 Điều Các Bạn Trẻ Học Được Sau Kì "Dậy Thì" Lần 2 Mang Tên Thực Tập

Chẳng quá lời khi so sánh kì thực tập giống như dậy thì lần thứ 2, ai cũng "lột xác" trở nên chín chắn và trưởng thành hơn hẳn.

 

Thực tập luôn được ví như một chiếc gạch nối quan trọng đánh dấu thời kì các bạn trẻ chuyển giao từ một cô, cậu sinh viên thành một nhân viên thực sự. Những kiến thức vốn chỉ được học để thi nay phải được các bạn vận dụng khéo léo để giải quyết những vấn đề trong công việc.

Thực tập không chỉ là cơ hội để học tập kĩ năng nghiệp vụ mà còn là nơi các bạn sinh viên bắt đầu xây dựng được những mối quan hệ trong công việc. Là nơi các bạn bắt đầu học những thứ tưởng chừng như rất nhỏ nhặt và đơn giản nhưng lại rất cần thiết cho tương lai như kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lên kế hoạch công việc, làm việc nhóm…

Ai từng trải qua 3 tháng thực tập có lẽ đều không thể quên quãng thời gian với rất nhiều trải nghiệm thú vị và kỉ niệm vui buồn này. Hãy cũng xem kì thực tập đã có tác dụng thay đổi các bạn trẻ như thế nào.

1. Học cách cởi mở giao tiếp với sếp và đồng nghiệp để tiến bộ lên mỗi ngày

Cô bạn Hoài Thương (sinh năm 1995, ĐH Tôn Đức Thắng) học chuyên ngành Nhà hàng - khách sạn nên đã chọn nhà hàng buffet Nineteen của khách sạn Caravelle Sài Gòn để thực tập. Dù trước đó cô bạn đã đi làm thêm khá nhiều tại một số nhà hàng và quán cà phê nhưng lần đầu tiên làm việc tại môi trường khách sạn 5 sao cô bạn cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ.

Để khắc phục khó khăn, cô bạn bắt đầu "siêng" trò chuyện với đồng nghiệp cũng như sếp để hiểu hơn về công việc và những điều mình còn thiếu sót. Hoài Thương cũng luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ để ghi chép những điều cần lưu ý trong công việc.

Môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp cho phép Thương tiếp xúc rất nhiều với khách người nước ngoài, nhờ vậy mà khả năng ngoại ngữ của cô bạn được cải thiện đáng kể.

Thương đã có những trải nghiệm đáng nhớ tại nhà hàng buffet nơi mình thực tập, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ đã cải thiện đáng kể nhờ giao tiếp thường xuyên với các khách nước ngoài.

2. Học khoảng lặng trong lúc đàm phán

Cô bạn Mỹ Linh (sinh năm 1995, ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã có một kì thực tập đáng nhớ tại công ty Wellness Link tại Nhật Bản. Đây là một công ty start up trong lĩnh vực y tế đang được đánh giá cao tại xứ hoa Anh Đào.

Không chỉ có cơ hội học thêm về nghiệp vụ, Mỹ Linh đã học hỏi được rất nhiều điều về cách làm việc của người Nhật trong những ngày tháng sống và làm việc tại đây. Cô bạn cho biết điều lớn nhất mình học được ở người Nhật chính là khoảng lặng trong lúc đàm phán.

9X cho biết: "Sẽ có những lúc cả phòng họp đột nhiên im lặng, không ai nói gì. Với những người nước ngoài vốn có phần nóng tính, vào những lúc đó sẽ thấy khó hiểu và sốt ruột. Tuy nhiên, với người Nhật đó chính là lúc họ bình tâm lại để suy nghĩ sáng suốt và đưa ra giải pháp đúng đắn nhất".

Trước đó, Mỹ Linh cũng đã từng vượt qua 2.500 ứng cử viên để để trở thành thực tập sinh 2 tháng tại phòng phát triển khách hàng (Sales) của P&G - công ty lớn nhất thế giới của Mỹ trong ngành hàng tiêu dùng.

Để có được những cơ hội thực tập tốt, Mỹ Linh đã có quá trình dài chuẩn bị một hồ sơ thật long lanh bao gồm những thành tích nổi bật trong học tập và cả hoạt động xã hội. Trong suốt 4 năm ĐH cô có trong tay hàng loạt học bổng: học bổng cho sinh viên xuất sắc ĐH Ngoại Thương, học bổng ngân hàng KEB, học bổng ngân hàng ANZ, học trao đổi văn hóa với ĐH Nagoya - Nhật Bản, học bổng của hiệp hội thương mại Hoa Kỳ Amcham.

Mỹ Linh có những trải nghiệm thú vị tại Nhật.

3. Hỏi khi không biết, tìm sự giúp đỡ khi không thể làm

Học tại ĐH Ngoại Thương Hà Nội nhưng cậu bạn Hoàng Vũ Hải (sinh năm 1995) thì lại lặn lội vào Sài Gòn để thực tập tại công ty Uber để có thể trải nghiệm một cuộc sống tự lập.

Kỉ niệm "đau thương" của Vũ Hải trong ngày đầu tiên đi làm đó là đây là ngày tổng kết năm nên mọi người đều đi họp và tham gia teambuilding ở… Hà Nội. Thế là cậu bạn được một phen hốt hoảng khi công ty vắng hoe không một bóng người.

Bên cạnh đó, những ngày đầu đi làm cũng khiến cậu bạn khá lúng túng vì khối lượng công việc khá nhiều. Sếp hay đồng nghiệp cũng không có nhiều thời gian để chỉ dạy nên cậu bạn phải tự "mò mẫm".

Để tránh bị khớp khi làm việc, theo Vũ Hải điều quan trọng nhất là tính chủ động. Chủ động hỏi khi không biết, chủ động tìm hiểu khi không biết, chủ động tìm sự giúp đỡ khi không thể làm. Cậu bạn cũng chủ động tham gia vào những cuộc vui ngoài công việc cùng đồng nghiệp để mọi người có thể cởi mở trò chuyện và tâm sự hơn.

Cậu bạn cũng có lời khuyên cho các bạn sắp đi thực tập: "Hãy tận dụng quãng thời gian ở công ty để học hỏi và xây dựng network, đừng nghĩ mình chỉ là 1 intern mà hãy coi mình như 1 nhân viên chính thức, có trách nhiệm với công việc của chính mình và việc chung".

Vũ Hải cho biết khi đi thực tập không nên có tâm lý sao cũng được vì mình sẽ rời đi sau 3 tháng. Như vậy, bản thân sẽ rất chây ỳ trong tư duy và cả công việc như vậy sẽ lãng phí rất nhiều thứ quý giá.

 

Hoàng Vũ Hải từ Hà Nội lặn lội vào Sài Gòn để trải nghiệm môi trường làm việc trẻ trung và năng động hơn.

Theo Hải, điều quan trọng nhất khi đi thực tập chính là tính chủ động.

4. Thực tập sinh không phải là học sinh mẫu giáo!

Theo cô bạn Phương Huệ (sinh năm 1995, Học viên Báo chí tuyên truyền) thì sai lầm khi đi thực tập của một số bạn trẻ là không chủ động và có tâm lí như học sinh mẫu giáo cần phải chỉ từng bước.

Thực tập tại Tòa soạn báo Tuổi Trẻ, cô bạn cho biết mình phải chủ động rất nhiều trong công việc vì các anh chị phóng viên ai cũng bận rất nhiều công việc với tin, bài riêng.

Những lúc này, Huệ sẽ chủ động tìm đề tài khai thác rồi nhờ các anh chị góp ý, gợi ý cách thức khai thác vấn đề. Những lúc "bí" đề tài, cô bạn chủ động xin các anh chị đi theo tác nghiệp để có thể trực tiếp học hỏi cách xử lí các tình huống.

Huệ cho biết, kiến thức được học ở trường có nhiều điều rất khác biệt so với thực tế công việc. Vì vậy, đôi khi các bạn phải biết linh hoạt thay đổi tư duy và suy nghĩ để có thể phù hợp với từng tình huống và hoàn cảnh.

Có thể thấy, dù thực tập và phải trải qua nhiều khó khăn và vất vả thế nào thì kì thực tập cũng đã trở thành một kỉ niệm đẹp với nhiều bạn trẻ. Có lẽ, ai cũng đã dạn dĩ, trưởng thành và vững vàng hơn sau kì thực tập.

Cô bạn Phương Huệ đã trở thành phóng viên tập sự của báo Tuổi trẻ

Kì thực tập còn mang đến cho bạn những cơ hội để bước gần hơn với công việc mà mình mơ ước trong tương lai. Vậy thì, đừng ngần ngại đương đầu những khó khăn trong kỳ thực tập để trưởng thành hơn bạn nhé!

Theo kenh14.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

323 lượt xem