Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Những Nguyên Nhân Khiến Bạn Mất Đi Hứng Thú Trong Công Việc

Bạn đã từng rất yêu và hài lòng với công việc hiện tại của mình. Có những lúc bạn dành hơn 12 tiếng mỗi ngày chỉ để hoàn thành công việc, không phải vì deadline, chẳng qua là do bạn thích làm thôi! Tuy nhiên, thời gian gần đây, bạn ngày càng cảm thấy mất dần cảm hứng trong công việc, đối với bạn đi làm ngay lúc này thật sự không còn niềm vui nào nữa. Vậy do đâu đẫn đến điều này?

Giai đoạn bắt đầu gắn bó với công việc, bạn thường cố gắng hết sức và luôn nhiều năng lượng. Mỗi ngày đi làm là mỗi ngày vui, bạn luôn tích cực trong mọi suy nghĩ và hành động, với hi vọng sự hứng thú này sẽ duy trì hoài. Thật không may, càng làm bạn càng thấy mất dần niềm vui trong công việc, bạn bắt đầu cảm thấy chán nản và áp lực ngày một nhiều. Đi làm ngay lúc này khác gì là một gánh nặng! Nếu bạn không tìm ra ngay nguyên nhân đẫn đến tình trạng này, thì chắc chắn những ngày tiếp theo sẽ vô cùng tồi tệ với bạn. Vì vậy, hãy thử tìm hiểu những nguyên nhân khiến bạn mất đi hứng thú trong công việc nhé!

1. Đồng nghiệp “quay lưng”

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho một ngày làm việc của bạn trở nên vui vẻ hơn chính là đồng nghiệp. Bạn thường xuyên phải giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, tuy nhiên, dạo gần đây đồng nghiệp không còn mở lòng với bạn nữa. Thay vào đó, là thái độ khó chịu và lơ đễnh trước những lời đề nghị của bạn. Đồng nghiệp đóng một phần không nhỏ giúp cho bạn thêm tinh thần trong những lúc căng thẳng. Bạn không nhất thiết phải có bạn thân trong công sở, nhưng nhất thiết phải có những người đồng nghiệp tốt!


2. Văn hóa công ty không phù hợp

Bạn có ý định gắn bó lâu dài với công ty hay không cũng là do văn hóa công ty ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Sẽ thật không khó để thấy, bạn không thể duy trì được sự hứng thú trong công việc khi văn hóa công ty không “ủng hộ” bạn. Một môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp cùng với các chế độ đãi ngộ, lương thưởng không hứa hẹn bất kì điều gì cho sự phát triển của bạn, tất cả sẽ lấy đi năng lượng làm việc của bạn ngày một nhiều hơn.

3. Cấp trên thiếu chuyên nghiệp

Là người trực tiếp quản lý bạn thế nhưng cấp trên của bạn lại khộng tài giỏi như bạn nghĩ, ngược lại, với khả năng quản lý có hạn, họ không đưa ra được những định hướng phát triển rõ ràng cho nhân viên, cũng như cho công ty. Cấp trên luôn là kim chỉ nam cho cả đội, sẽ ra sao nếu như họ không làm tốt được vai trò đó? Đây là một trong những nguyên do ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng mất đi cảm hứng làm việc mỗi ngày của bạn.

4. Bộ máy tổ chức không rõ ràng

Sẽ vô cùng mệt mỏi cho bạn nếu như công ty có bộ máy tổ chức lủng củng. Bạn hoàn toàn không biết ai sẽ là người quản lý để bạn báo cáo tiến độ công việc, mỗi dự án đều chậm trễ vì lý do không ai hiểu và chịu trách nhiệm phần việc của mình. Bất cứ khi nào bạn có ý tưởng hay ho và muốn thực hiện chúng, thì bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian vì những thủ tục rườm rà và dư thừa. Tình trạng này kéo dài sẽ dần lấy đi động lực đi làm ban đầu của bạn.

5. Bạn không có thời gian nghỉ ngơi

Tính chất công việc khiến bạn luôn phải dành 100% thời gian và sức lực để hoàn thành, bạn không có khoảng thời gian nào dành riêng chăm sóc cho bản thân. Áp lực từ công việc ngày một nhiều khiến bạn không thể tự thưởng cho mình những giây phút thư giãn – đây là yếu tố cực kì quan trọng để bạn có thể lấy lại tinh thần và giành lại cân bằng trong công sống. Mệt mỏi và căng thẳng sẽ lấy đi tất cả sự hứng thú trong công việc của bạn.

6. Và…không vì lý do nào cả

Bỗng nhiên một ngày bạn thức dậy cảm thấy vô cùng chán nản với chuyện phải đi làm, đối mặt với nhiều công việc còn dang dở, với những buổi làm việc tới tận khuya. Cho dù bạn rất yêu thích công việc hiện tại, bạn vẫn sẽ không thể tránh được cảm xúc chán nản này. Nghe có vẻ lạ nhưng đó là sự thật và bạn hãy biết cách chấp nhận và vượt qua khoảng thời gian “khó ưa” đó nhé.


Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng mất đi cảm hứng làm việc, những lý do trên là điển hình và gần như nhiều nhân viên gặp phải. Bạn hãy tìm ra nguyên do của mình và từ đó tìm cách giải quyết tốt nhất để lấy lại thăng bằng và niềm vui trong công việc, bạn nhé! Chúc bạn thành công.

Theo hrinsider.vietnamworks.com


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,639 lượt xem