Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

5 Cách Để Hiểu Chính Mình Hơn Và Tìm Ra Công Việc Bạn Yêu Thích

Self-awareness (tự hiểu chính mình) là một phần trong kế hoạch phát triển sự nghiệp cá nhân mà bọn mình phải làm trước khi tốt nghiệp. Tranh thủ trong lúc làm bài, lọc chia sẻ vài điều đọc được mà mình nghĩ các bạn trẻ, đặc biệt những bạn đang là sinh viên đại học có thể tham khảo.

Về cơ bản, tự hiểu chính mình là việc chúng ta nhận thức rõ ràng được điểm mạnh, điểm yếu, đức tin, sở thích, cảm xúc và động lực của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi chúng ta hiểu rõ chính mình, chúng ta sẽ tự tin và sáng tạo hơn, chúng ta đưa ra các quyết định đúng đắn hơn, có các mối quan hệ tốt hơn và giao tiếp hiệu quả hơn. Trong lúc làm bài tập, mình cũng tìm được nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy tự hiểu chính mình là một phần cần thiết trong quá trình lập kế hoạch phát triển sự nghiệp cá nhân. Làm tốt bước này, chúng ta có thể lạc quan rằng mình sẽ có một sự nghiệp thành công.

Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để tự hiểu bản thân mình và tìm ra được công việc mà mình yêu thích? Dưới đây là 5 cách mà mình nghĩ các bạn có thể thử.

1. Thử nhiều kiểu công việc khác nhau

Để hỗ trợ bọn mình lập kế hoạch phát triển cá nhân hiệu quả, trường mình sắp xếp cho mỗi đứa có một mentor (người hướng dẫn). Mentor của mình là một chuyên gia PR đã có gần hai mươi năm kinh nghiệm trong mảng Public Affairs (PA - một nhánh của PR). Ông ấy chia sẻ rằng trước khi quyết định gắn bó với PA, ông đã thử qua nhiều mảng khác nhau như Consumer PR, Internal Communications, Media Relations…

Ông có nói một điều mà mình thấy rất đúng, đó là khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có nhiều cơ hội để thử và sai hơn. Các đợt thực tập ngắn hạn, các đợt làm thêm trong hè trong thời gian học đại học là cơ hội để chúng ta trải nghiệm các công việc khác nhau và biết mình thực sự muốn làm gì. Thêm một lời khuyên nữa từ ông mà mình muốn chia sẻ, dù bạn làm việc gì một tháng hay hai tháng, hãy làm hết mình. Có như vậy bạn mới hiểu bạn có thích hợp với nó hay không và sau này bạn sẽ không hối tiếc.

2. Học thêm nhiều điều mới

Ngoài làm thì trong lúc học, chúng ta cũng hiểu thêm nhiều điều về bản thân mình. Hãy tặng cho bản thân mình thêm những kỹ năng mới, cho dù đó là học vẽ, học nhảy, học code, học thiền… Mình từng đăng ký đi học nhảy, mua cả đống đồ nghề về để học vẽ, dành cả tuần trời để học code, chăm chỉ nhảy xe buýt đi học tiếng Trung và còn rảnh rỗi học thêm trăm thứ “nhăng cuội” khác nữa. Nói chung là mình nhảy vẫn rất tởm còn vẽ thì vẫn chỉ ra giun nhưng ít nhất mình biết là mình đã thử nó và nhận ra là mình không có năng khiếu nghệ thuật như mình vẫn nghĩ (LOL). Nhưng bù lại, mình có cách khác để thể hiện nghệ thuật, viết lách và thiết kế này. Nếu mình không học viết, không học thiết kế, mình làm sao biết mình có thể làm được và thích làm nó đến vậy.

Trên mạng có rất nhiều trang web mang đến các khoá học miễn phí. Hiện tại mình hay học trên FutureLearn, Skillshare, Coursera, các bạn có thể tìm thêm, rất nhiều lựa chọn khác nhau. Chỉ cần bạn muốn học mà thôi.

3. Làm các bài kiểm tra tính cách

Các bạn biết không, tính cách là thứ có thể thay đổi theo thời gian và theo ý muốn của chúng ta (điều này mình rất rất muốn viết thành một bài riêng vì mình đọc khá nhiều tài liệu về chủ đề này và thấy siêu siêu thích, nên trong bài này sẽ không nói nhiều). Nhưng việc của chúng ta vẫn là hiểu được tính cách của mình. Đây là nhiệm vụ khó cực kì nhưng các nhà khoa học đã tạo ra các công cụ khiến việc này trở nên dễ dàng hơn. Mình sẽ liệt kê ở đây vài bài kiểm tra tính cách mà mình đã làm qua và thấy kết quả khá chính xác.

www.16personalities.com/personality-types - 16 tính cách

Cái này thì mình đã chia sẻ trong bài viết về người hướng nội học truyền thông rồi. Ngoài việc cho thấy bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, nó còn chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách của bạn, đặc điểm các mối quan hệ xã hội, đường tình duyên, con đường sự nghiệp của bạn và đặc biệt là gợi ý các nghề mà tính cách của bạn sẽ phù hợp). Các bạn đều đã làm bài này rồi đúng không? 

www.roguecc.edu/Counseling/HollandCodes/test.asp - Holland Codes (RIASEC)

Cái này có nhiều trang khác nhau đưa ra bài kiểm tra nhưng mình làm trên trang này. Các bạn chọn cách tính từ, động từ miêu tả các hành động giống với bạn nhất và bài kiểm tra sẽ cho ra kết quả xem số điểm của bạn tương ứng với từng mã code Realistic (R), Investigative (I), Artistic (A), Social (S), Enterprising (E), Conventional (C). Hai hoặc ba mã code có điểm cao hơn sẽ tạo thành mã Holland của bạn. Ví dụ, trong lần gần nhất làm Holland Codes thì mã của mình là IRA (đúng là mình không nghệ sĩ chút nào thật).

Các bạn có thể tìm thấy trên trang này cũng như nhiều trang khác giải mã của từng code cũng như gợi ý nghề nghiệp đối với từng mã. Một vài trường ĐH ở châu Âu và ở Mỹ cũng sử dụng mã Holland trong các catalogue giới thiệu các khoá học của họ. Ví dụ, khoá học Digital Innovation sẽ hợp với các bạn có mã code nào còn khoá Media and Communications sẽ hợp với các bạn có mã code nào chẳng hạn.

www.viacharacter.org/www/Character-Strengths - 24 điểm mạnh trong tính cách

Bài kiểm tra này cũng miễn phí luôn. Sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi, nói chung là bài kiểm tra nào cũng đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Và kết quả sẽ cho ra tính cách nào mạnh nhất, nổi trội nhất trong nhóm 24 tính cách của bạn. 24 tính cách này được chia thành Wisdom, Courage, Humanity, Justice, Temperance, và Transcendence. Lần làm gần nhất cho thấy tính cách nổi trội nhất của mình là Kindness nằm trong nhóm Humanity. Nói chung là có một chút sai nhẹ nào đó ở đây vì mình thấy mình chưa được tử tế lắm.

4. Tự kiểm điểm (Self-reflection)

Mình thấy từ “tự kiểm điểm” không đúng ý mình định nói nhưng các bạn hãy tạm tha thứ cho vốn từ hạn hẹp của mình nhé. Ý mình là mỗi ngày chúng ta nên dành thời gian một ít ít để suy nghĩ về bản thân mình. Nhiều bài viết đưa thiền vào làm cách để hiểu về bản thân mình hơn. Có thể mình không hiểu lắm về thiền, nhưng mình nghĩ thiền giúp bạn thư thái, tập trung vào nhịp thở để quên đi mọi thứ, để sau đó đầu óc tỉnh táo hơn. Nhưng trong lúc thiền thì chúng ta không nghĩ gì cả, kể cả nghĩ về bản thân mình, đúng không các bạn ơi.

Để “tự kiểm điểm” bản thân mình, các bạn có thể viết ra giấy, hoặc đi dạo và nghĩ trong đầu. Từ bỏ cảm giác tức giận hay lo lắng để bình tĩnh nghĩ xem điều gì là quan trọng với bản thân mình và mình có ABC, XYZ không. Nhiều ngày sau khi làm việc chán chê, tham gia các buổi thuyết trình ở văn phòng, trở về nhà và mình chỉ nằm nhìn trần nhà và nghĩ về những gì mình đã làm, tốt chưa, có thể làm gì khác. Rốt cuộc nghĩ xong thì thấy bản thân mình còn tệ quá và phải cố gắng hơn. Cố lên, cố lên.

5. Nhờ người khác góp ý

Trong lúc học, bọn mình được giới thiệu một lý thuyết để tự hiểu bản thân mình khá hay. Hơi hơi giống SWOT ở chỗ cũng vẽ ra bốn ô. Nhưng các trục được gắn với các thông tin khác nhau, nói về mức độ nhận biết các tính cách, khả năng của bạn. Có những khả năng mà bạn có, cả bạn và người khác đều biết. Có những khả năng mà bạn có, chỉ bạn mà người khác không biết. Và ngược lại, có những khả năng hay tính cách mà bạn có, nhưng chỉ người khác nhìn thấy còn bạn thì không. Những điểm này được gọi là “blind spots” (điểm mù).

Để nhìn ra các điểm này, chúng ta cần nhờ đến sự góp ý chân thật từ người khác. Cơ mà để có được góp ý chân thật thì chúng ta xác định tư tưởng từ đầu. Đơn giản vì ai trong chúng ta cũng thích được khen và không ai thích bị chê cả. Điều này hết sức bình thường. Nhưng nếu chê đúng để chúng ta phát triển thì vẫn phải nghe và nên nghe nhé. Hỏi bạn bè, hỏi sếp, hỏi bố mẹ,… Nếu nhận được câu trả lời thành thật quá thì đừng giận người ta nhé, họ cũng chỉ muốn tốt cho bạn thôi.

Mình hay hỏi bạn và em mình về những quyết định của mình. Rất nhiều lần bị chê là làm dở, chọn dở. Những lúc đó mình hay sửng cồ và bảo chúng nó bị điên, còn mình thì giả vờ như mình chẳng quan tâm. Nhưng đến tối về là mình mang mấy điều chúng nó nói ra để soi và từ từ khắc phục. Mình phải tốt lên trong im lặng thì chúng nó mới phục các bạn ạ (LOL).

Sau khi viết bài này thì mình nhận ra là mình có cảm hứng viết thêm bài nữa về việc tính cách thay đổi và việc lập trình con đường nghề nghiệp theo cách không lập trình. Các bạn đợi mình làm bài và đọc tiếp tài liệu rồi viết tiếp nhé.

Theo Góc nhỏ của Cây

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,110 lượt xem