Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Rèn Luyện 21 Thói Quen Này Mỗi Ngày, Mục Tiêu Nào Bạn Đề Ra Cũng Thành Đơn Giản (Phần 2)

Phần 1: Xem tại đây.

Nhiều bạn inbox cho mình hỏi về vấn đề theo đuổi mục tiêu. Các bạn đều biết rõ để tìm việc tốt thì phải học giỏi tiếng Anh, để có gấu xinh trai xinh gái thì bản thân phải body đẹp trước – tức là phải đi tập gym. Biết là như vậy, nhưng đa số các bạn đều gặp khó khăn trong việc thực hiện, lý do rất đơn giản là: Không có hứng và Không biết bắt đầu từ đâu.

Tiếp nối phần một, phần hai mình sẽ viết tiếp về các thói quen bạn có thể thực hành và áp dụng mỗi ngày để ‘tạo hứng’ cũng như bắt tay vào thực hiện ngay thói quen cho bản thân.

8. HỌC THẬT NHIỀU CÁI ‘BỀ NỔI’

Hỏi các bạn nè, bây giờ đi xe máy các bạn có phải vừa đi vừa nghĩ xem là ‘vào số như thế nào?’, ‘làm thế nào để phanh’, ‘làm sao để bật xi nhan’ hay các bạn cứ vô thức làm thôi. Tương tự khi cần Copy Paste một đoạn gì đó, các bạn có phải nhìn xuống bàn phím tìm xem nút Ctrl ở đâu, chữ C ở đâu, chữ V ở đâu – hay cứ thế tay nhoay nhoáy làm?

Những việc trên chúng ta có thể làm trong vô thức bởi chúng ta đã ‘học’ và ‘tập luyện’ nó rất nhiều lần trong đời. Lần đầu tiên ngồi trên xe máy, kiểu gì bạn chả lóng ngóng. Nhưng dần dần qua luyện tập và dùng mỗi ngày, bạn thành ra quen và làm việc đó thành thạo và không nghĩ đến nó nữa.

Tương tự như vậy với việc học. Nếu bạn muốn học về Productivity, bạn lên Quora hoặc Medium, mỗi ngày tìm đọc 100 cái tiêu đề bài viết về Productivity, khoảng 1-2 tháng như vậy, trong đầu bạn sẽ bắt đầu hình thành và hiểu được Productivity là có những cái gì. Chưa cần phải nghiên cứu sâu từng bài.

Nếu bạn muốn thử viết một cuốn sách về kĩ năng, bạn ra hiệu sách và vào tủ sách kĩ năng, mở ra đọc tất cả bảng mục lục của vài trăm cuốn sách ở đấy, dần dần trong đầu bạn sẽ mường tượng được cách trình bày và sắp xếp một quyển sách như thế nào cho hợp lý.

Dần dần khi bạn nắm được bề nổi rồi, bạn sẽ có hứng thú để tìm hiểu sâu hơn về mặt nội dung. 

9. ĂN PHỞ KHÔNG HÀNH RẤT LÀ CHÁN

Mình có một quan điểm là, kiến thức thu nhận vào bản thân nếu không được ứng dụng thì thật chẳng có ý nghĩa gì. Bạn có tham gia mấy trăm khoá học mà chỉ nghe chứ không làm theo lời thầy giáo, thật là phí tiền. Bạn mua về đọc mấy trăm cuốn sách kĩ năng mà cũng chỉ đọc chứ không áp dụng tips nào trong sách, thật là phí tiền.

Vậy nên ngay từ bây giờ, mỗi khi bạn có cơ hội được học một kiến thức mới nào đó, hãy dành thời gian để áp dụng nó ngay lập tức, trước khi bắt đầu một cái khác. Ví dụ cụ thể như thế nào:

  • Mình mà đọc được cái gì đó hay ho, để nhớ thì mình sẽ chọn cách diễn tả lại nội dung đoạn đó trên blog hoặc mở một album review sách, nơi mình viết lại các đoạn mình thích vào đó. Các bạn có thể tham khảo ở đây. Mình nghĩ việc viết lại những gì đã đọc là một cách rất tốt để nhớ nội dung đó.
  • Khi mình xem, nghe hoặc được ai đó dạy cho một cái gì đó hay ho – ví dụ như ‘chân tâm’ trong Phật giáo nghĩa là gì chẳng hạn – để nhớ được mình sẽ đi kể lại cho một ai đó. Ví dụ mình kể lại cho người yêu khi hai đứa ngồi trên xe vi vu với nhau, hoặc mình kể lại cho lớp mình khi mình đứng lớp giảng dạy chẳng hạn. Việc kể lại giống như một cách mình nhớ và dạy lại cho người khác bằng lời của bản thân, cũng giúp mình nhớ lâu hơn.

10. KHI MỚI BẮT ĐẦU, HÃY TẬP TRUNG VÀO SỐ LƯỢNG

Trừ một vài trường hợp đặc biệt, còn với đa số những người khác, chỉ một số ít những gì chúng ta làm ra được mọi người công nhận mà thôi.

Ví dụ bạn thích bóng đá (cái này chắc các bạn nữ không rành) – bạn thích Rooney, bạn có nhớ đến hết số bàn thắng Rooney đã ghi, hay chỉ nhớ một vài bàn nổi bật?

Hoặc bạn thích anh Lee Min Ho đi, bạn có chắc bạn nhớ hết các phim, các chương trình anh ý đóng, hay chỉ nhớ một vài phim nổi bật?

Tương tự với các vĩ nhân mà chúng mình được nghe kể suốt ngày. Picasso trong đời đã vẽ đến mấy nghìn bức tranh, nhưng chỉ có một số trong đó được cả thế giới biết đến thôi (sau này nổi tiếng rồi thì bức nào cũng xịn). Edison có 1900 phát minh trong đời, nhưng mình nhớ nhất vẫn là phát minh ra bóng đèn.

Hoặc không lấy đâu xa, lấy mình làm ví dụ đi. Mình viết cũng được khoảng 200 bài trên blog rồi, mấy trăm cái status nữa, nhưng chỉ có một vài bài trong số đó là nổi bật và có nhiều người đọc thôi.

Vậy nên nếu bạn mới bắt đầu làm gì đó (đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo, vlog, blog gì đó giống mình), khi mới bắt đầu hãy chăm chỉ tạo ra số lượng trước nhé. Dần dần biết đâu một ngày đẹp trời, sẽ bắt đầu có người chú ý đến.

11. CÓ SỐ THÌ MỚI ĐO LƯỜNG ĐƯỢC

Một số bạn đặt ra mục tiêu nhưng ‘không có hứng’ để làm vì đơn giản là các bạn không đo lường được mục tiêu đó.

Ví dụ mục tiêu là ‘Gầy hơn’. Như thế nào là gầy hơn? Giảm 0,1 lạng cũng là gầy, mà giảm 10kg cũng là gầy. Làm sao để biết đạt được mục tiêu?

Hay mục tiêu là ‘Đọc nhiều sách hơn’. Như nào là đọc nhiều hơn? Đọc 1 trang cũng là nhiều hơn rồi, đọc 100 quyển cũng vậy. Đọc 100 tập Doreamon có giống đọc 10 quyển sách kinh điển không?

Vậy nên để mục tiêu có thể dễ dàng thực hiện hơn, bạn hãy cố gắng thêm vào đó một con số. Cách thêm số là học theo phương pháp S.M.A.R.T mình đã viết ở đây.

Ví dụ mục tiêu:

  • Tập gym: Bao nhiêu lần/tuần, bao nhiêu phút/lần?
  • Đọc sách: Bao nhiêu trang/ngày?
  • Giảm cân: Mỗi ngày ăn bao nhiêu calo?
  • Thu nhập: Một tháng tiết kiệm bao nhiêu tiền?

12. NÂNG CAO CHỈ TIÊU

Để mình kể cho các bạn câu chuyện mình đến phòng gym.

Hồi mình mới tới phòng gym, mình nặng 64kg, cao 172cm. Cơ thể vậy là ở mức trung bình, không gầy quá cũng không béo quá.

Khoảng đâu 1 tháng đầu mình tập bài nâng tạ đơn tập ngực với mức tạ 4kg, dần dần cố gắng tăng lên được 6kg. Mình cứ nghĩ là giới hạn của bản thân đến đấy là đủ rồi.

Nhưng sau một tháng, một hôm mình ngồi nhìn những bạn tập bên cạnh. Có những người lùn lùn hơn mình, trông cũng không đô hơn mình là bao, thế mà họ tập bài giống mình toàn nâng tạ 20 – 25kg, trong khi mình được có 6kg.

Thế là ngồi thắc mắc, rồi tự nhủ ‘Người ta làm được mình cũng làm được chứ nhỉ?’. Trong đầu nghĩ như vậy, hôm sau mình quyết định thử mức tạ mới là 10kg. Có vất vả hơn một chút, nhưng mình vẫn nâng thành công.

Bài học ở đây là, môi trường xung quanh sẽ tạo động lực cho bản thân nâng cao chỉ tiêu lên. Vâng, nâng cao thôi nhé, không phải là bắt chước người ta hen.

Ví dụ như trên, vì có động lực khi quan sát những người tập cùng, mình cố gắng nâng lên được từ 6kg lên 10kg. Chứ đừng một cái cố lên 25kg là gãy tay ngay.

Tương tự nếu bạn đang luyện đọc sách, luyện đọc tiếng Anh, hãy thử tham gia các group cũng có nhiều người đọc sách, đọc tiếng Anh để lấy thêm động lực từ những người đó.

Ví dụ đây là một group của mình để các bạn được truyền cảm hứng: https://www.facebook.com/groups/viet100tumoingay/

13. Ở CẠNH NHỮNG NGƯỜI CÓ MỤC TIÊU CAO HƠN MÌNH

Trước tiên các bạn hãy dành thời gian xem video này nhé:

Cái này là một thí nghiệm rất hay nói về tâm lý con người.

Đầu tiên là cho một đống ruồi vào trong một cái lọ. Ban đầu lọ không đậy nắp, ruồi dễ dàng bay ra ngoài. Tuy nhiên sau đó, người ta đậy nắp lọ lại trong một thời gian là 3 ngày. Sau 3 ngày thì mở nắp ra, lúc này tuy nắp đã mở nhưng ruồi cũng không bay ra ngoài nữa. Vì chúng nó đã bị một tâm lý là có ‘rào cản’ ở trên mất rồi.

Như vậy, khi những tụi ruồi con được sinh ra, chúng nó sẽ bị ảnh hưởng bởi ruồi bố mẹ, và không bao giờ bay ra khỏi cái lọ, kể cả khi lọ không hề đóng nắp.

Tuy nhiên, nếu mang một vài con ruồi này sang một cái lọ khác to hơn, nơi có những con ruồi đang bay cao hơn, sau một thời gian, tự nhiên chúng nó sẽ mất đi cái rào cản tâm lý kia, từ đấy bay cao hơn so với khi ở lọ cũ.

 

Tâm lý con người cũng tương tự như vậy. Khi chúng mình ở cạnh những người có mục tiêu cao hơn, tâm tư nguyện vọng nhiều hơn, vô tình chung chúng ta cũng sẽ nâng cao mục tiêu của bản thân lên.

Vì vậy, khi chọn ‘bạn’ để chơi, chọn người để học, rất quan trọng là bạn cần tìm hiểu kĩ về mục tiêu của người đó để có thể lấy đó làm động lực nhé.

Theo anhtuanle.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

786 lượt xem