Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Vì Sao Chúng Ta Làm Việc”: Câu Trả Lời Chính Là Chìa Khóa Để Có Được Một Công Việc Tuyệt Vời!

“Tại sao chúng ta làm việc? Tại sao mỗi sáng ta lại phải kéo lê mình ra khỏi giường thay vì sống cuộc đời ngập tràn niềm vui với hết trò này trò khác?” Để kiếm sống? Liệu có phải chúng ta chỉ làm việc để kiếm sống hay còn những lí do khác nữa thôi thúc ta không ngừng làm việc? Câu trả lời sẽ được Schwartz hé lộ trong Vì sao chúng ta làm việc, cuốn sách thú vị nằm trong loạt TED book mà bạn không nên bỏ lỡ.

Barrey Schwartz là giáo sư tâm lí tại đại học Swarthmore, Pennsylvania. Schwartz đã viết 10 cuốn sách và hơn 100 bài cho các báo chuyên ngành. Cuốn sách chưa đầy 200 trang bạn đang cầm trên tay là một trong số những tác phẩm thành công của ông. Vì sao chúng ta làm việc? thuộc bộ sách TED. Đây là một bộ sách nhỏ với những ý tưởng lớn. Mỗi cuốn sách TED được song hành cùng với các bài thuyết trình TED có liên quan.

Vì sao chúng ta làm việc?- Câu hỏi ấy hết sức đơn giản. Nhưng tác giả đã chứng minh rằng câu trả lời lại đầy bất ngờ, phức tạp và cấp bách. Schwartz hé lộ chính xác vì sao nói mục tiêu đi làm của con người là lương thưởng lại rất không chính xác.

Bắt đầu cuốn sách với câu hỏi: Chúng ta làm việc vì điều gì?

Theo một báo cáo diện rộng do Gallup, một tổ chức thăm dò ý kiến tại trụ sở Washington DC, xuất bản vào năm 2013, số người lao động “chống đối” trên thế giới nhiều gấp đôi so với những người lao động gắn bó với công việc của mình...

Gallup nhận ra chỉ có 13% số người cảm thấy gắn bó với công việc của mình. Những người này làm việc đam mê và dành trọn thời gian để thúc đẩy công ty, doanh nghiệp mình tiến lên. Phần lớn chúng ta, khoảng 67%, không cảm thấy yêu công việc. Chúng ta lờ đờ, nửa tỉnh nửa mê lê lết qua hết một ngày dài, chẳng đầu tư công sức gì lắm cho công việc. Và số người còn lại thì làm việc cực kì chống đối, thực sự ghét việc. Nói cách khác, công việc thường xuyên là một nguồn khó chịu hơn là nguồn vui sướng cho gần 90% người lao động trên thế giới.

Tại sao lại như vậy? Tại sao với hầu hết chúng ta, công việc thật đơn điệu, vô vị và mòn mỏi. Tại sao ta khó có thể nghĩ ra lí do gì khác nhiều hơn để làm việc thay vì trả lời “ làm việc vì tiền”?



Thay vì tìm hiểu những người chán ghét công việc, chúng ta hãy cùng tìm ra mục tiêu của những người hài lòng với công việc. Theo tác giả, con người hài lòng với công việc lao động vì thấy có trách nhiệm. Công việc cho họ phương tiện để có quyền độc lập và tự quyết, họ sử dụng quyền ấy để nâng cao khả năng của bản thân. Họ học những điều mới mẻ, phát triển bản thân cả trong công việc lẫn đời sống. Những người này làm việc vì đó chính là cơ hội để họ hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng họ làm việc vì cảm thấy việc mình làm thật ý nghĩa.

Rõ ràng ta dễ dàng nhận thấy có vô vàn lí do phi-vật-chất khi hỏi những người hài lòng với công việc về lí do họ làm việc.

Vì sao chúng ta làm việc? Cuốn sách không chỉ tìm ra lí do ta làm việc mà còn gợi mở cách để ta có được một công việc tuyệt vời.

Chương 1: Quan niệm sai lầm

Trong cuốn Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations) xuất bản năm 1776, Adam Smith viết:

Con người ta vốn thích được sống sung sướng nhất có thể, và nếu tiền lương vẫn như vậy dù anh ta có làm việc chăm chỉ hay không, thì anh ta sẽ lơ là và lười biếng vì anh ta được cho phép.

Nói cách khác theo Smith, con người làm việc vì tiền, không hơn không kém. Adam Smith đã nhầm về thái độ và động lực làm việc của chúng ta. Nhưng khi chủ nghĩa tư bản phát triển dưới ảnh hưởng của ông, bằng một bước xoay mình uyển chuyển của “Lí thuyết động cơ cho vạn vật”, hoặc xóa sổ những yếu tố tiềm năng khác có thể khiến người ta hài lòng với công việc. Và dần dần cả hành tinh này đều vận hành theo mô hình như thế., nên mỗi sáng người ta lê bước đi làm mà trong lòng đã chết đi mầm móng ý nghĩa công việc mình làm, đã nguội lạnh lòng tha thiết hay phai tàn những cảm giác hứng khởi do được thử thách tài năng. Vì chẳng có lí do gì để làm việc ngoại trừ tiền, nên họ sẽ làm việc vì tiền. Vậy là quan điểm sai lầm của Smith về lí do làm việc của con người đã trở thành đúng.

Bởi lẽ đó theo tác giả:

Nếu muốn góp phần tạo nên một kiểu người tìm kiếm những thử thách, sự gắn bó, ý nghĩa và sự thỏa mãn trong công việc, chúng ta phải bắt đầu từ việc xây dựng một con đường thoát khỏi cái hố sâu mà gần ba thế kỉ những hiểu lầm về động lực và bản chất con người đã đẩy chúng ta vào. Từ đó bồi dưỡng những mảnh đất làm việc mà trong đó sự thử thách, sự gắn bó, sự thỏa mãn có thể đâm chồi.

Chương 2: Khi công việc tốt đẹp

Ở chương 2 tác giả sẽ chứng minh cho chúng ta thấy thái độ của con người trước công việc mới chính là yếu tố quyết định sự hài lòng chứ không phải là bản thân công việc.

Khi hỏi tại sao nhiều người lại không hài lòng với công việc, thường chúng ta sẽ đưa ra 2 câu trả lời. Thứ nhất, nhiều người chúng ta cho rằng chỉ có một số ít công việc nhất định cho phép con người tìm ra ý nghĩa, sự gắn bó, sự tự do, tự quyết và những cơ hội học hỏi, phát triển cho bản thân. Đó là luật sư, bác sĩ, giáo viên, người phát triển phần mềm, CEO,... Còn lại là những người làm công ăn lương. Mặt khác, chúng ta quan niệm không phải ai cũng có được một công việc tốt hoặc chúng ta phải chịu đựng làm những nghề tệ hại để có được sự thịnh vượng về mặt vật chất. Đáng tiếc, hai câu trả lời đó đều sai.



Giáo sư Schwartz đã đưa ra những ví dụ về những người làm ở nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là những nghề mà xã hội thường không mấy coi trọng để chứng minh luận điểm của mình. Bài học rút ra sau khi đọc câu chuyện về những hộ lí, những người thợ cắt tóc, người công nhân làm thảm là:

Về cơ bản, bất cứ nghề nghiệp nào cũng có tiềm năng khiến cho con người hạnh phúc. Nghề nghiệp có thể được vận hành theo kiểu đòi hỏi sự đa dạng, phức tạp, phát triển kĩ năng và sự trưởng thành. Chúng có thể được tổ chức để trao cho những người làm công việc đó một phạm vi quyền tự chủ. Và có lẽ quan trọng nhất là, chúng có thể có ý nghĩa nếu kết nối lợi ích của những người khác.

Chương 3: Việc tốt biến tướng như thế nào: Các quy tắc và những rò khen thưởng đánh bại tính chính trực.

Trong chương này, giáo sư Schwartz sẽ bóc tách vấn đề về khen thưởng và xử phạt, những hình thức đang chi phối động cơ làm việc của chúng ta. Tác giả bằng kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh vực cũng như khả năng phan tích vấn đề sắc bén đã cho chúng ta thấy nhiều hệ lụy nguy hiểm của việc áp dụng quy tắc và khen thưởng.

Ông cho rằng khi không tin con người có lương tâm làm việc đúng đắn, và quay sang sử dụng các phần thưởng thì chúng ta phát hiện ra rằng mình chỉ nhận được những gì đã trả. Các giáo viên dạy để thi, bởi vậy điểm số các bài thi cao lên mà chúng ta chẳng nhận được gì. Các bác sĩ làm việc nhiều hơn hoặc ít hơn (phụ  thuộc vào khen thưởng) mà không cải thiện được chất lượng chăm sóc y tế. Các hộ lí chỉ làm công việc của học mặc cho các bệnh nhân đau ốm suy sụp.

Triết gia, sau này là khoa học xã hội, William Sullivan đã nói rất nhiều về ý tưởng này trong cuốn Work and Integrity (Tạm dịch Công việc và đức hạnh). Ông nói rằng:

Với tư cách là một xã hội, chúng ta đã đi tới chỗ nghĩ rằng mình làm việc mà không cần có đạo đức nghề nghiệp nếu tạo ra được một bộ những quy tắc hành động ổn thỏa, đi kèm với một hệ thống khen thưởng thông minh. Chúng ta không thể. Thực sự chẳng có gì thay thế cho lương tâm muốn làm điều đúng đắn của chúng ta cả. Và càng dựa vào phần thưởng khích lệ thì chúng ta càng phụ thuộc vào nó. Ta có thể tự nhủ với bản thân rằng đó chẳng qua là bản chất con người thôi.

Sau đó ông khẳng định nhưng trên thực tế, làm như vậy chúng ta đang thay đổi bản chất loài người. Và chúng ta không chỉ đơn thuần là thay đổi mà chúng ta đang rút kiệt nó.



Chương 4: Công nghệ quan điểm

“Bản chất con người” như là một cuộc chiến giữa các phép ẩn dụ.

Tác giả đã lập luận về lí thuyết con người là một phát minh hơn là một phát hiện. Từ đó ông đi đến lí giải cho thắc mắc: Với những gì người lao động trông đợi từ công việc của họ, và với những điều khiến khách hàng, thân chủ, bệnh nhân và các học sinh hài lòng, tại sao công việc  lại tha hóa nhiều đến thế? Câu trả lời được trích dẫn ngay ở đầu cuốn sách:

Tư tưởng của những nhà kinh tế học và những triết gia chính trị, dù đúng dù sai, đều có sức mạnh nhiều hơn người ta vẫn nghĩ. Thực vậy, chẳng có mảy may gì khác cai quản thế giới này. Những người thực tế tự tin là mình hoàn toàn chẳng chịu ảnh hưởng của bất cứ trí tuệ nào, thường là nô lệ của một nhà kinh tế học quá cố.

Đây là lời của Keynes. Các tư tưởng mà Keynes đang nói tới là các quan niệm về bản chất con người – về những gì con người quan tâm, và những gì họ khao khát. Và giống như con cá không biết nó đang sống trong nước, con người cũng sống với những quan điểm về bản chất loài người như thế, những quan điểm đã ăn sâu đến nỗi chúng ta thậm chí còn không nhận ra có những cách khác để nhìn nhận bản thân.

Công nghệ quan điểm

Những quan điểm về bản chất con người đến từ đâu? Có thể chúng đến từ cha mẹ chúng ta, những người đứng đầu cộng đồng chúng ta, và những câu kinh thánh của chúng ta, còn ngày nay phần lớn đến từ các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học xã hội. Khoa học xã hội đã tạo ra một “công nghệ” quan điểm về bản chất con người. Để hiểu đầy đủ phần lớn các công việc của chúng ta trở nên tha hóa như thế nào, quan trọng là phải hiểu “công nghệ quan điểm” này – nó là gì và nó vận hành ra sao và nó thay đổi chúng ta như thế nào.

Rõ ràng các giả thiết về bản chất con người có thể thay đổi cách con người ứng xử. Tác giả đã chỉ ra có ba cách cơ bản.

Cách thứ nhất là lý tưởng thay đổi cách con người nghĩ về chính những hành động của họ. Ví dụ, ai đó hàng tuần làm tình nguyện tại nơi dành cho người vô gia cư. Một ngày nào đó anh ta đọc một cuốn sách nói rằng bản chất con người là ích kỉ. Sau đó anh ta có thể nói với bản thân mình rằng “Mình nghĩ mình đang hành động một cách vị tha. Bây giờ các nhà khoa học xã hội nói rằng mình làm tình nguyện chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình.” 

Cơ chế thứ hai mà lí tưởng trở thành sự thật là thông qua cái gọi là “lời tiên tri tự ứng”. Ở đây, lí tưởng thay đổi cách người ta phản ứng với người hành động, đến lượt mình, phản ứng đã được thay đổi này lại thay đổi những gì người hành động làm trong tương lai.

Cơ chế thứ ba có những tác động lớn lao nhất lên những môi trường làm việc của chúng ta và còn hơn cả thế - hoạt động để thay đổi các cơ cấu tổ chức sao cho tổ chức đó trở nên nhất quán với ý thức hệ này.



Chương 5: Tương lai của việc làm: Xây dựng bản chất con người

Thế giới công việc, và bởi thế cả thế giới kinh nghiệm của con người, sẽ là một nơi rất khác nếu chúng ta tự đặt cho bản thân những câu hỏi về công việc mình làm cũng như công việc chúng ta yêu cầu người khác làm. Đó là câu hỏi Tại sao, Như thế nào và Khi nào.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã giúp con người dần xóa bỏ đói nghèo vật chất song lại dẫn tới sự nghèo đói tinh thần. Và chúng ta thay vì để sự bào mòn tinh thần ấy tiếp diễn, hãy cùng nhau chung tay hành động để làm việc có mục đích hơn.

Lời kết:

Sách đủ ngắn để bạn đọc hết một lượt, nhưng đủ dài để đào sâu vào câu hỏi chúng ta kiếm tìm: Vì sao chúng ta làm việc? Với kiến thức chuyên sâu, lập luận sắc sảo, Schwartz rọi sáng con đường giúp người đọc tiến những bước đầu tiên để hiểu thế nào là một công việc tuyệt vời và làm sao để có được một công việc như vậy.

Hãy làm việc vì đam mê, khi đó bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào cả.

 Tác giả: Thu Thảo - Bookademy

 ------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,463 lượt xem