Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Phép Toán Đằng Sau Quy Tắc 5 Giờ: Lí Do Bạn Cần Học 1 Giờ Mỗi Ngày Chỉ Để Không Bị Bỏ Lại Đằng Sau

ĐÂY LÀ QUY TẮC HÀNG ĐẦU CHO CÔNG VIỆC TRONG TƯƠNG LAI.

Kiến thức phải được trau dồi, thử thách và tích lũy không ngừng, nếu không chúng sẽ tiêu tan.
Ba năm trước, tôi đặt ra thuật ngữ "Quy tắc 5 giờ" (The 5-Hour Rule) sau khi tiến hành một nghiên cứu về những người thành công và bận rộn nhất hành tinh. Tất cả những người này đều có một điểm chung: Họ cố tình dành ra ít nhất 5 giờ mỗi tuần để học.
Kể từ đó, tôi đã trình bày Quy tắc 5 giờ cho hơn 5 triệu độc giả. Có tới hai lí do khiến tôi tiếp tục viết về nó:
  • Tôi tin rằng đó là cách thức then chốt mà ai cũng có thể áp dụng để đảm bảo một sự nghiệp thành công về dài.
  • Hầu hết mọi người đều không nghiêm túc thực hiện quy tắc này - điều mà đáng lẽ họ nên làm.
Gần đây, tôi nhận ra Quy tắc 5 giờ không chỉ còn là một hình mẫu nữa. Nó gần như đã trở thành một quy tắc nền tảng trong thời đại tri thức ngày nay.
Và nó được bảo đảm bởi toán học và số lượng nghiên cứu lớn dần...
Phép toán đơn giản đằng sau Quy tắc 5 giờ
Giả sử bạn mất 5000 giờ để thành thạo lĩnh vực của mình. Để đạt được trình độ này, bạn thực chất phải bỏ ra khoảng 6400 giờ lên lớp để có được một tấm bằng 4 năm.
Sau ngần ấy năm ròng rã học hành, bạn thấy mình như một quả bí ngô hạnh phúc. Bạn đã sẵn sàng cho công việc rồi đây. Bạn được trang bị những kĩ năng mới và tốt nhất.
Nhưng, có một sự thật là...
Mỗi một giây trôi qua, kiến thức trong đầu bạn lại trở nên lỗi thời hơn một chút, do đó giá trị của chúng cũng sẽ vơi đi. Kiến thức giống một chiếc ô tô mới - bạn lái càng nhiều, nó càng mất giá.
Trực giác cho phép tất cả chúng ta nhận ra sự thật này. Và chúng ta cũng nhận ra kiến thức trong đầu mình đang trở nên lỗi thời, bởi chúng ta đang sống trong cuộc đua ồ ạt của thông tin. Lấy một dẫn chứng nhé: 80 - 90% số nhà khoa học tính từ thuở khai thiên lập địa đến nay hiện đang còn sống.
Bạn có biết rằng có cả một lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo những cách thức mới để đo lường tốc độ lỗi thời của kiến thức? Tôi sẽ đi sâu vào chủ đề này sau. Bây giờ, hãy giả sử một cách thận trọng rằng, một nửa kiến thức trong một lĩnh vực nhất định sau 10 năm sẽ bị chứng minh là sai hoặc được củng cố thêm. Nói cách khác, sau 10 năm, 50% kiến thức trong lĩnh vực này đã lỗi thời. Đây là số liệu thực tế trong nhiều lĩnh vực mũi nhọn hiện nay.
Được rồi. Bây giờ chúng ta sẽ xét xem điều này có ý nghĩa thế nào đối với 5000 giờ học của bạn.
Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa thế này...

Tất nhiên, chúng ta sẽ không học liên tục trong ngần ấy giờ. Nếu bạn trải rộng việc học ra, thì bạn sẽ cần học 5 giờ mỗi tuần, 50 tuần mỗi năm, chỉ để kịp thời.
Phép toán này thậm chí không xét tới hai luận điểm quan trọng:
  1. Đối thủ của chúng ta đang bỏ ra ngày càng nhiều thời gian để cập nhật các kĩ năng của họ.
  2. Chúng ta quên phần nhiều những gì ta đã học một cách tự nhiên.
Hai nhân tố này cho thấy chúng ta cần nhiều hơn 5 giờ mỗi tuần cho các thí nghiệm tưởng tượng của mình.
Kết luận: Những con số này cho thấy bạn cần dành ra ít nhất 5 giờ mỗi tuần để học với mục tiêu theo kịp được lĩnh vực hiện tại của mình - và nhiều hơn thế nếu bạn muốn dẫn trước.

Nếu bạn chưa tin vào tầm quan trọng của Quy tắc 5 giờ, hãy cứ xem đây như một lời cảnh báo dành cho bạn. Tôi đang rung chuông báo động rồi đây, để thức tỉnh bạn, đồng nghiệp của bạn và những người bạn thương yêu, vậy nên bạn hãy hành động NGAY BÂY GIỜ đi, trước khi quá muộn.

Giống như một con ếch trong nồi nước đang đun vậy, khi bạn nhận thấy hậu quả đau đớn của việc không chịu cập nhật các kĩ năng thì đã quá muộn rồi. Bạn không kịp nhảy ra ngoài nữa. Nồi nước đã sôi.
Bây giờ bạn đã hiểu các phép toán cơ bản đằng sau Quy tắc 5 giờ rồi. Chúng ta sẽ đi sâu vào các nghiên cứu phía dưới và xu thế đang vận hành nó để bạn hiểu rõ hơn về tính cấp bách của những con số này...
Hai xu thế nền tảng vận hành Quy tắc 5 giờ

Ngày 19 tháng 4 năm 1965, Gordon Moore, đồng sáng lập Intel, đã đăng một bài viết trên tạp chí Electronics chỉ ra hiện tượng quan trọng nhất của thế giới công nghệ. Về cơ bản, bài báo chỉ ra rằng số linh kiện trên một chip (nguyên văn: integrated circuit - IC) sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi năm (một thập kỉ sau đã cập nhật sửa đổi thành 2 năm). Dựa trên quan sát này, Moore dự đoán rằng năng suất của máy tính sẽ tăng lên trong khi giá thành giảm mạnh.
Hiện tượng này được gọi với cái tên Định luật Moore, và cho tới 53 năm sau, nó vẫn được chứng minh là đúng. Định luật này dự đoán các máy trạm khổng lồ lấp đầy một căn phòng cuối cùng sẽ biến thành các máy tính cá nhân và điện thoại di động. Nó dự đoán các máy tính lượng tử trong tương lai và các máy tính sẽ nhỏ đến mức mắt thường không thấy được. Mọi kĩ sư công nghệ đều biết về sức mạnh của Định luật Moore và thêm nó vào kế hoạch cho tương lai của họ.
Định luật này giải thích cho một xu thế cơ bản trong một ngành công nghiệp.
Khi nói đến tương lai của công việc, có hai xu thế quan trọng không kém nhưng lại được ít người biết đến:
  1. Chu kì bán rã của tri thức: Tốc độ lỗi thời của kiến thức là có thể dự đoán và tăng dần theo cấp số nhân. Do đó, để theo kịp tiến trình phát triển nhanh như vũ bão này, chúng ta cần liên tục cập nhật kiến thức.
  2. Luật học tăng cường: Các chuyên gia trên toàn thế giới đang tăng số giờ học của họ. Chúng ta phải cạnh tranh với nhau về việc làm và khách hàng trong nền kinh tế toàn cầu, cho nên chúng ta ít nhất phải là một đối thủ ngang tầm để không bị cho ra rìa.
Hai xu thế nền tảng này không chỉ là chút lí thuyết thú vị. Chúng rất thiết thực và có thể áp dụng được — điều quan trọng nhất là, ngay lúc này, chúng đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, dù ta có nhận ra hay không.
Trước khi chia sẻ cách áp dụng xu thế này, hãy để tôi giải thích thêm chút nữa.

Xu thế nền tảng #1: Kiến thức của bạn ngày càng lỗi thời

Chúng ta phải mất 50 năm loại bỏ một quan điểm sai khỏi y học, và 100 năm để tạo dựng một quan điểm đúng. — John Hughlings Jackson, nhà thần kinh học người Anh

Trong cuốn sách The Half Life of Facts: Why Everything We Know Has An Expiration Date (tạm dịch: Chu kì bán rã của tri thức: Tại sao những gì ta biết đều có hạn sử dụng), nhà nghiên cứu Samuel Arbesman đã viết:

Hóa ra sự thật này, khi được xem như một mảng lớn kiến thức, lại có thể dự đoán được [như uranium và các nguyên tố khác trong phân rã]. Nói tóm lại, các sự thật đều có hạn sử dụng: Chúng ta có thể đo lường lượng thời gian để kiến thức về một chủ đề nào đó bị bác bỏ. Có một ngành khoa học chuyên khảo sát tốc độ mà sự thật được tạo ra, công nghệ mới được phát triển, thậm chí cả tốc độ lan truyền sự thật. Cách kiến thức biến đổi có thể được hiểu một cách khoa học.
Ví dụ, nếu bạn bị bệnh gan và nhận chẩn đoán từ một bác sĩ đã tốt nghiệp hơn 45 năm về trước, một nửa kiến thức ban đầu của người bác sĩ đó có lẽ đã không còn đúng ở thời điểm bây giờ.

Trong một nghiên cứu khác được đề cập trong cuốn The Half Life Of Facts, hai bác sĩ phẫu thuật phát hiện ra chu kì bán rã trong giải phẫu cũng là 45 năm.
Thường ngày, chúng ta không có cảm giác rằng kiến thức của bản thân đang trở nên lỗi thời, nhưng hãy xét đến một vài sự thật đáng kinh ngạc dưới đây để biết trực giác của ta đã sai thế nào:
  • Bảng tuần hoàn: Nếu bạn là một học sinh trung học vào năm 1970, bạn sẽ được dạy rằng bảng tuần hoàn có 106 nguyên tố. Học sinh ngày nay được dạy có 118. Do đó, trong 50 năm qua, tỉ lệ phân rã của kiến thức Hóa học nền tảng này là 10%.
  • Số lượng loài: Năm 2017, 85 loài động thực vật mới được phát hiện. Điều đáng kinh ngạc là, các nhà khoa học ước tính 90% các loài vẫn chưa được khám phá. Theo ước tính, con người mới chỉ khám phá ra 0.00001% tổng số loài sinh vật trên khắp hành tinh. Đó là một phần nghìn của một phần trăm đấy.
  • Cuộc khủng hoảng về khả năng nhân rộng trong Tâm lí học (Psychology Replication Crisis): Nếu bạn học tâm lí vào năm 2010, bạn sẽ được tiếp cận với 100 nghiên cứu hàng đầu. Năm 2015, các nhà nghiên cứu đã cố gắng tiến hành những nghiên cứu tương tự và ít hơn 50% số nghiên cứu cho kết quả trùng khớp với năm 2010..


  • Hút thuốc: Không lâu trước đây, những người đi đầu trong việc kinh doanh thuốc lá là bác sĩ, nha sĩ và y tá. Quảng cáo cổ điển này sẽ là điên rồ đến mức bất hợp pháp trong thế giới hiện đại ngày nay.


  • Chế độ ăn: Trong những năm 1980, thịt xông khói, bơ và trứng được cho là có hại cho tim mạch. Ngày nay, có nhiều dẫn chứng chứng minh chúng có lợi cho sức khỏe.
Vào những năm 1970, một loạt các nghiên cứu mới về chu kì bán rã của tri thức đã được thực hiện bởi các nhà khoa học thông tin. Phần lớn các nghiên cứu đều đo lường tốc độ phân rã thông qua thời gian trung bình mà tham chiếu của một bài báo hết hiệu lực. Bằng phương pháp này, họ đã tìm ra tốc độ phân rã như sau:

Nguồn: Half-Life Of Facts
Các kiến thức cơ bản về y học, hóa học hay tâm lí học rất chậm tiến khi đem so với các lĩnh vực mới, chuyên nghiệp và đóng vai trò then chốt ngày nay:
• Trí tuệ nhân tạo
• Phát triển ứng dụng
• Quản trị truyền thông
• Công nghệ xe không người lái
• Điện toán đám mây
• Dữ liệu lớn (Big data)
• Sáng tạo nội dung Youtube
• Xây dựng khóa học trực tuyến
Hầu hết các ngành nghề kể trên không tồn tại trong thế giới của 15 năm trước. Kinh nghiệm của cá nhân tôi đảm bảo điều đó...
Năm 1998, tôi đồng sáng lập một công ty phát triển web. Những ngôn ngữ lập trình và công cụ tạo website ngày nay không tồn tại trong thế giới của 20 năm trước đâu. Trước đó, tôi chỉ thiết kế và thử nghiệm các website dành cho desktop. Giờ đây, chúng ta có máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Khi tôi lần đầu theo học trường kinh doanh và tham gia các lớp kinh doanh, tôi được dạy phải dành hàng trăm giờ đồng hồ nghiên cứu kĩ lưỡng và cẩn thận lên kế hoạch kinh doanh. Ngày nay, các doanh nhân được dạy nói KHÔNG với kế hoạch kinh doanh, thay vào đó tập trung giao tiếp với khách hàng và áp dụng các quy tắc khởi nghiệp tinh gọn.
Mười lăm năm trước, viết trực tuyến (online writing) là một công đoạn phụ cho việc in ấn các bài báo và tạp chí. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Và bộ kĩ năng cần có đối với một nhà văn trực tuyến (đối với những người đọc qua điện thoại thông minh sau khi xem các bài viết của bạn trên các phương tiện thông tin đại chúng) hoàn toàn khác với khi viết cho một độc giả đặt mua ấn phẩm của bạn.
Bạn cũng có thể có những trải nghiệm tương tự trong lĩnh vực của riêng bạn.
Một bài báo của trang Harvard Business Review đã tập trung hơn vào vấn đề này và kết luận rằng, các kĩ năng có được trong những năm đại học chỉ phù hợp trong vòng 5 năm. Nhưng bỏ qua việc học không phải giải pháp; trong thực tế, bài báo đã viết thế này:

Theo phân tích của chúng tôi về những số liệu có được từ Bộ Lao động và Cục Thống kê Lao động... 28% số vị trí hứa hẹn nhất sẽ đòi hỏi một "thế mạnh chuẩn bị bao quát."
Nói tóm lại, tốc độ phân rã của tri thức là tổ hợp của nhiều hiện tượng. Thông qua việc hiểu rõ về sự tồn tại của những hiện tượng riêng biệt này, chúng ta sẽ hiểu được vai trò nền tảng của xu hướng phân rã kiến thức:
• Dữ liệu, sự kiện, thông tin và kiến thức đều tăng theo cấp số nhân. Cùng với sự ra đời của Internet Of Things (IoT), số lượng các công cụ đo lường với độ chính xác cao, thiết bị theo dõi trực tuyến và lượng dữ liệu về chúng ta và thế giới ngày càng tăng. Kết quả là, các nhà nghiên cứu có nhiều cơ sở dữ liệu hơn trong quá trình đưa ra kết luận khoa học. Các công cụ khoa học phải tuần theo Định luật Moore. Công cụ càng tối ưu, khoa học càng nhanh tiến bộ.
• Số lượng các nhà khoa học trên thế giới đang tăng nhanh. 90% số nhà khoa học tính từ thuở khai thiên lập địa đến nay hiện đang còn sống.
• Số lượng người sáng tạo và chia sẻ ý tưởng đang tăng theo cấp số nhân. 30 năm trước, những người đóng vai trò sáng tạo ý tưởng chủ yếu là các nhà khoa học, trí thức và nhà tư tưởng. Cùng với sự ra đời của của truyền thông xã hội, hàng triệu người được trao quyền sáng tạo và chia sẻ những bài học kinh nghiệm của họ.
• Số phép tính phức tạp được thực hiện đang tăng theo cấp số nhân. Đây như một hệ quả của Định luật Moore, số phép tính chúng ta có thể thực hiện mỗi giây đang tăng lên. Mỗi tiến bộ trong kĩ thuật tính toán đều cho phép chúng ta hiểu về thế giới ở mức độ sâu sắc hơn và giúp giải quyết các vấn đề mà những người đi trước phải bó tay.
• Chúng ta đang quên những gì mình biết. Đường cong quên lãng (Forgetting Curve) chỉ ra, nếu không chịu củng cố, chúng ta sẽ quên gần hết những gì mình được tiếp cận.
Kết luận: Học tập trong môi trường thông tin ngày nay giống như tát nước khỏi một chiếc thuyền rò. Tất cả kiến thức đều mất giá nhanh chóng. Và tệ hơn nữa là, chúng ta không hề hay biết về hạn sử dụng của bất kì nội dung kiến thức nào. Chúng ta sẽ không nhận được một cái email thông báo kiểu như: "Này anh bạn, anh học cái này ba năm trước rồi, đúng chứ? Giờ nó không còn đúng nữa đâu đấy."
Cuối cùng, chúng ta sẽ hành động dựa trên những tư tưởng sai lầm và ngừng được nếm thành quả. Sau đó, chúng ta phải quay về điểm xuất phát và khắc phục lỗi lầm để biết xem nội dung kiến thức hay kĩ năng lỗi thời nào đã gây ra hậu quả này.
Quy tắc 10000 giờ cho thấy, trong bất kì lĩnh vực nào, nếu muốn trở thành một trong những người xuất chúng nhất, chúng ta sẽ phải bỏ ra một lượng thời gian và nỗ lực lớn đến kinh ngạc. Chu kì bán rã của tri thức chỉ ra, chúng ta cần chuyên cần đến khó tin để duy trì vị trí vượt trội trong một lĩnh vực biến chuyển thần tốc. Có thể nói, học tập như nâng tạ. Bạn phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực mới có thể lên cơ. Sau đó, chúng ta vẫn cần tiếp tục tập luyện để giữ hình thể đó.
Tin tốt là các mảng kiến thức khác nhau sẽ có chu kì bán rã khác nhau. Và còn có cả những mảng kiến thức hữu ích sẽ duy trì tính hợp thời của mình, thậm chí ngày càng trở nên đúng đắn. Đó là lí do tôi đồng ý trở thành người đồng sáng lập của The Mental Model Of The Month Club (tạm dịch: Câu lạc bộ mô hình tâm lí của tháng) và dành vài giờ mỗi tuần nghiên cứu các mô hình tâm lí phổ biến và hữu dụng nhất, đặc biệt là không trở nên lỗi thời trong một thời gian dài.

Xu hướng nền tảng #2: Đối thủ của bạn đang học ngày càng nhiều
Theo trang Our World In Data, trong hai thế kỉ vừa qua, một người bình thường trong một xã hội phát triển đang dành ra ngày càng nhiều thời gian theo học các trường lớp chính quy. Biểu đồ dưới đây cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc trong 200 năm qua. Số năm học đã tăng từ 2 lên 20 tại nhiều nước phát triển.

Nguồn: Our World In Data: Global Rise Of Education
Ví dụ, từ năm 1940 đến nay, tỉ lệ tốt nghiệp đại học ở Mĩ đã tăng gấp 8 lần. Đáng kinh ngạc hơn nữa, từ năm 1997 đến năm 2017, tỉ lệ tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần.
Điều tương tự cũng đúng với việc học không chính thức ngoài các tổ chức truyền thống - thứ chiếm 70 - 90% quá trình học. Podcast, video, báo chí, trò chơi và các khóa học số đã cung cấp cho mọi người khả năng học gần như mọi thứ một cách miễn phí.
Thật điên rồ khi để ý rằng điện thoại thông minh, Youtube và podcast thậm chí chưa hề tồn tại vào 15 năm trước! Giả sử thời gian trung bình cho một người đi đến cơ quan là 54 phút, thì thay vì nghe radio hoặc Walkman, người ta có thể nghe những nội dung kiến thức vĩ đại nhất của nhân loại.
Điều này rất có ý nghĩa với Quy tắc 5 giờ, bởi giá trị của kiến thức là tương đối và phải tuân theo quy luật cung - cầu. Nếu bạn sở hữu một kĩ năng hữu ích, nhưng có cả tấn người khác cũng sở hữu nó, thì bạn không thể đòi hỏi một phần thưởng đâu.
Kết luận: Nếu người khác đang học nhiều hơn, thì bạn cũng cần học nhiều như họ thì mới có thể bắt kịp. Nếu cứ đứng yên, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Nếu bạn đã làm công việc hiện tại trong một thời gian dài, bạn có thể sẽ không nhận ra mình bị bỏ lại bao xa. Nhưng nếu bạn cố gắng chuyển sang một lĩnh vực khác hoặc trở lại thị trường công việc sau một thời gian nghỉ ngơi, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra các kĩ năng của mình đã lỗi thời.
Tôi hi vọng sự kết hợp giữa toán học cơ bản, lẽ thường và hai xu hướng nền tảng sẽ thuyết phục được bạn thực hành Quy tắc 5 giờ. Nếu vậy, đây là cách bắt đầu...
Mẹo nhân đôi thời gian học mà KHÔNG làm thay đổi lịch trình của bạn
Bạn có thể không nghĩ rằng mình sẽ tìm được thêm 5 giờ mỗi tuần. Giữa lịch làm việc dày đặc, những nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội, cộng với thời gian chăm sóc sức khỏe, thì bạn làm sao mà moi được thêm 5 giờ mỗi tuần?
Tôi cam đoan rằng bạn có thể. Không những có thể, mà còn rất dễ dàng. Tôi đã viết rằng những người bận rộn nhất — Bill Gates, Elon Musk, Jack Ma, Oprah Winfrey, Warren Buffett — đều thực hành Quy tắc 5 giờ. Nhưng ngay cả những người không có tiềm lực tài chính vô tận vẫn có thể tìm thấy thời gian cho Quy tắc 5 giờ.
Cách đơn giản nhất là xếp chồng việc học lên lịch trình hiện tại của bạn.
Đúng, bạn không cần phải thay đổi lịch trình của mình.
Điện thoại thông minh ra đời, cộng với sự bùng nổ của video, podcast và sách nói cho phép bạn học trong khi làm những việc khác suốt cả ngày. Tôi gọi đây là thời gian bội kép, vì bạn có thể làm hai việc cùng lúc.
Chúng ta có thể sử dụng thời gian bội kép nhờ vào hai phép màu chưa được đánh giá đúng mức:
  • Chúng ta có thể làm hai việc cùng lúc. Bạn có thể học bằng tai và phản xạ bằng giọng nói trong khi tay và mắt đang bận rộn.
  • Những kiến thức tốt nhất trên thế giới là miễn phí và trong tầm tay của chúng ta cả ngày. Điều này chỉ mới có trong vòng 10 năm gần đây.
Dưới đây là phạm vi tận dụng thời gian bội kép của tôi. Tôi chia sẻ danh sách này với mong muốn cung cấp ý tưởng cho bạn về thời gian bội kép trong ngày:
  • Lái xe (khoảng 30 phút/ngày)
  • Tắm hơi (3 - 4 lần/tuần)
  • Tập thể dục (hơn 10.000 bước/ngày + chạy bộ vài lần một tuần)
  • Giao tiếp (bạn bè của tôi cũng thích học, do đó học tập đã trở thành đề tài của chúng tôi)
  • Ăn uống và chuẩn bị bữa ăn (45 phút/ngày)
  • Làm việc nhà hoặc làm vườn (30 phút/ngày)
Thời gian bội kép sẽ giúp bạn dành ra nhiều giờ mỗi ngày, hơn nữa việc thực hiện nó rất dễ dàng và thú vị. Khi thói quen đã hình thành, tôi khuyên bạn nên cân nhắc đến việc học những kiến thức khó hơn - thứ có thế khiến bạn hiến dâng 100% sự tập trung và năng lượng của mình.
Không chịu học hỏi là điếu thuốc của thế kỉ XXI
Kết luận rằng những người không chịu học hỏi sẽ bị bỏ lại phía sau có thể hiểu một cách thực tế: mắc kẹt trong một công việc hoặc nghề nghiệp không vừa ý, hoặc tệ hơn là thất nghiệp.
Trong một đánh giá đáng sợ về các nghiên cứu liên quan đến mất việc - The Far-Reaching Impact of Job Loss and Unemployment - nhà nghiên cứu Jennie Brand đã chỉ ra, mất việc làm không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến toàn bộ quỹ đạo cuộc sống của bản thân người lao động mà còn ảnh hưởng đến cả con cái họ. Hậu quả của nó được cảm nhận qua cả phương diện kinh tế, tâm lí và thể chất. Đó là hệ quả đằng sau chất lượng bữa ăn tồi tàn và việc không tập thể dục.
Cũng giống như con số tối thiểu được khuyến nghị về liều lượng vitamin, số bước đi mỗi ngày hay số phút dành cho thể dục nhịp điệu, chúng ta cần trở nên nghiêm khắc đối với thời gian tối thiểu của việc học có chủ ý để duy trì sức khỏe kinh tế của chính mình. Những ảnh hưởng lâu dài của sự tự mãn về kiến thức cũng âm ỉ như những tác động lâu dài của việc không tập thể dục, chất lượng bữa ăn tồi, hoặc ngủ không đủ giấc.
Không chịu học hỏi ít nhất 5 giờ mỗi tuần (Quy tắc 5 giờ) là điếu thuốc của thế kỉ XXI. Bài viết này là một lời cảnh báo dành cho bạn.
_______________________
The Math Behind The 5-Hour Rule: Why You Need To Learn 1 Hour Per Day Just To Stay Relevant by @michaeldsimmons

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,298 lượt xem