Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bí Quyết Phỏng Vấn: 3 Cách Trả Lời Câu Hỏi “Điểm Yếu Của Bạn Là Gì?”

Bạn muốn kiếm được việc? Vậy thì phải biết nên và không nên nói những gì để trả lời cho một trong những câu hỏi thường gặp nhất: “Điểm yếu của bạn là gì?”

Đến vòng phỏng vấn nghĩa là bạn đã đi được một quãng đường khá xa rồi. Tuy nhiên, nếu bị nhà tuyển dụng hỏi về điểm yếu của mình, bạn sẽ trả lời ra sao đây? Đây là một câu hỏi khá hóc búa – vì nó không chỉ bắt bạn thừa nhận khuyết điểm của mình, mà đồng thời vẫn phải tránh đánh mất cơ hội được tuyển dụng.

Nhưng dù sao thì đây cũng là một câu hỏi phổ biến, chính vì vậy, bạn có thể chuẩn bị trước một câu phản hồi hay ho và vững chắc ngay trước vòng phỏng vấn.

Dưới đây là một số bí quyết để trả lời câu hỏi “khó nhằn” này:

Cách 1: Thể hiện cách bạn đã vượt qua khó khăn.

Thật ra, câu hỏi này chính là một cơ hội tuyệt vời để thể hiện ưu điểm của bạn, đặc biệt là cách bạn chủ động đương đầu và đối phó với những trở ngại. Chộp ngay lấy cơ hội này để chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết rắc rối trong quá khứ là một ý rất hay ho đấy.

Một ví dụ đơn giản như sau: “Lúc còn thực tập, tôi đã từng có một khoảng thời gian khó khăn vì phải ôm đồm quá nhiều công việc. Tôi đã không biết phải nói với quản lý về vấn đề này như thế nào và gần như kiệt sức vào mỗi cuối tuần. Sau đó, chúng tôi đã lên kế hoạch chia công việc với các thực tập sinh khác, và tôi nhận ra rằng thừa nhận sự thật không khiến bản thân mình trở nên vô dụng, ngược lại, nó giúp tôi cải thiện chất lượng công việc của mình nói riêng và thành quả của công ty nói chung.”

Đây là một câu trả lời tuyệt vời, vì bạn đồng thời thừa nhận được vấn đề nhưng lại cũng đưa được một hướng giải quyết tích cực. Bạn còn thể hiện được khả năng làm việc nhóm và hợp tác với quản lý.

Câu trả lời nên tránh: “Tôi không có khuyết điểm nào cả.”

Phải xác định được rằng khi hỏi câu này, nhà tuyển dụng không chỉ muốn biết về khuyết điểm của bạn mà còn muốn xem cách bạn tiếp cận câu hỏi đó như thế nào. Một câu trả lời sắc bén, chỉn chu sẽ giúp bạn ghi điểm trong những giai đoạn quan trọng. Chính vì vậy, trả lời mình không có khuyết điểm sẽ chỉ khiến bạn trở thành người không nhận ra giới hạn bản thân và gây phản tác dụng.

Cách 2: Nhấn mạnh vào kỹ năng mà bạn đang chủ động cải thiện.

Miễn là bạn chứng tỏ được mình sẽ vẫn tiếp tục cải thiện, thì việc thừa nhận mình có một, hai khuyết điểm cũng chẳng gây hại gì cả. Bạn có thể đề cập mình đang cố phát triển kiến thức công nghiệp hoặc nâng cao khả năng Excel chẳng hạn.

Câu trả lời ví dụ: “Vì chuyên môn là tiếng Anh, nên tôi không có mấy cơ hội sử dụng Excel để tính toán hay quản lý các dự án đang diễn ra. Nhưng từ sau khi tốt nghiệp, tôi đã bắt đầu sử dụng Excel nhiều hơn để quản lý tài chính, và tôi thấy nó rất tiện lợi. Tôi đang cân nhắc tới việc đăng ký học online để có thể nâng cao khả năng Excel của mình.”

Bạn sẽ có thêm điệm cộng nếu thể hiện được mình là người ham học hỏi, đặc biệt là khi bạn sẵn sàng mở mang kiến thức của mình ra ngoài những thứ đã học ở trường. Từ việc chuyên Anh ngữ trở thành chuyên gia Excel là một bước phát triển vượt bậc.

Câu trả lời nên tránh: “Tôi là một người cầu toàn.”

Rất nhiều người thường “ngụy trang” ưu điểm của mình thành khuyết điểm, ví dụ như câu trả lời kinh điển “Tôi là một người cầu toàn” hay “Tôi làm việc quá mức.” Nhưng nên nhớ rằng, việc chia sẻ về những điều mà mình có thể cải thiện chính là cơ hội để bạn bày tỏ sự chân thành. Các nhà tuyển dụng sẽ muốn nhận một nhân viên thật thà và thẳng thắn hơn.

Cách 3: Hãy chọn một khuyết điểm không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc.

Có một cách an toàn là nói về một khuyết điểm sẽ không gây trở ngại quá nhiều trong công việc mà bạn đang nhắm tới. Ví dụ nếu bạn đăng ký vị trí trợ lý quảng cáo ở một công ty quan hệ công chúng – công việc yêu cầu bạn phải gọi điện cho truyền thông và viết các thông cáo, vậy thì nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không muốn nhận một nhân viên không thể ăn nói trơn tru qua điện thoại hay thường trễ deadline.

Vì vậy, để tránh gây ấn tượng xấu, bạn có thể trả lời rằng: “Vì tôi chưa từng đảm nhiệm vai trò quản lý nên đôi khi tôi cũng khá ngại ngùng trong việc giao công việc cho người khác. Tuy nhiên, vì sau này tôi muốn mở một công ty quảng cáo của riêng mình, nên rất hứng thú nếu có thể học hỏi được thêm về chiến thuật quản lý người khác.” Với câu trả lời này, bạn đã khéo léo lồng ghép về định hướng tương lai của mình, và nhà tuyển dụng cũng sẽ rất vui vẻ khi nghe về suy nghĩ của bạn.

Tóm lại, hãy nói về khuyết điểm của mình một cách đúng đắn, thể hiện rằng bạn là người nhận thức rõ bản thân, chăm chỉ, tận tụy và luôn muốn cải thiện – đây là những phẩm chất mà các ông chủ rất thích.

Nguồn : nanapetcommunityblog.wordpress.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

856 lượt xem