Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

6 “Tuyệt Kỹ" Để Cải Thiện Khả Năng Phát Âm

Có một sự thật phũ phàng rằng ngay cả khi vốn từ vựng tiếng Anh của bạn là hoàn hảo thì việc để người khác hiểu bạn vẫn có thể khó khăn nếu vấn đề nằm ở phát âm của bạn.

Nếu bạn đang cảm thấy ngữ pháp (Grammar) là thứ khó “nuốt” nhất khi học tiếng Anh thì không đâu. Việc phát âm chuẩn từng âm một ngôn ngữ khác mới là khó khăn thực sự.

Vì sao vậy?

Do các âm trong ngôn ngữ khác, hay trong tiếng Anh có những âm mà tiếng Việt chúng ta không có ví dụ như âm /t/, âm /ae/. Chúng ta không thể tự nghĩ ra vì vậy bạn phải nghĩ cách để hình thành một âm hoàn toàn mới và khác xa.

Không những thế, các từ của tiếng anh lại có những âm không được phát âm hoặc phát âm khác nhau từ một mặt chữ. Ví dụ: chữ ‘a’ trong “cat” đọc là /ae/, chữ ‘a’ trong “after” đọc là /a:/ hay bomb, tomb đều không được phát âm ‘b’ ở cuối.
Bạn đang cảm thấy học phát âm tiếng Anh chuẩn và hay thật phiền phức là lằng nhằng?

Ồ! Phải công nhận đây là một mục tiêu phức tạp và vất vả đây. Vì thế, hãy cũng điểm qua 5 “bí kíp” học phát âm của Domino mà bạn có thể tự tập mọi lúc mọi nơi nhé!

1. Lắng nghe nhiều hơn

Có rất nhiều người học tiếng Anh cho rằng: muốn nói hay, phát âm chuẩn cứ nói nhiều là được; Nói thật nhiều cho quen miệng, quen khẩu hình, quen âm. Nghe khá thuyết phục phải không?
Vậy thì ngôn ngữ chúng ta đang nói hình thành từ đâu? Tại sao chúng ta có thể nói tiếng Việt trôi chảy và “cao siêu” như bây giờ?
“Mẹ ơi cho con bát cơm”


Tại sao chúng ta lại biết đặt chữ “cho” lên trước “bát cơm” thay vì đẩy động từ xuống cuối câu như trong tiếng Nhật? Và nếu nói “Mẹ ơi! Con bát cơm cho” sẽ bị cười cho “thúi mũi” nữa chứ.
Điều này chứng tỏ căn nguyên của việc nói được chính là từ những âm thanh/ từ ngữ chúng ta nhận vào (INPUT) bằng các hình thức như đọc, nghe. Chúng ta cần nghe người xung quanh nói từ “bà” đủ nhiều, nhìn thấy khẩu hình miệng của họ đủ nhiều để có thể phát âm đúng những từ đó khi mới tập nói. Và sau đó là OUTPUT – tức là nói ra để tự nghe được liệu mình có đang nói đúng hay không. 

Đừng dừng lại ở việc OUTPUT – nói nhiều, nói nhiều nhưng sai cũng giống như ai đó nói ngọng (âm /l và /n/) và không nhận ra mình ngọng bởi họ không CHÚ TÂM để nghe sự khác biệt giữa “lên” và “nên” mà chỉ nói theo thói quen và sau này lại rất khó sửa.
Vì vậy, hãy lắng nghe thật nhiều trước hết, để biết cách đọc, biết cách đọc đúng, biết các cách để đọc đúng, như vậy, quá trình học phát âm đã dễ dàng hơn rất nhiều rồi.

Nghe thế nào ư?
Hãy bắt đầu từ những bộ phim, bài hát mà bạn thích, chú tâm lắng nghe từng cách đọc, đừng lướt qua vội vàng nhé!

2. Chú ý cách miệng, môi và lưỡi của bạn di chuyển.

Khi bạn nói, miệng phải di chuyển đúng cách – hay còn gọi là khẩu hình. Để có một phát âm đúng thì khẩu hình cần phải chuẩn.

Bước đầu tiên để có khẩu hình chuẩn chính là chú ý tới cách miệng di chuyển. Có một vài cách bạn có thể kiểm tra xem khẩu hình miệng có đang chính xác nếu bạn đang tự luyện tập và không có ai để kiểm tra giúp bạn:

  • Sử dụng một chiếc gương. Đây là một cách truyền thống và hiệu quả để biết rằng bạn có đang làm đúng hay không.
  • Xem người khác và chú ý tới khẩu hình của họ khi đang nói chuyện (tuy nhiên không phải cứ nhìn chằm chằm mãi đâu nhé!). Hãy thử làm theo các diễn viên hay người dẫn chương trình theo truyền hình. Xem liệu bạn có thể làm giống hệt với khẩu hình và biểu cảm như vậy?
    Đây gọi là quá trình nhại giọng, khi tập nói, bạn cần bắt chước trước rồi mới có thể tự hình thành cách nói riêng phải không nào?

Với các âm khó, hay Google hoặc tìm cách phát âm từng âm có hướng dẫn bằng hình ảnh mô phỏng khoang miệng cũng như cách để lưỡi để dễ hình dung hơn nhé.

3. Kỹ thuật tách “âm tiết”

Từ ngữ được tạo thành từ âm tiết (syllable). Một từ có thể có một hay nhiều âm tiết, ví dụ, “table” có 2 âm tiết: ta-ble. Việc tách âm tiết sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc phát âm chuẩn và nhanh.

Để kiểm tra xem liệu bạn có phát âm đủ số âm tiết (nếu không biết cách đọc hãy tra từ điển nhé!), đặt bàn tay của bạn phẳng dưới cằm của bạn. Hãy phát âm từ từ. Mỗi lần cằm của bạn chạm vào bàn tay của bạn, đó là một âm tiết.

Cùng thử lại với từ INTERESTING mà rất nhiều bạn mới học phát âm cảm thấy khó nhằn nhé!

Bạn hãy đoán xem từ này gồm bao nhiều âm tiết? 4 hay 3?

Câu trả lời đúng là 3, vì vậy đừng đọc là In-tơ-rét-ting nhé. Phiên âm của từ này như sau: /ˈɪntrestɪŋ/. Bạn cảm thấy có chút khó khăn khi phải nối liền âm TER với ES?
Cùng tách âm ra để tập chậm lại nhé: /ˈɪn/ hãy tập mỗi âm riêng biệt 3 lần nhé. /ˈɪn/. Tiếp tục với /tres/, 3 lần nữa nhé. Và cuối cùng là /tɪŋ/. Khi mới tập, hãy cữ giữ tốc độ chậm để chắc chắn rằng bạn phát âm chuẩn từng âm tiết, và dần dần tăng tốc độ lên nhé. Nhưng còn một bí quyết nữa KHÔNG THỂ THIẾU để đọc đúng các từ, cùng xem số 4 nhé!

4. Luôn có trọng âm với từ có nhiều hơn 2 âm tiết, và nhấn mạnh từ trong câu

Tiếng Anh là một ngôn ngữ có nhịp điệu. Điều đó có nghĩa một số từ và âm tiết là quan trọng hơn những từ/ âm tiết khác. Bạn có thể nghe thấy điều này khi tra từ điển hay nghe phát âm một từ nào đó.

Ví dụ, Introduce gồm có 3 âm tiết (phiên âm /ɪntrəˈduːs/). Dấu phẩy đơn ở trước âm tiết nào thì âm tiết đó là trọng âm từ. Có nghĩa, khi phát âm 1 từ bạn cần phải nhấn mạnh vào từ đó. 

Điều này là vô cùng quan trọng và không có trong tiếng Việt nên có rất nhiều bạn mới học sẽ không chú ý đến gây ra các sự hiểu sai lệch khi phát âm. Bởi một từ có thể có nghĩa thay đổi khi thay đổi trọng âm như “present”. Trọng âm 1 nó có nghĩa là “món quà”, nếu là trọng âm 2 nghĩa thay đổi thành “thuyết trình”.

Nếu tất cả điều này có vẻ quá phức tạp, đừng lo lắng về việc ghi nhớ tất cả những luật lệ bởi cách tốt nhất chính là lắng nghe và thực hành. Hãy nhớ rằng hầu hết người nói tiếng Anh bản xứ không biết các quy tắc, họ chỉ nói những gì “có vẻ đúng.”

Một câu cũng cần “nhấn” vào các từ chủ đạo. Việc nhấn vào các từ chính giúp cho người nghe nhận diện được thông điệp của bạn cũng như thể hiện cảm xúc tốt hơn từ người nói. Sẽ có những quy tắc thông thường cho việc nhấn mạnh và từ trong câu như thế nào (sentence stress) tuy nhiên nhìn chung, hãy cứ nhấn mạnh vào các từ mang nội dung mà bạn muốn truyền tải.
Ví dụ, “I go to school by bus everyday”. Nếu bạn muốn người nghe biết rằng việc bạn đi xe buýt tới trường chứ không phải bằng xe máy thì hãy nhấn mạnh vào từ BUS.

5. Hãy ghi âm lại

Bạn có biết rằng tiếng bạn nghe được khi mình đang nói khác với tiếng mà người khác nghe thấy không?. Vì thế, máy ghi âm sẽ là một “vị thẩm phán” vô cùng “công bằng” và hữu ích để kiểm tra phát âm của bạn.

Hãy tìm một đoạn video, xem và nhại lại theo đoạn hội thoại đó, đừng quên ghi âm lời nói của bạn. Sau đó hãy nghe thử, so sánh và đối chiếu xem bạn và video khác nhau như thế nào. Bạn phát âm có đúng chưa, ngữ điệu lên xuống có giống nhau hay không?

Nếu phát âm của bạn không giống như trong video thì hãy hỏi lại các câu hỏi của phần số 3: bạn đặt lưỡi, khẩu hình miệng đã chuẩn chưa? Các từ đã có trọng âm hay không (số 4)?

Các mẹo trong bài viết này không phải các bước đơn lẻ và cấp tiến như bậc thang để chinh phục phát âm, mà là các kỹ năng song song cần có và luyện tập thường xuyên. Vì thế, hãy sử dụng tất cả mọi thứ bạn học được từ bài viết này nhé!.

6. Thực hành với một người bạn

PRACTISE MAKES PERFECT (Luyện tập làm nên sự hoàn hảo). Bạn có thể biến việc luyện tập trở nên dễ dàng hơn nhờ việc tập với một người bạn. Tìm một người nào đó để luyện tập phát âm với, hoặc trực tiếp hoặc thông qua các cộng đồng trực tuyến như Language Exchange hoặc InterPals, các công cụ như Hangout của Google, trang web Speaking24.com hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.

Thực hành với một người bạn sẽ cung cấp cho bạn cơ hội để thử tất cả mọi thứ bạn đã học, và học hỏi những điều mới mẻ khác nữa. Thêm vào đó, là động lực!

Với 6 lời khuyên này, chắc chắn bạn sẽ sớm tìm thấy con đường học tiếng Anh để phát âm tiếng Anh như người bản xứ.

Theo domino.edu.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,405 lượt xem