Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

Kinh Nghiệm Săn Học Bổng Chính Phủ Hàn Quốc Cho Sinh Viên Trao Đổi

Cho những bạn nào quan tâm đến Hàn Quốc thì học bổng của chính phủ Hàn Quốc sắp mở cho kỳ năm 2021. Hôm nay, mình muốn chia sẻ đến mọi người dưới góc nhìn của một đứa từng được GKS cho chương trình trao đổi năm 2019. Có thể không phải là bậc Master, nhưng biết đâu có thể giúp được gì đó cho một ai đó, như vậy là cũng quá đủ với mình rồi. 

Cùng bắt đầu nhé!

1. Well begun is half done



Thật sự mình phải nhấn mạnh là để apply cho bất cứ loại học bổng nào thì thứ quan trọng nhất chính là sự chuẩn bị thật tốt. Có sự chuẩn bị hoàn hảo nghĩa là bạn đã thành công một nửa rồi ấy. Mình thì khá may mắn là ngay từ khi còn nhỏ mình đã được phép quyết định phần lớn mọi thứ trong đời, từ việc chọn trường cấp 2, cấp 3 hay Đại học tất cả mọi thứ mình đều tự ra quyết định. Và cũng vì mình là một đứa tự lập từ nhỏ nên mình thường làm mọi thứ khi mà độ chắc chắn cao nhất có thể. Thế nên là để có được chiếc GKS ngày hôm nay thì mình đã chuẩn bị từ hơn một năm trước, dù nhiều người có thể sẽ nói là chương trình trao đổi chỉ có 1 kì thôi, sao phải chuẩn bị từ trước một năm chi cho cực. Nhưng mà mọi người ạ, mình là một đứa hoàn toàn bình thường sinh ra trong một gia đình cũng hoàn toàn bình thường, vậy nên trong mọi quyết định của mình, mình luôn cố gắng chịu trách nhiệm với nó. Mình muốn đi Hàn, thì mình sẽ cố gắng để được đi bằng sức của mình chứ mình không thích chuyện vì mình muốn, mình thích mà bố mẹ phải lo cho mình đi. Mình đã nghĩ như thế ngay từ lúc mình bắt đầu nảy sinh ý định đi exchange.

Rồi, về chuẩn bị thì thứ đầu tiên không thể không kể đến là GPA. Dù là Hàn Quốc hay bất cứ quốc gia nào cũng thế thôi, điểm số vẫn là một thứ vô cùng quan trọng. Ngay từ khi đặt chân vào Đại học, mình đã luôn tự nhủ với bản thân là không bao giờ được để điểm số thấp nếu như mình có thể làm nó cao. Nói đến đây thì mình biết là nhiều bạn sẽ kiểu “học ở Đại học quá rộng, có được gì mấy đâu, học xong rồi lại quên, thà rằng giữ điểm số bình thường thôi còn để thời gian đi làm lấy kinh nghiệm”. Ừ mình hoàn toàn hiểu quan điểm này và không hề phản bác chút nào luôn nhé vì mỗi người có một định hướng riêng. Nếu như bạn cảm thấy học không phải là thứ bạn thích mà thay vì thế việc đi làm ở lĩnh vực bạn yêu thích sẽ cho bạn nhiều thứ hơn thì ok, điều đó thật sự rất rất tuyệt. Nhưng tệ là ở Việt Nam việc định hướng nghề nghiệp còn chưa tốt nên không phải ai lên đại học cũng biết là mình sẽ theo cái gì, mình muốn làm gì. Vậy nên với những bạn như thế thì lời khuyên của mình là hãy cố gắng học tốt nhất có thể ở trường cho đến khi bạn tìm thấy thứ bạn thật sự thích và cảm giác xứng đáng để đánh đổi. Vì biết đâu lúc nào đấy mình sẽ cần đến điểm số ấy thì sao, ví dụ bạn muốn đi du học chẳng hạn này. Hoặc ví như lúc bạn đi phỏng vấn với GPA thấp tè mà định hướng cũng lại chưa rõ nữa thì bạn sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng là bạn có cái gì? Ít ra bạn cũng phải làm được một thứ chứ, phải không?

Ngoài GPA là thứ không thể thiếu ra thì mình còn trang bị cho bản thân tiếng Hàn và tiếng Anh nữa. Mình thật sự đã gap kì đầu tiên của năm 2 để tự học và thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn trong vỏn vẹn 2 tháng để kịp app cho kì mùa thu. Có bằng tiếng thật sự có lợi hơn rất nhiều ấy mọi người. Đầu tiên là ở vòng 1 tại FTU nha, trường mình sẽ ưu tiên xét những người có 2 chứng chỉ tiếng trước, sau đó đến 1 và đến 0. Vậy nên cố gắng lấy được một chú chứng chỉ dù là sơ cấp thôi thì cũng sẽ vô cùng tốt cho những bạn nào đi những quốc gia không nói tiếng Anh đó. Và đương nhiên là khi qua được vòng trường rồi, đến vòng xét học bổng thì trong số bao nhiêu sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới, chính phủ nước họ cũng sẽ thích những người đã dành thời gian và tâm sức để tìm hiểu về văn hoá và ngôn ngữ của nước họ hơn là những người khác rồi.

Và tất nhiên, Tiếng Anh cũng là thiết yếu vì mình sang đó với tư cách là sinh viên quốc tế và sinh sống cùng các bạn sinh viên quốc tế mà. Mình cũng thi TOIEC ngay sau khi thi TOPIK 1 2 tuần gì đấy nữa, nói chung là đợi đấy chỉ có ăn với đi thi, mệt thở.

Đấy thế nên là, khâu chuẩn bị là vô cùng quan trọng, chuẩn bị càng kĩ thì càng tốt. Viết ra thì nhanh vậy thôi chứ việc chuẩn bị này nó là cả một quá trình dài thật dài luôn ấy, vì học hành có bao giờ đơn giản đâu đúng không?

2. Không bao giờ được phép ngừng cố gắng

Ý này có vẻ sẽ nhắc lại ý trên ở một vài điều nhưng mình vẫn muốn tách ra để nói sâu hơn về cái này một chút. Bạn không bao giờ được ngừng nỗ lực đâu nhé. Sự thật thì như đã kể ở trên, lúc app vòng FTU GPA của mình không cao như lúc mình app GKS thôi, nhưng sau khi được chấp nhận qua vòng trường, mình vẫn luôn tiếp tục cố gắng vì với mình, còn cố gắng được là còn phải cố gắng. Và đến lúc app học bổng thì mình đã nâng GPA lên thêm một chút nữa.…Và vì GPA chiếm 50% trong trọng số xét GKS nên là phải luôn cố gắng, lên được 0.01 cũng là lên nha mọi người!

Mình cũng tiếp học thêm tiếng Hàn và thi lại chứng chỉ TOPIK, lúc app vòng 1 thì mình dùng chứng chỉ TOPIK 2 thôi, nhưng 3–4 tháng sau lúc app học bổng thì mình đã dùng chứng chỉ TOPIK 3, mình biết đây không phải là điểm số gì đáng tự hào nhưng mà TOPIK 3 thì cũng là lên trung cấp của tiếng Hàn rồi, nghĩa là bạn đã có thể đọc hiểu và giao tiếp được cơ bản bằng tiếng Hàn. Và tất nhiên là việc nộp chứng chỉ mới cao hơn cùng điểm số cao hơn so với vòng 1 thì sẽ cho thấy sự nghiêm túc và sự nỗ lực của bạn, đúng không nào?

Ngoài ra, mình còn tham gia một hoạt động ngoại khoá của Trung tâm văn hoá Hàn Quốc tổ chức với tư cách là tình nguyện viên hỗ trợ dịch tiếng Hàn và hỗ trợ sự kiện nữa. Mình được cấp certificate cho hoạt động này và mình chỉ nộp đúng certificate này cho hoạt động ngoại khoá thôi. Mình nghĩ là cái đó có thể không chiếm quá nhiều trong trọng số tính điểm nhưng nó cũng sẽ cho thấy là bạn thật sự quan tâm đến văn hoá của nước này và bạn thật sự muốn dùng ngôn ngữ của họ để làm việc. Thế nên là, làm mọi thứ có thể để đa dạng hoá hồ sơ của bạn nha!

Ảnh hơi mờ do mình cut ra, mọi người xem tạm nhé!

3. Về Study Plan (SP) và Personal Statement (PS)

Nhắc đến học bổng thì không thể thiếu được 2 thứ này đúng không nào, hay mọi người thường gọi chung là essay đó. Mình không biết các kì trước như thế nào nhưng kì này mình được trường đối tác gửi cho yêu cầu để viết SP và PS khá chi tiết và cụ thể (mình cũng sẽ kèm hình dưới đây cho mọi người thấy luôn nhé).

Hic, vẫn mờ quá vì vẫn là ảnh cut ra

Dù mình là một đứa khá thích viết nhưng khoảng thời gian viết luận này vẫn là khoảng thời gian mệt mỏi nhất với mình từ trước đến giờ. Mình không có định nghĩa rõ ràng về SP hay PS, mình đã viết một bản thảo ngay từ sau khi nhận được thông báo mở đơn apply học bổng của bên kia. Nhưng mấy hôm sau trường đó gửi thêm 1 chiếc mail nữa nói về những cái mình phải viết trong SP cũng như PS(như hình bên đó). Đọc xong mình bất lực và tuyệt vọng vô cùng vì mình nhận ra cái mà mình viết phác thảo trong SP thì là thứ mà được yêu cầu để viết trong PS, và ngược lại. Hơn thế nữa là sau khi tham khảo ý kiến của người bạn thì mình nhận ra là bài viết của mình quá dài. SP và PS bạn được yêu cầu viết trong 3 trang, nhưng sau khi đọc kha khá các bài luận xin học bổng trên mạng và theo lời khuyên mình nhận được thì 1 bài luận sẽ đẹp nhất khi nó ở khoảng 1.5–1.75 trang thôi nhé. Thật sự khó đúng không nào, mình biết chúng ta sẽ luôn muốn kể nhiều câu chuyện của bản thân để tạo ấn tượng trong mắt hội đồng, nhưng không phải lúc nào dài dòng cũng là tốt đâu nhé. Quan trọng nhất vẫn là bạn phải suy nghĩ thật kĩ về bản thân, xem điểm mạnh thật sự của mình là gì, và điểm gì mà bạn nghĩ sẽ khiến bạn khác biệt so với các đối thủ khác. Những câu chuyện lâm li bi đát thường được nhiều người nghĩ là sẽ tạo được sự cảm thương, nhưng mà hội đồng họ cũng bận lắm, đọc bao nhiêu bài mà bài nào cũng lâm li bi đát thì họ chẳng chịu được đâu. Mình thấy cái quan trọng không phải bạn kể là bạn khổ như thế nào, mà bạn phải cho thấy được sự nỗ lực của bạn để vượt lên những hoàn cảnh ấy.

Mình phải viết đi viết lại bản thảo của mình khoảng tầm 4 5 lần gì đó trước khi đi đến bản cuối cùng gọi là “tạm hoàn chỉnh”. Thật sự lúc đó mình đang phải ôn thi cuối kì ở trên trường, lại đang bị ốm nữa nên mình đã stress kinh khủng, nhưng mà may là tính mình khi mình muốn cái gì mình phải làm cho xong, nên là vẫn cố gắng viết xong bản final rồi ôn thi :< Việc viết đi viết lại này cũng rất có ích nhé, vì sau mỗi lần viết lại mình lại có thể thu gọn được những chi tiết thừa thãi và chắt lọc được những điểm sáng tốt hơn. Thế nên, biết là viết nhiều rất mệt và nản, nhưng mà cố lên, cố lên, cố lên nhé!

Tiếp nữa một điều cũng phải chú ý ở trong bài luận là tất cả những gì bạn viết ra thì nên có bằng chứng cụ thể nhé. Ví dụ mình có viết trong Study Plan về việc mình từng đi thực tập ở một công ty trong lĩnh vực HR, và mình cũng có định hướng theo HR cho công việc sau này. Thì lúc nộp hồ sơ mình cũng đã nộp cả Certificate of Internship cho họ (cái này nhiều công ty Việt Nam không có sẵn đâu nên mình đã tự làm một mẫu sau đó lên công ty xin dấu xác nhận). Chủ động lên nha mọi người!!! Bên cạnh đó thì mình cũng nêu trong bài luận về thành tích của mình là đã từng được học bổng khuyến khích học tập ở FTU, nhưng mình không nộp giấy chứng nhận vì mình nghĩ là không có giấy đó, nhưng sau này mình mới biết là giấy chứng nhận từng được học bổng cũng có thể xin được đó nha. Nên là khi bạn định nêu ra điều gì trong bài luận thì hãy chuẩn bị luôn cả giấy tờ và những thứ liên quan có thể xác nhận nhé.

Mình nghĩ là về SP và PS thì mình chỉ chia sẻ được đến đây thôi, mọi người có thể tham khảo ảnh trên và tìm hiểu thêm ở nhiều nguồn khác vì mình nghĩ SP với PS của mình có lẽ cũng không phải quá mạnh =))

4. Về Letter of Recommendation

Cái này cũng là thứ khiến mình đau đầu lắm nè, vì như mọi năm, ở mọi trường thì LoR này là thứ mà bạn có thể xin từ các giảng viên trường Đại học. Nhưng đến kì của mình thì trường đối tác có gửi luôn một thông báo là mình không được phép xin LoR của trường mà phải xin của một cơ quan có thẩm quyền khác. Mình nghĩ nát óc không biết cơ quan có thẩm quyền đấy có thể là cái gì, vì sinh viên mình ngoài trường học ra thì có mấy ai join vào một tổ chức nào đủ thẩm quyền để mà xin LoR đâu.

Nhưng mà có lẽ cũng vì một chút may mắn kèm chút bốc đồng mà khi mình định lên công ty cũ để xin Certificate of Internship thì mình đã nghĩ là “Không biết xin LoR của công ty thì có được không nhỉ?” Và mình đã hỏi anh Phong admin của SBS Scholarship Hunters thì anh có bảo là “Được chứ em, miễn sao người ta đủ hiểu em là được”. Và thế là mình đã tức tốc chuẩn bị LoR trong 1 buổi chiều và chạy lên công ty xin dấu. Thật may là dù mình đã làm ở công ty từ hơn 1 năm trước rồi và cũng đã nghỉ gần 1 năm để theo đuổi miền đất hứa nhưng mình vẫn còn giữ liên lạc với chị mentor hồi đó mình làm việc cùng, và chị ấy đã giúp mình rất nhiều. Thế mới biết, đi đâu cũng vậy, làm gì cũng vậy, những mối quan hệ tốt sẽ là thứ mà mình nên gây dựng để nó đi theo mình đến mãi sau này. Mọi người cũng hãy tìm mọi cơ hội có thể nhé, như mình dù đã nghỉ ở công ty gần 1 năm rồi nhưng vẫn có thể xin được dấu nè, nên là hãy cố gắng bằng mọi cách, dù chỉ 1% cơ hội cũng phải tìm cách tận dụng nha!

5. Tin vào bản thân, tin vào bản thân, tin vào bản thân

Điều quan trọng nhắc lại 3 lần chắc vẫn chưa đủ. Luôn tin vào bản thân mình và thể hiện chính mình trong hồ sơ apply học bổng nhé. Hãy tin vào bản thân bạn và cố hết sức mình, để dù kết quả có như thế nào đi nữa, thì bạn vẫn có thể mỉm cười vì bạn đã cố gắng hết mình. 

Chúc bạn sẽ gặp thật nhiều may mắn trên chặng đường đến với xứ Kim chi nha!



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

238 lượt xem

lh-fulllh-x