Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Phong Trào Khởi Nghiệp Kinh Doanh – Chùm Bong Bóng Chực Vỡ?

Khởi nghiệp (start-up) đang trở thành trào lưu được giới trẻ ở Việt Nam quan tâm. Chỉ một năm trước, không ít start-up ở châu Á được “chống lưng” bằng những dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy kỷ lục vào Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc và Ấn Độ… ồ ạt ra đời. Tuy nhiên, phong trào này đang đối mặt với nhiều thách thức khiến nhiều người hồ nghi giai đoạn bùng nổ của start-up sẽ không kéo dài.

Phá sản ở Đông Nam Á

Theo trang công nghệ Techinasia, trong số hàng trăm start-up lớn nhỏ ở châu Á phá sản trong năm 2015, có hàng chục công ty đình đám đã để lại nhiều bài học. Trong năm 2015, Trung Quốc có đến 7 dịch vụ rửa xe trực tiếp và trực tuyến phải đóng cửa sau hơn nửa năm đi vào hoạt động. Dịch vụ eXiche có lẽ là sự thất bại ngoạn mục nhất. Sau khi huy động được 20 triệu USD trong giai đoạn gọi vốn vòng A (Series A – tài trợ vốn khi công ty bắt đầu bán hàng và tài trợ hoạt động sản xuất) vào tháng 3 thì đến tháng 10-2015, start-up này tuyên bố đóng cửa. Bài học rút ra từ thất bại này là do chiến lược không bền vững: Đốt tiền vào các chương trình khuyến mãi giá rẻ cho một dịch vụ về bản chất đã rất rẻ như rửa xe.

Hay như Lumos, một start-up ở Ấn Độ do các sinh viên mới ra trường sáng lập. Lumos thất bại khi lao vào cung cấp phần cứng mà thị trường đã có sẵn, đánh giá quá cao nhu cầu và công dụng của sản phẩm. Còn mô hình xây dựng một chợ tuyển dụng trực tuyến của TalentPad thất bại sau 1 năm ra đời. TalentPad sa vào “hố tử thần” khi không thể mở rộng hoạt động kinh doanh đáp ứng cho nhu cầu thị trường rộng lớn. Còn Dazo, doanh nghiệp cung cấp ứng dụng gọi thức ăn và giao hàng đầu tiên tại Ấn Độ, đã từng thu hút được nguồn vốn lớn từ những nhà đầu tư có tiếng, bao gồm cả Google và Amazon. Tuy nhiên, đến năm 2015, Dazo đã phải đóng cửa. Tất cả có bài học chung: Tốc độ tăng trưởng quá nhanh khiến các công ty được tài trợ có xu hướng đốt tiền để thu hút khách hàng mà không hề quan tâm tới việc tạo ra một sự khác biệt của sản phẩm. Điển hình là Kirim. Trang web hoạt động trong lĩnh vực giao hàng này đã âm thầm đóng cửa sau 7 năm hoạt động. Công ty không tuyên bố lý do nhưng theo Tech in Asia, các đối thủ như Go-Jek hay GrabBike phát triển quá nhanh khiến Kirim không thể theo kịp.

Everything.me là một trong những trường hợp thất bại đáng chú ý tại châu Á năm 2015. Star-tup này đã phát triển một ứng dụng bổ sung tính năng cho điện thoại Android, thu về 35 triệu USD và 15 triệu lượt tải. Nhưng cuối cùng, công ty vẫn quyết định bỏ cuộc vì “không tìm thấy mô hình kinh doanh phù hợp” cho ứng dụng miễn phí của mình.

Thung lũng Silicon không thoát

Evernote, ứng dụng ghi chú tuyệt vời trên máy tính và các thiết bị thông minh,  từng là một trong những start-up tầm cỡ tại Thung lũng Silicon (Mỹ) trong nhiều năm qua, giá trị đã có lúc lên đến 1 tỷ USD. Thế nhưng, start-up đình đám một thời này đang đứng trước nguy cơ phá sản, vừa cắt giảm 13% nhân viên, đóng cửa một số văn phòng ở châu Á, tái cơ cấu, đơn  giản hóa các dòng sản phẩm và tập trung ổn định… Giới phân tích cho rằng công ty đã bành trướng quá mức, chi quá nhiều tiền và sẽ bị các đối thủ triệt tiêu. Thậm chí, có người tiên đoán, Evernote sắp trở thành hình mẫu đầu tiên của làn sóng sụp đổ sắp tới của các start-up ở Thung lũng Silicon.

Một start-up ở Thung lũng Silicon

Có thể những hậu quả tồi tệ nhất chưa xảy ra, nhưng nhiều start-up khắp Thung lũng Silicon đang trong tình trạng “treo lơ lửng”. Những doanh nghiệp start-up lớn nhất, như Uber và Airbnb, tiếp tục vay mượn hàng tỷ USD. Nhiều start-up nhỏ hơn, như công ty sản xuất ứng dụng truyền hình trực tuyến Blab và công ty đầu bếp riêng theo yêu cầu Kitchit, đã rơi vào “hố tử thần” của Thung lũng Silicon. Max Levchin, người sáng lập PayPal và là giám đốc điều hành Affirm, một công ty tài chính ở San Francisco cho biết: “Thế giới start-up đã bắt đầu lưu ý đến lời cảnh báo về sự sụp đổ”. Còn Paul Buchheit, một đối tác quản lý tại quỹ đầu tư Y Combinator đã rót vốn cho start-up Dropbox và Airbnb than thở: “Tôi thậm chí không tin rằng nhiều công ty đã không còn hoạt động kinh doanh nữa”. Một start-up ở Thung lũng Silicon bị phá sản là điều có thể xảy ra, đặc biệt là khi thị trường chứng khoán chao đảo hoặc một cú sốc tài chính nào giáng vào hệ thống.

Những bài học xương máu

Các start-up thất bại không chỉ là những doanh nghiệp còn non trẻ, mà ngay cả những công ty nổi tiếng có bề dày kinh nghiệm với nhiều hứa hẹn. Ngoài những nguyên nhân khiến các start-up mãi lỗi hẹn với thành công như quá tập trung vào tăng trưởng mà bỏ qua sự cần thiết của việc xây dựng một mô hình phát triển bền vững, do áp lực cạnh tranh gay gắt của thị trường hoặc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, thiếu vốn, chọn sai thời điểm tung ra thị trường, xác định nhầm mục tiêu, không phải là một đội hiểu nhau… thì theo báo Huffingtonpost, có 3 bài học nghiêm khắc cần được rút ra.

Thứ nhất, thuê mướn người đúng kỹ năng cần thiết. KiOR là một start-up thay nhu cầu khí đốt bằng nguồn năng lượng sinh học. Đội ngũ chống lưng của start-up này có tỷ phú Vinod Khlosa, nhà đầu tư được tạp chí Fortune bình chọn là thành công nhất mọi thời đại, cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đóng vai một trong những thành viên trong hội đồng quản trị, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair – cố vấn cấp cao và Bill Gates cam kết góp hàng triệu USD. Tuy nhiên, chỉ hai năm rưỡi sau khi đột phá, KiOR ngưng sản xuất nhiên liệu sinh học và cuối năm 2014 đệ đơn xin phá sản.

Trong khi những lý do của sự thất bại này vẫn còn đang là đề tài tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn start-up, cả lãnh đạo Khlosa và cựu giám đốc điều hành của  KiOR là Paul O’Connor đều đồng ý rằng có lẽ thất bại chính của công ty là những quyết định thuê mướn nhân sự nghèo nàn của KiOR. Việc thiếu những người có kinh nghiệm kỹ thuật thực tế để vận hành các nhà máy năng lượng đã cản trở các hoạt động và quản lý sai lầm các nguồn tài nguyên. Các thành viên sáng lập có tiếng nói, có quyền lực nhưng không phải là chuyên gia, không có kỹ thuật để đảm nhận tiến trình rà soát của công ty.

Bài học thứ hai là phải nắm vững thị trường. Sidecar là dịch vụ chia sẻ xe cá nhân đã từng nhận được đầu tư lên đến 39 triệu USD. Ít ai biết được rằng Sidecar mới chính là công ty đi tiên phong trong lĩnh vực này chứ không phải Uber. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động không hiệu quả, Sidecar thông báo đóng cửa vào tháng 12-2015. Trong khi đó, đối thủ của Sidecar là Uber vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ và được định giá hơn 60 tỷ USD tính cho đến thời điểm này. Trong một thông cáo báo chí, giám đốc điều hành Sunil Paul thừa nhận rằng, phải hiểu về thị trường, xác định đối tượng, mục tiêu của mình và đối tượng, sản phẩm phải cạnh tranh…

Bài học thứ 3 là tiếp cận cộng đồng đầu tư đúng thời điểm. Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại đều phải có được những nhà đầu tư thích hợp. Sẽ rất tuyệt vời nếu được làm việc với nhà đầu tư có cùng mục tiêu và triết lý làm việc, cũng như có thể cung cấp sự hỗ trợ, lời khuyên đúng đắn trong kế hoạch xây dựng công ty vững chắc, mở rộng thị trường. Việc được nhận một khoản đầu tư sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực lên hình ảnh của start-up. Khi một start-up được quan tâm bởi nhiều nhà đầu tư, những người khác chắc chắn sẽ thắc mắc (một số tự khẳng định) rằng phải có điều gì đó đặc biệt. Hơn thế nữa, khi các nhà đầu tư khác cũng quan tâm và đầu tư vào, điều đó có nghĩa là start-up đó đang trở nên thực sự có giá trị.

Tóm lại, tiền không phải là giá trị lớn nhất của khởi nghiệp và bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể khởi nghiệp và thất bại là một phần trong quá trình kinh doanh. Trong thực tế, 100% các start-up sẽ đối mặt với thất bại và xem như “chuyện thường ngày”. Nguyên nhân thất bại của những start-up sẽ là bài học kinh nghiệm xương máu cho những ai đã, đang và có ý định khởi nghiệp.

Theo sggp.org.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

801 lượt xem