Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Hướng Dẫn 9 Kỹ Năng Tự Học IELTS Reading Ngay Tại Nhà

Trước hết, không giống như các kỹ năng Nói và Viết, Nghe và Đọc là 2 kỹ năng cần thời gian để luyện tập chứ hầu như không thể học cấp tốc. Điều này là bởi vì, Nói và Viết có thể được cải thiện thông qua các kỹ thuật do giáo viên cung cấp, nhưng Nghe và Đọc lại phụ thuộc phần lớn vào sự hiểu biết tiếng Anh của người đọc (mà chủ yếu là phát âm, từ vựng và sự liên kết các ý).

Tuy nhiên, tin vui là, cũng chính vì vậy mà Nghe và Đọc có thể tự được học tại nhà mà không cần người hướng dẫn. Có 2 cách cơ bản để thực hành. Cách thứ nhất: lấy cần cù bù một số thứ. Chăm chỉ cày đề. Mỗi ngày làm vài đề với hy vọng mong manh và chưa được kiểm chứng lắm là cứ làm như vậy thì bằng cách nào đó kỹ năng đọc sẽ tiến bộ. Nói chung, tất nhiên có thể tiến bộ qua cách này nếu như với mỗi bài đọc mình phải chịu khó tra từ, học thuộc từ, phân tích các câu sai, ghi nhớ các lỗi sai thành hệ thống, ghi lại điểm của từng bài đọc và thường xuyên đánh giá xem kết quả của ngày đọc sau có cao hơn ngày đọc trước hay không.

Cách thứ hai: cũng chính là cách mình đề cập trong bài viết hôm nay, là thực hành đọc theo từng kỹ năng nhỏ. Bài thi IELTS Đọc nói riêng là 1 bài kiểm tra tổng hợp các kỹ năng tiếng Anh cần thiết cho việc đọc hiểu chứ không chỉ là về từ vựng. Mà kỹ năng thì có thể rèn luyện và tiến bộ nhanh hơn từ vựng (kỹ năng xài cho tất cả các bài đọc còn từ vựng mỗi bài lại một chủ đề, và học từ vựng rất vất vả). Cho nên nếu chăm chỉ cày kỹ năng nhuần nhuyễn trong khoảng thời gian 1 đến 2 tháng là có thể tự tin làm bài Đọc được rồi. Một khi đã có kỹ năng làm bài thì thậm chí có thể chọn được đáp án đúng mà không cần hiểu từ vựng. Như vậy, mục đích của việc học các kỹ năng Đọc KHÔNG PHẢI là để hiểu nội dung của bài đọc, mà là để tìm kiếm thông tin nhanh và chính xác nhất. Dưới đây là các kỹ năng cần thiết cho việc đọc như vậy mà mình tạm phân chia (có thể sẽ có bổ sung sau này vì sự hiểu biết về tiếng Anh của mình mỗi ngày mỗi khác):

 Kỹ năng 1. Dự đoán cách khai triển ý của bài (bố cục của các đoạn trong bài).

Một bài đọc trong IELTS hay các kỹ thi học thuật thường là một bài viết trang trọng tuân theo những quy định logic chặt chẽ về cách trình bày. Chính vì vậy, chỉ thông qua việc biết được chủ đề hoặc topic của bài đọc, mình có thể đoán sơ qua về cách trình bày các đoạn trong bài. Đoạn nào trước, đoạn nào sau, dụng ý của mỗi đoạn. Điều này sẽ có ích cho việc tìm kiếm thông tin trở nên nhanh chóng khi bắt tay vào trả lời câu hỏi.

Ví dụ, khi một bài đọc có chủ đề là, “Education over the past 100 years”, giáo dục trong vòng 100 năm qua, thì chắc chắn bài này đề cập đến những thay đổi của giáo dục trong vòng 1 thế kỷ. Chắc chắn nữa là bài sẽ đi theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại, với mỗi đoạn là 1 sự thay đổi. Vậy nếu sau này trong câu hỏi đề cập đến các đặc điểm của giáo dục trong quá khứ, mình có thể quay trở lại ngay mấy đoạn trên. Đoạn đầu và đoạn cuối thì thường có thể là nói về tầm quan trọng của giáo dục, nguyên nhân của sự thay đổi hoặc kết quả của sự thay đổi, tóm lại là những ý chung chung nhất. Khi đã có được dự đoán ấy, việc đọc thông tin trong bài trở nên chủ động hơn rất nhiều.

Kỹ năng 2. Cách dự đoán nội dung đoạn thông qua câu topic sentence.

Vì là tiếng Anh học thuật, nên các bài viết được chia khổ chia ý rất rõ ràng, với mỗi đoạn là một ý lớn. Thường thì cái ý lớn đấy sẽ được giới thiệu trong 1 câu gọi là “topic sentence”, còn tất cả các câu còn lại trong đoạn chỉ là để support cho cái ý lớn đấy thôi. Vậy thì, chỉ cần hiểu từng đoạn nói về cái gì, mình có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian thay vì đọc cả bài để tìm kiếm một thông tin cụ thể nào đó. Các câu topic sentence thì trong phần lớn trường hợp đều nằm đầu câu, nhưng cũng có khi đầu câu nó hay nêu một câu hỏi gợi mở hoặc 1 ví dụ, thì câu topic sẽ nằm thứ 2. Một lưu ý nữa, khi đã xác định được câu topic sentence mà nó là câu phức (2 mệnh đề, 1 chính, 1 phụ như kiểu câu “if”, “although”, “when”, “so…that” ấy), thì ý chính của đoạn sẽ nằm ở mệnh đề chính nhé.

Ví dụ, có 1 đoạn văn là “As well as a long list of “dos” and “don’ts”, teachers had certain duties to perform each day. In country schools, teachers were required to keep the cola bucket full for the classroom fire and to bring a bucket of water each day for the children to drink. They had to make pens for their students to write with and to sweep the floor and keep the classroom tidy. However, despite this list of duties, little was stipulated about the content of the teaching, nor about assessment methods.” Câu topic sentence là câu đầu tiên với topic của cả đoạn là “duties” nằm ở vế chính là vế đằng sau, nghĩa vụ của giáo viên. Tất cả những câu còn lại bổ sung cho ý này (những nghĩa vụ cụ thể gì).

Kỹ năng 3. Gạch chân các từ và cụm từ chính.

 Việc xác định từ và cụm từ chính “keywords” giúp chúng ta có căn cứ để tìm câu văn, đoạn văn chứa câu trả lời nhanh chóng hơn, và giúp chúng ta hiểu đại ý của cả bài, cả đoạn để phục vụ việc trả lời câu hỏi mà ko cần quan tâm đến chi tiết. Các từ, cụm từ chính thường là tên riêng, con số, các từ trong ngoặc kép, các danh từ làm chủ ngữ, động từ chỉ sự thay đổi, chuyển động, tính từ, các từ phủ định, các từ dài và lạ (nhìn có vẻ nguy hiểm, học thuật). “Keywords” là những từ mà cho chúng ta biết nội dung cần truyền tải của câu, chỉ cần chúng và bỏ đi phần còn lại của câu, người ta vẫn có thể hiểu được người nói/viết muốn truyền tải điều gì. Gạch chân keywords còn để khi đọc câu hỏi có thể nhanh chóng xác định phần thông tin trong bài có chứa nội dung này.

Ví dụ, “Education in those days was much simpler than it is today and cover basic skills and religious education”, các từ khóa có thể là, “education” (nhưng vì cả bài này nói về education nên đây ko nhất thiết phải là từ khóa), “those days”, “simpler”, “basic skills”, “religious”. Chỉ thông qua các từ đó người ta hiểu nội dung chính rồi. Tuy nhiên, không cần phải quá khắt khe với việc chọn từ này hay từ kia làm keywords, bởi mục đích chính là gạch chân để sau này quay lại tìm cho dễ. Đối với các từ dài, từ khó, từ trong ngoặc ko hiểu vẫn cứ gạch chân vì nhiều khả năng các câu hỏi sau này sẽ liên quan đến những cái này và hãy tự tin là, chỉ cần xác định được chúng ở đâu là có thể trả lời được đúng câu hỏi liên quan mà ko cần biết nghĩa.

Kỹ năng 4. Xác định tone của người viết.

 “Tone” tức là giọng điệu ấy mà, tích cực hay tiêu cực, đồng tình hay phản đối, thích hay ko thích, giận dữ hay mỉa mai. Việc xác định giọng điệu và thái độ của người viết đối với cái chủ đề của bài đọc rất tốt cho việc dự đoán đáp án của một số câu. Việc xác định tone này không có gì khó khăn đâu, chỉ cần đọc lướt bài mà thấy những tính từ tích cực như “convenient”, “fabulous”, “amazing” là hiểu tác giả thích cái đang được nói đến, còn nếu thấy toàn, “doubted”, “skeptical”, “unwelcome” thì biết là tác giả không có thái độ lạc quan lắm. Vậy, nếu với cái chủ đề tác giả đang nói đến một cách tích cực, mà khi mình đọc câu hỏi thấy có 4 đáp án, trong đó 2 đáp án tiêu cực là mình đã có thể gạch đi rồi.

Ví dụ, cũng với bài đọc về education bên trên, khi đọc sẽ thấy cái tone của tác giả là ủng hộ những thay đổi trong giáo dục, thích giáo dục ngày nay, cho rằng giáo dục ngày xưa khắt khe với giáo viên. Ngay như trong đoạn trên nói về các nhiệm vụ của giáo viên,“As well as a long list of “dos” and “don’ts”, teachers had certain duties to perform each day. In country schools, teachers were required to keep the cola bucket full for the classroom fire and to bring a bucket of water each day for the children to drink. They had to make pens for their students to write with and to sweep the floor and keep the classroom tidy. However, despite this list of duties, little was stipulated about the content of the teaching, nor about assessment methods.” Mình có thể thấy các từ “long list” danh sách dài, “had to” phải, “required” bị yêu cầu, như vậy tone là phê phán sự khắt khe. Vậy nếu có câu hỏi như, giáo viên ngày xưa thường làm gì? Và có 4 đáp án, trong đó có những cái nghe khổ như quét nhà, lau giặt, lại có cái nghe rất sướng như xem TV, cưới nhiều chồng, thì từ sự phán đoán cá nhân ta đã có thể loại những cái sướng vì nó không phù hợp với giọng điệu của giám khảo.

Kỹ năng 5. Tìm nhanh một từ hoặc cụm từ chính xác trong bài.Đây là kỹ năng scanning quen thuộc mà chúng mình hay được dạy ở các trung tâm. Khi mình đọc một câu hỏi có chứa một từ hay cụm từ nào đó, phải “scan” qua bài đọc để tìm cái từ và cụm từ đó nhanh nhất có thể. Có thể luyện tập kỹ năng này bằng cách nhờ một người đưa cho mình 1 bài đọc mới và bắt mình tìm một từ hoặc một cụm từ trong bài không theo thứ tự thật nhanh. Tự lập kỷ lục cá nhân về độ nhanh, cho đến khi chỉ cần khoảng 5 giây để tìm ra 1 từ hoặc cụm từ bất kỳ là đi thi được rồi. Lưu ý, các từ và cụm từ mình thường phải tìm chính là tên riêng, năm, các từ dài và nguy hiểm, các thuật ngữ để trong dấu ngoặc kép.

Ví dụ, trong đoạn, “As well as a long list of “dos” and “don’ts”, teachers had certain duties to perform each day. In country schools, teachers were required to keep the cola bucket full for the classroom fire and to bring a bucket of water each day for the children to drink. They had to make pens for their students to write with and to sweep the floor and keep the classroom tidy. However, despite this list of duties, little was stipulated about the content of the teaching, nor about assessment methods.”, có 1 từ khó ở đây là từ “stipulated”, nhìn rất nguy hiểm. Hoặc “duties” vì nó là topic. Vậy khi đọc câu hỏi mà có những từ này là phải chạy marathon quay về bài đọc và tìm nhanh hết sức có thể, và việc gạch chân keywords từ trước đã hỗ trợ cho việc tìm này của mình rồi.

Kỹ năng 6. Tìm từ đồng nghĩa và cách diễn đạt tương đương trong bài.

 Đây là một kỹ năng nâng cấp của kỹ năng 5. Như chúng ta đã biết, bài thi IELTS kiểm tra sự hiểu tiếng Anh, vì vậy hiếm khi trong câu hỏi người ta sử dụng y hệt các từ và cụm từ như trong bài mà sẽ “paraphrase”, viết theo cách khác, sử dụng từ đồng nghĩa. Như vậy, khi đọc câu hỏi có chứa một từ hoặc một cụm từ nào đó thì không phải chỉ chăm chăm tìm từ và cụm từ đó trong bài mà phải tìm cả những từ đồng nghĩa và cách diễn đạt tương đương.

Ví dụ, đối với đoạn văn trên, “As well as a long list of “dos” and “don’ts”, teachers had certain duties to perform each day. In country schools, teachers were required to keep the coal bucket full for the classroom fire and to bring a bucket of water each day for the children to drink. They had to make pens for their students to write with and to sweep the floor and keep the classroom tidy. However, despite this list of duties, little was stipulated about the content of the teaching, nor about assessment methods.”, có câu hỏi (hỏi cả bài chứ không phải chỉ hỏi riêng đoạn này, nhưng mình trích dẫn đoạn ra đây để tiện giải thích thôi):In the past, teachers had to perform tasks including:A. Clean the classroom.B. Prepare studying materials for students.C. Keep the classroom warm.D. Feed the children.Mình thấy, ngay trong câu hỏi có từ chính là “tasks”, vậy mình phải quay lại đoạn nào trong bài có chứa “tasks” hoặc từ đồng nghĩa với “tasks”, chính là “duties”. Đã tìm được “duties” rồi, bây giờ xuống từng câu nhỏ để đối chiếu thông tin. “Clean classroom” chính là paraphrase của “sweep the floor and keep the classroom tidy”, check. “prepare materials” chính là “make pens”, check, “keep the classroom warm” chính là “cold bucket và fire”, check, còn “feed children” không tương đương với “give water” nên không check. Đại khái là như vậy. Luyện tập kỹ năng này bằng cách nhờ 1 người bạn cho mình 1 bài đọc mới, bắt mình tìm các từ hoặc cụm từ trong bài nghĩa tương đương với từ và cụm từ mà bạn ấy đưa ra. Người bạn này chắc chắn phải có tiếng Anh tốt thì mới có thể thiết kế được bài tập kiểu này cho mình. Hoặc tìm một bài đọc format IELTS, không cần làm bài, mà chỉ cần đọc câu hỏi và các lựa chọn, tìm thật nhanh các từ và cụm từ trong bài tương đương với các từ và cụm từ trong câu hỏi.

Kỹ năng 7. Đoán nghĩa của từ dựa vào bố cảnh trong bài.

 Một bài đọc IELTS thường chứa rất nhiều từ dài, mới và có vẻ khó, nhưng hầu như chỉ để dọa các bạn yếu tim. Có những bài đọc IELTS được thiết kế với những từ chuyên ngành mà ngay cả người bản xứ cũng không biết. Họ làm như vậy để kiểm tra khả năng đọc hiểu, liên kết thông tin và suy luận logic của mình thôi. Như vậy, chỉ cần hít sâu 3 cái (và nhớ thở ra), rồi bắt tay vào suy luận dựa trên ngữ cảnh. Quan trọng các cách diễn đạt phủ định này, các từ chuyển, từ nối này, các từ hàm ý tiêu cực tích cực này, cứ dựa vào đấy mà đoán nghĩa.

Ví dụ, đoạn trên mình có “As well as a long list of “dos” and “don’ts”, teachers had certain duties to perform each day. In country schools, teachers were required to keep the cola bucket full for the classroom fire and to bring a bucket of water each day for the children to drink. They had to make pens for their students to write with and to sweep the floor and keep the classroom tidy. However, despite this list of duties, little was stipulated about the content of the teaching, nor about assessment methods.”, từ “stipulated” có khả năng nhiều bạn không biết (đừng nhầm với “stimulated” nha), nhưng vẫn có thể suy luận như sau: các câu bên trên đều hám ý giáo viên phải làm này, làm kia, “long list”, danh sách dài cơ mà. Nhưng ở đây lại có từ, “however”, “despise”, đánh dấu sự đối lập. Như vậy, nếu bên trên là giáo viên phải, thì có khả năng ở vế sau “however” sẽ là “giáo viên không phải”, mà “little” nghĩa là “ít”, như vậy “ít thứ bị ….. về nội dung dạy học etc.” = “giáo viên không phải … về nội dung dạy học”, có thể điền rất nhiều thứ ở đây, “bắt buộc”, “xoắn”, “ép”. Lưu ý là mình không cần từ chính xác như trong từ điển, chỉ cần hiểu sở ý để làm bài là được rồi.

Kỹ năng 8. Đoán nghĩa của từ dựa trên gốc từ.Bên cạnh kỹ năng đoán nghĩa trên, mình cũng có thể thực hành đoán nghĩa dựa trên gốc từ và những tiền tố, hậu tố mình đã biết. Có những từ trong rất dài và nguy hiểm nhưng thật ra trừ đầu, trừ đuôi, chỉ còn sót lại cái gốc từ thì lại thành ra rất quen thuộc.Ví dụ, những cụm từ nhìn-có-vẻ-không-quen-và-nguy-hiểm-kinh-lên-được như, “herbicide”, “pesticide”, “community-based projects”, “pre-activated”, “deforestation” hay “multilingual” đều có những gốc từ quen thuộc. “herb” là “thảo dược, cây cỏ”, “cide” là “giết” (như trong suicide, homicide), nên “herbicide” là diệt cỏ, “pre” là tiền tố “trước”, “activated” là “kích hoạt”, vậy là đã được kích hoạt từ trước. Nói chung trừ khi gặp từ quá lạ thôi, chứ còn nếu ko chịu khó bình tĩnh phân tính 1 tẹo, xem cái gốc từ này có quen không, mình có thấy ở từ nào khác quen thuộc không nhé.

Kỹ năng 9. Tóm tắt đoạn hoặc bài.

 Kỹ năng này rất quan trọng nè. Vì các bài đọc hầu như đều có bài tập tóm tắt. Trong đó, một đoạn hoặc cả một bài đọc được tóm lại trong chỉ vài câu. Việc này đỏi hỏi sự hiểu cao về nội dung bài đọc và khả năng liên kết ý tối đa. Phải xác định được cái câu này trong câu hỏi nó bao gồm ý từ câu nào đến câu nào tương đương trong bài đọc. Kỹ năng này hoàn toàn có thể thực hiện bằng cách sau mỗi bài đọc, bạn hãy viết một bài tóm tắt sử dụng keywords mà mình đã gạch và cả các paraphrase của keywords đấy, làm sao cho bài tóm tắt có đủ ý chính, trình bày logic (mỗi đoạn được địa diện bằng 1 hoặc 2 câu), có mở, có kết y như 1 bài đọc thu nhỏ vậy.

*Vậy tổng kết lại, các bước cơ bản làm 1 bài IELTS đọc hiểu mà mình gợi ý (với mục đích luyện kỹ năng chứ không phải làm bài tập) như sau:

– Đọc chủ đề. Dành thời gian hình dung bố cục và huy động những hiểu biết cá nhân về đề tài này, liên tưởng từ vựng.

– Đọc 1 lần cả bài, gạch chân topic sentence, keywords để xác định bố cục (ý chính từng đoạn), giọng điệu của tác giả.

– Đối với những từ dài và khó, đoán nghĩa dựa trên 2 cách đã gợi ý bên trên.

– Đọc các câu hỏi, gạch chân từ khóa trong các câu hỏi, tìm chính xác vị trí các keywords ấy trong bài hoặc paraphrase của chúng.

– Sau khi đã đọc xong bài, tập tóm tắt lại cả bài.

Lưu ý: Cả quá trình đọc không dùng đến từ điển và hãy chọn 1 người bạn thực hành phù hợp.

Sách tham khảo: Có 2 cuốn sách mình thấy khá hữu dụng cho việc thực hành các kỹ năng trên. Nếu chỉ để thực hành kỹ năng mà không có các câu hỏi dạng IELTS thì có thể mua sách “Essential Reading for IELTS” của John Gordon, rất tốt cho các kỹ năng tìm từ, đoán nghĩa của từ.Cuốn thứ hai là “Lessons for IELTS Reading” của New Oriental, tốt cho việc làm quen và thực hành trả lời các câu hỏi dạng IELTS (khá dễ, phù hợp cho các bạn trình độ intermediate), cách đưa câu hỏi chuẩn format IELTS, độ dễ thống nhất, kết cấu hợp lý, thực hành nhiều kỹ năng.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây, các bạn có thể có một số idea và động lực nhất định để tự học Reading tại nhà. Chúc các bạn có một khoảng thời gian học tập vui vẻ!!!

Nguồn: Facebook – IELTS Trang Bùi

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,051 lượt xem