Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

4 Phương Pháp Cực Hiệu Quả Để Duy Trì Sự Tập Trung Khi Học Tập Và Làm Việc

4 Phương pháp: Giữ ngăn nắp | Thực hiện trạng thái Alpha | Cải thiện sự tập trung | Duy trì động lực

Sự tập trung có thể giúp bạn làm được hầu như mọi việc, từ ôn thi cho đến hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Việc duy trì sự tập trung còn giúp cuộc sống nghề nghiệp của bạn được cải thiện, giúp bạn lắng nghe tốt hơn và tìm ra giải pháp cho các vấn đề nhanh hơn. Nếu muốn biết làm thế nào để không còn kiểm tra Facebook hoặc điện thoại cứ 15 phút một lần và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt, bạn chỉ cần làm theo vài bước dưới đây.

  Phương pháp 1: Giữ ngăn nắp    

1. Duy trì một không gian ngăn nắp. Cho dù làm việc trong văn phòng hay học bài ở nhà, một không gian gọn gàng có thể giúp bạn tập trung và hoàn thành công việc tốt hơn. Bạn hãy loại bỏ hết những thứ khiến bạn phân tâm và không liên quan đến công việc. Dọn dẹp bàn làm việc, chỉ để lại những thứ cần thiết và vài tấm ảnh hoặc đồ lưu niệm để thư giãn.

  • Chỉ cần 10 phút dọn dẹp vào cuối ngày, bạn cũng có thể duy trì một lối sống mới ngăn nắp.
  • Nếu không cần điện thoại để làm việc, bạn hãy cất đi trong vài tiếng. Đừng để nó chiếm không gian và khiến bạn phân tâm.

  2. Lập danh sách những việc cần làm. Một bản liệt kê những việc cần làm vào mỗi sáng đầu ngày hoặc đầu tuần sẽ giúp bạn tập trung và có động lực hơn để tiếp tục công việc. Khi lập danh sách mọi thứ cần làm, bất kể là nhỏ đến đâu, bạn cũng sẽ có cảm giác hoàn thành khi soát lại các mục đã làm được và chuyển sang nhiệm vụ kế tiếp. Điều này cũng giúp bạn tập trung vào từng công việc.

  • Bạn có thể chia thành ba bản danh sách: những việc cần làm trong ngày hôm đó, những việc cần làm trong ngày hôm sau và những việc cần làm trong tuần đó. Nếu đã làm xong việc trong ngày nhưng vẫn còn thời gian, bạn có thể chuyển sang làm các nhiệm vụ tiếp theo.
  • Lập danh sách ưu tiên cho công việc. Đặt những nhiệm vụ khó khăn nhất lên đầu. Sẽ là tốt hơn nếu bạn để dành những việc dễ làm và dễ kiểm soát hơn vào cuối ngày, khi bạn đã mệt mỏi hơn, như vậy bạn sẽ không phải lo hoàn thành các nhiệm vụ “khó nhằn” nhất. Nếu trì hoãn những nhiệm vụ cực nhọc cho đến phút cuối, cả ngày hôm đó bạn sẽ cảm thấy kinh hãi khi nghĩ đến việc phải làm.
  • Bao gồm cả giờ nghỉ trong danh sách những việc cần làm. Bạn hãy tự thưởng những giờ phút nghỉ ngơi cho mình. Nếu đã hoàn thành được ba nhiệm vụ, bạn có thể ăn nhẹ hoặc gọi điện nói chuyện vài câu với bạn bè chẳng hạn. Điều này sẽ giúp bạn tập trung hơn nữa trong việc hoàn thành nhiệm vụ trước mắt.

  3. Quản lý thời gian. Việc quản lý thời gian luôn đi đôi với việc lập danh sách những việc cần làm. Bạn nên viết ra khoảng thời gian hoàn thành công việc bên cạnh mỗi mục trong danh sách những việc cần làm. Hãy thực tế trong việc ước lượng thời gian và cố gắng hoàn thành từng công việc trong thời hạn đã định. Điều này sẽ giúp bạn khỏi chểnh mảng hoặc chỉ lo nhắn tin cho bạn bè hàng tiếng đồng hồ thay vì thực sự tập trung vào công việc.

  • Bạn có thể chia nhỏ những công việc tiêu tốn nhiều thời gian thành những nhiệm vụ ngắn hơn, dễ dàng hơn. Như vậy bạn sẽ không bị choáng ngợp vì còn quá nhiều nhiệm vụ cực nhọc phía trước. Bạn có thể xem những công việc tốn ít thời gian hơn như một phần thưởng nho nhỏ.

  4. Dành thời gian nghỉ ngơi. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng việc đưa thời gian thư giãn vào thời gian biểu hàng ngày thực ra sẽ giúp bạn tập trung hơn. Bạn nên nghỉ ít nhất 5-10 phút sau mỗi giờ làm việc, hoặc 3-5 phút sau mỗi nửa tiếng. Điều này sẽ giúp bạn có thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ, cho đôi mắt được nghỉ ngơi và trí não của bạn có thời gian chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo.

  • Chọn một hoạt động để làm trong thời gian giải lao. Bạn có thể đặt mục tiêu đọc khoảng 30 phút trong khoảng thời gian khoảng 3 tiếng chẳng hạn. Khi rời mắt khỏi màn hình và đọc xong chương sách, bạn sẽ có động lực hơn để hoàn thành công việc.
  • Đừng ngồi ở bàn làm việc cả ngày. Hãy đứng dậy trong giờ giải lao. Nhìn ra ngoài cửa sổ, đi dạo một vòng, hoặc chỉ cần đi lên năm tầng cầu thang để máu huyết lưu thông. Các giờ nghỉ ngơi ngắn như vậy sẽ tiếp thêm sinh lực cho bạn quay trở lại với công việc.
  • Thậm chí bạn có thể cài đặt thời gian giải lao sau mỗi nửa tiếng làm việc để báo hiệu rằng bạn nên nghỉ ngơi. Nếu đang thực sự có hứng làm việc, bạn có thể bỏ qua một lần giải lao, nhưng đừng để điều này trở thành thói quen.

  Phương pháp 2: Thực hiện trạng thái Alpha     

1. Ngồi trên ghế dựa với tư thế thoải mái, lưng thẳng, hai bàn chân đặt sát trên sàn, tay đặt trên đùi. 

2. Nhắm mắt. Tưởng tượng bạn đang ở một nơi đem lại cảm giác thư thái và yên bình.  

3. Tiếp tục tưởng tượng, hít thở sâu. Hít vào qua mũi và thở ra qua miệng. Thực hiện chậm rãi, dành thời gian ít nhất là 1 giây khi hít vào và thở ra. Hít thở nhiều lần như vậy với nhịp độ đều đặn cho đến khi cảm thấy thư thái.

4. Khi bạn đã có cảm giác yên bình, trong lúc hít vào, mắt vẫn nhắm, nhìn lên (kích hoạt phần vỏ não phụ trách thị giác). Khi thở ra, nhìn xuống và từ từ mở mắt (toàn bộ quá trình này diễn ra cùng nhịp độ với động tác hít thở).  

5. Tập trung. Bây giờ bạn đã ở trạng thái Alpha, một trạng thái tập trung cao độ mà trong đó não bộ sẵn sàng tập trung vào bất cứ việc nào mà bạn chọn làm. Ý nghĩa thực sự ở đây là mọi việc bạn chọn làm tiếp theo sẽ dễ tập trung hơn, và bạn sẽ không dễ dàng bị phân tâm.

  • Nhớ rằng trạng thái Alpha rất gần với trạng thái Theta và Delta (trạng thái của não khi ngủ), do đó bạn cần phải thực hiện việc này khi tỉnh táo và ngồi dậy để không rơi vào giấc ngủ.
  • Nếu muốn quay về trạng thái Beta (trạng thái mặc định của não khi thức), bạn chỉ cần cố gắng bừng tỉnh, đi một vòng và bạn sẽ quay lại trạng thái ban đầu.

  Phương pháp 3: Cải thiện sự tập trung    

1. Cải thiện khả năng tập trung. Có thể bạn nghĩ rằng mình hay bị phân tâm, nhưng bất cứ ai cũng có thể cải thiện sự tập trung nếu có một chút động lực. Mọi việc bạn cần làm chỉ là chọn một nhiệm vụ và ra hạn định 30 phút để chỉ làm việc đó mà không có bất kỳ xao lãng nào – thậm chí không đứng dậy. Khi đã hết thời gian 30 phút, bạn hãy thử xem có thể kéo dài thời gian tập trung thêm 5 hay thậm chí 10 phút không. Cứ tiếp tục như vậy để xem bạn có thể tăng cường khả năng tập trung không.

  • Tuy rằng cách một giờ bạn nên nghỉ giải lao một lần, việc học cách tập trung lâu hơn sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hoàn thành nhiệm vụ phía trước và có khả năng tập trung trong thời gian ngắn hơn.

  2. Đọc nhiều hơn. Đọc sách là phép thử khả năng tập trung của trí não vào từng nhiệm vụ một. Nếu bạn lúc nào cũng lăm lăm chuyển kênh ti vi, liên tục đổi sóng radio hoặc nhắn tin cho năm người bạn cùng lúc, dần dần bạn sẽ mất đi khả năng chỉ tập trung vào một nhiệm vụ. Nên dành thời gian mỗi ngày ít nhất 30 phút đến 1 tiếng để đọc sách. Bạn có thể đọc báo, tiểu thuyết hoặc truyện phi hư cấu. Những thứ bạn đọc không phải là điều quan trọng, quan trọng là bạn thật tập trung và tránh những thứ gây xao lãng.

  • Khi đọc xong, bạn hãy tự hỏi mình về những điều đã đọc. Ý chính của đoạn văn hoặc bài viết là gì? Các nhân vật chính là những ai? Các lập luận chính mà tác giả nêu ra là gì? Xem thử bạn có thực sự tập trung vào những điều mình đọc không.
  • Việc học cách tập trung vào tài liệu đọc sẽ giúp bạn viết và tiếp thu các thông tin được viết ra khi bạn ôn thi hoặc thực hiện dự án ở nơi làm việc.

  3. Không trì hoãn. Sự trì hoãn là kẻ đánh cắp thời gian. Tránh hẹn lần hẹn lữa rằng ngày mai, tuần sau hoặc tháng sau sẽ làm. Thay vì thế, bạn hãy làm ngay bây giờ và chuyển sang dự án tiếp theo.   4. Bớt làm nhiều việc cùng lúc. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng làm nhiều việc cùng lúc sẽ cho phép bạn đồng thời hoàn thành nhiều nhiệm vụ, nhưng bạn đã nhầm. Cách làm việc này thực ra khiến bộ não bị xáo trộn, hoạt động chậm lại và không tập trung hoàn toàn vào một nhiệm vụ nào. Mỗi lần bạn chuyển đổi giữa hai nhiệm vụ là lại phải thiết lập lại tâm trí và công việc sẽ đi chậm lại.

  • Đây là lúc bạn cần có trong tay bản danh sách những việc cần làm. Nó sẽ tiếp thêm động lực cho bạn hoàn hoàn thành từng nhiệm vụ một.

  5. Tránh những thứ khiến bạn xao lãng. Những yếu tố gây xao lãng là kẻ thù của sự tập trung. Để có thể hoàn toàn tập trung, bạn phải biết cách tránh những nhân tố gây phân tâm. Nếu làm được điều này, bạn đã thành công một nửa. Sau đây là một vài cách:

  • Đừng để mạng internet khiến bạn phân tâm. Cố gắng mở càng ít thẻ tab càng tốt. Càng nhiều thẻ được mở, bạn sẽ càng làm nhiều việc cùng lúc và càng bị phân tâm. Cách mỗi một hoặc hai tiếng đồng hồ, bạn có thể cho mình năm phút để kiểm tra email, Facebook hoặc các trang mạng xã hội khác mà bạn không thể sống thiếu chúng được. Và dần dần bạn có thể “cai” các trang web này trong cả ngày.
  • Tránh nhắn tin hoặc chat về các vấn đề không liên quan đến công việc khi bạn đang làm việc. Những việc như vậy ngốn thời gian kinh khủng và làm bạn xao lãng.
  • Không để người khác khiến bạn phân tâm. Đừng để mọi người khiến bạn mất tập trung vào công việc, cho dù đó là bạn học cùng nhóm, đồng nghiệp hoặc một người bạn hay nhờ vả. Gạt những vấn đề cá nhân qua một bên cho đến khi làm xong công việc, bạn sẽ hoàn thành công việc nhanh hơn và có thể tận hưởng đời sống cá nhân nhiều hơn.
  • Đừng để bị phân tâm vì hoàn cảnh xung quanh. Nếu đang ở trong môi trường ồn ào, bạn có thể nghe nhạc êm dịu hoặc mua tai nghe ngăn chặn tiếng ồn. Mặc dù chúng ta thường dễ bị cám dỗ nhìn xung quanh xem những người khác đang làm gì, nhưng bạn nên cố gắng chỉ cho phép mình cách khoảng 10 phút mới nhìn lên một lần để duy trì sự tập trung.

  6. Tránh uống quá nhiều caffeine. Tuy một cốc cà phê hay một tách trà mỗi ngày có thể giúp bạn có thêm năng lượng và sẵn sàng bắt đầu một ngày làm việc, nhưng nếu dùng quá nhiều thì caffeine có thể khiến bạn cố gắng quá sức để tập trung, thậm chí bồn chồn hoặc run rẩy sau vài tiếng. Tốt hơn là bạn nên giữ cơ thể đủ nước và chỉ uống một tách trà mỗi ngày thay vì đưa vào cơ thể quá nhiều caffeine khiến bạn vội vàng lao vào làm cho xong công việc.  

  

Phương pháp 4: Duy trì động lực  

1. Xác định mục đích của bạn. Việc đặt ra mục đích để hoàn thành công việc sẽ giúp bạn có động lực, nhờ đó bạn có thể tập trung hơn. Một trong các nguyên nhân khiến chúng ta mất tập trung là vì chúng ta không thấy được điều quan trọng của nhiệm vụ phải làm và chuyển sang làm việc khác. Khi đã tìm được mục đích, bạn hãy ghi ra hoặc nói đi nói lại với mình để đặt năng lượng vào đúng chỗ. Mục đích sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự tập trung.

  • Nếu đang học bài, bạn hãy nhắc bản thân rằng tại sao việc học lại quan trọng. Có thể việc đạt điểm xuất sắc trong bài trắc nghiệm hoặc bài thi không quan trọng, nhưng quan trọng là việc thành công trong khóa học bao gồm các điểm số kiểm tra, và có được những điểm số tốt sẽ là điều quan trọng để bạn đạt được các mục tiêu về nghề nghiệp, bất kể là nghề gì.
  • Nếu bạn đang làm việc, hãy nhắc nhở mình rằng tại sao công việc của bạn quan trọng, và tại sao nhiệm vụ bạn đang làm thực sự quan trọng. Nếu việc đó không quan trọng với bạn nhưng lại là một phương tiện giúp bạn tiến tới đích, bạn hãy nhắc mình về mọi thứ mà bạn có thể có được nhờ công việc đó hoặc mọi hoạt động vui vẻ mà bạn có thể làm khi đã xong công việc.

  2. Xác định mục tiêu của bạn. Mục tiêu của bạn trong việc hoàn thành nhiệm vụ là gì? Điều này có thể chỉ đơn giản là làm xong bổn phận trong ngày ở nơi làm việc hoặc học hành, là để dành đủ tiền để mua một chiếc thuyền, là thăng tiến trong sự nghiệp. Mục tiêu của bạn cũng có thể chỉ là dọn dẹp xong toàn bộ căn nhà để mở một buổi tiệc vui nhộn, hoặc chạy bộ đủ 40 phút mà không bỏ cuộc để bạn có dáng vóc cân đối hơn. Mục tiêu có thể là phần thưởng đạt được sau bao vất vả gian truân khiến cho nhiệm vụ của bạn càng đáng làm.    

3. Lặp đi lặp lại “câu thần chú về sự tập trung”. Khi đã biết chính xác mục đích và mục tiêu của bạn là gì, bạn có thể đặt ra câu thần chú để nhắc đi nhắc lại với chính mình mỗi khi bạn bị phân tâm. Đó có thể là một cụm từ đơn giản mà bạn nhẩm lại khi tâm trí bắt đầu đi lan man để đưa nó quay trở lại. Bạn có thể chỉ cần nói những câu như, “Không lên Facebook, không nhắn tin, không xem ti vi cho đến khi làm xong công việc. Khi đó, mình sẽ đạt điểm tối đa trong bài kiểm tra hóa, và nếu mình đạt điểm tối đa bài kiểm tra hóa thì mình sẽ được xếp hạng A trong lớp!”  

Lời khuyên

  • Ý chí cũng giống như cơ bắp, bạn càng tập luyện nhiều thì nó càng trở nên mạnh mẽ.
  • Nghĩ về bản thân như một người có tinh thần mạnh mẽ, người có thể kiểm soát được những ý nghĩ của mình.
  • Không ai có thể làm điều này thay bạn. Bạn phải làm việc hết sức mình để tăng cường sức mạnh ý chí.
  • Thành công thường đến với những người bình thường nhưng làm việc với những phương pháp phi thường.
  • Đừng rơi vào sự ghen tỵ. Sự ghen tỵ khiến bạn yếu đuối đi. Niềm cảm hứng và đam mê giúp bạn mạnh mẽ hơn.
  • Không đặt ra mục tiêu từ những thứ mà bạn không say mê. Bạn nên dựa vào một điều gì đó truyền cảm hứng và đem lại cho bạn sự an tâm và tự tin, sau đó lên kế hoạch lớn hơn thế nhiều lần và hướng tới đạt mục tiêu.
  • Ghi nhật ký thời gian để xem lại và biết rằng bạn đã sử dụng thời gian như thế nào.
  • Dùng các phần thưởng nhỏ khi hoàn thành xong một nhiệm vụ để tạo động lực cho mình.
  • Giãn cơ và hít thở; động tác giãn cơ sẽ giúp máu lưu thông suốt cơ thể; hít thở sẽ đưa ô-xy đến các cơ bắp và não, nhờ đó giúp bạn giãn cơ.
  • Luôn luôn ghi chép lại những công việc mà bạn đã hoàn thành và không hoàn thành. Cố gắng gia tăng các nhiệm vụ thành công. Điều này sẽ tạo động lực để bạn duy trì sự tập trung vào các nhiệm vụ trước mắt thay vì chú ý đến các thứ khác có thể khiến bạn xao lãng.

Theo wikihow.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,656 lượt xem