Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hoàn Thiện Bản Thân: Luyện Ý Chí

Chỉ cần vào google hay youtube gõ “ý chí” bạn sẽ thấy hằng hà sa số các bài viết, các video chủ để về ý chí. Ý chí dường như là tiêu chí hàng đầu cho thành công của con người. Nó có gì đó trùng lặp với Chỉ số vượt khó AQ, mà cũng có gì đó trùng lặp với khái niệm “Nghị lực”, “Kiên Nhẫn”,…

Hình ảnh mô tả cho ý chí thường là một người đàn ông mồ hôi nhễ nhại đang chạy trên đường, một người tàn tật chơi thể thao, một người đàn ông đứng trên đỉnh núi,…Ta sẽ ít gặp tình huống mô tả một người ăn mặc sạch sẽ ngồi trước bàn làm việc.

Vậy Ý chí là gì và thực sự là có thể luyện tập để tăng level ý chí không? Trong bài viết này tôi sẽ cố gắng giúp bạn hiểu được nó là gì và nó nên được luyện tập như thế nào.

1. Mối quan hệ giữa Thể chất và Tinh thần

Tinh thần và thể chất có mối quan hệ qua lại với nhau mà chúng ta chắc ai cũng hiểu, chẳng qua có quan tâm hay không mà thôi.

Một tinh thần khỏe mạnh thường đi đôi với một cơ thể khỏe mạnh và ngược lại. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy một tinh thần mạnh mẽ trong một cơ thể yếu đuối (trừ bẩm sinh hay bệnh tật). Chúng ta cũng sẽ không bao giờ thấy một tinh thần yếu đuối trong một cơ thể khỏe mạnh.

ychi 1

Trong những ngày bị bệnh hay đau đớn chỗ nào đó bạn sẽ thấy tinh thần rất chán nản, chẳng thiết làm cái gì, chỉ muốn cho mau khỏi bệnh. Cũng vào một ngày nào đó bạn tự nhiên thấy yêu đời thì tự nhiên bạn thấy cơ thể tràn trề sức sống, ăn mặc đẹp xuống phố.

Đây là mối quan hệ “và” không phải mối quan hệ “hoặc”. Khi cố gắng cái này thì cái kia sẽ tăng theo, chúng ta không phải đưa ra các lựa chọn đánh đổi.

2. Ý chí thuộc về yếu tố tinh thần

Tinh thần là thứ vô hình không thể nắm bắt. Ta cảm nhận được sự hiện hữu của tinh thần vì ta vẫn đang suy nghĩ hàng ngày hàng giờ, vẫn cảm giác được thế giới xung quanh qua các giác quan. Ta chỉ ngừng suy nghĩ khi ngủ hoặc chết đi, mà thực ra ngay cả khi ngủ ta cũng đang nghĩ chẳng qua không nhận thức được, màng tai vẫn rung, da vẫn chạm vào giường nhưng lại không nhận thức được do vậy không ghi nhớ được.

Ý chí là một yếu tố thuộc về tinh thần. Nó là khả năng bạn vượt qua các giới hạn của bản thân.

y chi 2

Mỗi người trong chúng ta đều có một vòng giới hạn mà mọi sự làm quá lên đều phải đòi hỏi ý chí.

Chúng ta làm một ví dụ nhỏ thế này. Bạn giơ tay lên trời giữ nguyên tư thế đó. Trong 30 giây đầu bạn sẽ thấy thật dễ dàng, chẳng phải cố gắng gì. Rồi bạn cảm thấy tay bắt đầu mỏi dần, bạn có thể thả tay xuống hoặc vẫn tiếp tục giữ tay bất chấp cái sự mỏi. Lúc này bạn đang làm quá khả năng có thể của cái tay, và ý chí đang được sử dụng. Cơn mỏi tăng lên cùng hàng loạt các suy nghĩ bắt đầu xuất hiện trong đầu như “tại sao mình phải khổ thế này, đây là việc vô bổ”, ” có ai chứng kiến việc này để phán xét ta đâu”, “ta không thể làm được nữa”….Các suy nghĩ này tấn công làm suy yếu ý chí của bạn.

Mức độ giàu ý chí sẽ quyết định việc bạn chiến thắng các suy nghĩ đó như thế nào để tiếp tục giữ tay được lâu hơn. Nhưng rồi thì tới một lúc bạn cũng phải bỏ tay xuống cho dù bạn có giàu ý chí tới đâu. Nguyên nhân là sức ở tay bạn cũng có giới hạn, nó sẽ tự lỏng xuống cho dù bạn có muốn. Điều này dẫn tới một kết luận là giá mà cái tay khỏe hơn so với hiện tại thì bạn sẽ không phải sử dụng ý chí nhiều tới như vậy để giữ tay tới lúc này.

3. Hãy gia tăng giới hạn của bản thân

Ý chí như chất kích thích. Cho dù bạn có được tiêm chất kích thích mạnh nhất cũng chẳng bơi được như Michael Phelps đang bơi thư giãn. Nhưng nếu Michael Phelps được tiêm chất kích thích anh ta sẽ bơi nhanh hơn giới hạn tối đa của bản thân.

Mức độ giàu ý chí sẽ không quyết định được thành công của bạn nếu như giới hạn khả năng bản thân quá thấp. Bạn có thể sử dụng rất nhiều nỗ lực, nhiều cố gắng, nhiều chịu đựng nhưng kết quả mang lại cũng không hơn được với người xung quanh.

Một runner nghiệp dư dùng rất nhiều ý chí để chỉ là một người về đích của một giải chạy marathon nhưng một vận động viên chuyên nghiệp thì hoàn thành nó chẳng khó khăn gì cả.

Một nhân viên kỹ thuật có thể dùng rất nhiều ý chí để hoàn thành một vấn đề kỹ thuật khó nhưng một chuyên gia kỹ thuật thì đó là việc hàng ngày.

Nhưng cho dù thế nào thì một người ý chí luôn được mọi người tôn trọng và khích lệ

Tấm ảnh bên là cụ bà 92 tuổi, người già nhất hoàn thành cự ly Marathon giải chạy San Diego 2015 trong 7 giờ 24 phút và 36 giây. . Cự ly marathon là 42 km và rất ít người trong chúng ta có thể làm được. Hoặc vì chúng ta chưa từng muốn hoàn thành một cự ly marathon, hoặc là muốn nhưng không thực hiện được.

Nếu so thành tích của bà với một runner mức trung bình thì chẳng là gì nhưng nếu so với chính bà, những người già như bà, thì vấn đề lại khác hẳn. Bà được cổ vũ trên toàn bộ tuyến đường đua vì những người quan sát thấy được ý chí trong từng bước chạy của bà. Họ ước được sở hữu một ý chí như của bà, họ muốn lúc vào tuổi bà họ có thể làm được điều đó, nó như tấm gương khích lệ chính họ.

Một người có ý chí thường tiến bộ không ngừng nghỉ nên một lúc nào đó họ sẽ vượt qua những người khác. Họ có thể chậm như rùa nhưng họ lại đi liên tục và một lúc nào đó họ sẽ tới đích.

4. Thực tế người được coi là giàu ý chí họ dùng tới ý chí rất ít

Nghe có vẻ ngược đời. Rõ ràng chúng ta thấy họ rất nỗ lực, với hiện trạng của họ mà họ đạt được thành quả như vậy thì chắc chắn phải đòi hỏi cực kỳ nhiều ý chí. Thực tế không phải vậy.

Bạn thường thức vào lúc 7 giờ sáng và thấy gần như không thể dậy sớm lúc 5 giờ đặc biệt là những hôm giá rét. Bạn nhìn những người phải đi làm vào lúc sáng tinh mơ, ví dụ đi lấy mối rau quả từ sớm để về chợ bán, một cách khâm phục. Nhưng họ không giỏi đến thế, chẳng qua bạn so mình với họ thôi. Thực tế là họ không quá khó khăn để làm điều đó, điều đó diễn ra hàng ngày và bình thường đối với họ.

Bạn nghĩ tới việc dậy 5 giờ sáng để tập thể dục với ý nghĩ là hôm nào cũng phải nỗ lực. Nhưng bạn chỉ phải nỗ lực 1 tuần thôi, rồi dần dần bạn sẽ ít phải nỗ lực hơn rồi tới lúc bạn chẳng phải nỗ lực gì cả cũng mở mắt vào 5 giờ sáng.

Một người được gọi là giàu ý chí họ không cố gắng, nếu không bị ép buộc, đang ở hiện trạng  1 và làm tới 100. Họ từ 1 làm tới 2 rồi tới 3; tới khi họ đạt 99 thì việc cố tới 100 cũng chẳng to tát gì.

Nick Vujicic không phải cố gắng hàng ngày, anh ta đã quá quen với việc không có chân tay rồi, từ khi sinh ra anh ta đã phải sống với những thiếu hụt đó. Anh ta thực tế chỉ cần vượt qua trạng thái oán trách số phận thì cũng chẳng khác mấy chúng ta, thậm chí mọi năng lực của anh ta tập trung vào bộ óc thay vì cho toàn bộ các phần khác như chúng ta vì vậy mà nó sẽ hoạt động tốt hơn.

Giáo sư vật lý Stephen Hawking bị nhiều loại bệnh khác nhau nhưng vẫn là nhà vật lý vĩ đại. Nhà soạn nhạc Beethoven bị điếc vẫn có những bản nhạc nổi tiếng. Helen Keller bị mù điếc bẩm sinh vẫn hàng ngày đi an ủi các bệnh nhân khác.

Tất cả họ thực tế không phải cố gắng trong từng hơi thở. Họ chỉ cố gắng ở giai đoạn đầu, sau đó thì khi mọi thứ đã thành thói quen thì họ không phải quá nỗ lực nữa

5. Nguyên tắc phát triển gia tăng ý chí

Ví dụ:

Bạn có khả năng nâng được 15 kg tạ. Nếu bạn cứ luyện tập mãi ở mức dưới 15kg thì đương nhiên bạn sẽ không khỏe hơn và cũng chẳng phải nỗ lực gì để đạt được. Một ngày đẹp trời, có một em  xinh tươi xuất hiện trong phòng Gym,  trước mặt người đẹp chẳng nhẽ nâng có 15kg, bạn quyết định nâng 20 kg. Mặc dù 20kg đã vượt tới 30% so với cân nặng tối đa trước đó nhưng bạn cũng nâng được vài phát nhờ làm quá lên năng lực thực sự của cơ thể cộng với ý chí không bỏ cuộc giữa chừng.

Sang ngày hôm sau, mặc dù người đẹp không còn xuất hiện bạn vẫn quyết định mình nên nâng lên quả tạ 20kg vì khả năng mới tạo cho bạn sự tự hào (ít nhất là với lũ bạn vẫn hay nâng dưới 15kg). 1 tuần sau với sự luyện tập đều đặn bạn có thể nâng được quả tạ 20 kg cũng đơn giản như đã nâng quả tạ 15kg trước đó. Không đòi hỏi phải ý chí hơn nhưng kết quả lại cao hơn.

Sau đó bạn tăng lên quả tạ 25kg. Sự việc lại lặp lại như lần trước. Sau 1 tháng, bạn nâng quả tạ 25kg cũng dễ dàng như quả tạ 15kg cách đó 5 tuần. Rồi 30kg, 40 kg,…khó khăn ngày một tăng dần, ý chí đòi hỏi ngày càng cao hơn. Bạn liên tục muốn bỏ cuộc, nếu vượt qua bạn sẽ lại tăng thêm, nếu bỏ cuộc bạn dừng ở mức cân đó.

Vi dụ khác là môn chạy

Thực tế chạy hay bơi hay bất cứ môn thể thao nào cũng sẽ diễn ra như thế này:

  • Từ 0 km tới 200m : chẳng phải cố gắng gì
  • Từ 200m tới 700m : bắt đầu mệt
  • 700m: bắt đầu muốn dừng lại
  • Từ 700 tới 1000m : dùng tới ý chí để không bỏ cuộc.
  • Từ 1000m tới 2000m: cảm thấy khỏe hơn, không còn phải cố gắng nữa.
  • 2000m: muốn dừng lại vì mệt, nhàm chán, đau chân.
  • Từ 2000m tới 3000m: lại phải dùng tới ý chí để không bỏ cuộc. Lần này phải sử dụng nhiều hơn lần trước.
  • Từ 3000m tới 5000m: không còn phải cố gắng nữa
  • 5000m: tiếp tục muốn dừng lại
  • Từ 5000m tới 6000m : lại phải dùng tới ý chí ở mức độ cao hơn.

Cứ như vậy, các mốc đòi hỏi ý chí đến một cách đều đặn nhưng ý chí đòi hỏi ngày một cao hơn do sự đau đớn, mệt mỏi, nhàm chán tăng dần…

Nếu bạn tập chạy chăm chỉ thì các mốc này sẽ đến chậm hơn, ý chí bạn cũng sẽ tăng tiến theo.

y chi 5

Ở hình bên phải phía trên mô tả việc dùng tới ý chí trong chạy. Các mốc khó khăn đến đều đặn và ở mức độ không quá lớn như hình bên trái. Nhờ đến đều ở mức độ thấp nên ta có cơ hội vượt qua hơn.

Nếu bạn chưa bao giờ chạy, một ngày đẹp trời bạn muốn hoàn thành một cự ly 10k thì chắc chắn bạn phải bỏ ra nhiều ý chí hơn so với một người vẫn hay tập chạy.

Như vậy ta có thể tóm tắt lại mấy bước sau:

Bước 1: Tạo một lực đẩy nhẹ cho xe lăn bánh

Cần có một động lực nhỏ làm khởi động bộ máy. Nó trả lời câu hỏi tại sao bạn lại làm việc đó hoặc đơn giản là một thứ nào đó khiến bạn có thể bắt đầu, cho dù động lực đó có cao cả hay đê tiện tới đâu. Bạn nâng quả tạ 20kg vì có một cô em xinh đẹp trong phòng GYM, bạn tập chạy vì nghĩ tới khoảng khắc về đích của một cuộc đua, bạn quyết chí học hành vì có thể làm chủ cuộc sống thay vì bị nó quay tròn hoặc đơn giản để có thể trả lời được những câu hỏi của con ngồi cùng bàn, bạn quyết đứng lên sau thất bại vì người ta đã nói “Thất bại là mẹ thành công”.

Bước 2: Đặt mục tiêu liên tiếp

Động lực ở bước 1 không đẩy được bạn đi lâu. Các khó khăn sẽ đập chết những ý nghĩ tươi đẹp thời điểm ban đầu. Bạn phải nhanh chóng tìm động lực bền vững và liên tục đó là “Hãy hoàn thành mục tiêu tiếp theo vì tôi muốn thế”

Khi nâng được quả tạ 20kg, bạn chợt nhận ra rằng mình có khả năng học tập, mình tới một tầm cao mới, mình cảm thấy tự tin hơn, nếu cứ đà này mình sẽ nâng được quả tạ 200 kg trong tương lai. Cảm hứng trong luyện tập sẽ giúp bạn không bị bỏ cuộc. Cảm hứng đó sẽ nuôi sống ý chí, nếu như đơn giản bạn chỉ quyết tâm mà không tìm cách bổ sung cho nó trên quãng đường thì nó sẽ hết dần.

Nếu như bạn nâng quả tạ 20kg sau đó nghỉ ngơi, thỏa mãn thì tất nhiên chẳng bao giờ có thể nâng được quả tạ 200kg. Lúc này bạn lại ở trạng thái ngồi đợi một cô em xinh đẹp hơn, một động lực nào đó để tiếp tục đẩy lên. Đó là bạn đang ở trạng thái bị động.

Bước 3: Nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng phải cố gắng.

Ai tập luyện thể thao sẽ nắm rất rõ điều này. Họ không phải cố gắng tòan bộ tiến trình mà họ chỉ cần cố gắng vào từng khoảng nhất định. Trong bơi lội, nếu bạn có thể bơi tới 300m thì bạn dễ dàng bơi tới 500m, nếu bạn có thể bơi tới 700m thì bạn sẽ dễ dàng bơi tới 1000m,….Nếu bạn nâng được quả tạ 20kg thì bạn dễ dàng nâng được quả tạ 21kg, nhưng tới 25kg chẳng hạn thì vấn đề lại khác rồi.

Nguyên tắc này sẽ không làm bạn nản chí, nếu lúc nào cũng nghĩ mình phải nỗ lực thì mệt lắm.

6. Gia tăng năng lực không có nghĩa là gia tăng ý chí

Năng lực của bạn có thể tăng đều đều nhưng có thể ý chí vẫn không thay đổi. Ý chí giống như gia tốc mà năng lực giống như tốc độ. Dạng chuyển động nhanh dần đều có tốc độ tăng dần nhưng gia tốc bằng hằng số.

Ý chí chỉ tăng khi ta liên tục phải dùng tới nó ở cấp độ cao dần lên. Cũng như nâng tạ, nếu bạn chỉ loanh quan trong vùng ý chí của mình thì ý chí không hề thay đổi. Nếu bạn nỗ lực để chạy 5km sau 1 tháng tập luyện, thì sau khi hoàn thành nó hãy đặt ra mục tiêu 10km ở 2 tháng tiếp theo, sau đó là 21km, sau đó là 42km rồi cao hơn nữa.

Nếu bạn liên tục vượt qua ngưỡng ý chí đang có thì ý chí sẽ được nới rộng ra dần. Bạn sẽ vượt qua được những cấp độ khó khăn tương đối lớn hơn.

Điều này nhắc ta rằng không nhất thiết phải phát triển ý chí; chỉ cần nới rộng năng lực theo từng bước của khả năng ý chí là đủ.

7. Đừng thi gan với tinh thần, hãy bắt đầu từ thể chất

Như đầu entry này tôi có đề cập, bạn có thể gia tăng tinh thần hoặc thể chất, một trong hai vào một thời điểm. Đừng ngồi suy nghĩ tìm các động lực, củng cố cái sự muốn để mà gia tăng ý chí; việc đó vừa tốn thời gian vừa hiệu quả kém.

Hãy là một runner, bạn sẽ có tất cả.

Chẳng phải tôi là người thích chạy mà tôi cổ vũ điều đó đâu. Tôi sẽ giải thích cho bạn tại sao lại vậy:

Chạy là một quá trình đòi hỏi ý chí tăng từ từ thay vì đột ngột. Nó giống như việc bạn kéo một sợi dây chun, kéo rồi thả, kéo rồi thả, dần dần dây chun sẽ dãn dần ra.

y chi 4

Chạy khác với nâng tạ. Chạy sử dụng sức bền trong khi nâng tạ chỉ sử dụng sức trong một khoảng thời gian rất ngắn. Khi chạy, liên tục các ý muốn bỏ cuộc đến dồn dập khiến bạn có cơ hội để rèn luyện ý chí.

Khi là một runner bạn phải sắp xếp thời gian để có thể chạy. Bạn cũng phải ăn uống ngủ nghỉ điều độ để không bị tăng cân.  Nó rèn luyện cho bạn sự kỷ luật cực tốt.

Tuy nhiên khi chạy cũng phải có chiến lược. Nếu như chạy theo kiểu mỗi buổi chiều ra công viên Lê Nin chạy 2 vòng quanh nó, hôm nào cũng thế, năm này qua năm khác thì cũng giống như việc bạn dừng ở mức tạ 15kg, chẳng phải cố gắng gì.

Chạy hay là bất cứ môn thể nào bạn cũng phải nâng dần độ khó lên, độ khó tăng lên thì mới đòi hỏi tới ý chí rồi năng lực từ đó mới theo.

8. Tại sao chúng ta thất bại trong luyện ý chí?

Vì chúng ta bỏ ra một sự cố gắng giống nhau, trong vùng an toàn của ý chí. Nếu cố gắng vượt qua ranh giới an toàn một lúc nào đó sau đó nghỉ ngơi dài ngày thì nó lại về mức ban đầu. Giống như việc tập tạ, nếu bạn tập trong 1 năm sau đó 1 năm không tập nữa thì bạn lại về cái mốc ban đầu trước khi tập.

y chi 6

Chúng ta hay để mặc ý chí tự phát triển, năng lực tự phát triển mà không hoạch định và thực hiện một cách bài bản. Ta chỉ luyện tập năng lực dựa vào những khó khăn đến ngẫu nhiên khách quan từ bên ngoài. Vì nó đến không đều đặn và ở cấp độ không được kiểm soát nên ta yếu vẫn hòan yếu. Một tháng nâng vật nặng vài lần làm sao có thể khỏe được bằng một ông tập tạ hàng ngày.

Chúng ta phải chuyển sang thế chủ động tìm tới khó khăn. Vì chủ động nên ta có cơ hội lựa chọn mức độ khó của khó khăn. Phát triển năng lực, ý chí có thể từng bước chậm chạp nhưng hãy đều; bạn sẽ không bao giờ phải bất ngờ với những khó khăn đến không báo trước nữa.

Theo chienluocsong.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,936 lượt xem