Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

Kinh Nghiệm Làm Research Paper

Hôm trước mình bảo lúc nào nhận được kết quả bài paper cuối kỳ thì mình sẽ viết gì đó chia kẻ kinh nghiệm làm research của mình. Tuần này mình đã nhận đc kết quả cho bài đầu tiên: 1.0 

Điểm 1 ở Đức tương đương với 10/10 ở VN vì bên đây chấm điểm ngược, 6 ở Đức là ăn trứng 0 ở VN, và lội ngược lên 1 ở Đức tương đương với 10 ở nhà ^^ Nói thực lòng thì mình vui như trẩy hội vì giáo sư cho mình điểm tối đa ấy là người nổi tiếng khó nhất khoa, trước đó lúc thi nói thầy cũng xoay mình như giun rồi cho mình có 2.3 :( (chắc tầm 7-8 điểm gì đấy theo chuẩn VN) nên mình rất là sợ thầy a (T_T) Kỳ rồi mình major 2 môn là American History (giai đoạn sau WWI) và American Literature (thời kỳ Renaissance, những năm một-tám-mấy-chục). Môn mình vừa có kết quả kia là History, mình viết một paper dài 16 trang về chiến lược chiến tranh của Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam những năm 60-70.

Kinh nghiệm mình muốn chia sẻ thì nhiều, nhưng vì mình tự cảm thấy còn non tay nên mình sẽ chưa nói về nội dung chi tiết của một bài nghiên cứu, thay vào đó mình sẽ viết đôi dòng về những điều mình đã làm để khắc phục nhược điểm của bản thân, một người đã xa rời trường lớp 6 năm trước khi quay lại với sách vở, để hoàn thiện bài nghiên cứu một cách tốt nhất có thể.

Phần 1:

1. Không sợ nhục: hãy hỏi tất cả những người có thể cho bạn góp ý.

- Hỏi những người có chuyên môn: mình hỏi góp ý của trợ giảng, của giáo sư từ lúc manh nha ý tưởng. Lâu lâu lại hỏi một chút, tùy vào tiến độ làm việc của mình, không ngại người ta chê mình dốt vì đã đi học thì chắc chắn mình ko thể giỏi hơn người dạy, mà ngay cả với những người nghiên cứu pro thì từ ý tưởng đến kết quả cuối cùng cho ra 2 thứ không liên quan méo gì đến nhau cũng là chuyện bình thường.

- Hỏi những người ngoài ngành: mình hỏi ý kiến của cả những người không biết mình đang học cái gì, vì khi mình đưa bài viết cho họ đọc, họ sẽ dễ dàng chỉ ra chỗ nào họ không hiểu, nghĩa là chỗ đó mình trình bày không tốt, không đặt bản thân vào vị trí người đọc. Một bài nghiên cứu tốt, theo như thầy cô mình nói, là bài mà một người đọc có ít kiến thức chuyên ngành vẫn có thể hiểu được. Đừng assume rằng điều này ai cũng biết, hay điều kia là hiển nhiên. Mindset như vậy không những khiến cho cách trình bày bài viết thiếu rõ ràng, mà còn rất nguy hiểm trong các tranh luận nói chung, vì khi đó mình cứ luôn đinh ninh rằng điều mình biết, mình nói/viết ra hiển nhiên đúng và ai cũng phải hiểu.

- Hỏi những người giỏi: mình nhờ một bạn giai được công nhận là tư duy logic giỏi nhất lớp đọc sơ qua bài viết, và bạn đó đã rất trách nhiệm khi chỉ ra cho mình những chố bạn ấy thấy mình viết còn ngu si, lẩn quẩn. Mình còn hỏi cả thầy writing advisor để giúp mình nắn lại những câu chữ bừa bộn gây mệt tim cho người chấm bài.

- Kết hợp của rất nhiều góp ý, tính ra mình đã chỉnh sửa toàn bộ bài viết không dưới 10 lần để đảm bảo mọi ý tứ mình muốn diễn đạt đều rõ ràng và logic.

2. Có kế hoạch rõ ràng:

- Trước khi viết mình luôn có dàn bài cụ thể, thậm chí dẫn chứng cũng thu thập đủ 80-90%, một ít % còn lại là những điều nhỏ lẻ mình thêm vô trong quá trình viết hoặc chỉnh sửa bài.

- Mình đặt ra mục tiêu mỗi ngày phải viết được 2 trang và cố gắng hoàn thành đủ hoặc nhiều hơn. Mình cũng chủ động dành ra ít nhất 2 tuần trước deadline để sửa bài, vì như mình nói ở trên, mỗi paper mình sửa đi sửa lại không dưới 10 lần, và càng không có chuyện hôm trước viết xong hôm sau nộp.

3. Đối mặt với nhược điểm:

- Nhược điểm lớn nhất của mình là ngôn ngữ, mình không có cách nào bằng được các bạn native speakers về mặt tiếng, nhất là bản thân mình ngoài những bài học tiếng Anh từ trường phổ thông ra thì còn lại hoàn toàn tự học cho đến ngày nay. Vậy nên lúc bắt đầu viết mình rất sợ, nhất là đã có kinh nghiệm bài essay đầu tiên bị 2.7, như nightmare. Mình viết rất cẩn thận, luôn lăm lăm từ điển trong tay khi không chắc chắn về bất kỳ một cách dùng từ nào, hoặc khi muốn đa dạng hóa từ ngữ. Mình cũng ghi chú lại những chỗ mình gặp vấn đề để đi hỏi writing advisor và chấp nhận chịu nhục một tí khi có nhiều chỗ mình hỏi kể ra cũng ngu ngu, nhưng thà biết chắc chắn đúng hay sai còn hơn ngu trường tồn ^^

- Nếu nhược điểm của mình là ngôn ngữ thì mình nghĩ mình tăng điểm cho bài viết nhờ những thông tin đưa ra và cách mình phân tích dữ kiện. Mình biết chắc chắn có nhiều thông tin giáo sư chưa biết tới, vì đó là phần lịch sử của VN, nên khi đưa vào bài sẽ có tác dụng thu hút hơn.

4. Authenticity & creativity:


- Chồng sách trong hình là những sách mình ôm từ thư viện và đánh dấu + ghi chú để viết bài History paper. Một bài research tốt, theo ý mình, không phải là xào nấu lại từ bài viết của người khác (điều mà nhiều bạn ở VN vẫn lầm tưởng), mà là dùng những nghiên cứu khác cùng những thông tin đã được kiểm chứng để dẫn chứng cho tranh luận của mình. Tổng cộng trong bài mình có đâu 60 hay 80 cái footnotes gì đó, lấy từ những cuốn sách này và nhiều tài liệu nghiên cứu online đã được kiểm duyệt khác, vì mỗi một thông tin mình đưa ra mà mình không phải là tác giả hoặc người đọc có thể sẽ không biết, mình đều dẫn nguồn tất.

- Một bạn người Thái cùng lớp đã khuyên mình một câu mà mình thấy chí lý đến giờ: Find your niche! Bạn ấy nói mỗi người có một background khác nhau thực ra là một lợi thế, phải tìm ra mình mạnh về cái gì, thích cái gì để theo đuổi nó và làm cho bản thân khác biệt với người khác. Vd, mình sẽ không dại gì viết về Nga-Mỹ đó không phải là cái mình được dạy từ nhỏ như chúng bạn phương Tây, bù lại mình rất có hứng thú "đọc lại" lịch sử VN từ những góc nhìn khác, thế là mình chọn đề tài như trên.

Phần 2: phần này tập trung vào khắc phục những lỗi lớn khiến paper dù ta đã dốc ruột dốc gan ra cày vẫn bị trừ điểm.

1. Không nắm đặc thù của ngành:

Trong chương trình master, mình phải viết tổng cộng 4 bài term paper (tiếng Đức là Hausarbeit), mỗi bài dài tầm 15-20 trang. Nếu History và Law mình được điểm tối đa thì Literature và Human Geography mình chỉ đc 1.7 (tầm 8/10 ở VN). Mình sốc nhất là bài Literature. Nếu bài History mình dùng 8 phần sức thì Literature phải là 11 phần. Giáo sư Văn còn phải công nhận cách hành văn và dùng từ của mình rất "sophisticated" và argument đưa ra khá challenging, nhưng paper của mình vẫn ko lên đc range điểm cao nhất vì phương pháp xử lý không đúng. Thay vì làm việc với text là chủ yếu, nghĩa là phải trích dẫn và phân tích câu chữ của tiểu thuyết thường xuyên, mình lại lý luận theo kiểu Law/History là đưa ra bằng chứng về các quan điểm tương tự từ các tác giả khác để củng cố tranh luận của mình (giống như kiểu luật sư xài án lệ trên tòa). Mà việc mình ko trích dẫn ko phải vì stupid mà vì mình sợ trích dẫn nhiều thầy lại nghĩ mình ăn gian để đủ số trang yêu cầu, trong khi với tư cách là cựu học sinh chuyên Văn thì chặt câu chẻ chữ ếm bùa ngôn từ vốn là nghề của mình. Cho nên lúc đọc comments của thầy cho bài viết mình tiếc ngẩn tiếc ngơ vì tội... bờm!

2. Không có argument cụ thể:

Bài Human Geography của mình cũng bị 1.7 vì thầy nhận xét là mình nêu ra được thực trạng, nhưng không có argument giải thích nguyên nhân của thực trạng đó. Kiểu như mình nói Hà Nội ngày càng ô nhiễm, xong đưa số liệu chứng minh, nhưng mình ko có argue nguyên nhân ô nhiễm là do đâu, nên bài của mình chỉ mang tích chất informative chứ ko có tính tranh luận cao.

3. Thesis statement không có/ko rõ:

Lỗi này cực kỳ nhiều người mắc phải. Nó liên quan mật thiết đến lỗi số 2, khi mà người viết thể hiện hơi "lạc lối" trong xây dựng bài. Thesis tóm lại là key argument trong bài viết, là điểm mấu chốt cho tranh luận của toàn bộ bài viết dựa vào đó mà phát triển lên. Ví dụ bài Geography của mình đã có thể cao điểm hơn nếu mình đưa ra thesis rằng "tình trạng phân biệt chủng tộc trong xây dựng/bố trí các khu dân cư ở Washington D.C. là do lỗi chính quyền," thay vì chỉ nêu lên thực trạng chung chung rồi bỏ ngõ câu chuyện.

Theo Tây Du

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,589 lượt xem