Peace & Love (E)@Kỹ Năng
6 năm trước
Kinh Nghiệm Xin Học Bổng Du Học Bậc Thạc Sĩ Chia Sẻ Bởi Mai Ý Đạt - Thạc Sĩ Từng Dành Học Bổng Toàn Phần MBA Tại Mỹ & Na Uy
Thời gian gần đây tôi được một số bạn bè nhờ tư vấn hồ sơ xin học bổng Thạc sĩ (bao gồm MBA). Hôm nay, dựa trên những kinh nghiệm do chính bản thân tìm hiểu và đút kết, cộng với một số lời khuyên đáng giá mà tôi nhận được từ các anh chị đi trước, tôi xin mạn phép viết một bài ngắn gọn về các bước cơ bản nhất trong quá trình tìm kiếm và nộp hồ sơ xin học bổng du học.
1. XÁC ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH HỌC, LOẠI HỌC BỔNG VÀ CHỌN TRƯỜNG
1.1. Chương trình học và ngành học
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều chương trình Thạc sĩ, mỗi chương trình hướng đến mỗi đối tượng và mục đích đào tạo khác nhau, có những yêu cầu và đặc điểm khác nhau về đầu vào, chương trình học, học phí,… Do đó, việc đầu tiên cần làm khi muốn thực hiện giấc mơ du học là phải xác định được mục đích học của mình là gì và định hướng tương lai của mình.
Đây là một bài viết phân loại khá chi tiết về các chương trình Thạc sĩ hiện hành: http://www.topuniversities.com/blog/types-masters-degrees
Nói riêng về chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA – Master of Business Administration), đây là chương trình đào tạo các kiến thức và kỹ năng về quản lý chung và đối tượng nhắm đến thường là những người đã có kinh nghiệm làm việc. Trong những năm gần đây, có một chương trình mới cũng về quản lý chung nhưng không đòi hỏi kinh nghiệm là MiM (Master in Management). Chương trình MiM được đào tạo ở nhiều trường Đại học ở Châu Âu với yêu cầu đầu vào thấp hơn và chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với MBA. Cả 2 chương trình MBA và MiM hiện nay đều kéo dài khoảng 2 năm, trong đó năm thứ nhất học về các khóa học cơ bản, năm hai cung cấp cho học viên cơ hội học chuyên sâu vào một lĩnh vực yêu thích (Finance, Accounting, Marketing, Operations, Supply Chain, HR, …). Đây là link bài viết phân biệt khá chi tiết giữa MBA và MiM: https://www.mim-compass.com/Master-in-Management-MBA/Master-in-Management-MiM-and-MBA-Difference-between-two-postgraduate-career-programs-in-general-management
1.2. Chương trình học bổng
Bước tiếp theo là tìm hiểu về các chương trình học bổng. Dựa trên nhà tài trợ học bổng, các chương trình học bổng hiện nay có thể phân thành 3 loại chính: học bổng Chính phủ, học bổng trường Đại học và các loại học bổng khác (tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp,…)
Học bổng Chính phủ (HBCP)
Có rất nhiều Chính phủ cung cấp học bổng cho sinh viên quốc tế và học bổng loại này thường là toàn phần. Tôi điểm qua một chút về các HBCP lớn:
a. Úc: Úc là một trong những quốc gia cung cấp nhiều học bổng nhất cho sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn về các loại học bổng của Chính phủ Úc. Hiện nay, Úc cung cấp 2 loại học bổng chính:
+ Endeavour scholarships and fellowships: Đây là học bổng dựa trên thành tích học tập và các thành tích khác (Merit-based) và không yêu cầu kinh nghiệm. Xem chi tiết tại: http://internationaleducation.gov.au/endeavour
+ Australia Awards: Đây là chương trình nhằm hỗ trợ các nước đang phát triền. Do vậy, học bổng này yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhà nước và phải cam kết tiếp tục đóng góp cho sự phát ttiển của quê nhà sau khi hoàn thành khóa học. Xem thêm tại: http://www.australiaawards.gov.au
b. Fulbright của Mỹ và Chevening của Anh: Cả 2 chương trình học bổng này đều yêu cầu ít nhất 2 năm kinh nghiệm.
c. Ireland: yêu cầu 3 năm kinh nghiệm đối với MBA và 1 năm kinh nghiệm đối với các MSc khác. Xem tại: http://www.smurfitschool.ie/vietnam/
d. New Zealand: Yêu cầu 3 năm kinh nghiệm, bao gồm cả toàn toàn thời gian và bán thời gian (thực tập, làm thêm). Xem tại: http://www.aid.govt.nz/funding-and-contracts/scholarships/eligible-countries/viet-nam
e. Eiffel của Pháp: Học bổng này không có yêu cầu đặc biệt. Ứng viên nộp hồ sơ cho trường Đại học và trường sẽ tự gửi hồ sơ nào xuất sắc đến hội đồng xét tuyển học bổng. Xem thêm tại: http://www.campusfrance.org/en/EIFFEL
f. Hà Lan và DAAD của Đức: Yêu cầu kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà nước. Xem thêm tại: https://www.studyinholland.nl/scholarships/highlighted-scholarships
g. Eramus của Châu Âu và Vlirous Bỉ: Bao gồm nhiều ngành học ngoại trừ Kinh doanh và Tài chính. Xem tại:
h. Quota của Na Uy: tạm ngưng, Thụy Điển, Đan Mạch. Xem tại:
i. Ý: Yêu cầu biết Tiếng Ý. Xem tại: http://www.esteri.it/mae/en/ministero/servizi/stranieri/opportunita/borsestudio_stranieri.html?LANG=EN
Học bổng của trường Đại học
Học bổng của trường bao gồm nhiều loại với nhiều giá trị khác nhau. Cách tốt nhất để biết rõ thông tin là truy cập vào website hay gửi mail hỏi trực tiếp trường. Trong tầm hiểu biết của mình, tôi liệt kê các trường có cho học bổng ở mức đáng kể:
+ Mỹ: Havard, Stanford, University of Missouri, Gorge Washington University, Arizona State University, Ohio State University
+ Úc: Melbourne, Queensland, Monash
+ Anh: Oxford, Cambridge, Westminster, Exeter, Sheffield, Bristol, Sheffield Hallam
+ Hà Lan: Amsterdam University, Utrecht University, Leiden University, Rotterdam School of Management
+ Khác: Bern và Lausanne (Thụy Sĩ), Bocconi (Ý), BI Norwegian Business School (Na Uy), Stockholm School of Economics (Thụy Điển), Copenhagen Business School (Đan Mạch), và Aucland (New Zealand). Phần Lan đang miễn học phí cho tất cả các chương trình Đại học và Cao học (nhưng Chính phủ nước này đang xem xét lại và có khả năng tính học phí đối với sinh viên quốc tế trong thời gian sắp tới). Đức cũng miễn học phí Cao học cho các trường công lập (Manheim là một trường công nhưng có thứ hạng rất cao).
Các thuật ngữ học bổng:
+ Scholarship: Đây là từ chung nhất để chỉ học bổng.
+ Tuition waiver/ tuition reduction: Đây là những thuật ngữ các trường của Mỹ thường dùng để chỉ học bổng dưới hình thức miễn/ giảm học phí.
+ Assistantship: Làm việc bán thời gian ở trường để nhận lương. Có hai hình thức assistantship phổ biến là Teaching Assistantship (trợ giảng) và Research Assistantship (trợ lý nghiên cứu). Ngoài ra còn một số dạng assistantship khác như các công việc làm thêm về thiết kế, marketing, nhân sự, xử lý dữ liệu, khảo sát,… ở trong khuôn viên trường (on-campus jobs).
+ Fellowship: một cách diễn đạt khác của học bổng miễn/ giảm học phí. Tuy nhiên, một số trường còn cho thêm một khoản trợ cấp hàng tháng (monthly stipend).
Để cập nhật các tin tức về học bổng, cách tốt nhất là theo dõi (follow) các trang chuyên về học bổng trên facebook, bao gồm: https://www.facebook.com/HotcoursesVietnam/?fref=ts
Ngoài ra có một trang web cung cấp nhiều thông đầy đủ và chi tiết về học bổng mà tôi hay dùng: http://www.scholars4dev.com/
1.3. Chọn trường
Việc xác định chọn trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: danh tiếng, thứ hạng, mức học phí, sinh hoạt phí, ngành học mà mình quan tâm, hay chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân đối với từng vùng, từng nước. Nếu bạn muốn xin HBCP thì thường phải chọn trường và nộp hồ sơ nhập học cho trường trước khi nộp hồ sơ cho HBCP. Trong trường hợp xin học bổng của trường thì quá trình chọn trường và chọn học bổng là một. Đối với các trường ở Mỹ, khi nộp hồ sơ nhập học bạn sẽ tự động được xét cho tất cả các loại học bổng sẵn có. Ở các nước khác, phần lớn các trường yêu cầu nộp thêm một số giấy tờ và bài luận để xét học bổng sau khi đã được trường nhận vào học.
Thứ hạng của trường đóng một vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn nhưng không phải là tất cả, và một điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta nên dựa vào thứ hạng của ngành học mà mình định nộp hồ sơ và nên ít phụ thuộc vào thứ hạng chung của trường (trong khi phần lớn chúng ta thường làm điều nguợc lại). Để tìm hiểu về thứ hạng của trường, chúng ta có thể tham khảo bảng xếp hạng của QS (http://www.topuniversities.com), THE (https://www.timeshighereducation.com), hay Shanghai Ranking (http://www.shanghairanking.com). Để xem xếp hạng của MBA, MiM, Thạc sĩ Tài chính (Msfin), có thể tham khảo Financial Times Ranking (http://rankings.ft.com). Để tham khảo xếp hạng ở Mỹ, có thể tham khảo US News, Forbes, hay Business Week.
Bên cạnh việc xem xét thứ hạng, chất lượng của các trường về kinh doanh (Business School) có thể được đánh giá thông qua việc trường có được công nhận (accredited) bởi các tổ chức đánh giá (associations) hay không. Hiện nay có 3 tổ chức uy tín nhất là: AACSB (Mỹ), AMBA (Anh), và EQUIS (châu Âu).

2. CHUẨN BỊ HỒ SƠ
Sau khi hoàn tất các bước ở trên, việc chuẩn bị hồ sơ cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Thông tin về yêu cầu đầu vào và hồ sơ cho từng chương trình học để thể hiện chi tiết trên website của trường. Một bộ hồ sơ xin học bổng bao gồm các thành phần chính sau:
2.1. Bảng điểm và Bằng tốt nghiệp (Undergraduate Transcript and Degree)
Điểm trung bình tích lũy (GPA) là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc bạn có được nhận hay không và có được học bổng hay không. Khi đánh giá một bảng điểm Đại học, hội đồng xét tuyển (Admission Committee, hay gọi tắt là AdCom) sẽ xem xét đánh giá các khía cạnh sau:
+ Danh tiếng của trường: Để đảm bảo tính công bằng cho các ứng viên đến từ các quốc gia khác nhau, hội đồng xét tuyển thường chỉ quan tâm tới thứ hạng của trường trong từng quốc gia. Tất nhiên, nếu bạn học ở trường danh tiếng trên thế giới thì hồ sơ của bạn sẽ được ưu tiên hơn một ít.
+ Ngành học: Phần lớn các chương trình Thạc sĩ yêu cầu một ngành học có liên quan ở bậc Đại học. Tuy nhiên, khuynh hướng này ngày càng được thay đổi, đặc biệt đối với MBA, MiM, MSfin, ngành học của bạn ở Đại học không quan trọng.
+ Các môn học: Tuy là ngành học không quan trọng nhưng hội đồng xét tuyển sẽ xem xét kỹ các môn học của bạn. Bạn càng học nhiều môn khó hay mang nhiều yếu tố định lượng ở Đại học thì bảng điểm của bạn càng có giá trị. Vì vậy, không cần biết bạn đang học ngành gì, cần phải duy trì ít nhất là điểm B (7.0/10) trở lên đối với các môn Toán Cao cấp, Kinh tế Vi mô/ Vĩ mô, Xác suất thống kê, Nguyên lý thống kế, và Kinh tế luợng.
+ Điểm số: Điển số của bạn càng cao ở những học kỳ cuối thì bạn càng được đánh giá cao. Nếu điểm số của bạn thấp ở giai đoạn đầu và cao ở giai đoạn sau thì bạn có thể đưa ra lời giải thích cho việc này trong bài luận cá nhân (Personal Statement - sẽ được trình bày bên dưới) và cho họ thấy bạn đã tiến bộ ra sao. Tuy nhiên, hội đồng xét tuyển sẽ không chấp nhận lời giải thích nào cho việc điểm số của bạn cao ở giai đoạn đầu và thấp ở giai đoạn sau. Nếu bạn vẫn còn đang học thì hãy nỗ lực để đạt được những điểm số cao nhất có thể. Nếu bạn đã ra trường và GPA thấp thì có 2 cách để cải thiện điều này: thứ nhất là học lấy các chứng chỉ nghề chuyên nghiệp liên quan đến con đường sự nghiệp của mình (CFA, ACCA, CIMA, CPA, FIATA,…); cách thứ hai là tham gia các khóa học bổ túc do các trường Đại học tổ chức (tuy nhiên điều này không phổ biến ở Việt Nam).
Các trường Đại học ở nước ngoài thường yêu cầu gửi Mô tả cách tính điểm kèm với Bảng điểm. Đối với sinh viên Ngoại Thương, bạn vào Phòng Quản lý Đào tạo gặp thầy Huyên để xin văn bản này.
2.2. Yêu cầu về Tiếng Anh (English requirement)
Hiện nay đa phần các trường ở Mỹ đã chấp nhận IELTS. Ngoài TOEFL và IELTS, các trường còn chấp nhận PTE (của Mỹ) hay các chứng chỉ Cambridge (của Anh). Tiếng Anh là một yếu tố quan trọng trong việc du học, nhưng tầm quan trọng của nó sẽ giảm dần một khi bạn đã đạt điểm yêu cầu tối thiểu (Minimum English Requirement) của chương trình học. Phần lớn các chương trình học yêu cầu mức điểm IELTS tối thiểu là 6.5 và không có thành phần nào dưới 6.0 (bạn có thể quy đổi mức điểm này ra các chứng chỉ khác để tham chiếu).
Hiện nay nhiều trường cho bạn miễn yêu cầu Tiếng Anh (English test waiver) nếu bạn đáp ứng được một trong các điều kiện sau: nhận bằng Đại học từ một chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng Tiếng Anh; trong vòng 2 năm gần nhất hoàn thành một bằng Thạc sĩ hay 2 năm cuối của bằng Đại học ở một quốc gia nói Tiếng Anh.
Nếu bạn định thi chứng chỉ Tiếng Anh để nộp hồ sơ cho cả bậc học Thạc sĩ và Tiến sĩ thì nên thi TOEFL vì nhiều chương trình Tiến sĩ chỉ yêu cầu TOEFL.
2.3. GMAT (Graduate Management Admissions Test) / GRE (Graduate Record Examination)
Đề thi chuẩn hóa (Standardized Test) là một yếu tố quan trọng khi nộp hồ sơ MBA, MiM, hay Msfin. Hầu hết các chương trình này chấp nhận cả GMAT và GRE. Tuy nhiên, các chương trình Thạc sĩ khác ngoài kinh doanh, quản lý, và tài chính thường chuộng GRE hơn. Nhiều nước, bao gồm Anh, Úc, rất ít khi yêu cầu các bài thi chuẩn hóa này. Cũng tương tự như TOEFL, nếu bạn dự định học lên Tiến sĩ thì nên chọn thi GRE.
GMAT và GRE có thời hạn đến 5 năm. Do đó, khi có thời gian và điều kiện cho phép, bạn nên học và thi các chứng chỉ này càng sớm càng tốt để trong trường hợp cần cải thiện điểm thì có rộng thời gian để thi lại hay sau này bận đi làm thì sẽ không có thời gian để học. Việc thi GMAT sớm còn có một lợi thế là sau khi thi GMAT, điểm số và các thông tin khác của bạn sẽ được GMAC (Graduate Management Admissions Council - đơn vị tổ chức GMAT) ghi nhận lại và cho phép các trường Đại học trên thế giới tìm kiếm và chủ động liên hệ với bạn. Bằng cách này, bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với các chương trình học và thông tin học bổng hơn. Để tìm hiểu thông tin về GMAT, truy cập www.mba.com. Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm về GRE, vì tôi không thi chứng chỉ này nên không nắm rõ lắm.
Tương tự GPA, điểm số GMAT/ GRE của bạn càng cao thì cơ hội nhận học bổng càng lớn. Mức điểm GMAT tối thiểu mà các trường thường yêu cầu là 600. Một lưu ý quan trọng nữa là các trường thường chuộng sự cân bằng giữa điểm phần toán (quantitative) và ngôn ngữ (verbal) trong điểm GMAT.
2.4. Kinh nghiệm làm việc (Working experience)
Hầu hết các chương trình MBA và một số chương trình Msfin yêu cầu kinh nghiệm làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp. Khi kinh nghiệm làm việc của bạn càng nhiều thì mức độ quan trọng của điểm GPA càng giảm đi. Do đó, nhiều năm kinh nghiệm là một cách khác nữa để bù đắp cho điểm số thấp ở Đại học. Số năm kinh nghiệm quan trọng, tuy nhiên quan trọng hơn là chất lượng công việc của bạn. Trong thời gian làm việc, bạn đã thăng tiến như thế nào và tạo ra được những thành tích gì (cần được lượng hóa).
Một số chương trình MBA không yêu cầu (required) kinh nghiệm nhưng lại ưu tiên (strongly preferred) ứng viên có kinh nghiệm. Như vậy không có nghĩa là sinh viên mới ra trường không có cơ hội xin học bổng MBA. Ngay cả chương trình MBA của Havard hay Stanford hằng năm đều dành những suất cho sinh viên mới ra trường. Vấn đề là sinh viên mới ra trường cần chứng minh được đam mê nghề nghiệp và những sự chuẩn bị của bản thân cho con đường nghề nghiệp đó thông qua những kinh nghiệm làm thêm, thực tập, hay các hoạt động ngoại khóa khác.
2.5. CV/ Resume
Sự khác biệt cơ bản nhất giữa CV và Resume là CV có độ dài không cố định còn Resume có độ dài không được vuợt quá một trang. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, CV của bạn được khuyến cáo là càng ngắn gọn càng tốt và không được vượt quá hai trang. Cách thức trình bày CV của bạn khác nhau tùy thuộc vào đặc điểm chương trình mà bạn nộp hồ sơ cũng như thành tích và hoạt động của bạn. Ví dụ như khi nộp hồ sơ cho chương trình MBA thì CV của bạn cần toát lên được khả năng lãnh đạo (Leardership), khi nộp hồ sơ cho ngành Kinh tế học thì CV cần thể hiện được thành tích học tập, hay khi nộp cho cho ngành Quan hệ quốc tế thì CV cần làm nổi bật các chương trình trao đổi giao lưu quốc tế bạn từng tham gia. Cũng vậy, người có nhiều kinh nghiệm thì thường đặt mục Kinh nghiệm làm việc (Working Experience) lên trước mục Học vấn (Educational Background) trong khi sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm thì trình bày ngược lại.
Có một trang web khá hay giúp bạn chỉnh sửa CV là: https://www.vmock.com. Bạn upload CV của mình lên trang web này, trang web sẽ phân tích chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, và những phần cần cải thiện, chỉnh sửa của CV bạn.
2.6. Thư giới thiệu (Letter of Recommendation)
Thư giới thiệu là một thành phần đặc biệt trong bộ hồ sơ xin học bổng du học. Đặc biệt là vì đây là thành phần duy nhất của bộ hồ sơ bạn không thể chủ động kiểm soát nội dung của nó. Tuy nhiên, không thể kiểm soát nhưng bạn vẫn có thể tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến nội dung. Hiện nay, bên cạnh hình thức Thư giới thiệu giấy truyền thống, nhiều trường sử dụng Thư giới thiệu online, trong đó, bạn cung cấp thông tin về người viết Thư giới thiệu (Referee) cho mình trên hệ thống nộp hồ sơ online, hệ thống sẽ tự gửi đường link đến người viết Thư giới thiệu để họ hoàn thành. Hình thức này tiện lợi hơn hình thức Thư giới thiệu giấy vì bạn không cần sắp xếp buổi gặp mặt người viết thư cho mình cũng như không cần phải xin mộc và dấu của trường (hay cơ quan đang công tác).
Sau đây là một số điều cần lưu ý liên quan đến Thư giới thiệu:
+ Thông thường trường yêu cầu hai Thư giới thiệu, một số yêu cầu ba. Đối với MBA, một số chương trình yêu cầu một trong những Thư giới thiệu đến từ Cấp trên ở cơ quan làm việc.
+ Người viết Thư giới thiệu cho mình phải là người hiểu mình, có quan hệ gần gũi và có thể đánh giá được chính xác tính cách và năng lực của mình (tuy nhiên không được phép là bạn bè hay người thân; đồng nghiệp có thể được). Cấp bậc (Giám đốc, Phó giám đốc) hay trình độ (Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ) của người đó không phải là điều quá quan trọng.
+ Đối với Thư giới thiệu từ Thầy/ Cô thì nên chọn Thầy/ Cô giảng dạy những môn có liên quan đến ngành học trong trương lai của mình. Đối với những bạn còn đi học, nên nhắm trước những Thầy/ Cô mình muốn xin Thư giới thiệu, để từ đó cố gắng học cho tốt môn của họ cũng như để lại những ấn tượng tốt về bản thân, và giữ liên hệ với Thầy/ Cô một thời gian đủ dài.
+ Nên liên lạc nhờ người viết Thư giới thiệu sớm để cho họ đủ thời gian viết cho mình. Nên gửi họ CV của mình cũng như trình bày một số thông tin chi tiết về ngành học chương trình học mà mình định nộp hồ sơ.
+ Đối với Ngoại Thương, các bạn viết Thư giới thiệu trên format của trường, nhờ Thầy/ Cô ký xong rồi đem lại phòng Tổ chức – Hành chính ký tên đóng mộc của trường (phí là 10 ngàn đồng/ bản).
2.7. Bài luận cá nhân (Personal Statement/ Motivation Letter)
Đây là thành phần trung tâm và quan trọng nhất của bộ hồ sơ xin xin nhập học và học bổng. Bài luận cần gắn kết tất cả những mảnh ghép của cuộc đời bạn để viết thành một câu chuyện liền mạch hài hòa bắt đầu từ quá khứ, đưa đến hiện tại, và dẫn đến những dự định trong tương lai. Một bài luận điển hình cần trả lời được 3 câu hỏi cơ bản sau:
“Describe your career interests and any experience you have related to this career.
Why do you choose our program?
How will our program help you reach your goals?”
Để trả lời 3 câu hỏi này trong một bài luận khoảng 1 trang A4 (font Time New Roman, size 12, page margin 2cm, single line spacing), các bạn cần trình bày các ý theo thứ tự sau (thật ra có nhiều cách tiếp cận nhưng cách tiếp cận sau đây hiệu quả đối với tôi):
+ Đoạn 1: Mục tiêu nghề nghiệp trong dài hạn (khoảng 10 năm). Lý do vì sao lựa chọn nghề nghiệp này.
+ Đoạn 2: Thông tin về trình độ học vấn, bằng cấp, và các kinh nghiệm làm việc liên quan.
+ Đoạn 3: Những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp này mà bản thân đã phát triển được qua quá trình học tập, làm việc, và hoạt động ngoại khóa khác.
+ Đoạn 4: Điều mình đang thiếu để phát triển nghề nghiệp này => lý do chọn ngành học này, trường này.
+ Đoạn 5: Những lợi ích cụ thể mà ngành học ở trường này sẽ đem lại cho bạn. Để trả lời được câu này, bạn cần nghiên cứu thật kỹ thông tin của trường thông qua website, cẩm nang (Brochure) của trường cũng như những tin tức truyền thông có liên quan. Hạn chế viết những câu ca ngợi trường vì họ tự biết trường họ tốt đến mức nào rồi.
Khi viết cần viết về chính những trải nghiệm của bản thân mình hay nói cách khác là những điều chỉ có bạn mới viết ra được. Cần đưa ra những ví dụ cụ thể minh họa cho những luận điểm của mình. Cần viết chân thành, đúng sự thật, tránh nói khoác, hư cấu. Giữ giọng văn tích cực và hạn chế dùng thể bị động. Hạn chế dùng tính từ để miêu tả về bản thân mình mà thay vào đó hãy đưa ra điều mình đã làm để minh họa. Ví dụ, thay vì viết “I am a diligent student” hãy viết “I spend around 10 hours studying everyday”.
Một số chương trình yêu cầu bạn viết thêm một bài luận để xin học bổng (Scholarship essay).
3. NỘP HỒ SƠ VÀ PHỎNG VẤN
Như đã trình bày ở trên, bạn cần nộp hồ sơ càng sớm càng tốt vì đây là một yếu tố then chốt để quyết định khả năng giành học bổng của bạn. Các chương trình MBA ở Mỹ thường chia ra các thời hạn (deadline) nộp hồ sơ theo vòng (rounds). Để tăng khả năng cạnh tranh học bổng thì bạn cần nộp hồ sơ vào trước hạn chót của vòng một. Một số trường thực hiện chính sách “ai đến trước phục vụ trước” (rolling basic). Trong trường hợp này, cần nộp hồ sơ sớm nhất có thể. Hiện nay, phần lớn các trường nhận hồ sơ online thông qua application portal. Phí nộp hồ sơ thường dao động từ 50-100 USD/ Euro/ Bảng Anh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nước như Phần Lan, Đức yêu cầu nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện.
Phỏng vấn là một phần không thể thiếu trong quá trình nộp hồ sơ MBA (và một số chương trình khác). Đây là cơ hội để hội đồng xét tuyển đánh giá khả năng ngôn ngữ của bạn cũng như tìm hiểu rõ hơn về con người bạn. Phỏng vấn hiện nay được hiện qua nhiều hình thức: gặp mặt trực tiếp (in person), phỏng vấn qua điện thoại (phone interview), qua Skype, qua mạng (Inetrnet-based interview - đây là hình thức bạn đăng nhập vào trang web của trường và trả lời những câu hỏi đã được thu sẵn, giống như thi nói của TOEFL). Dù là hình thức nào đi chăng nữa, thì bạn cũng cần thể hiện sự chuyên nghiệp của mình thông qua trang phục, điệu bộ cử chỉ, và giọng nói. Thực hành là chìa khóa dẫn đến buổi phỏng vấn thành công.Bạn cần soạn trước một số câu hỏi và thực tập phỏng vấn với bạn bè, nếu có thể phỏng vấn được với cựu sinh viên của trường đó thì càng tốt. Sau đây là một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp mà tôi đã tổng hợp từ nhiều nguồn:
1. Take me through your resume.
2. Tell me about your strengths and weaknesses.
3. For each element (school, job, etc.) of your resume: Why did you choose this? Was it a good choice? What did you learn? Why did you leave it?
4. Why do you want a Master? Why now?
5. What are your career goals? What is your experience related to this career?
6. Why do you want to attend our school? How much do you know about this program? How will our program help you achieve your career goals?
7. What are your greatest achievements?
8. Tell me about a personal or professional failure.
9. Describe the most difficult situation you have been through. How did you work it out?
10. What sort of international experience have you had?
11. Describe a significant recent leadership (teamwork) experience.
12. Tell me about the community projects you are engaged in.
13. Tell me about a challenge you faced or hard decision you had to make.
14. What is the primary weakness in your application? What is your solution?
15. What would you add to the program?
16. Why should we accept you?
17. What questions do you have?
18. …
Sau khi kết thúc buổi phỏng vấn, bạn nên gửi email cám ơn người phỏng vấn đã dành thời gian và công sức ra phỏng vấn bạn. Đây cũng là cơ hội để bạn trình thật ngắn gọn những điểm mà mình cảm thấy thể hiện chưa tốt/ chưa đủ ý trong buổi phỏng vấn. Nếu phía trường cần thêm thông tin gì, họ cũng sẽ gửi mail cho bạn để làm rõ. Do đó, hãy cẩn trọng với những câu hỏi bạn nhận được qua mail sau buổi phỏng vấn và trả lời những câu hỏi này thật chi tiết, cụ thể.
4. LƯU Ý CUỐI CÙNG
Những trường nước ngoài họ cần tuyển vào những con người thật sự chứ không phải là con người trên các mặt giấy tờ. Vì vậy, bạn cần tạo lập mối quan hệ và thiện cảm với họ ngay từ bước đầu của quá trình chuẩn bị hồ sơ thông qua trao đổi email. Bạn nên chủ động liện hệ thường xuyên với Admission Director của chương trình để tìm hiểu thêm về thông tin nhập học, học bổng,… Bằng cách này, bạn tạo cho họ cảm giác bạn thật sự hứng thú với chương trình của họ và do đó tăng cơ hội được nhận vào cũng như giành được học bổng từ họ.
Cám ơn bạn đã kiên nhẫn và dành thời gian đọc đến những dòng này.
Bài viết này dựa trên quan điểm ý kiến cá nhân và không đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.
Mong bài viết này có thể giúp được bạn phần nào trong hành trình thực hiện ước mơ du học của mình.
Tác giả: Mai Ý Đạt
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
6,836 lượt xem
Có thể bạn thích