Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Rèn Luyện 21 Thói Quen Này Mỗi Ngày, Mục Tiêu Nào Bạn Đề Ra Cũng Thành Đơn Giản (Phần 1)

Vì sao ai trong chúng mình cũng đặt mục tiêu, nhưng cuối cùng chả có ai hoàn thành được mục tiêu đấy. Nào là mỗi tuần đọc một quyển sách, quyết tâm giảm 5kg, quyết tâm đạt IELTS 6.5, lúc viết ra thì rất quyết tâm, nhưng sau vài ngày thực hiện thì lại chán và bỏ.

Một trong những lý do có thể nhìn thấy dễ nhất là việc thiếu động lực để phấn đấu. Nhiều lúc đặt mục tiêu ra cho hay thế thôi nhưng không biết tại sao lại cần phải như thế, tại sao cần đọc sách, tại sao cần giảm cân, tại sao cần IELTS, thế nên nhanh chán.

Bài viết này mình sẽ chia sẻ một số khía cạnh về việc đặt mục tiêu, mục đích là để tự nhắc nhở bản thân mình cũng như giúp các bạn đang theo đuổi mục tiêu của bản thân có nhiều động lực hơn.

1. NÊN ĐẶT MỤC TIÊU KHÓ THẬT LÀ KHÓ

Một mục tiêu có khả năng hoàn thành được nên có đầy đủ các yếu tố sau:

  • Phải có nguyên nhân sâu xa đằng sau mục tiêu đấy. Ví dụ mình học IELTS 6.5 để việc tốt lương cao hơn, mình giảm 5kg để hè này mặc bikini sống ảo, mình đọc mỗi tuần 1 quyển sách để bổ sung vốn kiến thức, đi thả thính nói được nhiều hơn.
  • Mục tiêu phải khó một chút. Như thế mới cố gắng được. Ví dụ giảm 500g/tháng dễ èo, nhưng giảm 5kg/ tháng thì lại là chuyện khác.
  • Mục tiêu phải có thời gian. Thời gian càng ngắn thì càng tạo động lực để hoàn thành hơn. Thế nên từ bây giờ bạn đặt mục tiêu, hãy bổ sung thêm thời gian bạn muốn hoàn thành nó nữa. Ví dụ mình muốn tăng 2kg trong 1 tháng tới, mình sẽ đi thi IELTS vào 3 tháng tới và đạt điểm 6.5 là một mục tiêu rất tốt.

2. TẠO ĐỘNG LỰC CHO BẢN THÂN TRONG VÔ THỨC

Vì sao những bạn đi học về ngôn ngữ NLP, học các chương trình truyền cảm hứng của Awake Your Power, Tôi Tài Giỏi lại rất giàu quyết tâm và hừng hực khí thế trong những buổi học đó. Một trong những lý do là các bạn được học về cách tạo động lực cho bản thân trong vô thức.

Nói đơn giản là khi bạn đặt ra một mục tiêu cho bản thân, ngoài việc nói nó ra bạn còn phải nghĩ về nó nữa. Bạn viết hay nói ra về việc ‘Quyết tâm đọc hết 50 quyển sách trong 1 năm’ là chưa đủ, cần phải sống chết nghĩ về nó nữa. Một trong những cách để nghĩ về mục tiêu trong vô thức là ‘luyện não’ trước khi đi ngủ.

Khi mình đi ngủ, sóng não sẽ chuyển đổi ở 5 trạng thái khác nhau bao gồm Beta, Alpha, Theta rồi trước khi chìm vào Delta (ngủ sâu) và Gamma (tham khảo thêm ở đây). Trong 5 trạng thái này, thì trạng thái số 3 (Theta) là lúc mà tiềm thức chúng ta đang mơ màng, tâm trí bay bổng và tưởng tượng ra nhiều thứ.

Vậy nên cơ bản nếu bạn muốn mục tiêu của bản thân xuất hiện trong tiềm thức, trước khi đi ngủ hãy nhắm mắt lại, dành ra 5-10 phút tưởng tượng về mục tiêu của bản thân, ngày mai mình sẽ đọc bao nhiêu trang sách, mình đọc về cái gì, một tuần nữa mình sẽ đọc được bao nhiêu trang, 1 tháng nữa mình đọc được bao nhiêu, 1 năm nữa thì sao, 10 năm nữa thì sao. Tưởng tượng càng cụ thể, càng chi tiết, thì mục tiêu sẽ càng in sâu vào tiềm thức.

Cũng giống như việc ban ngày ta nghĩ về một người rất nhiều thì tối hay mơ về người đó ấy.

3. HỌC VÀ LÀM VIỆC TRONG 2 LĨNH VỰC KHÁC NHAU

Bạn nào mà hay đọc sách hoặc tìm hiểu về Elon Musk thì sẽ thấy ông ý là một người rất giỏi bê kiến thức của lĩnh vực này mang sang lĩnh vực kia và rất thành công.

Lấy ví dụ bạn học trong lĩnh vực Marketing, có thời gian bạn sẽ học thêm về lĩnh vực Accounting nữa. Tưởng chừng như hai cái này không có liên quan gì đến nhau, nhưng nếu bạn giỏi ở cả 2 lĩnh vực đó thì nó sẽ giúp ích cho các bạn được rất nhiều trong công việc. Ví dụ bạn có thể bê một chút kĩ năng làm sự kiện bên Marketing để giải trí cho những người Accounting nhàm chán, hay bạn có thể bê kĩ năng làm kế hoạch tài chính của Accounting sang để làm tài chính sự kiện cho Marketing chẳng hạn. 

Vậy nên lời khuyên ở đây là, nếu bạn có chẳng may lỡ học một ngành và chuẩn bị đang có hứng thú với một ngành khác, cũng đừng lo lắng quá. Hãy thử tìm cách để kết hợp những kiến thức của hai ngành đấy lại với nhau xem nhé.

4. HỌC NHỮNG THỨ LẠ LẪM VỚI BẢN THÂN

Có một câu quote mà mình rất thích là: “Nếu bạn đọc giống mọi người, thì bạn cũng chỉ suy nghĩ giống như mọi người mà thôi.” – Ryan Holiday. Vậy nên là nếu muốn khác biệt, hãy mở rộng chủ đề tìm hiểu của bản thân ra.

Bên cạnh việc đọc và học những gì rất thông dụng như sách về danh nhân, sách self-help, các khoá học Leadership, khoá học Marketing, ta thử tìm hiểu ở một số lĩnh vực khác xem sao? Học một khoá về vẽ thư giãn, học một lớp về tâm lý học, đọc một quyển sách về phật giáo chẳng hạn.

Ví dụ như hồi xưa mình cứ nghĩ Phật giáo là một cái gì đó không hề hợp với mình, nhưng sau khi mình đọc cuốn Về nhà của nhà văn Phan Việt, mình bỗng có cái nhìn khác hẳn. Chưa đến nỗi cạo đầu đi tu, nhưng khi đọc cuốn đó thấy bản thân tâm an hẳn.

Hay thay vì đọc các sách ký sự của các tác giả trẻ như Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, mình tìm đến những tác giả có tuổi hơn như cô Nguyễn Thị Hậu với 2 cuốn là Vẫn còn nhớ nhau và Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau, giọng văn của một nhà văn U60 nhưng cực kỳ dễ thương, không tin các bạn cứ đọc thử.

5. ĐỪNG ĐỂ Ý KẾT QUẢ, HÃY NHÌN VÀO QUÁ TRÌNH KHỔ LUYỆN

Các bài báo mạng bây giờ ngập tràn về những câu chuyện thành công. Một anh nọ mở ra start-up triệu đô, một chị kia mới ra mắt cuốn sách mới và trở nên nổi tiếng, một em cấp 3 mới có được học bổng mấy tỉ đồng của vài trường đại học tại Mỹ. Những câu chuyện này nếu biết cách đọc sẽ truyền cảm hứng cho chúng mình rất nhiều, nhưng nếu chỉ đọc lướt những tiêu đề thì vô tình nó tạo cảm giác ảo tưởng cho các bạn trẻ bây giờ.

Những người thành công ở trên, có phải họ thành công chỉ sau một đêm không? Có phải họ mở start-up phát kiếm được luôn triệu đô, có phải họ viết sách phát là bán được cả ngàn cuốn không? Đương nhiên là không rồi.

Vậy nên ngay bây giờ, sau khi đọc bài viết này, nếu bạn muốn tìm hiểu về thông tin của một người thành công, hãy gõ tên Google người đó và tìm hiểu sâu hơn về đời tư của họ. Cấp 3 họ học trường gì, đại học học ở đâu, họ đã đi làm những chỗ nào, trước khi thành công bây giờ họ có thất bại gì không? Đọc và tìm hiểu những cái đó để thấy là, để có được thành công như bây giờ, những người đó đã thất bại rất nhiều.

Vậy nên bây giờ bạn có đang gặp một chút vấn đề này kia, cũng đừng nản chí nhé, hãy cố lên vì nếu cứ cố gắng, bạn sẽ hái quả sớm thôi.

6. KỆ BỐ TẤT CẢ CHÚNG NÓ

Phải mất một thời gian khoảng hơn một năm, mình mới luyện được kĩ năng ‘mặc kệ thế giới’. Gato là tính cách chung của mỗi người, cái này không thể không có được. Nhưng để theo đuổi được mục tiêu mà không bị phân tâm, ta cần học cách ‘mặc kệ’ những người xung quanh mình để chỉ tập trung vào một mình mình thôi.

Ví dụ bạn dành ra một tháng tập luyện và ăn kiêng chăm chỉ mà giảm được có 1kg, trong khi thấy trên Facebook có rất nhiều các em siêu mẫu khoẻ về việc giảm 7kg, 10kg trong 1 tháng với phương pháp này, phương pháp kia, vậy bạn sẽ làm gì? Bỏ cuộc vì quá chán, làm mãi mà không bằng người ta chăng?

Đương nhiên là không rồi. Không nên so sánh bản thân mình với ai hết. Vì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ví dụ bạn còn phải đi làm full-time, ăn uống không theo chế độ hoàn toàn healthy 100% được, tập cũng không đầy đủ được. Trong khi những bạn khoe kia người ta dành cả ngày ở phòng gym, công việc chính liên quan đến gym, có nhiều tiền hơn để ăn uống healthy, thể trạng dễ giảm cân hơn, đương nhiên người ta giảm được nhiều hơn rồi.

Người nên so sánh duy nhất là chính bản thân mình. Tháng này bạn giảm được 1kg, tháng sau quyết tâm giảm hơn con số đó, 1,5kg chẳng hạn. Theo thời gian mình tiến bộ dần dần, như vậy là rất thành công rồi đó.

7. GHI LẠI THỜI GIAN VÀ XEM MÌNH LÀM VIỆC TỐT NHẤT VÀO GIỜ NÀO

Các nhà khoa học ngâm cứu là ý, mỗi người trong ngày sẽ có một khoảng thời gian khoảng vài tiếng là làm việc hiệu quả nhất, tràn đầy năng lượng nhất. Vậy nên nếu ta mà biết cách sắp xếp công việc khó nhất vào cái khoảng thời gian này thì ta sẽ giải quyết công việc nhanh hơn, từ đấy có nhiều thời gian chơi hơn.

Mặt bằng chung là chúng ta sẽ làm việc tốt nhất từ 2-4 tiếng sau khi ngủ dậy (bằng chứng đây). Tuy nhiên để kiếm chứng thì mỗi người chúng ta nên tự dành ra ít nhất 2 tuần để ghi chép lại thời gian của bản thân, mỗi ngày từ lúc ngủ dậy đến lúc đi ngủ làm những gì, lúc nào cảm thấy hưng phấn, lúc nào cảm thấy thoải mái thì ghi hết lại. Bạn có thể ghi vào một tờ giấy hoặc ghi vào Google Calendar, cuối tuần tổng kết lại tự nhiên sẽ biết được ngay bản thân mình làm việc tốt vào giờ nào trong ngày.

Theo anhtuanle.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,974 lượt xem