Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Chinh Phục Ngay 4 Dạng Aptitude Test Phổ Biến Nhất Thị Trường Tuyển Dụng Hiện Nay

Aptitude Test - Bài test năng lực ứng viên là một phần vô cùng quan trọng của Test tuyển dụng nói chung. Dù Aptitude Test có thể bao gồm tới hơn mười dạng test khác nhau tùy vào vị trí và lĩnh vực bạn ứng tuyển, nhưng có những dạng test bạn sẽ gặp trong mọi bài Aptitude Test của mọi công ty. Câu lạc bộ Nguồn nhân lực HRC xin giới thiệu tới bạn 4 dạng Aptitude Test phổ biến nhất:

 

#1: NUMERICAL REASONING TEST

 

 

 

Numerical Reasoning Test là tên gọi chung cho những bài đánh giá dựa trên các con số, bao gồm cả những câu hỏi toán học, số học đơn giản lẫn những bài toán suy luận cao cấp liên quan tới số liệu. Phạm vi câu hỏi rộng này đến từ việc bài test được sử dụng cho rất nhiều cấp bậc công việc khác nhau, từ vị trí Quản lý Cấp cao (Senior Manager) cho đến vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp (Graduate), cả trong lĩnh vực quản lý, hành chính/quản trị lẫn sales.

 

Đây là dạng phổ biến nhất của Aptitude Test mà ứng viên phải vượt qua trong vòng Assessment Centre hay trong quá trình tuyển dụng nói chung. Ở dạng test này, ứng viên được đánh giá về khả năng hiểu vấn đề và đưa ra quyết định dựa trên các dữ liệu số học.

 

Một câu hỏi bạn có thể gặp trong Numerical Reasoning Test sẽ như sau:


                                              Ví dụ từ chương trình UVTN 2016

 

Để vượt qua dạng bài này, bạn sẽ cần sự cẩn trọng và tập trung cao độ: hãy đọc kĩ các câu hỏi, tính toán thật chính xác và không bao giờ được quên kiểm tra lại các số liệu, đáp án trước khi hạ bút nộp bài.

 

#2: DIAGRAMMATIC REASONING TEST

 

 

Hàng loạt hình khối xuất hiện dày đặc trên giấy thi khiến bạn hoa mắt. Đáp án biến hóa đủ hình dạng, chiều hướng, màu sắc khiến bạn không kịp trở tay, chưa nói đến việc tìm ra được quy luật phù hợp - đó chính là Diagrammatic Reasoning Test. Bài test này sẽ đưa ra một loạt các hình ảnh hoặc chuỗi các hình khối cùng một vài đáp án - mọi thứ nhìn qua đều có vẻ rất “liên quan” đến nhau. Việc của ứng viên là dựa vào đó suy luận ra các quy luật được sử dụng trong đề bài và áp dụng chúng để lựa chọn đáp án phù hợp.

 

Đây cũng là dạng câu hỏi khá phổ biến trong bài Aptitude Test, được nhà tuyển dụng sử dụng để kiểm tra logic cũng như khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp của ứng viên. Những ứng viên ứng tuyển vào các vị trí đòi hỏi cao về khả năng giải quyết vấn đề (problem solving) và tư duy logic như Management Consulting hay Finance thường sẽ dễ gặp phải bài test này.

 

Dưới đây chính là một câu hỏi Diagrammatic Reasoning:

 

                                                      Ví dụ từ chương trình UVTN 2016

 

Một lời khuyên hữu ích khi làm dạng bài này là bạn nên thử tự “tưởng tượng” ra đáp án trước khi nhìn vào những lựa chọn mà đề bài đưa ra. Bạn cũng có thể dùng tay che đi các đáp án, chỉ tập trung vào đề bài và suy nghĩ. Bởi nếu không, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng chọn bừa một đáp án trông có vẻ “đung đúng” thay vì thực sự suy luận ra câu trả lời. Nhiều chuỗi hình ảnh hoặc dãy số nhìn rất giống nhau, và nếu bạn không có một hình dung rõ ràng về đáp án trong đầu mình, bạn sẽ dễ dàng “mắc bẫy” và đưa ra một lựa chọn sai lầm.

 

#3: VERBAL REASONING TEST

 

 

Dạng bài thường gặp thứ 3 trong Aptitude Test chính là Verbal Reasoning Test. Đây là tên gọi của các câu hỏi sử dụng văn bản (written text) nhằm đánh giá khả năng Đọc hiểu - Tư duy - Phân tích thông tin của bạn.

Bài Test này sẽ kiểm tra một loại kĩ năng ngôn ngữ của ứng viên, cụ thể là tiếng Anh, bao gồm:

  • Vocabulary - Từ vựng: Vốn từ, sự am hiểu và khả năng sử dụng từ ngữ; được kiểm chứng qua nhiều dạng bài khác nhau như câu hỏi về câu phức, hoàn thành một câu cho trước hay câu hỏi về chính tả, v.v.

  • Grammar - Ngữ pháp: Kiểm tra kiến thức ngữ pháp của bạn, thường bằng các câu hỏi yêu cầu hoàn thành một câu cho trước hoặc lựa chọn câu tiếp theo phù hợp trong một đoạn văn.

  • Comprehension - Khả năng đọc hiểu: Bạn được yêu cầu đọc một đoạn văn bản và tùy theo cách hiểu, phân tích cũng như làm sáng tỏ của bạn, trả lời câu hỏi liên quan tới những gì bạn vừa đọc.

  • Critical Reasoning - Suy luận: Cách bạn phân tích những thông tin mình có; dựa vào các thông tin trong đề bài để xác định xem một khẳng định là đúng hay sai, hay những thông tin có được là chưa đủ để đưa ra câu trả lời.

 

Bạn có thể tham khảo một ví dụ về câu hỏi dạng Verbal Reasoning:

 

                                                        Ví dụ từ chương trình UVTN 2016

 

Để làm tốt dạng bài này, điều ứng viên cần lưu ý là chỉ sử dụng thông tin từ đề bài. Rất nhiều ứng viên sẽ bị ảnh hưởng bởi kiến thức hoặc quan điểm của mình trong lúc lựa chọn đáp án. Khi trả lời những câu hỏi dạng Verbal Reasoning, bạn chỉ được dựa trên những thông tin có hoặc không có trong đề bài. Cho dù kết luận có thể trái ngược với những gì bạn biết là đúng, bạn vẫn phải trả lời câu hỏi dựa hoàn toàn trên đoạn văn bản đã cho.

 

#4: SITUATIONAL JUDGEMENT TEST

 

 

Situational Judgement Test (SJTs) là một dạng công cụ tâm lý nổi tiếng được nhà tuyển dụng sử dụng để đánh giá nhận thức và hành vi của ứng viên khi tiếp xúc với các tình huống trong công việc hàng ngày. SJTs không có một hình thức cố định và không quá tập trung vào một mảng kĩ năng nào đặc biệt, mà thường được tùy chỉnh sao cho phù hợp với mỗi vị trí hay lĩnh vực riêng biệt. Do đó, các công ty, doanh nghiệp khác nhau lẫn các vị trí khác nhau trong cùng một công ty đó sẽ có những dạng đề và câu hỏi SJTs khác nhau.

 

SJTs yêu cầu ở ứng viên một giải pháp cho tình huống mà đề bài đặt ra, thường dựa trên những tính huống có thật sẽ xảy ra ở nơi làm việc. Các tình huống bao gồm những xung đột, mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, giữa khách hàng và doanh nghiệp hay áp lực và bất đồng với các đồng nghiệp trong cùng phòng ban. Ứng viên sẽ phải chọn một phương pháp hành động mình cho là tối ưu giữa rất nhiều lựa chọn khác nhau. Có rất nhiều hình thức câu hỏi khác nhau trong một bài SJTs: câu hỏi trắc nghiệm với chỉ một đáp án đúng, câu hỏi sắp xếp các lựa chọn theo một mức thang từ tốt/phù hợp nhất đến không phù hợp, v.v.

Khi trả lời một câu hỏi SJT, hãy nhớ rằng bài thi SJT vốn dĩ không có đáp án nào hoàn toàn đúng hoặc hoàn toàn sai. Vậy nên lời khuyên quan trọng nhất dành cho dạng đề này là bạn hãy luôn là chính mình, vì đôi khi bài test sẽ được thiết kế để làm “lộ tẩy” bạn. Những câu hỏi có cùng nội dung nhưng được diễn đạt khác nhau có thể dễ dàng “đánh lừa” bạn, chỉ cần vô tình chọn 2 cách xử lí khác nhau cho cùng một tình huống là bạn đã mất điểm với nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu trước về công ty mình đang ứng tuyển (văn hóa, giá trị, tầm nhìn…) để có được cái nhìn tổng quan nhất khi giải quyết vấn đề nhé!

 

“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” - HRC mong rằng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất về dạng Test tuyển dụng đang phổ biến nhất hiện nay. Hi vọng bạn sẽ nắm thật rõ kiến thức về những dạng bài test này và có kế hoạch luyện tập thật đầy đủ, cẩn thận thì chắc chắn Test tuyển dụng sẽ không còn là nỗi sợ với bạn nữa.

Theo hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,231 lượt xem