[Abroad Insider] Kinh Nghiệm Chinh Phục Học Bổng Ngành Yêu Thích Qua Chia Sẻ Của Chủ Nhân Học Bổng Toàn Phần Erasmus Mundus - Anh Phan Quốc Dũng (Daniel Phan)
Đến với buổi livestream ngày 11/10/2020, Abroad Insider rất vinh dự khi được trò chuyện cùng anh Phan Quốc Dũng để lắng nghe những chia sẻ về cách chinh phục học bổng toàn phần Erasmus Mundus và kinh nghiệm tham gia các buổi hoạt động ngoại khóa. Buổi livestream đã nhận được nhiều sự quan tâm từ đông đảo các bạn khán giả. Qua đây, Abroad Insider hy vọng các bạn theo dõi Livestream đã có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong hành trình định hướng con đường tương lai của chính mình. Nếu các bạn lỡ buổi Online Talkshow hay muốn theo dõi lại thì có thể truy cập Fanpage Abroad Insider hoặc đọc phần nội dung cuộc phỏng vấn trong bài viết này nhé!
🔥 Fanpage Abroad Insider: https://www.facebook.com/abroadinsider
🔥 Nhận thông báo về các chương trình Online Sharing Talkshow tiếp theo của các anh chị diễn giả trên Abroad Insider tại đây: https://bit.ly/AIxCommunity
----------------------
MC: Xin chào các bạn khán giả, các bạn đang theo dõi livestream của Abroad Insider. Và mình là Thu Trang đây - người sẽ đồng hành cùng các bạn cũng như vị diễn giả khách mời của chúng ta trong buổi livestream tối hôm nay.
Các bạn thân mến! Abroad Insider là một dự án giúp kết nối người trẻ thành công trong nước và du học sinh Việt Nam toàn thế giới nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức cho các cá nhân muốn phát triển bản thân và vươn ra thế giới. Qua những buổi livestream định kỳ, Abroad Insider góp nhặt câu chuyện của các anh chị diễn giả đã thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trên con đường du học, từ đó mang đến cho các bạn trẻ những góc nhìn đa chiều nhưng cũng vô cùng chân thực về du học và cuộc sống tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, Abroad Insider cũng mong muốn có thể cập nhật đến giới trẻ, học sinh, sinh viên Việt Nam nhưng chủ đề hot nhất, cập nhật nhất thông qua những trải nghiệm thực tế của các anh chị diễn giả. Thu Trang tin chắc rằng những kiến thức và kinh nghiệm quý giá được chia sẻ bởi các vị khách mời của Abroad Insider sẽ phần nào giúp cho các bạn trẻ có định hướng đúng đắn và thêm phần vững tâm trên hành trình vươn ra biển lớn.
Và các bạn có thể thấy bên cạnh màn hình Thu Trang bây giờ là một vị diễn giả vô cùng điển trai, xin được trân trọng giới thiệu vị diễn giả của buổi tối chúng ta ngày hôm nay anh Phan Quốc Dũng. Trong buổi talkshow ngày hôm nay, các bạn sẽ có cơ hội được anh Quốc Dũng chia sẻ kinh nghiệm tri thức làm sao để chinh phục học bổng toàn phần thạc sĩ, các học bổng ngoại khóa cũng như giải đáp thắc mắc cho các bạn về việc làm thế nào để có kết quả học tập tốt đồng thời tham gia các hoạt động ngoại khóa chất lượng. Và không để các bạn chờ lâu nữa, Thu Trang xin phép được chuyển hướng đến nhân vật chính của chúng ta hôm nay, anh Quốc Dũng.
MC: Trước hết em xin cảm ơn anh vì đã nhận lời mời tham gia buổi talkshow của Abroad Insider ngày hôm nay, không biết cảm xúc hiện giờ của anh như thế nào ạ?
Anh Quốc Dũng: Anh rất vui và hào hứng khi hôm nay có tận hơn 100 bạn khán giả dù đang là chủ nhật, bớt chút thời gian cuối tuần nghe chia sẻ du học.
MC: Trước khi chúng ta bước vào cuộc trò chuyện với anh Quốc Dũng, Thu Trang xin điểm qua vài thành tích nổi bật của anh:
- Thủ khoa đầu vào khối A Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam.
- Tốt nghiệp đại học với tổng điểm học tập cao nhất toàn khóa 3.87/4.
- Học bổng toàn phần ERASMUS MUNDUS bậc học thạc sĩ, ngành Quản lý Rừng nhiệt đới bền vững, học tập tại 2 quốc gia Đức và Đan Mạch.
- Học bổng toàn phần của Khoa Lâm nghiệp, đại học Gadjah Mada, Indonesia cho khóa học “Quản lý rừng nhiệt đới trước một thế giới đang thay đổi”
- Học bổng toàn phần của Chương trình rùa Châu Á khóa học: Các kỹ năng nghiên cứu thực địa các loại rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam.
- Giải Khuyến khích cuộc thi “Sinh viên Lâm nghiệp quốc tế lần thứ 13” tại Suzdal, Nga bởi Cơ quan Lâm nghiệp Liên bang Nga.
- Danh hiệu “Sinh viên 5 tốt cấp thành phố”, do BCH Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng
- Danh hiệu “Sinh viên xuất sắc” 4 năm liền
- Đại biểu Thanh niên Việt Nam tham gia chương trình: Giao lưu thanh niên ASEAN - HÀN QUỐC tại Siem Reap, Campuchia.
- Trưởng ban tổ chức, trưởng nhóm tình nguyện hàng loạt chương trình trong suốt 4 năm đại học.
Với những thành tích điểm qua vô cùng nổi bật như vậy thì Thu Trang tin chắc rằng hôm nay sẽ là buổi livestream cực kì thú vị.
MC: Các bạn thân mến, như thường lệ buổi hôm nay sẽ có 3 phần.
Phần 1: Tìm hiểu thông tin cá nhân diễn giả.
Phần 2: Diễn giả chia sẻ thông tin học bổng cũng như cách học tập.
Phần 3: Q&A với đọc giả. Vậy nên hãy đặt thật nhiều câu hỏi cho diễn giả nhé các bạn.
MC: Anh Quốc Dũng ơi, anh có thể cho biết chuyên ngành đang học và cơ duyên với nó được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Chương trình Thạc sĩ chương trình quản lý rừng nhiệt đới bền vững tại đại học Copenhagen - Đan Mạch. Anh quan tâm các vấn đề thiên nhiên môi trường từ tấm bé, rất thích xem các chương trình về thiên nhiên, thế giới động vật VTV2 nên đã có định hướng thi vào trường đại học Lâm nghiệp chuyên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên và khi tốt nghiệp đã may mắn có cơ hội du học và hiện đã là năm 2.
MC: Thường thì quá trình apply phải ấp ủ rất lâu, vậy anh đã chuẩn bị nó trong bao lâu ạ?
Anh Quốc Dũng: Ước mơ muốn được ra nước ngoài khám phá đã từ rất lâu nhưng quyết tâm bắt đầu đầu những năm đại học khi đã thi cũng như xác định chuyên ngành theo đuổi ở đại học (vạch ra mình theo ngành gì, con đường thế nào…).
MC: Vậy công việc hiện tại ở Đan Mạch của anh là gì ạ?
Anh Quốc Dũng: Hiện tại anh chỉ là sinh viên và đang tập trung cho việc học.
MC: Anh rất thích du lịch khám phá và có hẳn 1 blog riêng về nó, vậy anh có những trải nghiệm thú vị đáng nhớ nào không ạ?
Anh Quốc Dũng: Như các bạn trẻ, anh cũng có nhu cầu đi đây đi đó khám phá học tập, hiểu mình rõ hơn nên việc du lịch là một sở thích giúp anh cân bằng cuộc sống và học tập. Rất may mắn vì châu Âu là châu lục cởi mở trong việc di chuyển giữa các quốc gia nên anh đã dành khá nhiều thời gian để du lịch và xem đây như 1 cơ hội để hiểu biết hơn về cái nôi nền văn hóa nhân loại.
MC: Những chuyến đi, kiến thức đó ảnh hưởng gì đến anh cũng như vấn đề chuyên môn, lối suy nghĩ?
Anh Quốc Dũng: Du lịch là sở thích và ảnh hưởng 1 phần đến chuyên ngành anh đang học nên anh thường chọn những nơi có quan cảnh thiên nhiên đẹp, hùng vĩ. Qua những chuyến đi, anh để ý cách người ta khai thác du lịch, bảo tồn nét đẹp văn hóa, thiên nhiên song song với phát triển du lịch ra sao, cái anh quan tâm nhất.
MC: Phần đầu tiên đã được anh Quốc Dũng giới thiệu khá đầy đủ và thú vị, chúng ta sẽ chuyển sang phần thứ hai - chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu cũng như cách apply học bổng toàn phần thạc sĩ. Các bạn thân mến, như đã điểm qua các thành tích của anh Dũng, thủ khoa đầu vào khối A cũng như đầu ra ời GPA 3.87, anh có thể chia sẻ cách học tập được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Mỗi người mỗi cách nhưng với riêng anh thì cách ghi chép bằng tay, bản cứng thay vì số hóa với bút màu, kí tự đặc biệt cho từ chuyên ngành để dễ nhớ hơn. Đó là chìa khóa để mở hộp kiến thức của anh. Có những bạn đã hoặc chưa từng thử nhưng anh hy vọng đây là những thông tin để các bạn thử vào 1 ngày gần nhất.
MC: Các bạn hãy áp dụng cách take note với sổ bên cạnh đề làm việc hiệu quả hơn nhé. Theo anh việc cải thiện GPA có quá muộn với các bạn đã năm 3,4 và một số cách học hiệu quả tại thời điểm đó.
Anh Quốc Dũng: Câu hỏi khá hay và anh xin được chia sẻ bằng chính trải nghiệm bản thân. Câu trả lời cho các bạn năm đầu là nên kế hoạch. Năm 1, 2 là khoảng thời gian xây dựng nền tảng; năm 3,4 bớt thời gian tham gia HĐNK cải thiện CV, kỹ năng mềm. Anh cũng gặp rất nhiều bạn năm 3,4 mới có ý định du học nhưng điểm GPA khá thấp nên khá khó vì đây là giai đoạn học chuyên ngành cần nhiều thời gian học hơn nên GPA rất quan trọng và nên dành 80% thời gian cho việc học và HĐNK cũng như kỹ năng mềm thì nên tiết chế một chút để cải thiện GPA.
MC: Anh là người rất năng động với HĐNK cũng như đạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi, anh có thể chia sẻ thêm về chúng được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Anh ưu tiên những hoạt động liên quan chuyên ngành và những cái mình quan tâm, hứng thú như thiện nguyện, tình nguyện như bảo tồn động vật . Bên cạnh đó anh còn tham gia những hoạt động về kỹ năng mềm ở trường.
MC: Để tham gia các hoạt động ấy cần rất nhiều yếu tố, anh có thể chia sẻ những kinh nghiệm cũng như có lời khuyên cho các bạn sinh viên được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Những thành công và thất bại đã để lại những bài học cho anh đến tận ngày hôm nay. Phù hợp quan trọng hơn, giỏi trong các chương trình, đặt mình ở vị trí tuyển dụng để suy nghĩ thay vì cứ ghi ra những thành tích đơn thuần.
MC: Quá tải là trường hợp thường gặp, anh đã làm cách nào để cân bằng ạ?
Anh Quốc Dũng: Về cơ bản thì đây là vấn đề ai chả có- tuổi trẻ, cháy hết mình. Tuy nhiên tính toán để cân bằng HĐNK và học tập để đạt mục tiêu đi du học thì đầu tiên nên cân nhắc việc học có đang thực sự ổn để dồn thời gian sang ngoại khóa hay chưa, nếu bị hạn chế thì nên chắt lọc (nên tham gia cái gì, ưu tiên việc vừa giảm stress vừa có tính cộng đồng, có đúng chuyên ngành, sẽ cải thiện được gì, phù hợp với vấn đề đang quan tâm, sở thích, cái nhận lại như chứng nhận).
MC: Nếu các bạn còn thắc mắc gì về HĐNK có thể để lại bình luận phía dưới nhé! Bây giờ sẽ chuyển sang phần 3 - tìm hiểu cách apply học bổng của diễn giả. Anh có thể chia sẻ chi tiết hơn về những học bổng đã nhận được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Học bổng ERASMUS MUNDUS bậc học thạc sĩ , đây là học bổng gần như đứng top các học bổng danh giá ở châu Âu, được tất cả các nước rót vốn và được chọn địa điểm du học (2 trong 5 nước) nên anh chọn Đức và Đan Mạch mà không phải Anh, Pháp và Ý. Tháng 10 cũng là lúc học bổng ERASMUS mở - học bổng 120+ ngành nghề, chương trình khác nhau nên các bạn có thể bắt đầu tìm kiếm thông tin. Bên cạnh đó, anh cũng có những học bổng thanh niên, trao đổi trường như sang trường Gadjah Mada, Indonesia. Đấy là 1 số học bổng anh đã may mắn giành được.
MC: Vậy những học bổng chuyên ngành đặc thù có những yêu cầu gì đặc biệt không ạ?
Anh Quốc Dũng: Có thể tham khảo kênh thông tin của trường, nơi các thầy cô, anh chị đã nắm chắc thông tin và học bổng đặc thù chỉ phù hợp với sinh viên trường đấy ngành đấy thôi. Và đấy cũng là lý do trường và chuyên ngành ảnh hưởng loại học bổng về cái này anh sẽ có cơ hội lớn hơn so với các bạn trái ngành hưởng đầu tiên quyết định apply học bổng chuyên ngành của bạn. Như anh học lâm nghiệp thì những học bổng liên quan đến lâm nghiệp anh sẽ biết sớm hơn và có cơ hội lớn hơn so với những bạn khác.
MC: Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm làm bài luận, phỏng vấn của anh được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Bài luận gần như là thứ khá quan trọng trong việc apply học bổng, cuộc thi để hội đồng kiểm duyệt hiểu rõ hơn bản thân mình. Đầu tiên nên cân nhắc về cách khoe. Những thứ hiển thị trên CV nên được kể bằng cách khác tinh tế hơn, mình là ai, làm sao để được tin tưởng và trao cơ hội. Phỏng vấn thì nên thật thà và không nên vẽ bức tranh quá đẹp về mình vì sẽ được đối chiếu CV sau buổi đó. Trước giờ G cũng nên đọc lại CV, bài luận để tránh lúng túng khi bị hỏi ngược.
MC: Anh có thể chia sẻ về nghiên cứu khoa học của mình cũng như lợi ích mà nó mang lại được không ạ?
Anh Quốc Dũng: Mùa khai giảng là mùa bắt đầu phong trào nghiên cứu khoa học nên anh đã thử. Bước đầu là có nhóm nghiên cứu (bạn thân…) mình thấy hợp thì các bài nghiên cứu thường từ 3-6 tháng, ý tưởng có thể tham khảo thầy cô nếu chưa có để được cân nhắc khả năng và có sự lựa chọn phù hợp. Việc được trải nghiệm nghiên cứu khoa học là bước đầu giúp ta hiểu rõ hơn về cách viết cũng như cách trình bày 1 cách khoa học .
MC: Anh có từng nản chí trong quá trình ấy không ạ?
Anh Quốc Dũng: Thật ra là có vì áp lực học tập, HĐNK , tranh luận nảy ra khi nghiên cứu,... nhưng cuối cùng vẫn êm xuôi.
MC: Anh có lời khuyên nào về nghiên cứu khoa học không ạ?
Anh Quốc Dũng: Thứ nhất phải tự tin, ít nhất phải hoàn thành từ cấp trường trở lên. Nếu có tiềm năng và khát vọng, tham gia các giải cấp Nhà nước, quốc tế để tạo điểm sáng cho CV cũng là 1 lựa chọn tốt.
MC: Anh đánh giá thị trường việc làm ngành Lâm nghiệp như thế nào?
Anh Quốc Dũng: Trường đại học Lâm nghiệp VN là trường đầu ngành và cũng không có nhiều trường đào tạo về chuyên ngành này nên toàn bộ các việc về lâm nghiệp, quản lý tài nguyên đều có cơ hội cho các sinh viên trong ngành, tỷ lệ chọi không như các ngành như kinh tế… nên cơ hội sẽ rất nhiều và ngành này rất đáng cân nhắc, đặc biệt là các bạn 12.
MC: Anh có lời khuyên gì với các bạn có dự định du học ngành Lâm nghiệp?
Anh Quốc Dũng: Anh rất thỏa mãn khi có cơ hội vào các khu rừng châu Âu, đặc biệt là mùa thu, đây là trải nghiệm anh khá thích so với những ngành khác.
MC: Anh có bí quyết gì để giữ động lực, duy trì ngọn lửa trong các hoạt động?
Anh Quốc Dũng: Nó là 1 hành trình khá dài từ việc lên kế hoạch, cân đo đong đếm những thứ phù hợp… Có nhiều bạn lên năm 2 mới nhận ra mình không hợp và phí mất vài năm tuổi trẻ nên việc định hướng nghề nghiệp, chọn những gì mình yêu thích, đam mê rất quan trọng và chuyện này nên bắt đầu từ cấp 3 (mình thích làm gì, đam mê làm gì và có thật sự muốn theo lâu dài hay không). Có thể tham khảo người thân, bạn bè để có hướng đi đúng đắn nhất.
MC: Câu hỏi cuối cùng, với cương vị là một người anh với các bạn đang loay hoay chọn nghề, anh có lời nhắn nhủ gì không ạ?
Anh Quốc Dũng: Nên dành thời gian cân nhắc xem mình thích và muốn cái gì (tránh tiêu tốn 4 năm tuổi trẻ). Con đường sẽ rất đúng đắn khi trả lời được 2 câu hỏi ấy.
MC: Vừa rồi chúng ta đã có hơn 1h để anh Quốc Dũng chia sẻ về học bổng, cách học tập, … Em đang nhìn thấy rất nhiều bạn đang đặt câu hỏi bởi vì livestream đang phát trực tiếp ở cả Abroad Insider và Ybox, em sẽ chọn câu hỏi đầu tiên ạ.
Bạn Bùi Thị Cẩm Vân: “ Theo anh liệu năm nhất có phải là thời điểm phù hợp để tham gia các hoạt động ngoại khóa hay năm hai là cơ hội đủ để tìm kiếm internship không lương hay chưa? Ngoài ra anh có thể chia sẻ tips chinh phục học bổng ERASMUS MUNDUS cũng như mặt lợi và mặt hại của mentor được không a? Anh có thể chỉ cho em một vài các mentor chất lượng được không ạ. Em cảm ơn anh.”
Anh Quốc Dũng: Cảm ơn câu hỏi vô cùng tâm huyết của bạn Vân. Vì có nhiều nội dung trùng lặp đã được chia sẻ nên anh sẽ tóm tắt nội dung chính. Chưa nhập học đã nghĩ đến du học là một điểm cộng về sự chủ động. Như đã chia sẻ thì năm 1,2 nên tập trung học tập và tham gia các hoạt động ngoài lề vừa phải, năm 3,4 dành thời gian cho HĐNK vì khi ấy có thể biết được mức GPA bản thân và lực học ở đâu để có quyết định phù hợp. Vì ngoại khóa là bổ trợ, không phải chính. Đầu tiên vẫn là GPA (50-80%), đặc biệt là các học bổng tài năng như ERASMUS MUNDUS người ta quan tâm khá nhiều về điểm GPA. HĐNK là những kinh nghiệm tích lũy được (lãnh đạo sự kiện…), thực tập,... Tiếp đến là nghiên cứu khoa học là điểm cộng tiếp theo. Đấy là những thứ các bạn nên tính toán và xây dựng dần cho bộ hồ sơ của mình.
MC: Em xin thay mặt bạn Vân về những chia sẻ rất hữu ích của anh. Câu hỏi tiếp theo, bạn Nguyễn Lê Duy Uyên “Anh ơi, liệu có kinh nghiệm từng làm NCKH thì có điểm cộng gì nhiều cho hồ sơ apply học bổng không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Đánh giá kinh nghiệm làm việc nhóm, làm cá nhân của em. Về vấn đề nghiên cứu, người ta có thể đánh giá đề tài của em, lĩnh vực em quan tâm và liệu nó có phù hợp với chương trình học bổng hay không. Anh từng làm những đề tài chuyên sâu về quản lý rừng thì đấy là một trong các điểm cộng trong bộ hồ sơ của anh. Các bạn nên quan tâm và định hướng trước những lĩnh vực mình theo đuổi để hiểu sâu và các bước tiếp theo như lên thạc sĩ, tiến sĩ sẽ đơn giản hơn.
MC: Câu hỏi tiếp theo là của bạn Thu Hà “Em muốn được tham gia các chương trình giao lưu quốc tế, nhưng lại thấy bị trùng vào thời gian đi học trên trường rất nhiều. Vậy anh nghĩ lên năm 4 thì mới tham gia các chương trình ngoại khóa quốc tế như vậy thì còn kịp không ạ? Em cám ơn anh nhiều.”
Anh Quốc Dũng: Đúng là có những chương trình kéo dài hơn 1 tháng và đến năm 4, bạn ấy có thể tự đưa ra quyết định hợp lý. Nếu bạn cần thêm những kinh nghiệm, trải nghiệm thì chuyện này cũng không là vấn đề gì vì chỉ cần trình bày nguyện vọng với thầy cô.
MC: Tiếp theo là bạn Jenny Lan “anh ơi, như anh vừa chưa sẻ là điểm GPA rất quan trọng cho bộ hồ sơ xin học bổng. Vậy thì anh có thể chia sẻ một số tips để đạt được điểm cao trong học tập không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Có những môn thích lẫn không thích là chuyện bình thường. Với những môn mình thích và làm nên sẽ đạt được những con điểm thật cao. Với những môn còn lại, mình cố gắng đạt mức điểm tương đối. Tóm lại, thích cái gì thì làm nó thật tốt, điểm môn mình thích cộng với điểm tương đối các môn còn lại sẽ cho ra mức điểm hợp lý.
MC: Tiêp theo là câu hỏi của bạn Vân Nguyễn “Anh ơi, cho em hỏi, khi mới du học anh gặp những khó khăn gì, có bị sốc văn hoá gì không ạ”
Anh Quốc Dũng: Có rất nhiều bạn tự tin không bị sốc văn hóa như anh (đã có kinh nghiệm trao đổi văn hóa, nhưng chỉ là ngắn hạn). Chương trình bằng tiếng Anh nên anh khá chủ quan mà quên mất tiếng địa phương được ưu tiên hơn, có rất nhiều vấn đề như làm giấy tờ, mở thẻ ngân hàng… Người ta không nhiệt tình lắm trong việc nói tiếng Anh với mình nên mình khá stressed. Còn nhiều chuyện thuộc dạng ở trong chăn mới biết chăn có rận nên nếu muốn hiểu hơn, các bạn hãy sang đây nên quyết tâm du học.
MC: Tiếp theo là câu hỏi bạn Diệp “Với những bạn 2k2 vừa mới thi đại học, nếu không đủ điểm vào trường mình mong muốn thì các bạn đang đắn đo liệu có nên học trường mình không thích không nên đợi năm sau thi lại? Anh có lời khuyên nào cho bạn không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Để tối ưu hóa thì nên theo học trường kia nếu gia đình có điều kiện, biết đâu mình có thể thay đổi ý kiến. Ít nhất cũng được trải nghiệm 1 năm, tiết kiệm thời gian hơn.
MC: Tiếp theo là câu hỏi về GPA “Nếu GPA không quá xuất sắc thì làm gì để cải thiện hồ sơ xin học bổng ạ?”
Anh Quốc Dũng: Anh gặp câu này khá nhiều, nhất là với các bạn đã tốt nghiệp đại học nên đây là điểm bị động của các bạn ấy. Mình sẽ thay đổi các phần còn lại (HĐNK , motivation letter…). Cơ hội không đóng lại với ai cả khi người đó biết cách thay đổi dù chỉ 10%, có cơ hội hơn so với những bạn không biết cách.
MC: Tiếp theo là câu hỏi của bạn Jenny Lan “Hiện tại em thấy có rất nhiều địa chỉ mở các lớp học hướng dẫn xin học bổng, cách tạo CV ấn tượng. Vậy theo anh em nên chọn một lớp học như thế nào ạ? Em xin cảm ơn anh.”
Anh Quốc Dũng: Có rất nhiều anh chị mở những lớp như vậy, các lớp này thường dành cho các bạn thiếu nghị lực, không thể tự nghĩ ra việc để làm, có người giám sát, trả phí tăng quyết tâm. Với những bạn có sẵn nghị lực thì có thể tự làm ở nhà như search các từ khóa đơn giản, tham khảo anh chị đi trước (cùng chuyên ngành, hoàn cảnh…).
MC: Tiếp theo là câu hỏi của bạn Trúc Thanh “ Làm thế nào để suy nghĩ về bản thân và điểm mạnh để gây ấn tượng với hội đồng trường ạ?”
Anh Quốc Dũng: Thật. Mình biết những gì mình biết. Việc viết ra những cái ấy rất đơn giản, mình biết điểm a điểm b của mình phù hợp với những hoạt động này. Tất cả các chương trình học bổng, trao đổi đều có phần mô tả chung có keyword giá trị cho bài luận (được đánh giá về sự có tìm hiểu, chuẩn bị…).
MC: Tiếp theo là câu hỏi của bạn Hoa “ Nếu như mình cần viết thư giới thiệu mà không thân lắm với các thầy cô tầm cỡ thì nên làm liều đi xin hay vẫn nên xin thư giới thiệu ở các thầy cô đã từng dạy mình ạ?
Anh Quốc Dũng: Thư giới thiệu chiếm 5% trong hồ sơ của anh. Thư giới thiệu được viết bởi những người có uy tín (yếu tố quan trọng) trong ngành, trong nghề và quá trình cộng tác (độ hiểu nhau, điểm mạnh, điểm yếu của các bạn sinh viên). Nếu muốn liều thì nên chuẩn bị CV, thư động lực để các thầy cô hiểu rõ về điểm mạnh - yếu của sinh viên. Thầy cô thật sự hiểu mình (môn mình mạnh…) là những thứ gần nhất, hiệu quả nhất.
MC: Tiếp theo là câu hỏi của Việt Anh “ Làm sao để tìm được học bổng 100% ở các trường bên Châu Âu ạ?
Anh Quốc Dũng: Học bổng liên chính phủ mở công khai. Học bổng chính phủ tìm trên google là hình thức tìm học bổng 100%.
MC: Tiếp theo là câu hỏi của bạn Đào “ Anh có thể chia sẻ các kênh thông tin mà anh tìm kiếm học bổng được không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Đầu tiên là YBOX - 1 kênh phổ biến với giới trẻ về thông tin học bổng, sự kiện… cập nhật rất thường xuyên. Anh rất hay quan tâm và theo dõi trang. Bên cạnh đó là google với từ khóa đơn giản như chuyên ngành, thời gian tham gia và năm.
MC: Tiếp theo là câu hỏi bạn Phạm Thư “Điểm em toàn B thì làm sao để lấy các điểm cộng khác ạ?”
Anh Quốc Dũng: Câu này phụ thuộc vào nỗ lực và mức độ chăm chỉ của bản thân bạn. Mình cần bứt phá như thử cách học mới để cải thiện điểm số của mình.
MC: Một câu hỏi đến từ bạn Phạm Thảo “Em bận quá mà muốn cùng lúc nỗ lực để đi du học. Em đang rất rối mù, không biết anh có cách gì để thật sự vượt lên chính mình không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Giữa hoạt động ngoài lề (như đi làm) và đi học thì quyết định là ở bạn. Anh không thật sự rõ hoàn cảnh cũng như quyết tâm du học của bạn.
MC: Lại là một câu hỏi khác đến từ bạn Ngọc “ Dù em có chăm chỉ thì điểm số vẫn không như ý nên hiện tại em đang rất chán nản, vậy làm thế nào để lấy lại động lực học tập ạ?”
Anh Quốc Dũng: Hừm, khi cảm thấy chán thì em nên nghĩ về lý do tại sao lúc trước em chọn ngành này chẳng hạn, đó là sở thích, là lựa chọn của mình thì không thể thay đổi nữa và phải tiếp tục cố gắng thôi. Còn cách giải quyết là hãy tự cho phép bản thân không làm gì cả, chỉ ngồi ở nhà hoặc đi đâu đó như du lịch, nghỉ ngơi để có thể lấy lại tinh thần rồi sau đó chúng ta sẽ vạch kế hoạch lấy lại động lực để đi tiếp trên con đường mình đã chọn.
MC: Có một câu hỏi của bạn Mai “Anh có bao giờ gặp phải những cám dỗ nơi xứ người không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Nếu như cám dỗ là mình mải đi chơi, quên học,.. thì có rất nhiều, đặc biệt là bên châu Âu. Đôi lúc trong cuộc sống thì những điều này là khó tránh khỏi. Nhưng có một điều là khi đi du học, các bạn sẽ phải trả lại khoản tiền hỗ trợ học bổng bằng kết quả học tập của mình. Thế nên anh nghĩ đó là một cái áp lực để các bạn tập trung 100% cho việc học của mình.
MC: Và đây là một câu hỏi đến từ bạn Điệp “Khi nộp hồ sơ học bổng anh có nhờ đến sự trợ giúp của các mentor, trung tâm hay là tự mình apply học bổng vậy ạ?”
Anh Quốc Dũng: Lúc anh apply học bổng anh không có cơ hội để tham gia vào các chương trình apply học bổng vì nó chưa có nhiều nên việc apply nó dựa phần nhiều vào bản thân cá nhân của anh. Ngoài ra anh cũng có tham khảo các ý kiến của các anh chị đi trước thành công trong việc xin học bổng.
MC: Có một câu hỏi đến từ bạn Ngọc “ Anh có khó khăn gì trong việc hòa nhập cuộc sống mới không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Tùy vào khả năng thích nghi khác nhau của mỗi người. Riêng bản thân anh thì mất một tháng để quen với nhịp độ sống bên này, ăn uống, môi trường.
MC: Tiếp theo là câu hỏi đến từ bạn Mai “ Anh ơi khi viết SOP thì anh có cần đến sự trợ giúp của ai đó để đọc lại bài giúp mình không ạ? ”
Anh Quốc Dũng: Có. Đối với SOP là bài mình nộp cho hội đồng xét tuyển, thì ngoài yếu tố mình viết - mình hiểu mình nhất thì cần phải có người đọc để xem các từ ngữ, ngữ pháp để kiểm duyệt lại xem có đúng không, có hiểu không. Càng nhiều nhóm người càng tốt.
MC: Như đã hứa hẹn đây là một buổi livestream vô cùng thú vị, và bạn Việt Anh có nói là “Ôi anh chia sẻ mà e chỉ muốn đi du học ngay và luôn. Cảm ơn anh nhiều ạ.”
MC: Em xin phép đọc thêm một câu hỏi nữa đến từ bạn Xuân “ Anh ơi theo anh thời gian nào là lý tưởng để apply học bổng vậy ạ?”
Anh Quốc Dũng: Thời gian đối với các học bổng là 1 tháng, 2 tháng, và tối đa là 3 tháng trong các khoảng đấy. Tuy nhiên nếu chúng ta đã xác định được học bổng mình hướng đến thì chúng ta nên chuẩn bị sớm hơn.
MC: Tiếp theo em xin đọc câu hỏi từ bạn Kim Yến “ Em chào anh ạ, theo anh nên học thêm master hay học thêm một chuyên ngành mới có liên quan đến chuyên ngành đang học ạ?”
Anh Quốc Dũng: Đây là câu chuyện đi đường thẳng hay đi đường vòng. Đi đường thẳng tức là học lên master, việc này thì dễ dàng và nhanh hơn so với học chuyên ngành mới liên quan chuyên ngành cũ là đường vòng, nó chỉ mất thời gian hơn, khó khăn hơn nhưng không có nghĩa nó không đến đích.
MC: Bạn Tài có câu hỏi là “ Anh có lời khuyên gì cho các bạn muốn apply học bổng ERASMUS MUNDUS không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Chúc mọi người có đủ động lực để tiến tới chạm tay vào giấc mơ châu Âu.
MC: Em có một câu hỏi đến từ bạn Văn Hóa “Anh ơi nhập học kỳ nào là lợi nhất ạ?”
Anh Quốc Dũng: Tùy chương trình học bổng. Anh nghĩ là mình nên đi học vào kỳ mùa thu vì đây là thời điểm thời tiết khá là ổn định đối với các nước hơn so với kỳ mùa xuân.
MC: Tiếp theo là câu hỏi của bạn Minh “ Anh có thể chia sẻ các giai đoạn chính và lưu ý khi apply học bổng Erasmus Mundus được không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Học bổng Erasmus Mundus không có vòng phỏng vấn nên chúng ta cần chuẩn bị kĩ vòng hồ sơ. Còn về vấn đề bao nhiêu bước thì trên trang cá nhân của anh có chia sẻ rồi, mọi người có thể qua xem.
MC: Một câu hỏi nữa đến từ bạn Kim Loan “ Anh có tips nào để viết luận gây ấn tượng không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Để gây ấn tượng thì chúng ta nên có những thủ thuật để dẫn dắt vào chủ đề như câu chuyện truyền cảm hứng hay các câu văn triết lý, đời sống. Tuy nhiên vẫn tùy vào phong cách của mỗi cá nhân chúng ta. Đối với cá nhân anh, anh sẽ trực tiếp đi thẳng vào vấn đề luôn mà không cần dẫn dắt.
MC: Em xin phép đọc câu hỏi cuối cùng cũng như kết thúc luôn phần đặt câu hỏi của các bạn danh cho anh từ bạn Thanh Phong “ Anh có thể chia sẻ cho mọi người biết dự định trong tương lai của anh không ạ?”
Anh Quốc Dũng: Hiện tại anh đang viết luận tốt nghiệp, và hy vọng có thể về Việt Nam vào cuối năm nay. Anh mong muốn sẽ dành ít nhất là 3 tháng để lấy lại cân bằng cho bản thân sau khi học xong để chuẩn bị cho những dự định tiếp theo.
MC: Vâng ạ, cảm ơn những chia sẻ hết sức chân thành của anh, chúc anh có thêm sức khoẻ, bình an và thành công hơn nữa trên con đường sắp tới của mình. Và các bạn khán giả thân mến, Thu Trang biết các bạn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho diễn giả của chúng ta trong ngày hôm nay, tuy nhiên thời lượng của chương trình đã kết thúc rồi, cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và cũng hy vọng rằng những chia sẻ của anh Quốc Dũng sẽ giúp cho các bạn có thêm những kinh nghiệm và bài học cho bản thân mình. Hãy nhớ rằng chúng ta còn rất nhiều câu chuyện thú vị của các diễn giả trong các buổi livestream tiếp theo đấy, vì vậy các bạn đừng quên ấn Follow fanpage Abroad Insider, theo dõi và cập nhật thông tin cũng như là thời gian của những buổi sharing tiếp theo. Còn bây giờ anh Quốc Dũng và Thu Trang phải nói lời chào tạm biệt rồi, xin chào và hẹn gặp lại!
Abroad Insider cũng mong rằng qua những chia sẻ từ các vị diễn giả, các bạn đọc sẽ sớm giành được những học bổng mình mơ ước! Đừng quên đón xem những sự kiện hấp dẫn tiếp theo của Abroad Insider bạn nhé!
----------------------------
Abroad Insider là một dự án giúp kết nối người trẻ thành công trong nước và du học sinh Việt Nam toàn thế giới chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức của mình cho những cá nhân muốn phát triển bản thân và vươn ra thế giới qua những buổi livestream định kỳ cùng nhiều nội dung bổ ích hàng ngày trên fanpage.
>>> Đăng ký trở thành diễn giả của Abroad Insider tại đây:
https://bit.ly/AIxSpeakerApplication
>>> Đăng ký tham gia Cộng Đồng Du Học Abroad Insider để nhận được các thông tin về các sự kiện Miễn Phí chia sẻ kinh nghiệm du học, bí kíp săn học bổng, chuẩn bị CV và phỏng vấn du học từ các bạn trẻ và cựu du học sinh thành công tại đây:
(*) Đăng kí làm thành viên, CTV cho dự án ABROAD INSIDER để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho du học tại đây:
------------------------
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
➤ Fanpage: https://www.facebook.com/abroadinsider
➤ Email: [email protected]
➤ Hotline: 083 2202 966 (Ms. Minh Hằng) | 077 4682 142 (Ms. Duy Uyên)
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
162 lượt xem