Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bí Quyết Nói Tiếng Anh Trôi Chảy

Sợ nói tiếng Anh là tâm lý chung của nhiều người Việt học tiếng Anh hiện nay. Khi đó, dù đã có một nền tảng kiến thức ngữ pháp tiếng anh cơ bản hay chưa, chúng ta vẫn có tâm lí sợ hãi khi phải giao tiếp với người bản xứ. Vậy làm thế nào để khắc phục điều này?

Bài viết này sẽ phân tích rõ lý do tại sao chúng ta vẫn còn hay ngại nói tiếng Anh cùng với những chia sẻ về bí quyết giao tiếp tiếng Anh hiệu quả nhất hiện nay.

BƯỚC 1 – HÃY NGHE THẬT NHIỀU

Để nói được tiếng Anh trôi chảy, việc đầu tiên bạn cần phải làm là:

NGHE, NGHE, NGHE

và sau đó…

NGHE THÊM NỮA!

Đây là điều đầu tiên bạn phải làm khi học một ngôn ngữ mới – và nó là điều cần thiết nhất để bạn có khả năng nói tốt.

Bạn ngạc nhiên phải không? Vâng, đó là sự thật!

Bạn càng nghe tiếng Anh nhiều thì bạn sẽ càng sớm trở thành một người nói tiếng Anh lưu loát. Nghe nhiều và thường xuyên cũng sẽ giúp bạn hình thành nên ngữ giọng (accent) và cách nhấn nhá ngữ điệu của người bản xứ.

Nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng “Tôi không hiểu lắm; làm thế nào mà nghe nhiều có thể giúp tôi nói giỏi?”

Vâng, bạn hãy nhớ lại xem bạn học và biết nói tiếng Việt (ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn) như thế nào? Có phải ngay từ khi còn là một đứa bé, bạn đã được NGHE bố mẹ kể chuyện và giao tiếp với nhau qua những tình huống hàng ngày phải không? Lúc đó, bố mẹ bạn có phải vắt sức lực ra để giải thích cho bạn cấu trúc câu hay đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ, đâu là túc từ, tiếp đầu ngữ… không?

Dĩ nhiên là không! 

Bố mẹ bạn chỉ trò chuyện với bạn như nói chuyện bình thường với bao người khác, và bạn tự bắt chước theo những gì bạn nghe được phải không nào? 

Lúc còn bé, đôi khi bạn nghe một cách thụ động, và đôi khi bạn lắng nghe có ý thức, chú ý đến những âm thanh, nhịp điệu và các mẫu câu của những cuộc hội thoại xung quanh bạn… và bạn luôn cố gắng để hiểu xem họ đang nói gì. 

Điều quan trọng là, bạn được đắm mình trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình – hay nói cách khác, nó là tất cả xung quanh bạn. Bạn giống như một con cá bơi trong bể nước vậy. Không có gì khác ngoài nghe ngôn ngữ của mình.

 

Sau một vài năm, bạn vẫn tiếp tục lắng nghe. Sau đó, có thể là khoảng 2 tuổi, bạn đã bắt đầu nói được. Mọi người trong gia đình bạn tất nhiên rất vui mừng, bao gồm cả bạn – nhưng nên nhớ – bởi thời điểm đó, bạn đã được nghe bố mẹ và những người xung quanh nói tiếng Việt trong một thời gian rất dài! 

Đọc đến đây có lẽ bạn đã hiểu được mục đích của việc luyện nghe tiếng Anh rồi phải không nào? 

Bởi vì bạn đang “tung tăng” trong “hồ nước tiếng Việt” khá lâu và cảm thấy rất thoải mái với nó nên không việc gì phải chịu cực chịu khổ. Từ từ học rồi khả năng tiếng Anh cũng sẽ được như người ta thôi. 

Chính vì lối suy nghĩ đó đã vô tình làm bạn trì hoãn việc học tiếng Anh và làm lãng phí rất nhiều thời gian tiền bạc mà không đem lại cho bạn kết quả như mong đợi. 

Do đó, bạn hãy thử chuyển mình qua một hồ nước khác, “hồ nước tiếng Anh” bằng việc bắt đầu luyện nghe với cường độ dày đặc, giống như bạn bị ép phải sống ở một đất nước chỉ nghe toàn tiếng Anh vậy. 

Vậy, nghe bao nhiêu thì đủ để tạo nên sự khác biệt? 

Câu trả lời là tùy vào mỗi người! 

Chúng ta không ai giống ai cả. Mỗi người có một nền tảng, kinh nghiệm, nhận thức, quỹ thời gian và khả năng khác nhau nên sẽ cần luyện nghe với cường độ khác nhau. 

Nói một cách đơn giản, “bạn càng nghe nhiều, bạn sẽ càng giỏi”. 

Sau đây là một trong những cách hiệu quả để luyện tập nghe với cường độ cao hàng ngày: 

Thời gian trong ngày Luyện tập nghe  

 

Sáng sau khi ngủ dậy

 

 

Nghe một mẫu truyện tiếng Anh (có phụ đề) và cố gắng hiểu nó.

 

 

 

Nghỉ trưa

 

 

Nghe lại mẫu truyện đó và tuyệt đối không xem phụ đề hoặc đáp án. Cứ nghe đi nghe lại hoài mẫu truyện đó và đoán xem những từ mình không nghe được là gì.

 

 

 

Trên đường đi làm/học về

 

 

Nhại đi nhại lại hoặc bắt chước nói theo mẫu truyện này (lẩm bẩm cứ như kiểu tự nói chuyện một mình vậy). Có thể bạn không nhớ hết mẫu truyện đó, nhưng cứ nói hết ra những gì bạn nhớ được.

 

 

 

Tối trước khi đi ngủ

 

 

Nghe lại mẫu truyện này một lần nữa với phụ đề. Kiểm tra lại những từ mà bạn không thể nhớ trước đó.

 

Nếu bạn bận rộn và không có nhiều thời gian thì hãy nghe mẫu truyện ngắn và làm luyện tập này 2 đến 3 ngày một lần. Với những bạn có nhiều thời gian để học hơn, hãy luyện tập nó mỗi ngày. 

Có rất nhiều nguồn để bạn luyện nghe những mẫu truyện tiếng Anh. Đây là một trong những trang để luyện nghe khá tốt với những mẫu truyện tiếng Anh có phụ đề: 

http://spotlightenglish.com/listen/ 

Một lần nữa, việc nghe tiếng Anh THƯỜNG XUYÊN và với cường độ DÀY ĐẶC là điều kiện đầu tiên giúp bạn cải thiện đáng kể vốn tiếng Anh và dần dần hình thành kỹ năng nói lưu loát của bạn sau này.

 

BƯỚC 2 – HỌC TỪ VÀ LẤY KIẾN THỨC 

Có nhiều bạn rất sợ học từ vựng và ngại đọc sách báo nước ngoài – thậm chí những mẫu truyện ngắn bằng tiếng Anh cũng là nỗi ám ảnh bởi vì “quá nhiều từ vựng mới, đọc vào chả hiểu gì cả!” 

Bởi vậy, nhiều bạn có xu hướng luyện tập nói dựa trên những gì mình đã “biết rồi” và quanh đi quẩn lại, trình độ và vốn từ cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó nên không tiến bộ hơn được. 

Nếu bạn đang có thói quen này thì hãy dừng lại ngay lập tức. Thay vào đó, hãy trích ra một phần quỹ thời gian của bạn cho việc học từ vựng mới và cách sử dụng chúng trong những ngữ cảnh phù hợp. 

Sau đây là gợi ý cách học từ vựng mới để nhớ từ được lâu: 

Khi đọc sách báo để lấy từ vựng và kiến thức mới, bạn hãy đọc nó lớn ra thành tiếng và cố gắng đẩy nhanh tốc độ đọc lên. Đừng ngại mắc lỗi. Cố gắng hình thành phản xạ đọc nhanh để khi bạn giao tiếp thực tế với những người khác, bạn sẽ quen với việc nói nhanh và liên tục của mình. 

Lưu ý, khi học từ, đừng nên học những từ vựng rời rạc mà hãy học “cụm từ” bởi vì trong văn hóa phương Tây và các nước nói tiếng Anh, có những từ vựng luôn phải đi kèm với cụm từ của nó, và khi giao tiếp mà bạn nói ra được những cụm từ đó thì người bản xứ sẽ hiểu ngay lập tức bạn đang muốn nói gì. 

Bạn có thể tham khảo thêm một số cách học từ vựng tiếng Anh hiệu quả ở những trang này:

10 Phương pháp nhớ từ vựng tiếng Anh bạn nên biết

9 Bí quyết học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

 

BƯỚC 3 – NÓI THƯỜNG XUYÊN, NÓI BẤT CHẤP

Phần luyện nói là phần khá quan trọng và cũng là yếu tố chính để giỏi anh văn giao tiếp. 

Để nói tiếng Anh thành thạo, bạn bắt buộc phải nói thường xuyên. Những kinh nghiệm chia sẻ ở trên sẽ là vô nghĩa nếu bạn không thực tập vận dụng chúng vào giao tiếp tiếng Anh thường ngày.

5 yếu tố chính giúp bạn luyện tập tiếng Anh giao tiếp lưu loát

1/ Đừng đặt nặng ngữ pháp

Ngữ pháp không phải là không quan trọng mà ngược lại, nó rất quan trọng đối với những bạn đang học tiếng Anh vì mục đích thi lấy bằng hoặc chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEIC…) 

Tuy nhiên, để giao tiếp tốt trong tiếng Anh, khi nói, bạn đừng quá đặt nặng đến ngữ pháp mà hãy tập trung cho việc nói trôi chảyphát âm đúng trước. Một khi đã có được độ mạch lạc trong câu nói của mình, bạn hãy nghĩ đến việc phát triển cấu trúc ngữ pháp sau đó. 

Bạn có biết rằng, nhiều người bản xứ còn không biết được hơn 20% những quy tắc ngữ pháp trong tiếng Anh nữa đấy. 

2/ Tập thói quen nói ra suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh 

Hãy nói ra suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Ngay cả khi bạn cảm thấy không thoải mái hoặc thậm chí bạn không chắc người khác có hiểu mình đang nói gì không… bạn cứ tự tin và cố gắng nói ra những gì mình đang suy nghĩ.

 

Nếu bạn không tự tin… thì hãy nói bằng tiếng Anh cho người khác biết rằng “tôi đang thiếu tự tin” (Sorry I’m not confident… Sorry I’m not quite sure…). 

Nếu bạn không biết từ gì để nói… thì hãy nói bằng tiếng Anh rằng “tôi không biết, đầu óc tôi lâu lâu trống rỗng” (Sorry I don’t know. My mind goes blank sometimes). 

Nếu người khác nói bạn không hiểu… thì hãy nói với họ rằng “tôi không chắc là tôi hiểu ý anh/chị nói là gì” (Sorry, I’m not quite sure what you mean). 

Tương tự như vậy, sau khi học được từ vựng mới từ thầy cô, bạn bè hoặc từ các nguồn khác, trong lúc lái xe hoặc bất kỳ khi nào bạn gặp nó thì hãy tập nói nó ra bằng tiếng Anh. Ví dụ, bạn mới học được từ “Scorching hot” (nghĩa là: quá nóng nực), thì trong lúc lái xe về nhà giữa trời nắng, bạn hãy thốt lên “It’s scorching hot”. 

Phương pháp tập suy nghĩ bằng tiếng Anh này là một trong những phương pháp phản xạ tốt, giúp bạn cắt bỏ giai đoạn dịch ý nghĩ của mình từ tiếng Việt sang tiếng Anh đấy. 

3/ Đừng dịch từng chữ một 

Khi bạn muốn tạo ra một câu nói tiếng Anh, đừng dịch các từ từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Anh. Thứ tự của các từ có thể sẽ hoàn toàn khác nhau giữa tiếng Anh và tiếng Việt nên khả năng bạn bị chậm lại hoặc bị sai sẽ rất cao. Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu cụm từ và câu hay đi chung với nhau và tập nói chúng thường xuyên thì bạn sẽ không cần phải suy nghĩ về những lời bạn nói nữa. Sau một thời gian luyện tập thì nó sẽ được tự động bật ra theo thói quen mỗi khi bạn giao tiếp. 

4/ Có môi trường luyện tập đúng đắn 

Có một câu nói khá nổi tiếng “Practice Makes Perfect” nghĩa là rèn luyện tạo nên sự hoàn hảo. 

Tuy nhiên, câu nói hay hơn vẫn là “Practice does not make perfect. Only perfect practice makes perfect” nghĩa là rèn luyện không tạo nên sự hoàn hảo, chỉ có cách rèn luyện hoàn hảo mới tạo nên sự hoàn hảo. 

Nói nôm na, nếu bạn luyện tập không đúng môi trường, hoặc không đúng cách, bạn chỉ lãng phí thời gian. Nhưng nếu bạn biết cách học và được luyện tập “đúng thầy đúng bạn” thì bạn sẽ mau giỏi và thành công hơn. 

Vậy như thế nào là một môi trường rèn luyện đúng đắn? 

Sau đây là 2 tiêu chí bạn nên cân nhắc khi chọn nơi để rèn luyện tiếng Anh: 

  • Thứ nhất, môi trường rèn luyện phải có thầy/cô giỏi và trình độ. Thầy/cô có thể là giáo viên Việt hoặc giáo viên bản xứ, nhưng bắt buộc phải giỏi thì mới có thể đưa cho bạn thông tin đúng về tiếng Anh. 
  • Thứ hai, môi trường rèn luyện phải có người thường xuyên đưa ra góp ý và phát triển cho bạn. Có thể đó là những người bạn giỏi hơn mình, hoặc thầy/cô tận tâm sửa những lỗi bạn hay mắc phải. 

5/ Hãy vứt bỏ sỉ diện và tự tin nói tiếng Anh, nói bất chấp 

Những bạn thiếu tự tin là do vốn tiếng Anh chưa vững, dẫn đến sợ nói sai và bị người khác chê cười. 

Bạn hãy chấp nhận điều đó và xem nó là một điều hết sức bình thường bởi vì không ai học tiếng Anh mà không nói sai cả. Thậm chí người bản xứ đôi khi cũng nói sai nữa đấy. 

Bạn hãy nghĩ đơn giản thôi nhé. Tiếng Anh chỉ là một ngôn ngữ và là một công cụ để giúp bạn tiến xa hơn trong công việc và cuộc sống thôi. Không việc gì phải tạo áp lực cho bản thân cả. 

Học tiếng Anh nói sai là chuyện bình thường, chỉ có không chịu nói mới là bất thường.

Tóm lại, 3 công thức chính để giao tiếp tiếng Anh tốt đó là Nghe nhiều. Học từ và lấy kiến thức. Luyện tập nói bất chấp. 

 

Vậy trong 3 phương pháp học này, phương pháp nào là quan trọng nhất và nên dành thời gian cho nó ra sao?

Câu trả lời là cả 3 phương pháp này đều rất quan trọng để giúp bạn giỏi giao tiếp. Do đó, bạn nên áp dụng cả 3 phương pháp này một lúc thì mới có hiệu quả cao được nhé. 

Sau đây là biểu đồ gợi ý phân bổ thời gian luyện tập với 3 phương pháp này trong 30 ngày:

Thời gian đầu, bạn nên ưu tiên luyện nghe qua mạng và dành rất nhiều thời gian cho nó (60% thời gian). Song song với việc này, bạn sẽ phải dành ra 15% thời gian để học từ và lấy kiến thức từ thầy cô, sách báo nước ngoài hoặc những anh chị giỏi tiếng Anh. Và phần thời gian còn lại (25% thời gian) bạn hãy tăng tốc luyện nói theo như chia sẻ ở phần trước.

Nguồn: vietleap.com

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,694 lượt xem