Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

6 Hướng Dẫn Tự Học Thiết Kế Đồ Hoạ Cho Người Mới

Nếu bạn đang chân ướt chân ráo bước chân trên con đường tự học thiết kế đồ hoạ, thì xin chúc mừng bạn, bài viết này sẽ giúp các bạn định hướng rõ ràng từng bước từng bước các bạn cần phải đi như thế nào, bắt đầu từ đâu và cần lưu ý những gì khi học thiết kế đồ hoạ.

1: Bạn học đồ hoạ để làm gì?

Tôi chỉ ước rằng khi mình mới bắt đầu học thiết kế kế đồ hoạ có người hỏi tôi câu này để tôi để tôi không phải mất tới 3 năm để chỉ để học lan man, học “mót” các công cụ thiết kế nhờ việc tra google, cần học cái gì thì tìm cái nấy chứ không theo một hệ thống bài bản nào cả. Vậy trước khi bắt đầu tôi muốn các bạn hiểu rõ và kĩ hơn về Thiết kế Đồ Hoạ là gì, các bạn học để làm gì và các bạn muốn đạt được điều gì khi trên con đường chinh phục thiết kế. Trả lời được câu hỏi trên bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian để tập trung vào đúng trọng tâm mục tiêu đề ra.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng học thiết kế phải có năng khiếu, phải vẽ đẹp, hay phải cần có mắt thẩm mỹ,vv… Tuy nhiên sự thật là nếu có những năng khiếu trên thì việc học thiết kế sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn chứ không phải là điều kiện tiên quyết. Điều đầu tiên khi học thiết kế đồ hoạ đó là bạn phải muốn học, bạn cần học và bạn sẽ quyết tâm học, hay nói cách khác là bạn phải có mục tiêu rõ ràng cụ thể khi đi học (hoặc tự học)

Nếu bạn học để có thể sử dụng các công cụ thiết kế các sản phẩm phục vụ học tập, các công việc liên quan đến Marketing, Truyền Thông, Thương hiệu ở mức độ ứng dụng được vào thực tế thì tất cả mọi người ai cũng có thể học được. Còn sâu hơn sang các lĩnh vực khác như Mỹ thuật đa phương tiện, 3D, kiến trúc, nội thất,… thì còn tuỳ thuộc vào việc bạn đam mê chúng tới đâu và năng khiếu thực sự của bạn là gì. Tôi sẽ phân tích sâu hơn cho các bạn trong bài viết về các yếu tố quyết định với việc bạn có năng khiếu phù hợp với việc học thiết kế hay không thông qua các loạt bài viết về Não bộ, trắc nghiệm tính cách và sinh trắc vân tay sau.

Còn trong bài viết này tôi sẽ đề cập sâu tới lộ trình học thiết kế phù hợp cho tất cả mọi người, những ai đã và đang bắt đầu học thiết kế.

2: Hãy lựa chọn đúng hướng đi

  • 95% các bạn tự học đều bắt đầu với việc học Photoshop.
  • 96% các bạn tự học phối màu theo cảm tính không có lý do rõ ràng.
  • 97% các bạn tự học thiết kế dùng Font chữ theo kiểu thích thì dùng.
  • 98% các bạn không biết dẫn dắt mắt nhìn.
  • 99% các bạn tự học thiết kế đồ họa đều học rất lan man, sai cách.

Và các điều trên là do tôi đọc được từ một Bloger và bạn ấy nói rằng 100% nó là… hư cấu =)))

Tuy nhiên sự thật là tôi cũng đã gặp các vấn đề trên khi học bắt đầu học thiết kế. Như tôi nói là 3 năm đầu tiên tôi nằm trong số những người được thống kê phía trên. Và nếu bạn là người đang tự học thiết kế và đọc được những dòng này thì xin chúc mừng bạn đã tiết kiệm được 3 năm để không bị đi lạc đường và chưa kể đến là bị học sai.

Photoshop chỉ là một phần mềm thiết kế được nhiều người biết đến nhất và ai cũng nghĩ rằng học thiết kế thì là phải dùng đến Photoshop và phải học phần mềm này đầu tiên. Tuy nhiên ngoài Photoshop thì còn rất nhiều phần mềm phục vụ công việc thiết kế khác mà tôi sẽ liệt kê sau. Nhưng nếu bạn chỉ học công cụ thì rất có thể bạn sẽ giống tôi nhiều năm trước, hổng một phần kiến thức nền tảng rất quan trọng trong thiết kế: Nguyên lý thị giác.

3. Nguyên lý thị giác – Nền tảng của thiết kế

Một thiết kế thành công là bạn phải làm hài lòng được mắt (thị giác) người xem từ đó truyền tải được thông điệp mong muốn. Để làm được điều đó thì bạn cần phải nắm được các nguyên lý về thị giác, nền tảng của thiết kế. Tất cả các bài phần tích chia sẻ về bố cục, sự hài hoà giữa các mảng khối, hài hoà về màu sắc, ý nghĩa của các đường nét font chữ chính là sự cảm nhận của thị giác và đương nhiên chúng đều có các nguyên lý mà các bạn sẽ phải tuân theo.

Điểm khác biệt giữa một Designer chuyên nghiệp và một người không chuyên đó là Designer nắm được nền tảng nguyên lý thị giác và sử dụng công cụ để thể hiện ý tưởng của họ. Còn người không chuyên đa phần sẽ chỉ biết sử dụng công cụ và tư duy thiết kế của họ hầu hết là theo “cảm tính”. Tuy nhiên không phải cảm tính của ai cũng là chính xác cả và đó là lí do mà chúng ta phải đi theo những nguyên tắc nhất định.

Dưới đây là 10 yếu tố chi phối thị giác trong thiết kế, mỗi yếu tố sẽ có đặc tính riêng. Bạn sẽ tạo ra các ý tưởng, truyền tải được các thông điệp cần đưa vào đến người xem nếu như sử dụng và kết hợp các yếu tố này một cách hợp lý. Điều này bạn sẽ được biết nếu như bạn theo học các trường lớp đào tạo về Thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp như Cao Đẳng, Đại Học, chứ còn khi tự học, rất khó để có thể tìm được những nguồn tài liệu bài bản về phần này.

  1. Line : đường nét
  2. Color : ánh sáng/màu sắc
  3. Shape : mảng khối
  4. Space : không gian
  5. Texture : chất liệu
  6. Typography
  7. Size / scale : kích thước
  8. Dominance and Emphasis : điểm nhấn
  9. Balance : cân bằng
  10. Harmony : nhịp điệu

Sản phẩm của bạn là đẹp hay xấu – nó có làm hài lòng mọi người hay không là đa phần là do các yếu tố này quyết định. Tất nhiên chỉ là đa phần thôi nhé, ngoài ra cồn một số các kĩ năng khác quan trọng mà mình sẽ chia sẻ tiếp theo.

Song song với việc học các nguyên lý trên thì việc quan trọng không kém đó là bạn nên áp dụng ngay và luôn vào việc sử dụng các công cụ thiết kế cơ bản nhất. Việc học và thực hành luôn sẽ giúp bạn nắm kiến thức nhanh và tiết kiệm được thời gian học hỏi. Bởi chúng ta đang tự học mà, đâu có nhiều thời gian 3-4 năm như học tại các trường lớp.

4. Học Photoshop, Illustrator

Đây là bộ đôi công cụ anh em nổi tiếng họ nhà Adobe. Bất cứ ai muốn trở thành Designer thì đều phải thành thạo bộ đôi công cụ này trước khi nhảy sang các công cụ chuyên dụng khác:

Photoshop thì mọi người đã biết đến khá nhiều với tính năng chỉnh sửa ảnh đến nỗi từ “photoshop” được gọi như là một từ thay thế cho từ “chỉnh sửa”: Bức ảnh này mày photoshop rồi đúng không?

Illustrator hay còn gọi là AI (viết tắt của Adobe Illustrator) là phần mềm đồ hoạ vector với nguyên lý cơ bản đó là sử dụng vector để lưu trữ các thành phần đồ hoạ. Ilustrator vượt trội với ưu điểm là độ chính xác cao, zoom không bao giờ vỡ hình.

Để hiểu đơn giản, nếu coi Photoshop là phần mềm chỉnh sửa trên những thứ có sẳn ( ảnh bitmap) thì AI là phần mềm có thể tạo nên (vẽ) nên mọi thứ. Thành thạo bộ đôi phần mềm này là bạn có thể làm ngon ơ các công việc như Thiết kế in ấn, Thiết kế truyền thông (Poster, flyer, banner, standee, ava FB, ảnh instagram, zalo,….), Thiết kế thương hiệu (LOGO, broucher, Catalogue, bộ nhận diện thương hiệu,….) và nhiều công việc khác.

Để học và tìm hiểu sâu hơn về Photoshop và Illustrator các bạn có thể đọc thêm các bài viết sau:

So sánh Photoshop và Illustrator

Cách học Photoshop nhanh nhất

Cách học AI nhanh nhất

5. Thực hành thực tế, kiếm tiền từ thiết kế

Sau khi đã có những kiến thức nền tảng về thiết kế và sử dụng được các công cụ cơ bản, các bạn cần phải vận dụng ngay kiến thức đã học vào việc thực hành thực tế. Thiết kế thực tế sẽ khác xa những gì bạn tưởng tượng hoặc những thứ mà bạn tâm đắc trong quá trình học. Bạn sẽ được nếm trải cảm giác trở thành những “sinh vật đáng thương” nếu như xui xẻo gặp phải những khách hàng, những ông chủ, bà chủ chả biết cái *** gì về thiết kế. Ngoài việc rèn luyện khả năng chịu đựng, khả năng xoay xở trước những yêu cầu trên giời dưới đất của khách hàng, bạn sẽ quen với việc ưu tiên hơn những thiết kế có tính ỨNG DỤNG thực tế hơn mà vẫn không bị mất đi chất sáng tạo trong sản phẩm thiết kế. Việc thực hành thực tế cũng là cách tốt nhất để bạn ôn luyện, rèn rũa kĩ năng sử dụng công cụ, thành thạo phím tắt và những tip, mẹo để có thể tăng tốc độ thiết kế lên Max Speed. Những khi chiến đấu với deadline, tranh luận với khách hàng và những lần chỉnh sửa không biết đến khi nào khách hàng mới hài lòng dần dần sẽ rèn luyện bạn trở thành những Designer chuyên nghiệp cả về kĩ năng lẫn cách làm việc với Khách hàng/sếp.

Điều bù đắp duy nhất khi các bạn bước vào giai đoạn này đó là ngoài những kinh nghiệm được rèn rũa phía trên, các bạn sẽ có thêm những khoản thù lao ở mức khá. Tuỳ thuộc trình độ cũng như khả năng hút việc của bạn, bạn sẽ có mức thu nhập mà nhiều ngành nghề phải mong ước. Các bạn có thể chọn cho mình một môi trường phù hợp để có thể trải nghiệm các công việc thực tế như:

  • Làm việc tại các công ty Dịch vụ thiết kế, in ấn.
  • Làm việc tại các Agency về Marketing, Sáng tạo
  • Làm việc tự do (Freelancer)

Một lời khuyên cho tất cả các bạn khi đến giai đoạn này đó là nên biết cách trân trọng giá trị lao động của mình và ra giá phù hợp, chứ không nên là cứ làm Free nhé để lấy kinh nghiệm nhé. Nhớ kĩ 1 điều đó là: If you good at something, never do it for free.

6. Luôn Update và cập nhật kiến thức mới

Riêng đối với việc học thiết kế đồ hoạ, việc tự học, tự update là một trong những kĩ năng quan trọng mà bất cứ ai theo đuổi ngành này đều phải có. Các phần mềm thiết kế được cập nhật phiên bản mới liên tục, các xu hướng thiết kế cũng thay đổi. Nếu bạn không biết cách để cập nhật đi kịp thời đại thì những kiến thức bạn học ngày hôm qua có thể đến ngày hôm nay sẽ không còn có giá trị gì nữa rồi. Bởi vậy hãy cập nhật kiến thức mới mỗi ngày bằng khả năng tự học hỏi và tư duy của mình. Bạn sẽ không thể học hết tất cả mọi thứ nhưng bạn sẽ phải biết cần phải học những gì:

  • Mẹo sử dụng Google hiệu quả
  • Tiếng anh cho Designer
  • Kiến thức Marketing – thương hiệu
  • UX & UI (updating…)
  • Kiến thức xã hội (updating…)
  • Những điều cần lưu ý khi làm việc với khách hàng
  • Tìm hiểu Typography
  • Các định dạng ảnh
  • Kho Font chữ tiếng Việt – Việt hóa font chữ
  • Các mấu chốt cần biết về màu sắc dành cho Designer tự học
  • Tìm kiếm những xu thế thiết kế mới
  • (updating…)

Phía trên là toàn bộ quá trình cho các bạn bắt đầu tự học thiết kế đồ hoạ cơ bản. Mình đã cố gắng tổng hợp lại dựa trên những kinh nghiệm cá nhân cũng như tham khảo thêm các nội dung khác mà mình nghĩ sẽ cần thiết cho các bạn, giúp các bạn tiết kiệm thời gian và công sức khi học. Mình hi vọng những chia sẻ trên của mình hữu ích cho nhiều bạn. 

Theo blog.beyo.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

12,180 lượt xem