Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Cách Luyện IELTS Trong Vòng 14 Ngày. Thật Vi Diệu!

Trong vòng 2 tuần, học IELTS như thế nào cho hiệu quả? Bạn Đặng Huỳnh Mai Anh với niềm say mê Tiếng Anh đã chia sẻ đến chúng ta phương pháp luyện IELTS trong khoảng thời gian ngắn ngủi rất hay. Mời các bạn tham khảo bài viết tâm huyết này nhé.

Mình viết bài này dựa trên một tình huống giả định là bạn phải lên đường đi thi IELTS nội trong 14 ngày, nghĩa là về nền tảng bạn khó lòng có thể thay đổi thần kỳ trong nhiêu đó thời gian, cách duy nhất là “Hiểu rõ luật chơi” và có những chiến thuật phù hợp để đạt kết quả cao hơn với trình độ nhất định bạn đang có. Những ghi chép này dựa trên quan sát và suy ngẫm của mình về cách thiết kế kỳ thi IELTS.

Thật ra, mình không thuộc hạng quá giỏi tiếng Anh. Nói được hiểu được chứ không thuộc diện bắn tiếng Anh chuẩn như người bản xứ lưu loát trên 10 accents. Điểm IELTS cũng không thể chạm ngưỡng 8.0 hay 8.5. Nhưng tinh thần của mình từ trước đến nay vẫn là “Biết chừng nào chia sẻ chừng đó” vì nếu cứ đợi “biết đủ” mới lên tiếng thì con người vốn chưa bao giờ “biết đủ” về bất kỳ lĩnh vực nào cả, vậy nên mình cũng mạnh dạn viết xuống “một nhúm” mẹo để đi thi IELTS. Dĩ nhiên, không có tips nào có thể giúp bạn một bước thành “học sinh giỏi” mà bỏ qua quá trình rèn luyện trước đó. Theo sau, trong phần cuối, mình sẽ trao đổi thêm một vài cách để luyện tiếng Anh mỗi ngày.

 

1. Speaking

 

Mọi người thường bảo nói là kỹ năng không thể tự luyện. Mình đồng ý một nửa. Nếu là nói trong giao tiếp thường nhật thì việc có người luyện tập cùng mình (nhất là người bản xứ) là hết sức cần thiết. Nhưng trong IELTS, phần nói đã được chuẩn hóa, không còn là cuộc hội thoại tự nhiên đơn thuần theo phản ứng mà có phần khuôn mẫu. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể “lợi dụng” điểm này để “vượt qua hoang mang”, bằng việc luyện tập và chuẩn bị.  Như đã nói, thi nói trong IELTS không còn là cuộc hội thoại 2 bên mà có vẻ mang tính độc thoại theo câu hỏi mẫu nhiều hơn. Nghĩa là, bạn hoàn toàn có thể luyện thi nói IELTS một mình. Cách của mình là nhìn vào list câu hỏi, rồi ngồi tự nói một mình. Thu âm lại bằng điện thoại, nghe và sửa lỗi cho chính mình.

Bạn sẽ làm tốt nếu:

1. Nói lưu loát, tốc độ vừa phải và ổn định

2. Nói đủ dài, đúng ý

3. Chia đúng thì quá khứ-hiện tại-tương lai (Đặc biệt dễ nhầm)

4. Dùng idioms, một vài từ khó

Chiến lược của chúng ta hết sức đơn giản (dù đơn giản không có nghĩa là dễ dàng): “Hiểu luật chơi, hiểu họ muốn gì, chơi đúng luật, thể hiện đúng cái họ muốn. Theo đó: 

 

Task 1: Short answers

 

Câu hỏi về đời sống và cá nhân bạn.    

Họ muốn: Đây là phần khởi động. Đa số các câu hỏi sẽ ở thì hiện tại nên ít nhầm lẫn. Để kiểm tra khả năng phản ứng nhanh của bạn  

Bạn cần: Vì phần này, mình chưa bị gánh nặng nhầm thị hiện tại-quá khứ và suy   nghĩ mạch logic của câu trả lời (như các phần sau). Nên mình sẽ cố gắng đối   đáp nhanh, tự tin và “tung chưởng” idiom trong phần này.  Mình để ý họ hay hỏi về “favourite things”, nên idiom mình hay dùng   là: “cup of tea” (Một idiom khá đa dụng, xài được nhiều lúc nhiều nơi)    

 

Task 2: 2-min speaking

Bạn có topic và câu hỏi gợi ý. 1 phút chuẩn bị và 2 phút nói 

Họ muốn: Đây là phần độc thoại của bạn. Họ chỉ ngồi nghe thôi, nên sẽ dỏng tai  lên chăm chú cách chia thì, lỗi phát âm của bạn.   

Bạn cần: Hết sức bình tĩnh, có thể nói chậm lại (nhưng không ngắt ngứ). Chia  đúng quá khứ-hiện tại. Bố cục hợp lý. Trả lời được hết các câu hỏi gợi ý.  Mẹo của mình để giải quyết sự nhầm lẫn quá khứ-hiện tại là mình nói theo trình tự thời gian. Mình nói hết những chuyện trong quá khứ. Rồi, xong   nhe, chuyển qua hiện tại và chỉ nói hiện tại thôi. Tránh đan xen dễ lẫn lộn. 

Tận dụng triệt để và hiệu quả 1 phút chuẩn bị. Nhanh hết sức có thể   phác ra được outline. Như vậy, trong 2 phút nói bạn sẽ được giải thoát khỏi   suy nghĩ về nội dung. Cứ dán mắt vào outline và nói thôi (Mình thấy   eye-contact không phải là phần quá quan trọng trong IELTS Speaking). Outline tốt thì bạn sẽ có nhiều dung lượng não để tập trung vào ngữ pháp và câu chữ hơn.   

Về bố cục và ý tưởng. Đơn giản nhất là nói theo đúng trình tự các câu hỏi gợi ý. Cho các trạng từ chuyển vào cho tự nhiên. Để nói vừa vặn trong 2  min, thì với tốc độ nói của một người bình thường, bạn dùng 3-4 câu để trả lời  tương ứng cho mỗi câu hỏi gợi ý. Thông thường, có 4 câu hỏi gợi ý. Vậy bạn sẽ  nói được 12-16 câu trong 2 phút. Việc phân chia rõ ràng như vậy, sẽ giúp bạn  kiểm soát tốt hơn và nói đủ hết các ý quan trọng trước khi hết giờ.      

 

Task 3: Long questions  

Họ muốn: Kiểm tra lần cuối khả năng kiểm soát ngôn ngữ của bạn (không có sự  chuẩn bị). Đặc biệt rất hay có dạng câu hỏi buộc bạn phải bàn về một vấn đề   trong quá khứ/hiện tại/tương lai  

Bạn cần: Về Outline và mạch logic. Mình nghĩ bố cục đơn giản và đa năng nhất  là:   

Main idea -> Reason -> Ví dụ -> Counterfactual (Trường hợp ngược lại)  

Ví dụ:  Reading books helps me study  better. (Why?) Because I could exposure to different arguments around one  topic which strengthens my critical thinkings. For example, I usually read  books about start-up that I could link my knowledge in Business Aministration  to real-life cases. Without readin these books (counterfactual), I never  know, in reality, there are more complicated situations than in my  lectures. 

Trong phần này, mình nghĩ không nên trả lời quá dài. Bạn nên gom lại  trong 2 main ideas và triển khai như bố cục trên là vừa đủ.    

Về phần idioms (đặc trưng của IELTS), thay vì cố gắng học càng nhiều càng tốt, mình nghĩ bạn nên chọn ra tầm 10 idioms mà bạn thân quen nhất và cảm thấy nó đa-zi-năng nhất (kiểu dùng được trong nhiều tính huống. Ví dụ, ở task 1, “cup of tea” là một idea rất hay dùng. Một vài idiom hay dùng khác: Don’t judge a book by its cover (Dành cho miêu tả người/vật/nơi chốn trong task 2). Other times other manners (Cho những câu hỏi về 1 sự việc/hiện tượng đã thay đổi như thế nào so với ngày xưa, task 3). Tương tự, Vocabulary mình nghĩ cũng không cần học nhiều, mà học một số từ đắt giá, hay dùng và hay, để bạn có thể chêm vào bài của mình.

 

2. Writing

Về phần viết, mình thấy trang http://ielts-simon.com/ viết rất hay, cô đọng và đủ dễ. Thật ra, bạn không cần phải viết quá phức tạp. Chỉ cần viết logic, đầy đủ nội dung, đa dạng câu chữ và cấu trúc. Cách học là, xem đề, tự mình viết, đọc bài mẫu của Simon, phân tích logic structure (Vai trò của mỗi câu trong đoạn và mỗi đoạn trong bài). Highlight các cụm hay từ hay, ghi vào sổ tay và học. 

Ở task 1, mô ta biểu đồ, bạn chỉ cần học và ghi lại các cụm từ hay dùng (ví dụ từ bài mẫu trên Simon). Học thuộc và viết đi viết lại cho quen dùng.

Ở task 2, mình nghĩ có thể dùng lại cấu trúc: Main idea -> Reason -> Ví dụ -> Counterfactual (Trường hợp ngược lại). Chỉ khác là, ở phần này mình triển khai thành 3 ideas. Trong phần Intro, bạn phải paraphrase lại câu hỏi và đề cập đến bố cục (các main idea) bạn sẽ nói trong bài. Phần Conclusion, nguyên tắc là không có thêm idea nào mới mà nhắc lại các main ideas đã nói.    Các để làm giàu từ vựng và cấu trúc, như đã nói, là học lại từ các bài mẫu.

 

3. Reading

Có hai kỹ thuật quan trọng sẽ giúp bạn hoàn thành phần Reading nhanh, kịp giờ và hiệu quả hơn. 

Skimming: Skimming khác với Scanning ở chỗ, bạn sẽ đọc nhảy cóc. Bạn sẽ không đọc 2 chữ liên tiếp mà đọc nhảy từ key words này sang key words khác, thường mình sẽ đọc tìm danh từ và động từ trong một câu. Vừa đọc, vừa tự hỏi, ý tiếp theo là gì. Và bắt lấy key words trả lời cho câu hỏi trong đầu bạn. Cách đọc này sẽ giúp bạn đọc lướt nhanh một đoạn và nắm được ý chính. Mình thường vẽ ra outline của bài đọc, ý chính từng đoạn là gì. Để khi đến phần câu hỏi, mình sẽ biết cần tìm câu trả lời trong đoạn này. Đây mới là lúc bạn dùng đến kỹ thuật scanning.     

Scanning: Theo trình tự, bạn sẽ skimming trước để nắm toàn bộ ý tưởng bài đọc. Đọc câu hỏi, xác định key words và những đoạn chứa key words đó. Sau đó, bạn sẽ trở lại các đoạn “khoanh vùng”, và scanning (tưởng tượng giống như cái máy scan, hay tính năng search trong laptop) mình sẽ rà từ chữ này sang chữ kia, không nhất thiết phải hiểu ý nghĩa, cốt là nhanh nhất để tìm thấy key words trong đoạn và đọc 3 dòng trước và 3 dòng sau câu có chứa key words đó.

Hai kỹ năng skimming và scanning này, không chỉ trong IELTS, mà sau này khi đọc các tài liệu học thuật bằng tiếng Anh, hay muốn đọc nhanh bằng tiếng Việt cũng áp dụng kỹ thuật và trình tự tương tự (Chỉ có đọc tiểu thuyết và truyện, mà mình muốn tận hưởng câu chữ và chi tiết thì mới đọc từng chữ thôi).

Đang đọc và gặp những từ bạn không hiểu? Dĩ nhiên học từ mới và xây dựng vốn từ vựng là chuyện đặc biệt cần thiết. Nhưng như mình đã đề cập về giả định của bài viết rằng bạn phải thi IELTS trong 14 ngày, vì vậy chúng ta không có thời gian và cũng không nên dồn thêm quá nhiều từ mới vào đầu. Lời khuyên duy nhất là bình tĩnh hết sức ngay cả khi bài viết toàn từ bạn không hiểu. Sau đó, hãy luôn nhớ rằng “Tất cả những từ bạn cần, tất cả những keywords gói gọn trong những từ bạn biết”, và dùng những từ bạn biết để phán đoán và suy luận ra ý nghĩa của từ bạn không biết. 

Mạch logic của bài viết: Dù khác nhau về hình thức, nhưng 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết liên quan nhau và cùng đặt trên viên đá nền tảng là trình tự logic của việc diễn đạt. Cách bạn viết (nếu đúng chuẩn) sẽ cũng là cách người ta viết bài cho bạn đọc. Cách bạn nói sẽ cũng là cách người ta nói cho bạn nghe. Như vậy, chỉ cần bạn nắm được mạch logic và suy luận theo logic bạn sẽ nắm bắt được điều họ nói/viết tiếp theo. Thông thường, ý sau sẽ nối tiếp ý trước bằng mô hình triển khai 5W1H, nghĩa là ý sau sẽ trả lời các câu hỏi: Who? What?Where? When? Why? How?, của ý phía trước. Cách luyện tập là sau mỗi bài đọc, bạn ngồi vẽ lại sơ đồ bố cục các ý (Mình sẽ đề nghị bám vào 5W1H). Tầm 4-5 bài, bạn sẽ dần có “cảm giác” về chuỗi logic.

 

4. Listening

Thi nghe trong IELTS có một điểm mình rất sợ là: Chỉ cần một sơ suất để hụt một nhịp, thì sẽ “vất vả” những phần còn lại. Vì vậy, ngoài kỹ năng nghe đã tôi luyện theo năm tháng, thì việc theo hết phần Listening một cách trôi chảy và làm chủ tình huống là những điều mình sẽ nhấn mạnh.

Đầu tiên, như đã đề cập ở phần 3, hãy nắm bắt và cảm nhận mạch logic của sự diễn đạt. Điều đó giúp bạn luôn “đi trước một bước”, đoán trước điều họ nói. Nên khi nghe, bạn sẽ bắt từ và ý nhanh hơn vì đã có khái niệm trước trong đầu. Cách luyện tập nắm bắt mạch logic, là sau khi luyện nghe, bạn có thể lật transcript sau sách, phân thích trình tự triển khai logic của bài nghe.

Đọc trước câu hỏi. Trước mỗi phần thi nghe, họ sẽ cho bạn 5 phút để điền đáp án vào phiếu trả lời. Mình khuyên bạn, dùng toàn bộ từng phút từng giây này để đọc trước câu hỏi tiếp theo. Vì cuối cùng, họ sẽ vấn cho bạn thêm 15 phút để điền lại (thời gian này hoàn toàn đủ), nên khi phần nghe chưa kết thúc thì... “Never look backward, forward only!”. Tương tự, khi task đó bạn đã điền đủ các chỗ trống, nhưng bài nghe có thêm đoạn chào hỏi, tạm biệt các thông tin không liên quan, bạn có thể “skip” để có thêm thời gian đọc câu hỏi tiếp theo.

Việc đọc trước là hết sức cần thiết, vì nó giúp bạn suy luận và đoán các thông tin tiếp theo (dựa vào mạch logic), giúp bạn kiểm soát tốt hơn và bình tĩnh hơn. Hãy đọc trước, đoán xem những chữ gì có thể điền vào chỗ trống tiếp theo và mường tượng trong đầu cấu trúc logic của bài nghe.

 

5. English everyday

Cuối cùng, mình sẽ bàn về cách mình vẫn luyện Tiếng Anh mỗi ngày. Ngay cả bây giờ, khi đã đến Anh Quốc để học tập, thì mình vẫn cảm thấy bản thân cần duy trì việc luyện Tiếng Anh. Vì  từ IELTS đến thực tế, từ việc dùng được đến việc dùng tốt hơn là một khoảng cách không hề nhỏ.

Mình sẽ đề nghị, luyện đọc trước rồi mới đến luyện viết. Luyện nghe trước rồi mới đến luyện nói. Và khi đã đọc hiểu và nghe hiểu, bạn sẽ cần chuyện sang bước tiếp theo: Đọc để ý và Nghe để ý. Ví dụ, trong sách, họ dùng cụm này hay. Khi nói, họ dùng cụm này là lạ. Sau đó, bạn chỉ cần “bắt chước” lại họ. Từ từ, tất cả những cụm đó, cách dùng chữ đó sẽ trở thành của bạn. Cá nhân mình, mình không dành nhiều thời gian để luyện nói và viết, chỉ có nghe nhiều và đọc nhiều thì 2 kỹ năng kia tự động cải thiện theo.

Để đảm bảo việc luyện không bị chán và mình có thể duy trì mỗi ngày, mình sẽ gắn việc đọc và nghe tiếng Anh vào những thứ mình hứng thú.

Về nghe Tiếng Anh, mình xem film trên Netflix (có phụ đề tiếng Anh và không phụ đề). Ngoài ra, thì mình xem The Ellen Show (Link: https://www.youtube.com/user/TheEll...) đặc điểm của channel này là có phụ đề tiếng Anh, phù hợp cho các bạn chưa nghe tốt, có thể bắt đầu bằng việc vừa nghe vừa đọc. Nội dung thú vị, vui vẻ và thường ngắn tầm 5-6 phút, phù hợp để xem trong lúc ăn, trước khi đi ngủ và khi chờ ai đó. Nếu bạn muốn luyện nghe British Accent, thì có thể tìm BBC Documentary Engsub trên Youtube, cách làm phim tài liệu của họ rất hay và không bị chán.

Các kênh này nhìn chung nói tiếng Anh khá chuẩn tắc, họ ít dùng các cụm từ lóng. Nếu đã nghe thuần thục và muốn level-up, bạn có thể follow một vài Youtubers và tập nghe. Hãy chọn Youtuber nào đó bạn hứng thú, từ DIY đến Hi-tech Review, đến vẽ vời... Nếu không hiểu họ nói thì xem hình (có rất nhiều trai xinh gái đẹp ăn nói có duyên cho bạn chọn lựa), dần dần khả năng nghe của mình cải thiện lúc nào không hay.

 

Mình cũng thấy các đầu sách viết cho Teen dùng tiếng Anh khá đơn giản. Bạn có thể thử tìm bản E-book trên mạng và luyện xem sao nhé!

 

Theo Đặng Huỳnh Mai Anh

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,459 lượt xem